Không để di tích xuống cấp trầm trọng, Quảng Ngãi cần bảo vệ khẩn cấp

​MTXD - Nhiều di tích lịch sử, văn hóa của Quảng Ngãi hiện đang chịu chung thực trạng đáng buồn là bị xuống cấp nghiêm trọng do thời gian tàn phá nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để trùng tu, bảo vệ.

MTXD - Nhiều di tích lịch sử, văn hóa của Quảng Ngãi hiện đang chịu chung thực trạng đáng buồn là bị xuống cấp nghiêm trọng do thời gian tàn phá nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để trùng tu, bảo vệ.

Nguy cơ di tích trở thành phế tích

Tỉnh Quảng Ngãi có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, trong đó nhiều di tích được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, đến ngày 30/8/2022, toàn tỉnh có 254 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; trong đó có một di tích Quốc gia đặc biệt, 32 di tích cấp Quốc gia, 153 di tích cấp tỉnh, 69 di tích có Quyết định bảo vệ và đăng ký bảo vệ.

Chiếc xe tăng M48 của Mỹ bị quân giải phóng bắn cháy trong quần thể di tích Vạn Tường bị xuống cấp nghiêm trọng.

Hiện nay, những mảng tường bong tróc, đòn kèo, cột gãy, chờ sụp đổ, nhiều hiện vật bị phơi với mưa nắng dẫn tới tình trạng xuống cấp trầm trọng là thực trạng đang diễn ra ở các di tích đã được xếp hạng tại tỉnh Quảng Ngãi.  Ngoài sự tác động của thời gian, việc không được duy tu, bảo dưỡng, quản lý đã khiến hàng loạt di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia tại tỉnh Quảng Ngãi xuống cấp nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ trở thành phế tích, gây khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.

Tại Thắng cảnh núi Phú Thọ (còn gọi là núi Đá, núi Thạch Sơn ở xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 1993 từng là một trong những thắng cảnh nổi tiếng ở khu đông của tỉnh. Ngọn núi đá cao hơn 60m so với mực nước biển, có nhiều khối đá granit to xếp chồng lên nhau như thạch trận, xen lẫn với cây cổ thụ. Nơi đây vẫn còn phế tích thành Bàn Cờ do người Chămpa xây dựng vào khoảng thế kỷ IX–X. Trên mặt thành có tháp Chăm. Tuy nhiên, đến nay di tích này đã bị xâm lấn nghiêm trọng. Ngọn núi trở thành nghĩa địa với hàng chục ngôi mộ, xung quanh cây dại mọc um tùm. Các bia tự, vết tích thời xưa trên núi đã hư hỏng và có nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Nhiều người thiếu ý thức viết, vẽ bậy trên di tích

Ông Trịnh Thế Dũng (66 tuổi) ở xã Nghĩa Phú từng mở quán bán nước cho du khách đến tham quan di tích Núi đá Phú Thọ cho biết, trước đây, cảnh đẹp ở đây ai cũng muốn đến một lần thưởng ngoạn. Từ trên ngọn núi, du khách có thể ngắm nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn nơi sông hòa vào với biển. Nhưng 10 năm nay, di tích bị bỏ hoang. Mồ mả chôn cất khắp nơi, không còn ai dám đến đây nữa. Khu vực này đã và đang trở thành khu nghĩa địa, các bia tự, vết tích thời xưa trên núi đã hư hỏng và có nguy cơ biến mất. Đất di tích trong vùng được bảo vệ đã bị chia năm, xẻ bảy để phân lô, phục vụ việc mai táng tại địa phương. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, nhưng không được giải quyết triệt để.

Cùng với đó, quần thể di tích Chiến thắng Vạn Tường (xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn) được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1982. Quần thể di tích Chiến thắng Vạn Tường do Ủy ban nhân dân huyện Bình Sơn quản lý và chịu trách nhiệm bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị của di tích. Tuy nhiên, nhiều hạng mục đều đang hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thế nhưng Di tích Chiến thắng Vạn Tường dường như đang bị bỏ quên. Bên trong hiện ra khung cảnh nhếch nhác, các hạng mục xuống cấp và chi chít những chữ viết bậy trên xác xe tăng Mỹ tại điểm di tích Chiến hào thép Lộc Tự. “Di tích không được duy tu, bảo dưỡng, quản lý, không có hàng rào khoanh vùng bảo vệ nên ngày càng hư hỏng, xuống cấp, về lâu dài tôi e ngại sẽ mất đi di tích này không còn để lại cho con cháu mai sau. Chiếc xe tăng nay bị rỉ thành sắt vụn, thanh thiếu niên đến tự do ăn chơi xả rác, ghi những dòng chữ “bậy” ở khu vực di tích”, một người dân địa phương cho biết.

Di tích quốc gia Chiến thắng Vạn Tường không có hàng rào bảo vệ.

Tương tự, tại Đình Lâm Sơn (thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) là Di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh và tại đây có cây đa hơn 300 năm tuổi được công nhận cây Di sản Việt Nam năm 2014. Thế nhưng, trải qua hàng trăm năm xây dựng, tu sửa, sử dụng, ngôi đình này đang xuống cấp trầm trọng. Ông Đoàn Pháp Luật (72 tuổi, người trông nom đình Lâm Sơn), kể rằng, đình Lâm Sơn được xây dựng vào khoảng thời vua Gia Long (1802-1820), lúc đó các cụ trong 3 chi phái trong vùng sung ruộng đất cho làng để xây dựng đình, chùa. Đình Lâm Sơn cũng là nơi phụng lĩnh 7 đạo thần sắc của các triều vua phong tặng. Trong thời gian chiến tranh, đình bị cháy, đến năm 1973 thì người dân bắt đầu sửa chữa, xây dựng lại đình. Cho đến bây giờ, đình này cũng xuống cấp trầm trọng.

Tại huyện Nghĩa Hành còn có di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ (tổ dân phố Phú Bình Đông, thị trấn Chợ Chùa). Nơi đây từng là nơi làm việc, đến công tác của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng, đồng chí Phạm Văn Đồng. Di tích đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia năm 1994. Đến nay, một số hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng. Ngoài huyện Nghĩa Hành, các di tích tại các huyện, thành phố cũng xảy ra tình trạng xâm hại, lấn chiếm, như: Điểm khởi nghĩa Ba Tơ, hay địa danh Trường Lũy tại thị trấn Trà Xuân và các xã Trà Phú, Trà Sơn, Trà Bình, Trà Tân, Trà Bùi (huyện Trà Bồng) bị người dân lấn chiếm trồng keo; Di tích vụ thảm sát Tân An (huyện Mộ Đức) bị lấn chiếm đào hồ nuôi tôm; di tích thắng cảnh suối Huy Măng do phần lớn chưa có ranh giới rõ ràng nên bị người dân lấn đất… Bên cạnh đó, một số di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh bị xâm lấn, “bỏ quên” dẫn đến nguy cơ xuống cấp, thậm chí là hủy hoại. như thắng cảnh Ba Làng An (ở xã Bình Châu, Bình Sơn) bị lấn chiếm để xây hàng quán, bê tông hóa nhiều năm liền vẫn chưa được xử lý.

Di tích Thắng cảnh núi Phú Thọ trở thành nghĩa địa. Các bia tự, vết tích thời xưa trên núi đã hư hỏng và có nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Cần có những giải pháp khẩn cấp bảo vệ di tích

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, Quảng Ngãi hiện có 254 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Qua rà soát, chỉ có 98 di tích được cắm mốc giới, 41 di tích được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua rà soát, chỉ có 98/254 di tích được cắm mốc giới, 41/254 di tích được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khoảng 50/254 di tích bị lấn chiếm, xâm hại, trong đó có cả những di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia và Quốc gia đặc biệt. Hiện nhiều di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.

Đối với di tích Núi đá Phú Thọ, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Trà Thanh Danh cho biết, TP đã chỉ đạo UBND xã Nghĩa Phú tăng cường quản lý và tuyên truyền, vận động người dân địa phương không mai táng người thân trên núi. Tuy nhiên, từ xã Nghĩa Phú đến nghĩa địa ở xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa) khá xa nên người dân gặp khó khăn về chi phí mai táng, thăm viếng, chăm sóc mộ của người thân. Với quần thể di tích Chiến thắng Vạn Tường, ông Phạm Quang Sự  Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Binh Sơn cho biết, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin xây dựng đề án trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn. Dự kiến, huyện đề xuất sẽ trùng tu, tôn tạo trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Trước đó, nhiều địa phương cũng đã có những báo cáo về việc các di tích bị xuống cấp, đến ngày 14/1/2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ban hành Quyết định số 51/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích  lịch sử - văn hoá, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Giai đoạn 2026 – 2030, sẽ thực hiện trùng tu, tôn tạo một số hạng mục xuống cấp gắn với phát triển du lịch đối với di tích quốc gia Núi đá Phú Thọ và Cổ Luỹ Cô Thôn. Kinh phí dự kiến 15 tỷ đồng.

 Tháng 2/2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cùng đoàn kiểm tra Di tích trên địa bàn huyện Nghĩa Hành. (ảnh Nhị Phương)

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết,  “UBND tỉnh Quảng Ngãi có ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Vừa qua, Sở VH-TT-DL đã tham mưu UBND tỉnh đi khảo sát trực tiếp các di tích, trong đó một số di tích xuống cấp nghiêm trọng để có kế hoạch tôn tạo, bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn; qua đó, lưu giữ nét văn hóa truyền thống quê hương Quảng Ngãi”.

Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ngãi gặp khó khăn khi kinh phí đầu tư cho trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích còn hạn chế, chưa tương xứng với quy mô của di tích, đặc biệt hoặc di tích quốc gia. Nhiều di tích đã được xếp hạng, nhưng chưa được đầu tư kinh phí để phục hồi, tu bổ. Từ năm 2018 đến nay, hàng năm, ngân sách cấp tỉnh bố trí từ 1,5 - 3 tỷ đồng để thực hiện trùng tu, tôn tạo, bảo quản định kỳ các di tích có nguy cơ xuống cấp và bị hủy hoại. Nguồn kinh phí này không đủ để thực hiện trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích được xếp hạng. Hiện nay, Quảng Ngãi cũng chưa có dự án đầu tư lớn về du lịch, vì đầu tư cho du lịch gắn với di tích phải qua nhiều thủ tục quản lý nhà nước, rủi ro cao, chậm thu hồi vốn, không hút được các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian tới ngành văn hóa tỉnh Quảng Ngãi sẽ đánh giá lại một số di tích quan trọng như: Văn hóa Sa Huỳnh, Lý Sơn, di tích quốc gia đặc biệt Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ,…để quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi. Qua đó, làm cơ sở cho việc định hướng phát triển lâu dài cũng như kêu gọi các nhà đầu tư gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng các di tích, di sản của tỉnh để xây dựng các tuyến du lịch theo từng loại hình, tạo được đặc trưng riêng của Quảng Ngãi.

Tiêu Dao

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.