Khi hoa Mường nở trên đất Trà My

​MTXD - Giữa núi rừng Trà My của Quảng Nam, có một bản người Mường no ấm đủ đầy với những cánh đồng lúa ngả màu vàng óng là bạt ngàn rừng xanh, ghi đậm dấu chân chinh phục của người Mường.

MTXD - Giữa núi rừng Trà My của Quảng Nam, có một bản người Mường no ấm đủ đầy với những cánh đồng lúa ngả màu vàng óng là bạt ngàn rừng xanh, ghi đậm dấu chân chinh phục của người Mường.

Những ngày ly hương

Mấy chục năm trước, khi người Mường đầu tiên đến núi rừng heo hút này, chẳng ai nghĩ rằng sẽ có một ngày nơi đây trở thành quê hương thứ hai của người Mường, nơi níu chân họ và sống trọn vẹn nghĩa tình với đất này. Già Bùi Văn Mớp (80 tuổi) hồi ấy lần đầu tiên đặt chân đến Trà Giang (Trà My, Quảng Nam, nay là huyện Bắc Trà My) để làm cái nghiệp “đi mở đất” như người Mường ở xứ này vẫn bảo thế. Suốt gần 40 năm qua, khi cụ Mớp lần đầu tiên đặt chân đến đất này, dường như núi rừng nơi đây đã ưu ái để mở nghiệp cho cụ nơi xứ người.

Đội cồng chiêng Mường được thành lập và tập dượt chuẩn bị cho những lễ hội của địa phương.

Thủa ấy, những năm cuối 1980, đầu 1990, từ Lạc Sơn (Hòa Bình) già Mớp một thân một mình vào Trà My, thấy đất rừng xứ này và thổ nhưỡng phù hợp, già chọn ở lại đây rồi sau đó đưa cả gia đình vào. Cách đây hơn ba thập kỷ, nơi đây chỉ là một vùng đất hoang, núi rừng bao phủ với đầy rẫy cạm bẫy. Già Mớp là người đầu tiên in dấu chân mở ra một kỷ nguyên mới nơi rừng thiêng nước độc này, biết bao gian nan, thử thách mà già đã vượt qua mới có cơ ngơi như ngày nay. Già Mớp chọn dừng chân ở chốn này rồi một tay khai hoang, mở lối, dựng nhà. Để ổn định cuộc sống ban ngày già ra thị trấn làm thuê kiếm tiền, đến đêm lại băng qua sông trở về khai đất, trồng trọt. Một thời gian ổn định, già Mớp về quê báo tin và đưa vợ con vào đây lập nghiệp.

 Bà Bùi Thị Phú (áo xanh) đang tập đánh chiêng cùng chị em phụ nữ Mường (Trà Giang, Bắc Trà My).

Những ngày ấy, bà Lê Thị Vụ (79 tuổi) vợ cụ Mớp là người dân tộc Kinh, nhưng vẫn quyết theo chồng vào chốn rừng thiêng này để lập nghiệp. Đã từng là thanh niên xung phong từ lúc 16 tuổi, bà Vụ không ngại khổ cùng chồng làm việc quần quật, từ dẫn nước về làng, khai phá ruộng vườn đến trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Hai vợ chồng cứ thế côi cút làm ăn, tạo dựng ruộng nương ngày ngày trên mảnh đất mới. Và rồi, trời không phụ lòng người, những thành quả sau nhiều năm đã được đền đáp khi những ruộng lúa trĩu bông no ấm, những vườn cây trái đơm quả ngọt bán được tiền, căn nhà từ lụp xụp đã được dựng lên khang trang và đủ đầy tiện nghi.

Gần 40 năm qua, sự có mặt của tộc người Mường giữa vùng núi rừng bạt ngàn Trà My đã góp phần tạo nên bức tranh đa sắc.

Cứ thế, khi hay tin vợ chồng già Mớp vào đây lập nghiệp đã có rất nhiều người Mường theo chân. Những gia đình lớn theo già Mớp vào đây như gia đình ông Bùi Văn Chìn cùng vợ và bốn con, gia đình ông Bùi Văn Quyên, hay gia đình ông Bùi Văn Tới... tất cả đã tạo nên một bản Mường với hơn 140 hộ gia đình như bây giờ. Khi những gia đình ấy dắt díu nhau vào Trà My, già Mớp đều đưa về nhà, cho  ăn, cho mặc. Kể cả ruộng đất già khai phá cũng sẵn sàng cho bà con canh tác. Chỉ mong cho tất cả mọi người đều no ấm, yên vui. Có lẽ vì điều đó, người trong bản đều coi già Mớp là người uy tín nhất bản, là già làng, và cũng là “thành hoàng làng” bởi không chỉ có công khai phá, mà còn trân trọng và cảm phục sự giúp đỡ của vợ chồng già Mớp với người làng.

Suốt hơn ba thập kỷ qua, giữa núi rừng Trà My trùng điệp này, một bản làng người Mường trù phú, ấm no với những ngôi nhà sàn kiên cố, đặc sắc nằm ẩn mình dọc theo dòng sông Trường. Đứng trên cầu sông Trường nhìn xuống, bản làng Mường nằm rải rác trên đất Trà Giang đẹp như tranh vẽ. Từ một vùng đất cằn cỗi bây giờ chuyển mình trù phú, phát triển. Bên những cánh đồng lúa ngả màu vàng óng là bạt ngàn rừng xanh, ghi đậm dấu chân chinh phục của người Mường.

Những ngày đặc biệt, mọi người tập trung khá đông, phụ nữ với váy áo trang phục truyền thống giản dị với váy đen, áo trắng, hay màu...

Bản Mường no ấm

Bây giờ, người Mường sinh sống tập trung ở thôn 3 (thôn 6 cũ, xã Trà Giang), với hơn 100 hộ dân. Suốt mấy chục năm qua, cùng với một đời người là một đời cây, khi cộng đồng người Mường đã mang vào đây loài cây lát hoa có giá trị cao và trồng trên những cánh rừng Trà Giang. Cây lát hoa đã mang lại nguồn lợi kinh tế cao giúp người Mường phát triển kinh tế khi nhà ít nhất cũng có vài ngàn cây, nhà nhiều lên đến hàng chục ngàn cây, có cây vài người ôm không xuể. Cạnh đó, rừng cây lá tràm xanh ngát một màu cũng tô một nét mực cho sự vững chãi về kinh tế bản làng. Riêng ông Bùi Văn Tới (ngoài 60 tuổi) và các con có cả nghìn cây lát hoa trồng trên rừng, vườn nhà. Người Mường quý và xem cây như là thứ tài sản để chia cho các con khi tuổi đã xế chiều. Căn nhà sàn ông Tới sống cùng vợ và con cháu cũng là căn nhà đẹp nhất vùng.

Hơn ba thập kỷ, chừng ấy năm có lẽ đã đủ định hình cho một lối sống, văn hóa và sự đa dạng của các dân tộc ở Trà My. Nhưng còn hơn thế nữa, dẫu ở nơi đất lạ nhưng người Mường ở đây vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn văn hóa tộc Mường. Những ngôi nhà sàn với lối kiến trục đậm đà bản sắc, những bộ trang phục truyền thống, những trò chơi dân gian của người Mường, những bộ chiêng và bài chiêng đặc thù của người Mường hòa bình, ngay cả tiếng nói cũng vẫn được cộng đồng nơi đây gìn giữ, làm đa dạng thêm văn hóa của địa phương này. Ngoài cây lát hoa thì nhà sàn chính là bản sắc văn hóa, là hồn cốt quê xứ. Nguyên liệu được sử dụng để dựng nhà sàn là gỗ, thường là các loại gỗ chò chỉ, nghiến, đinh, lát… và nhà có cấu trúc một gian hai chái, hai gian hai chái, ba gian hai chái… Ở bất kỳ hướng cửa sổ nào với người Mường đều được xem rất linh thiêng, là lối dùng để tiễn đưa những người thân sang thế giới bên kia.

Người Mường tại Bắc Trà My đã xây dựng được một cộng đồng với những nét văn hóa đặc trưng.

Bản làng Mường hôm nay thật sự thay da, đổi thịt khi có hàng trăm hộ sinh sống, lập nghiệp. Người Mường yêu thương đùm bọc nhau rất tình nghĩa. Trong mỗi nếp nhà sàn văn hóa truyền thống bao đời vẫn luôn được lưu giữ, phát huy. Dù con cái có đi làm ăn xa, trong làng nhà nào có cưới hỏi là nhất định về tham dự. Trường hợp có ma chay mỗi hộ góp vài ký gạo và ít tiền cả làng chung nhau nghỉ việc, lo toan. Tất cả đều đồng lòng để tạo nên một cộng đồng đoàn kết, văn hóa và đậm đà tình nghĩa.

Ông Lê Văn Bình - Chủ tịch UBND xã chia sẻ, đồng bào Mường nơi đây làm lúa nước, nạn phá rừng đã không còn nữa. Tuy là chốn sơn cùng nhưng nhờ nguồn nước trời có sẵn quanh năm, lại thêm nguồn điện kéo về đến từng nhà, nhờ nhà nước đầu tư hạ tầng, hướng dẫn sản xuất nên cuộc sống đồng bào Mường dần ổn định. Đời sống văn hóa tinh thần từng bước nâng cao, những nét văn hóa đẹp được phát huy, cùng hòa nhập vào nét đẹp văn hóa chung của các dân tộc địa phương. Để giúp bà con người Mường tại địa phương duy trì, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, UBND xã Trà Giang đã hỗ trợ 15 triệu đồng, nhân dân tại đây cũng đóng góp hơn 20 triệu đồng để mua đủ bộ chiêng 12 chiếc. Cùng với việc thành lập Đội cồng chiêng với 45 thành viên, nhằm bảo tồn, phát huy điệu múa cồng chiêng cũng như các bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường đến các thế hệ;  định kỳ tổ chức các buổi sinh hoạt, tập luyện cồng chiêng, tham gia giao lưu, thi đấu cồng chiêng với các đội cồng chiêng Cadong, Cor…; góp phần thực hiện có hiệu quả Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

 Nét đẹp của người phụ nữ Mường ở miền núi Quảng Nam.

Bây giờ, qua cây cầu treo ngang sông Trường, đã thấy ấm áp sự sống. Giữa màu xanh của bạt ngàn núi rừng, nhà cửa san sát, đường làng đã bê tông kiên cố. Người Mường luôn giữ tình hòa thuận, đoàn kết với các tộc người anh em ở đất này. Dù ly hương, những thế hệ người Mường vẫn động viên nhau giữ phong tục, truyền thống của cha ông. Hiện nay, Người Mường cũng thành lập Hội đồng hương, cứ đến dịp 2-9 hằng năm làng Mường sẽ trẩy hội, làm lưu luyến bước chân du khách khi trải nghiệm những tour du lịch cộng đồng tại Trà My, hay tham gia những tour du lịch sinh thái tại thác Ông Thực, thác Năm Tầng..., và đây cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống đáng tự hào của mỗi người dân Mường trong nếp nhà truyền thống.

Bà Trịnh Thị Hồng Nga - Trưởng phòng VH-TT huyện Bắc Trà My cho biết: “Trên địa bàn xã Trà Giang có 15 dân tộc đồng bào anh em sinh sống, riêng ở thôn 3 có 141 hộ người Mường định cư. Những năm qua huyện Bắc Trà My đã chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người. Cụ thể, hỗ trợ mua sắm nhạc cụ, trang phục, xây dựng lại đội cồng chiêng, tạo điều kiện để bà con biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, các trò chơi dân gian tại các lễ hội truyền thống của huyện. Đáng chú ý, huyện khuyến khích bảo tồn những căn nhà sàn truyền thống. Hỗ trợ xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, kết nối điểm du lịch thác Năm Tầng, thác Ông Thực tại làng và các điểm nhà sàn đẹp tại đây với các điểm du lịch khác. Đó cũng là một hình thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người Mường ở trong vùng”.

Tiêu Dao – Thanh Bình

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.