Khởi sắc ở vùng biên
MTXD - Vốn là một xã nghèo nơi triền tây Quảng Trị, những nỗ lực của chính quyền và nhân dân nơi đây đã khiến cho vùng đất biên viễn này ngày một khởi sắc, đời sống người dân đã có nhiều đổi thay đáng kể.
Bản làng mang sắc mới
Xã biên giới A Ngo (huyện Đakrông, Quảng Trị) nằm giáp ranh huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) và huyện Sa Muồi (tỉnh Salavan, nước bạn Lào). A Ngo có 7 thôn nằm rải rác trên diện tích rộng với hơn 48km2, với 695 hộ, dân số gần 3.700 người với đa phần là bà con Pa Cô, Vân Kiều. Đời sống người dân nơi đây những năm về trước vô cùng khó khăn.
Không chỉ phát triển kinh tế, người dân A Ngo đã có sự quan tâm đến việc học hành của con em.
Nguồn vốn từ Chương trình 134, 135 hay Chương trình 30a của Chính phủ, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Trên địa bàn đã có hàng chục tuyến đường giao thông được nâng cấp và xây dựng mới bằng bê tông. Các công trình thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt tự chảy được sửa chữa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế được xây dựng mới. Hiện tại tỷ lệ hộ dùng điện đạt 98,5 %. Trên địa bàn xã đã có điểm phục vụ bưu chính - viễn thông, có internet.
Sau khi hoàn thành công tác quy hoạch đất đai, quy hoạch khu dân cư, cùng với ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh và sản xuất, xã thực hiện có hiệu quả các chính sách, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cũng như Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn cũng vào cuộc xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mỗi người dân có ý thức không trông chờ, ỷ lại, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu. Bên cạnh đó, chính quyền xã đã phát động khai hoang, cấp đất sản xuất, hỗ trợ giống cây, giống vật nuôi, mở các lớp tập huấn kỹ thuật với phương thức cầm tay chỉ việc, xây dựng một số mô hình điểm để người dân tham khảo, học tập.
Mô hình dê giống khởi nghiệp của Đồn Biên phòng CKQT La Lay giúp người dân A Ngo phát triển kinh tế.
Người dân đã nỗ lực vươn lên xóa nghèo bằng cách khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tận dụng khai hoang đất bằng trồng lúa nước, mở rộng diện tích ngô, khoai, sắn, phát triển chăn nuôi trâu bò, dê, nuôi cá nước ngọt. Trên địa bàn xã có nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như mô hình trồng ngô lai, mô hình trồng chuối Tiêu hồng, mô hình trồng chuối Mật mốc, mô hình trồng nghệ, mô hình chăn nuôi bò, nuôi dê nhốt, mô hình nuôi ngan đen, mô hình nuôi gà bản... Công tác trồng rừng sản xuất đã được bà con chú trọng quan tâm và đang mang lại nguồn thu nhập chính, ổn định. Đồng thời hàng năm người dân còn trồng hàng chục héc ta rừng, nhận khoán, bảo vệ, chăm sóc hơn 1.400 ha rừng sản xuất và hơn 1.500 ha rừng phòng hộ.
Người dân A Ngo được chăm sóc sức khỏe thường xuyên.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được ban, ngành các cấp quan tâm và phát triển toàn diện, chất lượng dạy và học từng bước được nâng cao, thường xuyên duy trì kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học lên đạt trên 85 %; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 15 %. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, mạng lưới y tế thường xuyên được củng cố từ xã đến thôn bản. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì và ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện, phong trào vệ sinh đường làng ngõ xóm được phát động và duy trì thường xuyên. Công tác xây dựng, di dời chuồng trại chăn nuôi và công trình vệ sinh hộ gia đình đã có sự chuyển biến tích cực. Người dân đã nghiêm túc thực hiện nuôi nhốt gia súc và xây dựng nhà vệ sinh hợp lý để bảo vệ sức khỏe. Chất thải, rác thải được thu gom, xử lý quy mô hộ gia đình...
Để thực hiện xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, trong những năm qua, chính quyền và người dân xã A Ngo đã tích cực duy trì, phát huy những nét đẹp văn hóa lâu đời, đồng thời lồng ghép thực hiện nhiều chính sách, chủ trương mới của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục... và bước đầu đã đạt những tín hiệu khả quan.
Những công trình nước sạch cho đồng bào Pa Cô, Vân Kiều được xây dựng.
Biên viễn sáng tươi
Nằm bên dòng Đakrông hùng vĩ, xã A Ngo đang từng ngày thay đổi. Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển và đói nghèo, lạc hậu đã trở thành quá khứ. Để đạt được những kết quả đó, chính quyền và nhân dân xã A Ngo đoàn kết một lòng phấn đấu vươn lên, duy trì, phát huy những nét đẹp văn hóa của nhân dân. Đồng thời, chính quyền địa phương thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục...
Sự khác biệt phải tính mốc từ năm 2010, khi những dự án đầu tư đường giao thông nông thôn từ Chương trình 135 mở ra và tiếp đó là dự án từ Chương trình nông thôn mới. Sau hơn 10 năm, diện mạo A Ngo bây giờ hoàn toàn khác so với những ngày trước. Đường bê tông sạch sẽ, trường học khang trang, nhiều gia đình có điều kiện xây dựng, sửa sang nhà cửa, sắm sửa ti vi, máy lạnh, xe máy, ô tô... Nhiều cửa hàng tạp hoá, quán tiệm... mọc lên, phục vụ nhu cầu đời sống và giải trí của người dân trên địa bàn. Nhiều hộ vươn lên khá giả nhờ trồng mía, mì, điều, các loại cây ăn trái và buôn bán qua cửa khẩu quốc tế La Lay. Bây giờ không chỉ ô tô vào tận bản mà xe của thương lái có thể vào gần rừng để thu hoạch keo tràm, mía, mỳ cho người dân. Năng suất thu hoạch nhanh gấp 3 – 4 lần trước đây. Từ những dự án hỗ trợ của Trung ương và địa phương, những con đường khác đang được tiếp tục đầu tư hiện đại và thông thoáng, tạo thành nhân tố kết nối phát triển…
Năm 2022, số hộ nghèo, cận nghèo ở A Ngo giảm hơn 30% so với 3 năm về trước; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 17 triệu đồng, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2021. So với 5 năm trước, cuộc sống bây giờ của bà con đã thay đổi rất nhiều. Đến nay, nhiều hộ gia đình ở A Ngo đã dần thoát nghèo và vươn lên làm giàu, có cuộc sống ổn định như hộ ông Hồ Văn Dom hay Hồ Văn Phiên (thôn Kỳ Ne), Hồ Pai (thôn A La), Hồ Văn Hoạt (thôn A Rồng trên), ông Hồ Văn Lăng (thôn A Rồng dưới)...
Tổng dọn vệ sinh "Đường Thanh niên tự quản" tại thôn A Rông Dưới, xã A Ngo.
Bên cạnh đời sống vật chất, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây mới, tạo điều kiện để người dân được vui chơi giải trí, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Không chỉ phát triển kinh tế, nâng thu nhập bình quân đầu người hiện nay lên gần 17 triệu đồng, người dân A Ngo đã có sự quan tâm đến việc học hành của con em. 100% trẻ trong độ tuổi đều được đến trường. Trong năm 2022 vừa qua, tại xã cũng đã có hơn 30 học sinh con em người Pa Cô, Vân Kiều thi đỗ cao đẳng và đại học cả nước. Con số này cao nhất từ trước đến nay và cũng là động lực để các thế hệ tiếp theo cố gắng, là nguồn lực để phát triển quê hương A Ngo ngày một giàu mạnh hơn.
Nụ cười của tình quân dân miền biên giới.
Những ngôi nhà mới trên vùng biên giới heo hút ngày xưa, bây giờ đã vang rộn tiếng cười trẻ nhỏ trong những lớp học khang trang, tiếng người lớn í ới gọi nhau đi làm mỗi sáng và cả tiếng đàn gà lục cục kiếm ăn… Những âm thanh cuộc sống quen thuộc ấy đã tiếp thêm sinh khí cho vùng quê biên giới, đem lại niềm vui cho người dân nơi đây, giúp họ thêm vững tin vào sự phát triển nhờ những chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều hộ gia đình đã bỏ công chăm chút thêm cho mái ấm của mình. Có hộ cơi nới thêm phòng ở hoặc đầu tư lắp mái tôn che mát khoảng sân; có hộ dựng chuồng trại để chăn nuôi gia súc. Phần đất trống phía trước và sau mỗi nhà nay cũng đã xanh ngát các loại rau dền, rau lang, mướp, mồng tơi, đậu bắp v.v... Trước mỗi căn nhà đều có treo cờ Tổ quốc.
“Với đặc thù là một xã miều núi biên giới còn gặp nhiều khó khăn, để đạt được những kết quả như hiện nay là cả sự cố gắng, đồng sức đồng lòng của người dân và chính quyền địa phương. Sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân những năm qua đã có những thành quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, xã A Ngo vẫn còn gặp những khó khăn như sản xuất nông nghiệp còn manh mún và dựa vào các nguồn lực sẵn có, các loại giống mới đưa vào sản xuất vẫn còn thụ động, khả năng tái đầu tư của người dân để duy trì sản xuất còn hạn chế, do đó, hiệu quả nhân rộng mô hình chưa cao... Thời gian tới, địa phương sẽ có những thuận lợi lớn trong việc phát triển đồng bộ, đưa A Ngo trở thành trung tâm phát triển ở biên giới Quảng Trị”, ông Hồ Văn Lập – Phó Chủ tịch xã A Ngo cho biết.
Người dân A Ngo cùng bộ đội biên phòng bàn cách làm giàu.
Cuộc sống của người dân nơi biên giới càng ổn định, sung túc thì công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia ở vùng “phên giậu” càng phát huy hiệu quả. Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã A Ngo đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ cột mốc, đường biên giới Quốc gia. Địa bàn xã có hàng chục km đường biên tiếp giáp nước bạn Lào, người dân các bản làng ở A Ngo vẫn thường xuyên phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Đồn Biên phòng CKQT La Lay trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới. Có thể thấy sự phối hợp thường xuyên giữa Đồn Biên phòng và các lực lượng của địa phương trong các hoạt động tuần tra, canh phòng biên giới cũng như tuần tra nội địa.
Tiêu Dao – Nhuận Mẫn
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.