Huyện Bá Thước: 95 năm hình thành và phát triển
MTXD - Trải qua gần trăm năm lịch sử hình thành và phát triển, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa luôn tự hào về một mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước. Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới, đất và người Bá Thước đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ Việt Nam.
Tự hào mảnh đất gần trăm năm lịch sử
Năm Khải Định thứ 16 (nhằm ngày mùng 3 tháng 8 năm 1928) Triều đình nhà Nguyễn đã quyết định cắt 4 tổng cũ của huyện Cẩm Thủy đang thuộc về châu Quan Hóa để thành lập châu Tân Hóa. Tháng 11 năm 1945 Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đổi châu Tân Hóa thành châu Bá Thước
Tháng 4 năm 1946 các châu của miền núi Thanh Hóa đều được đổi sang huyện (không phân biệt chế độ châu, huyện). Huyện Bá Thước ban đầu thành lập 7 xã, gồm: Quốc Thành, Ban Công, Long Vân, Hồ Điền, Quý Lương, Thiết Ống, Văn Nho.
Hang Dơi kho Mường ở Bá Thước là một điểm đến độc đáo và hấp dẫn cho khách du lịch.
Phát huy lợi thế là xã có phong trào đánh quân xâm lược Pháp từ thời kỳ Cần Vương, quân và dân huyện Bá Thước tiếp tục được khơi dậy tinh thần yêu nước, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc Việt Nam.
Bá Thước giáp với tỉnh Hòa Bình là cửa ngõ nối liền vùng tựu do Thanh, Nghệ, Tĩnh với vùng Đồng bằng Bắc Bộ, căn cứ địa Việt Bắc và chiến trường Tây Bắc. Đây là hành lang quan trọng giữa thủ đô kháng chiến với miền Trung và các tỉnh phía Nam. Đánh giá đúng vai trò của thượng du Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chủ Tịch đã kịp thời gửi thư động viên Nhân dân vùng thượng du Thanh hóa, chỉ đạo tỉnh Thanh Hóa quan tâm đến vùng núi, thượng du với tinh thần: Thượng du thắng là Thanh hóa thắng. Trong thư Hồ Chủ Tịch đã động viên đồng bào thượng du tham gia giết giặc để giữ vững quyền thống nhất, độc lập tổ quốc.
Thực hiện đường lối kháng chiến của Đảng và Chính phủ, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, quân và dân các dân tộc huyện Bá Thước đã sát cánh cùng quân dân cả nước chiến đấu đánh đuổi thực dân Pháp, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thác Muốn với cảnh quan hoang sơ và nước chảy mạnh mẽ, thác nước Muốn tạo nên một khung cảnh đầy ấn tượng.
Kết thúc kháng chiến Thượng Lào ở tỉnh Thanh Hóa đã được Hồ Chủ Tịch trao tặng cờ phục vụ tiền tuyến khá nhất. Ghi nhận sự đóng góp, cống hiến của Nhân dân, các lực lượng vũ trang và cán bộ huyện Bá Thước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhất là thời kỳ chống Pháp, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp” cho Nhân dân và cán bộ huyện Bá Thước. Đây là vinh dự lớn lao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân huyện Bá Thước, đồng thời là động lực to lớn tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ và Nhân dân huyện Bá Thước vững bước đi lên.
Bá Thước trong thời kỳ đổi mới
Bước vào thời kỳ đổi mới, cả nước còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế suy thoái, lạm phát phi mã, sản xuất không đủ tiêu dùng… lại vừa thoát khỏi chiến tranh. Ngoài khó khăn chung của cả nước, Bá Thước còn có những khó khăn đặc biệt khác như thuộc huyện vùng núi cao, địa hình rộng, phức tạp.
Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Pù Luông ở Bá Thước là một điểm đến thiên nhiên tuyệt vời thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ và sự đa dạng sinh học.
Trước tình hình đó, Đảng bộ và chính quyền đã quan tâm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, tìm phương pháp và hướng đi phù hợp, đưa kinh tế huyện nhà bứt phá đi lên. Đặc biệt là đầu những năm thế kỷ XXI lại đây, Đảng bộ và chính quyền đã có nhiều chủ trương, biện pháp đồng bộ, phát huy nội lực, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp trên, khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Hang cá thần Văn Nho là một điểm đến độc đáo và hấp dẫn ở Bá Thước.
Thành quả bước đầu ghi nhận, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 16,1%, gấp 1,25 lần so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 đạt 4.835 tỷ đồng, gấp 1,66 lần năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 31,6 triệu đồng, vượt 5,3% gấp 2,18 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ trọng ngành nông, lâm và thủy sản giảm từ 48,43% năm 2015 xuống còn 39%, ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 17,66% lên 25,5% ngành dịch vụ tăng từ 33,91% lên 35,5% năm 2020.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, do đó Đảng bộ và chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện tăng nhanh, giai đoạn 2016 - 2020 đón trên 171.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế trên 47.000 lượt) gấp 6,04 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, tăng bình quân hằng năm 38,1%.
Mô hình trồng bí đao năng suất.
Trong năm 2023, tổng giá trị sản xuất huyện Bá Thước (theo giá 2010) ước đạt 3.641 tỷ đồng; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 3,85%; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 30,94 triệu đồng tăng 6,98 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ; các nghành dịch vụ, thương mại phát triển nhanh cả về quy mô, chất lương và loại hình dịch vụ, ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của Nhân dân; giá trị sản xuất tăng bình quân 5,12% năm; huy động vốn đầu tư cho phát triển toàn xã hội của huyện luôn vượt kế hoạch của tỉnh giao và huyện đề ra; tổng vốn đầu tư cho phát triển toàn xã hội luôn vượt kế hoạch của tỉnh giao và huyện đề ra; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 5.000 tỷ đồng.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 217 doanh nghiệp; thu ngân sách trên địa bàn luôn đạt kết quả nổi bật, thu nhập năm sau cao hơn năm trước; giai đoạn 2021 - 2023, tỉ lệ tăng bình quân đạt 39,1%. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo; đến nay, toàn huyện đã có 03 xã (15%), 82 thôn (44,8%) đạt chuẩn nông thôn mới; 03 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (1,64%)…
Bùi Thanh – Thanh Hà
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.