Khởi sắc từ làng thanh niên lập nghiệp
MTXD - Những ngôi nhà khang trang cất lên dưới những sườn núi tô thắm mảnh rừng phía núi rừng Nam Giang, nơi ấy làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ như điểm son của hy vọng về tương lai.
Từ chập chùng gian khó
Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ (huyện biên giới Nam Giang, Quảng Nam) là một trong 15 làng thanh niên lập nghiệp được Trung ương Đoàn đầu tư trong giai đoạn 2013 - 2020, nhằm thực hiện chương trình của Chính phủ về giãn dân trên đường Hồ Chí Minh. Đồng thời phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ có 60 hộ với khoảng 235 nhân khẩu sinh sống và ổn định đời sống.
Một góc làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ khang trang.
Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ là dự án an sinh xã hội, đa số hộ thanh niên là người dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Năm 2018, làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ được thành lập thời điểm đó, ở làng chưa có gì ngoài cây cỏ và… đất đồi hoang hóa. Đèn dầu, thứ duy nhất có thể chiếu sáng nơi những người trẻ ngày đêm dấn thân và nuôi hy vọng về tương lai. Ngày ấy, những thanh niên về làng lập nghiệp như những người khởi đầu của hành trình gieo mầm trên đá, nơi còn đầy gian khổ chỉ một màu hoang vắng núi đồi.
Về làng, mỗi hộ thanh niên được cấp 600m2 đất (trong đó, 300m2 đất ở, còn lại đất vườn) và khoảng 3.000m2 đất rẫy. Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ có tổng diện tích sử dụng đất 634,64ha, bao gồm đất nông nghiệp, lâm nghiệp và phi nông nghiệp. Tổng nguồn vốn thực hiện dự án hơn 34 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương hơn 22,2 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 11,8 tỷ đồng (trong đó kinh phí bồi thường 5,1 tỷ đồng). Tại đây mỗi hộ được cấp 300m2 đất ở, 300m2 đất vườn, 3 ha đất trồng rừng sản xuất, 3 ha rừng để khoanh nuôi bảo vệ, được hỗ trợ 6 tháng lương thực, hỗ trợ kinh phí di dời 20 triệu đồng/hộ, hỗ trợ chuồng trại con vật nuôi…
Nhiều hộ gia đình đã phát triển kinh tế từ những đàn heo đen.
Qua hơn 5 năm, 60 hộ thanh niên được di dời về Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ đã xây dựng đời sống mới. Để khuyến khích thanh niên làm ăn phát triển kinh tế, Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng hẳn một khuôn viên vườn, chuồng trại quy mô, xây dựng mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi để thanh niên học tập. Những đàn gà, đàn lợn được nhân giống tại chỗ, cung cấp, hỗ trợ cho các hộ gia đình để bước đầu làm ăn.
Vì thanh niên đa phần là người dân tộc thiểu số với nhiều tộc người khác nhau, khi triển khai xây dựng, Tổng đội cấp vốn hỗ trợ để các hộ tự làm nhà ở theo đúng sở thích, tập tục của dân tộc mình, không theo khuôn mẫu cố định như các dự án trước đây. Việc xây dựng làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ là phù hợp với định hướng theo nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển một số dự án lớn ở miền núi.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, các hộ gia đình nơi đây vẫn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Điểm sáng trên vùng rừng núi
Thời điểm làng thanh niên lập nghiệp này thành lập chỉ vừa có vài hộ đến ở. Lúc đó, mọi thứ chẳng có gì. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã khác rồi. Ở vùng tái định cư của làng thanh niên lập nghiệp này, phía sau đồi núi là những căn nhà khang trang, chuồng heo được làm khép kín nhằm tránh gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Gần đó là bể nước và nhà vệ sinh. Làng được đầu tư xây dựng hơn 1 km đường giao thông và gần 1.000 m cống thoát nước, xây dựng hệ thống cấp nước tự chảy, khu trung tâm, đường lâm sinh, chuồng trại chăn nuôi. Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Nam đã phối hợp, huy động nguồn lực, tăng cường các hoạt động xây dựng nông thôn mới tại làng như hệ thống lọc nước, hệ thống điện thắp sáng bằng năng lượng mặt trời, khu sinh hoạt cộng đồng.
Người mới chuyển về ngày càng đông, cuộc sống trở nên nhộn nhịp hơn nên không còn lo nữa. Đầu năm 2021, Tổ hợp tác sản xuất tại làng thanh niên được thành lập, để đảm bảo chuẩn từ đầu vào đến quá trình trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời kết nối tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho làng. Tương lai, sẽ xây dựng trở thành hợp tác xã, đăng ký các sản phẩm đặc trưng để xuất ra thị trường.
Mô hình chăn nuôi heo đen trên đệm lót sinh học được nhân rộng tại làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ.
Những hộ gia đình như Hiên Chưu có trong tay hàng chục con heo, nhiều hộ khác thì trồng thêm keo. Ngày đầu mới về làng, Hiên Chưu có trong tay vỏn vẹn 1 cặp heo nái đang chửa. Sau vài tháng chăm sóc, heo mẹ đẻ hơn chục heo con, thành đàn như bây giờ. Kể từ khi mang heo về nuôi, đây đã là lứa thứ 3 được duy trì chăm sóc. Vợ chồng Hiên Chưu còn nuôi thêm thêm gà, vịt và trồng cây ăn quả, cây keo trên cánh rẫy. Quanh nhà là vườn rau xanh tăng gia và nhiều khi mang bán cũng có tiền. Hay như anh Hồ Xuân Bình, sau khi đi nghĩa vụ phục viên về, Bình tìm tới làng và định cư tại đây. Bình chăm chỉ làm ăn theo mô hình mới. Bắt đầu là trồng cây ăn quả. Sau vài năm, xung quanh nhà Bình toàn vườn cây phát triển tốt. Trong khi chờ thu hoạch, Bình xoay hướng chăn nuôi gà. Vừa nuôi lấy thịt, vừa úm con, chẳng bao lâu, mô hình trồng trọt - chăn nuôi của Bình trở thành nguồn cung ứng chủ yếu cho người dân trong vùng.
Hay như Arất Bước đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại làng. Hơn 5 năm trước, Bước cùng vợ là Bloong Thị Vàng là một trong số 20 hộ dân đầu tiên xung phong lên lập làng. Lên đây định cư, được hỗ trợ tiền để làm nhà, có vốn làm ăn, lại được hướng dẫn cách trồng trọt chăn nuôi, đến nay vợ chồng Bước đã có thu nhập ổn định. Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình Bước là một điển hình của làng thanh niên. "Làng mới có mặt bằng rộng rãi, thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Vị trí của làng cũng gần trung tâm huyện nên người dân dễ dàng đưa những sản phẩm nông sản ra chợ tiêu thụ, việc học hành của con trẻ nhờ đó cũng được thuận lợi hơn trước đây!", anh Bước tâm sự.
Nhiều hộ gia đình của làng đã có nguồn thu nhập ổn định, với mức bình quân 40 – 50 triệu đồng/người/năm. Đây là mức thu nhập khá, nhiều người ngày đầu lên làng không dám nghĩ tới. Điều đáng mừng là thanh niên trong làng không chỉ cần cù, siêng năng làm ăn phát triển kinh tế, mà còn hết sức giúp đỡ, hỗ trợ và học tập lẫn nhau trong cuộc sống.
Ở giữa làng, sân bóng đá mini được xây dựng cách đây ít năm, tạo không gian vui chơi, sinh hoạt cho cộng đồng. Làng đã xây dựng cổng chào, khu vui chơi cho thanh thiếu nhi, tuyến đường nội bộ thắp sáng năng lượng mặt trời… hiện nay màu xanh của cây cối, hoa màu đã phủ khắp các khu vườn trong làng. Sự đổi thay đang hiện hữu từng ngày dưới bàn tay lao động hăng say của những đôi vợ chồng trẻ. Các hộ dân trong làng cũng nhân rộng mô hình nuôi gà thả đồi, hướng tới thành lập tổ hợp tác để đăng ký tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP”. Cùng với việc phát triển sản xuất, Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ cũng từng bước xây dựng nếp sống văn hóa mới, các thành viên trong làng cam kết gương mẫu chấp hành pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội, không lạm dụng rượu bia.
Nhiều thiết chế văn hóa cũng được đầu tư xây dựng như khu vui chơi trẻ em, sân bóng đá mini...
Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, và cuối năm 2021, chính làng cũng đã được chọn là nơi để tổ chức chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nhằm thúc đẩy phát triển mô hình tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) trong thanh niên và là một trong 18 mô hình THT, HTX tiêu biểu trong thanh niên ở 9 địa phương trong tỉnh. Và Tỉnh đoàn Quảng Nam cũng đề xuất UBND tỉnh cho phép xây dựng đề án phát triển Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ trở thành mô hình kiểu mẫu, phát triển bền vững, hiệu quả.
Để Làng thanh niên phát triển bền vững, Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam cũng đã tiến hành hỗ trợ cho các hộ thanh niên nhiều các hạng mục khác để việc phát triển kinh tế của các hộ dân được đảm bảo bền vững, luôn đồng hành với các hộ trong làng nhiều năm nữa để thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng làng trở thành một khu dân cư nông thôn kiểu mẫu ở khu vực miền núi của tỉnh.
Ông A Lăng Tân, Chủ tịch UBND TT Thạnh Mỹ (Nam Giang, Quảng Nam) cho biết: “Nhiều công dân ở làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ, tỉnh Quảng Nam tràn ngập niềm vui bởi những thành quả lao động mà họ dày công vun xới đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Đó là những mô hình kinh tế bền vững, mang lại thu nhập cao, là những cơ hội để biến vùng đất khó thành miền đất hứa, xây dựng làng thanh niên lập nghiệp theo hướng bền vững.”
ĐỨC CẦN – ĐỨC HUẤN
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.