Khi xảy ra thảm họa lớn cần có nguồn quỹ để giải quyết vấn đề cấp bách
MTXD - Chiều 14/2 tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự và xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2022 và tháng 1/2023.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) 2 lần, Tổng Thư ký Quốc hội đã có các thông báo kết luận của UBTVQH về nội dung này.
Dự án Luật cũng đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết của việc xây dựng luật, đồng thời bổ sung nhiều ý kiến xác đáng để hoàn thiện dự án Luật.
Sau Kỳ họp, Ủy ban Quốc phòng, An ninh (UBQPAN) đã phối hợp chặt chẽ với ban soạn thảo, các cơ quan chức năng tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, đã có báo cáo gửi tới UBTVQH về một số nội dung cụ thể. Tuy nhiên, đây là dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong khi các lĩnh vực này đã có các luật chuyên ngành điều chỉnh cụ thể.
Báo cáo về một số nội dung của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Sau kỳ họp, theo chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực UBQPAN đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Theo đó, về ý kiến đề nghị bổ sung vào cuối khái niệm “Phòng thủ dân sự” tại khoản này nội dung “hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nNhân dân, đưa hoạt động kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trở lại trạng thái bình thường”, Thường trực UBQPAN cho rằng, khái niệm “Phòng thủ dân sự” tại dự thảo Luật Chính phủ trình đã kế thừa các quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Quốc phòng năm 2018, đồng thời bổ sung cụm từ “khắc phục hậu quả” vào trước từ “chiến tranh” để thể chế Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Do đó, để bảo đảm tính khái quát, thống nhất trong hệ thống pháp luật, Thường trực UBQPAN đề nghị cho giữ khái niệm Phòng thủ dân sự như dự thảo. Về khái niệm “Sự cố” và “Thảm họa”, Thường trực UBQPAN cho rằng, khái niệm “Thảm họa” tại khoản 3 dự thảo Luật đã được quy định tại khoản 13 Điều 2 Luật Quốc phòng năm 2018.
Các loại “sự cố” hiện đang được quy định gắn với đặc điểm, tính chất của các sự kiện chuyên biệt do các luật chuyên ngành điều chỉnh. Do đó, việc giải thích khái niệm “sự cố” là cần thiết để bảo đảm tính thống nhất chung, đồng thời không trùng với các loại “sự cố” đã được quy định. Thường trực UBQPAN đề nghị cho chỉnh lý lại khái niệm sự cố “là tình huống bất thường do thiên nhiên, dịch bệnh, con người hoặc do hậu quả chiến tranh gây ra có nguy cơ dẫn tới thảm họa”.
Về các dạng thảm họa, sự cố (Điều 5); đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố (Điều 6) và cấp độ PTDS (Điều 21), Thường trực UBQPAN thấy rằng, việc phân loại như dự thảo Chính phủ trình mang tính khái quát, trong khi hai khái niệm“Sự cố” và “Thảm họa” quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 đã thể hiện rõ các nguyên nhân cơ bản của sự cố, thảm họa.
Do đó việc quy định các dạng sự cố, thảm họa ở dự thảo Luật có thể dẫn đến trùng lặp, khó phân biệt, vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bỏ Điều này.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới phat sbieeur tại phiên họp.
Phát biểu trong Phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, so với phiên bản đầu tiên, dự thảo Luật trình lần này đã có bước tiến lớn về nội dung các quy định, đảm bảo chặt chẽ hơn, chất lượng cao hơn. Trưởng Ban Công tác đại biểu đánh giá cao Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tích cực tiếp thu các nội dung được cho ý kiến, nhất là về cấp độ phòng thủ dân sự.
Về khái niệm “phòng thủ dân sự”, Trưởng Ban Công tác đại biểu tán thành với khái niệm được quy định trong dự thảo Luật, theo đó, phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Về nội dung được đề nghị bổ sung thêm vào phần giải thích khái niệm, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng nội dung bổ sung đó đã được luật hóa trong dự thảo Luật tại một số Điều, khoản khác, vì vậy không cần thiết phải bổ sung thêm nội dung đó vào phần giải thích khái niệm “phòng thủ dân sự”.
Về nội dung quy định liên quan đến Quỹ phòng thủ dân sự, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, việc quản lý và sử dụng quỹ này trong thực tế có xuất hiện những vướng mắc, bất cập, chồng chéo. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế cho thấy cần thiết phải có Quỹ này.
Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị cần thiết kế phương án để kết hợp các nội dung của phương án 1, phương án 2 trong báo cáo của UBQPAN, để đưa ra quy định phù hợp, đảm bảo Quỹ này huy động được, quản lý và sử dụng một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, thời gian qua Bộ Tư pháp đã tham gia phối hợp chặt chẽ trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật này.
Bày tỏ đồng tình với các nội dung về kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, Bộ Tư pháp sẽ tham gia ý kiến về một số nội dung mang tính nguyên tắc như các nguyên tắc áp dụng pháp luật, bảo hiểm sự cố, các dạng thảm họa sự cố…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết thời gian qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp chặt chẽ UBQPAN và Bộ Quốc phòng và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Trong đó, nhiều ý kiến góp ý của Thường trực Pháp luật đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, dự thảo Luật lần này được chỉnh lý nhiều nội dung và được làm rõ hơn so với dự thảo trình lần đầu; khẳng định dự thảo luật bám sát chủ trương đường lối của Đảng và các văn bản liên quan về phòng thủ dân sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự năm 2030 năm tiếp theo có nêu một trong những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể là xây dựng Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó chú trọng bổ sung cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chủ trương, chính sách trưng thu, trưng dụng, huy động lực lượng, phương tiện vật chất cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Đặc biệt, trong lĩnh vực phòng chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa sự cố thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm. Qua đối chiếu với yêu cầu này cho thấy dự thảo Luật đã được tiếp thu một bước so với dự thảo ban đầu.
Về giải thích từ ngữ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cơ bản tan thành với giải trình về nội dung giải thích từ ngữ nhất là 3 từ ngữ quan trọng nhất ở trong dự thảo này là phòng thủ dân sự - sự cố - thảm họa.
Liên quan đến cấp độ phòng thủ dân sự quy định tại Điều 5 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng nếu phân định các dạng thảm họa sự cố bằng nguyên nhân dẫn đến thảm họa sự cố do chiến tranh, do thiên tai, do dịch bệnh thì thực tế không có nhiều ý nghĩa. Về đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa sự cố dự thảo Luật gắn luôn với cả phòng thủ dân sự theo từng cấp độ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định như dự thảo Luật lần này là tương đối rõ và cách thể hiện lần này là gọn hơn và dễ theo dõi hơn.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Tổng Tham mưu trưởng, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Phòng thủ dân sự, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các cơ quan thẩm định để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật.
Về nội dung liên quan đến Quỹ phòng thủ dân sự, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bày tỏ nghiêng về phương án 1 và cho rằng việc thành lập Quỹ này là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị.
Về việc thành lập Quỹ trước hay khi xảy ra rồi mới thành lập, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phân tích hoạt động phòng thủ dân sự thì có phạm vi rất rộng, nó liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Một khi đã xảy ra sự cố, thảm họa thì gây ra ảnh hưởng rất lớn.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, nếu có sẵn một nguồn lực trong tay thì sự cố, thảm họa xảy ra, chúng ta có ngay nguồn lực đó để sử dụng thì sẽ giải quyết được vấn đề cấp thiết xảy ra.
Lấy ví dụ thảm họa động đất vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, một thảm họa lớn như vậy nếu không có nguồn được ngay lúc đầu thì khó có thể giải quyết và đáp ứng được. Các quốc gia, các tổ chức quốc tế có viện trợ vào thì cũng phải mất một thời gian chứ không thể có ngay được. Do vậy, Thượng tướng Nguyễn Tân đề nghị nên có một Quỹ thành lập ngay lúc đầu.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, UBTVQH đánh giá cao sự trách nhiệm, nỗ lực, cầu thị của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu dự thảo Luật.
UBTVQH tán thành nhiều nội dung dự thảo Luật sau khi chỉnh lý, các nội dung cơ bản bám sát chủ trương đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết của Bộ Chính trị, các quy định khác của pháp luật, bảo đảm tính khả thi trong thực tế.
UBTVQH cũng đưa nhiều ý kiến liên quan đến nguyên tắc áp dụng, sự thống nhất của dự thảo Luật với các luật khác có liên quan, phạm vi điều chỉnh, về giải thích từ ngữ xây dựng hệ thống công trình, quỹ phòng thủ dân sự, trách nhiệm quản lý nhà nước, bảo hiểm rủi ro, việc huy động, điều động lực lượng, cơ quan chỉ huy…
Theo V.Tôn/Báo Tin tức
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.