Khắc phục tình trạng úng ngập sau mưa
MTXD - Thông thường cứ vào mùa mưa bão, một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đều phải chịu cảnh ngập lụt nghiêm trọng. Đặc biệt, tại Hà Nội, tình trạng ngập úng vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết. Một câu hỏi lớn đặt ra, đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để khắc phục tình trạng úng ngập sau mưa tại Hà Nội?
Khái quát một số vấn đề chúng
Theo ông Hoàng Cao Thắng - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, với những trận mưa nhỏ dưới 50 mm/2h sẽ không xảy ra ngập úng, nhưng với các trận mưa có cường độ từ 50 - 100 mm/2h, Hà Nội sẽ có các điểm ngập úng ở các mức độ khác nhau. Đầu năm 2020, Sở Xây dựng đã rà soát và xác định còn 12/18 điểm úng ngập tại khu vực nội thành. So với năm 2019 Hà Nội đã giảm 4 điểm úng ngập, trong 12 điểm ấy có 6 điểm không giảm được úng ngập là: Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Phùng Hưng, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trường Chinh, Đại lộ Thăng Long…
Đặc biệt, theo số liệu đo được trong 3 năm gần đây như trận mưa lớn chiều 17/8/2020 tập trung ở khu vực trung tâm Hà Nội đã gây ra nhiều khó khăn cho đời sống sinh hoạt bình thường của người dân. Cụ thể, tổng lượng mưa trong ngày ở quận Hoàn Kiếm là 142,6 mm, ở quận Ba Đình là 121,3 mm, ở quận Hai Bà Trưng là 110,2 mm...
Cứ bước vào mùa mưa là điệp khúc "phố biến thành sông" lại tiếp tục được lặp lại, đặc biệt ở cả những khu vực xưa nay ít chịu bị ảnh hưởng bỡi hiện tượng này như khu vực phố cổ, Hồ Hoàn Kiếm. Từ không ngập đến ngập cục bộ, thời gian ngắn và nay là ngập sâu trên diện rộng. Đây là thực trạng rất đáng lo ngại trong nhiều năm qua.
Nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng ngập úng ở các đô thị của Việt Nam, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển hạ tầng, quản lý đô thị đề cập đến nhiều… Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục một cách căn bản.
Một số nguyên nhân chính
Về nguyên nhân, nhiều nghiên cứu cho rằng: Thứ nhất, do quá trình đô thị hóa của Việt Nam nối chung, Hà Nội nói riêng trong thời gian quan diễn ra quá nhanh và sôi động, nhưng chất lượng đô thị hóa chưa cao. Tỷ lệ bê tông hóa ngày một gia tăng làm mất đi nhiều diện tích đất tự nhiên là khoảng trống để chứa, thoát và thấm nước trong mỗi mùa mưa, lũ…
Thứ hai, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có hệ thống thoát nước chưa được quy hoạch bài bản, đầu tư thiếu đồng bộ (do thiếu nguồn lực), hiệu quả thấp… Thứ ba, công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước chưa theo kịp yêu cầu… Thứ tư, sự tác động của biến đổi khí hậu là rất lớn… Thứ năm, chậm áp dụng tiến bộ KHCN và sự tham gia của cộng đồng còn yếu…
Theo PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), vấn đề thoát nước sau mưa phải tôn trọng nguyên tắc “3T” theo kinh nghiệm từ xưa: “T” thứ nhất là “trang”, nghĩa là mưa xuống phải trang rộng ra; “T” thứ hai là “thu”,tức là phải thu lại; “T” thứ ba là “tiêu”, tức là phải có hệ thống kênh mương để nước tiêu đi. Theo đó, cho thấy công tác thoát nước ở Hà Nội hiện đều chưa đảm bảo các nguyên tắc trên.
Giải pháp giảm thiểu tình trạng ngập úng
Về các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tình trạng ngập úng ở các đô thị, trong đó có Hà Nội… cũng đã có rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia trong nước và quốc tế đề xuất. Tuy nhiên, Hà Nội có thể xem xét áp dụng các giải pháp cốt lõi sau:
(i)Về tổng thể, Hà Nội cần rà soát lại quy hoạch chung đô thị (QĐ số1259/QĐ -TTg), trong đó có quy hoạch thoát nước với cái nhìn và tư duy “Thuận thiên” hơn, cần quan tâm hơn tới việc quy hoạch trả lại các khoảng trống, các không gian lớn là lưu vực sông, hồ, vùng đất trũng, thấp là nơi chứa, tích nước, thoát nước có tính tống thể, lâu dài, bền vững. Coi đây là các khu vực hạn chế phát triển đô thị, xây dựng. Đổi lại, đây sẽ trở thành các khu vực sinh thái, cảnh quan… tạo dựng thêm lá phổi xanh cho đô thị Hà Nội.
(ii) Theo đó, cũng cần rà soát lại quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có hệ thống thoát nước trên cơ sở khoa học, thực tiễn và tính khả thị, gắn với quy hoạch chung đô thị Hà Nội đã điều chỉnh theo giải pháp (i). Việc đầu tư, duy tu, bảo dưỡng, xây dựng mới hệ thống thoát nước phải đảm bảo TCQC, quy trình, chất lượng theo quy định của pháp luật.
(iii) Hạn chế tới mức tối đa tỷ lệ bê tông hóa trong đô thị, tăng cường độ thẩm thấu, thoát nước tự nhiên trên bề mặt đô thị bằng các giải pháp như tăng đô che phủ thảm cỏ, vườn hoa, công viên, cây xanh. Loại bỏ giải pháp san lấp ao, hồ, cống hóa để phát triển, mở đường đô thị… Dừng phát triển các khu đô thị mới một cách tràn lan khi hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa theo kịp hoặc không có khả năng đáp ứng.
(iv) Nghiên cứu áp dụng một số kinh nghiệm quốc tế về thoát nước cho Hà Nội, trong đó có kinh nghiệm của Nhật Bản với các giải pháp theo cấp độ: Khẩn cấp; Ngắn hạn - Trung hạn; Dài hạn. Trong đó, cần ưu tiên áp dụng giải pháp chống ngập khẩn cấp trên cơ sở tận dụng các phần đất dưới các khu công viên, vườn hoa, thậm chí cả sân bóng đá, dưới lòng đường để xây dựng các hầm ngầm chứa nước khi mưa xuống (và được bơm hút đổ đi hoặc được sử dụng lại khi cần thiết). Lâu dài có kế hoạch xây dựng hệ thống đường hầm SMART như Nhât Bản đã thực hiện.
(v) Tiến hành xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc và hệ thống cảnh báo ngập toàn diện, tổng thể; thành lập trung tâm Điều hành khẩn cấp (EOC) và kế hoạch điều hành công tác chống ngập;
(vi) Nâng cao chất lượng bộ máy, phương tiện quản lý vận hành hệ thống thoát nước trên phạm vi toàn thành phố phù hợp với môi trường công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;
(vii) Huy động sự tham gia có hiệu quả của cộng đồng; xây dựng chế tài đủ mạnh để răn đe các hành động gây cản trở hoặc làm giảm thiểu năng lực của hệ thống thoát nước như san lấp lưu vực chứa, thoát nước, sông, hồ, ao... xả chất thải, rác thái, đất, cát xuống hệ thống thoát nước chung của thành phố.
Thay cho lời kết
Mỗi năm cứ vào khoảng tháng 7 đến tháng 10, các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, bắt đầu vào mùa mưa, cũng là lúc các tuyến phố nội đô lại tiềm ẩn nguy cơ chìm sâu trong nước. Để hiểu nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp khắc phục tình trạng này đòi hỏi công sức, thời gian, nguồn lực, ý chí chính trị và sự đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp… trên cơ sở khoa học, thuận thiên, kiên định sự tôn trọng cách thức phát triển bền vững, trường tồn của đô thị. Hy vọng một ngày không xa Hà Nội cũng như các thành phố khác của Việt Nam sẽ giảm thiểu được tình trạng úng ngập sau mưa một cách cơ bản và căn cơ nhất.
TS.KTS TRƯƠNG VĂN QUẢNG
Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Lời giải nào cho bài toán chống ngập úng ở Hà Nội? /Qúy Nguhiện)/Kinh tế & Đô thị;
- Giải pháp triệt để chống ngập úng cho Hà Nội và tận dụng nước mưa phục vụ con gười/ TS Nguyễn Xuân Hoàng, Công ty CP Tư vấn xây dựng ACH;
- Báo Kinh tế & Đô thị/ PGS.TS Trần Chủng
- nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng);
- Kinhtedothi.vn ngày 07/8/2016.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.