Không gian xanh trong nắng vàng đất nhãn

Về thành phố Hưng Yên vào những ngày cuối thu, chúng tôi có dịp cảm nhận rõ không gian xanh-sạch-đẹp của một đô thị hiện đại nhưng vẫn mang nhiều dáng dấp của vùng đất phố Hiến xưa. Với hơn 40ha diện tích công viên, vườn hoa, công trình công cộng có thảm hoa, cây xanh, đó thực sự là những lá phổi trong lành giữa phố thị tấp nập. Đi xa hơn, tới các vùng quê thanh bình, chúng tôi cũng gặp nhiều mô

     MTXD-  Về thành phố Hưng Yên vào những ngày cuối thu, chúng tôi có dịp cảm nhận rõ không gian xanh-sạch-đẹp của một đô thị hiện đại nhưng vẫn mang nhiều dáng dấp của vùng đất phố Hiến xưa. Với hơn 40ha diện tích công viên, vườn hoa, công trình công cộng có thảm hoa, cây xanh, đó thực sự là những lá phổi trong lành giữa phố thị tấp nập. Đi xa hơn, tới các vùng quê thanh bình, chúng tôi cũng gặp nhiều mô hình xanh-sạch-đẹp với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cùng nhiều mô hình tự phát của người dân các địa phương...

Check in bên cánh đồng hoa cúc chi

Từ những khoảng xanh trong thành phố...

       Dạo quanh công viên hồ Bán Nguyệt, nhóm chúng tôi được anh bạn “thổ công” là cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chỉ dẫn, giới thiệu chẳng khác một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Anh bảo rằng, nước hồ Bán Nguyệt luôn xanh trong và chưa bao giờ cạn. Nói rồi anh tóm tắt về cảnh sắc bốn mùa ở nơi này: “Mùa xuân, liễu quanh hồ buông rủ như mái tóc thiếu nữ, cây gạo cổ thụ rụng xuống những đóa hoa đỏ thắm. Mùa hạ, ve sầu râm ran, tán phượng xanh rì điểm từng chùm rực rỡ, bằng lăng tím thẫm, buông cánh mỏng rơi xuống mặt hồ. Mùa thu, mùa đông, dù không có hoa nở, công viên hồ Bán Nguyệt vẫn đẹp lạ lùng bởi những tán lá bàng đỏ, nổi bật giữa màu nước, màu trời...”.

Quả thật, qua lời kể của anh bạn và nhìn những con đường phẳng phiu uốn lượn theo vòng hồ, những thảm cỏ mềm được cắt tỉa gọn gàng, chúng tôi như muốn bước chậm hơn để được hưởng không gian thanh sạch nơi đây. Nằm yên ả chính giữa lòng Phố Hiến, làn nước trong vắt của hồ in bóng hai hàng cây xanh bên bờ tạo thành một khung cảnh hết sức nên thơ. Nhất là khi hoàng hôn buông xuống, mặt nước như được nhuộm vàng bởi ánh nắng cuối ngày. Hồ Bán Nguyệt mang trong mình nét thơ mộng nhưng lại không kém phần tâm linh, bởi hồ nằm ở một vùng đất linh thiêng với nhiều đền, chùa, miếu, đình. Đặc biệt là Đền Mẫu thờ Dương Quý Phi và Đền Trần thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Vẻ đẹp thanh bình của hồ Bán Nguyệt, TP Hưng Yên.

          Cách đó không xa, một điểm nhấn trong không gian xanh của thành phố Hưng Yên là Quảng trường Hưng Yên. Nơi đây có diện tích rất rộng và nhiều cây xanh. Khu vực này ít xe cộ, phần lớn chỉ có xe đạp chạy qua. Vào mỗi buổi chiều, nơi đây lại náo nức với những cánh diều của các em nhỏ. Không chỉ vậy, khu vực này còn là nơi sinh hoạt, tập thể dục của người dân xung quanh. Những hàng cỏ được cắt tỉa hình thù đẹp mắt đã tạo cho nơi này những điểm nhấn thú vị. Du khách có thể tới đây và ghi lại những bức ảnh hết sức ưng ý. Đặc biệt, vào dịp Tết hằng năm, tại Quảng trường thường diễn ra cảnh bắn pháo hoa tuyệt đẹp.

                                           ​Quảng trường Nguyễn Văn Linh (TP Hưng Yên)

Chúng tôi tới thưởng ngoạn một khoảng xanh khác trong lòng thành phố Hưng Yên, đó là công viên Nam Hòa. Công viên còn được gọi là công viên đảo cò vì giữa hồ Nam Hòa có một đảo nhỏ nổi lên, cây cối um tùm rậm rạp, là nơi trú ngụ của cò, vạc. Hằng ngày, từng đàn cò, vạc chíu chít trên đảo. Với người dân sinh sống quanh hồ, mỗi sáng, mở cửa nhìn ra là như thấy cả thiên nhiên mộc mạc quê nhà ùa vào tầm mắt, nghe được tiếng lá cây xào xạc, tiếng chim chóc ríu ran.

          Được biết, theo Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của thành phố Hưng Yên, thành phố quy hoạch hơn 26ha cho khu vui chơi giải trí và công viên; gần 20ha cho hồ điều hòa, với hàng chục công trình đăng ký mới và chuyển tiếp. Riêng năm 2021, thành phố đã có quyết định phê duyệt dự án xây dựng khu vui chơi giải trí công viên Nam Hòa, bố trí vốn năm 2021 là 3 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục như: Tạo cảnh quan, trồng cây, lắp đặt thiết bị vui chơi ngoài trời cho thiếu nhi... Để chăm sóc hơn 40ha công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm hoa..., thành phố thường xuyên duy trì hàng chục lao động vào việc chăm sóc hoa, cây xanh. Các loại cây và hoa phải được trồng phù hợp để quanh năm luôn có màu xanh cây lá, có các loại hoa nở theo mùa, tạo cảnh quan đẹp mắt

Không gian xanh của Chùa Chuông (TP Hưng Yên)

... đến những đường hoa và các mô hình xanh-sạch-đẹp

          Tạm biệt thành phố Hưng Yên, chúng tôi tới một điểm du lịch được rất nhiều bạn trẻ săn đón vào dịp giáp Tết. Đó là cánh đồng hoa Cúc Chi tại huyện Văn Lâm. Vào những ngày giữa tháng 12, cánh đồng hoa nở rộ, bừng sáng cả một vùng trời. Những bông hoa nhỏ vàng óng nở căng trong nắng để khi nhìn từ xa, cánh đồng như một dải lụa vàng quyến rũ. Không khí ở đây cũng rất trong lành, hoa Cúc Chi không thơm nồng nhưng hương đưa thoang thoảng trong gió làm du khách cảm nhận được sự dễ chịu bình yên.

         

 Vẻ đẹp của cánh đồng hoa cúc chi ở xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên 

Cách đó không xa là làng nghề hoa Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên), Xuân Quan được gọi là “làng hoa trẻ” vì "sinh sau đẻ muộn" so với các làng hoa truyền thống ở Hà Nội như Tây Tựu, Nhật Tân, Quảng Bá,... Chính vì "trẻ" nên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Quan luôn có cách đi riêng. Với sự thay đổi trong tư duy, đón đầu xu hướng mới đã giúp nhiều nông dân thu được “trái ngọt”, khẳng định tên tuổi làng hoa Xuân Quan. Nhằm nâng cao thương hiệu, HTX không ngừng hướng đến môi trường xanh để trở thành điểm du lịch hoa-sinh thái cho người dân Thủ đô và các vùng lân cận.

          Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc HTX Xuân Quan, chia sẻ: “Năm 2004, sau khi bàn giao đất để triển khai dự án Khu đô thị Thương mại, Du lịch Văn Giang và đường giao thông liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, bà con trong xã được chủ đầu tư dự án hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Người dân được đi học nghề để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ vậy từ một xã nghèo của huyện Văn Giang, cuộc sống ở Xuân Quan nhanh chóng thay da đổi thịt”. Theo ông Hiếu, điểm khác biệt ở Xuân Quan là các hộ đã không chọn hoa cành để sản xuất như nhiều làng hoa khác mà chọn hướng đi riêng như: Hoa chậu, hoa giỏ treo, hoa thảm, cây trang trí nội ngoại thất,... Năm 2018, Xuân Quan vinh dự được đón bằng công nhận làng nghề trồng hoa cây cảnh, khẳng định thương hiệu và mở ra hướng phát triển bền vững. Hiện, nghề trồng hoa, cây cảnh ở Xuân Quan thu hút hơn 1.000 hộ gia đình trong xã tham gia. Theo tính toán của Ban giám đốc HTX, thu nhập bình quân trung bình từ 80-100 triệu đồng/người/năm, đạt gần 2 tỷ đồng/ha sản xuất kinh doanh, gấp 20 lần so với trồng lúa.

          Khi được hỏi: “Để hướng đến “làng nghề xanh”, HTX phải làm những gì?”, ông Hiếu cho biết: HTX đứng ra đầu tư và khai thác dịch vụ thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, giúp làng quê luôn sạch theo chuẩn tiêu chí môi trường nông thôn mới. Bên cạnh đó, hằng năm, HTX còn tiến hành nạo vét, trục vớt bèo, khơi thông dòng chảy trên các kênh mương nội đồng, bảo đảm tưới, tiêu kịp thời cho các hộ sản xuất. Đồng thời, HTX hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, đúng cách, đúng liều lượng và thành lập tổ diệt chuột 2 vụ/năm đảm bảo cây trồng không bị phá hoại. Hơn nữa, tổ chức hội, đoàn thể cùng HTX thường xuyên mở các lớp tập huấn, tuyên truyền chuyển giao khoa học-kỹ thuật về sản xuất hoa, cây cảnh, phân bón hữu cơ, giá thể trồng hoa... mang lại hiệu quả kinh tế cao, xây dựng môi trường làng nghề xanh, thân thiện.

          “Hiện thực hóa ý tưởng gắn trồng hoa với du lịch sinh thái, HTX chú trọng đến hoạt động bảo vệ môi trường, đưa công nghệ sản xuất phân hữu cơ vào sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí, tạo môi trường xanh. Hơn nữa, HTX xây dựng chuỗi liên kết tour du lịch gồm: du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh nhằm quảng bá, khẳng định thương hiệu làng hoa, cây cảnh Xuân Quan”, đó là những định hướng trong thời gian tới được Giám đốc Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ.

Đề cập đến chuyện trồng hoa, tới Hưng Yên, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi được giới thiệu về việc triển khai xây dựng tuyến đường hoa của phụ nữ xã Thành Công, huyện Khoái Châu. Từ tháng 10 năm 2017 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thành Công đã triển khai xây dựng được 21 tuyến đường hoa, với tổng chiều dài 9km, trung bình mỗi đường hoa dài từ 300-400m, trong đó, nổi bật là tuyến đường hoa kiểu mẫu dài cả cây số ở thôn Hương Quất 1, được các chị em ví như “con đường hoa trong truyện cổ tích”.

Chia sẻ về tuyến đường này, bà Lê Thị Thiều, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hương Quất 1, cho biết: “Trước đây, tuyến đường này rất nhiều rác thải, bụi rậm, nhiều cỏ, hơn nữa tình trạng người dân vứt rác vô ý thức ra đây cũng rất phổ biến. Tuy nhiên, từ ngày có tuyến đường hoa đẹp như thế này, nhân dân và hội viên rất phấn khởi. Việc vứt rác thải ở gốc cây hay vệ đường đã không còn nữa vì mọi người ai cũng nghĩ rằng mình phải cùng bảo vệ đoạn đường hoa”.

Vẻ đẹp của Làng Nôm-chùa Nôm (xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên)

          Đằng sau con đường hoa đẹp đẽ là không ít sự vất vả của bà Thiều và phụ nữ trong thôn. Những người đi làm ăn xa được bà Thiều vận động quyên góp kinh phí để mua giống, mua phân bón. Còn đối với những người lao động gần nhà thì bà vận động tham gia đóng góp ngày công, đi dọn cỏ, trồng hoa, tưới nước, bón phân cho hoa. Bà Thiều kể: "Từ khi những đoạn đường hoa được hình thành, người dân đã cảm nhận được những hiệu quả tích cực mà mô hình này mang lại. Họ nhìn nhận mô hình đường hoa của chị em rất thiết thực đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp".

          Để duy trì và phát huy những kết quả tích cực trên, trong thời gian tới, Hội LHPN xã Thành Công ưu tiên chú trọng việc tuyên truyền, vận động hội viên tham gia đóng góp, các nhà hảo tâm ủng hộ để có kinh phí mua giống, phân bón chăm sóc và ngày càng mở rộng nhiều hơn nữa các con đường hoa trên địa bàn.

          Tạm biệt những đường hoa bắt mắt, chúng tôi về xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên), một trong những địa phương được Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên chọn để xây dựng bể thu gom, xử lý vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Qua 6 năm triển khai, mô hình đã góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế ô nhiễm, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Đi trên cánh đồng thôn Phương Thông, xã Phương Chiểu vào thời điểm ruộng lúa đang xanh tốt, gặp bà Trần Thị Luyến, người dân thôn Phương Thông, chúng tôi được bà cho biết: “Gia đình tôi canh tác lúa lâu năm trên cánh đồng này. Mỗi vụ lúa thường sử dụng rất nhiều thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Trước đây, theo thói quen nên cứ pha thuốc ở đâu là vứt vỏ chai, vỏ bao bì thuốc ở đó, có khi là bờ mương, bờ ruộng... Bây giờ, sau khi được chính quyền, các ngành chức năng, đặc biệt là Hội Nông dân xã tuyên truyền, chúng tôi hiểu rõ tác hại của vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường và sức khỏe con người sau khi thải ra môi trường. Từ đó nâng cao ý thức, chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường nông thôn. Hiện ở xã có bể thu gom vỏ chai, bao bì thuốc nên sau khi phun thuốc xong, chúng tôi đều đem bỏ vỏ chai, bao bì vào bể, đúng nơi quy định”.

Xã Phương Chiểu được Hội Nông dân tỉnh đầu tư, xây dựng 10 bể chứa vỏ bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật. Các bể chứa được xây dựng ở vị trí thuận tiện đường giao thông, xa nguồn nước, xa khu dân cư, không ảnh hưởng môi trường xung quanh. Nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, xã Phương Chiểu thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, đồng thời in ấn, cấp phát tờ rơi, tờ gấp có nội dung bảo vệ môi trường, tác hại của vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi thải ra môi trường, khuyến cáo, hướng dẫn bà con trong xã thu gom, bỏ rác thải thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định. Từ khi triển khai mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, hội viên nông dân đã có sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, nâng cao ý thức trách nhiệm, chung tay cùng địa phương gìn giữ, bảo vệ, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Ở huyện Phù Cừ cũng có một mô hình và cách làm sáng tạo, khuyến khích người dân tự thu gom phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng hình thức xây hố (bể chứa); vật liệu xây dựng gạch, xi măng, cát huyện hỗ trợ là 150.000 đồng/hố; xã hỗ trợ công xây hố; các hộ gia đình tự chế nắp đậy. Mô hình đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo người dân.

Theo đánh giá của huyện Phù Cừ, mỗi ngày trên địa bàn huyện phát sinh khoảng 40 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, rác thải hữu cơ chiếm tỷ lệ 65%-80% tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh. Xác định việc xử lý rác thải hữu cơ ngay tại nguồn chính là biện pháp hữu hiệu để giảm phát thải rác sinh hoạt và bảo vệ môi trường, huyện Phù Cừ đã chú trọng và ưu tiên kinh phí, đầu tư có trọng điểm ngay từ nguồn phát thải. Tại thông báo của UBND huyện Phù Cừ về danh mục hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 của huyện, huyện dành 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ chế phẩm cho các hộ gia đình tham gia phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình; dành hơn 400 triệu đồng hỗ trợ các hộ đăng ký mới và cam kết thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng hình thức xây hố (bể chứa).

Theo đồng chí Lê Xuân Mai, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Cừ: Sau khi đánh giá hiệu quả các mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình như: Sử dụng thùng nhựa, đào hố, xây bể ... thì mô hình xây bể được đánh giá là phù hợp, hiệu quả hơn cả đến thời điểm hiện nay. Chủ trương hỗ trợ của Huyện ủy, UBND huyện Phù Cừ là một chủ trương đúng, đã nhận được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, sự vào cuộc tích cực của các ngành, đoàn thể và các hộ gia đình đồng tình hưởng ứng; đây cũng là bước khởi đầu mới để thực hiện Chương trình bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Phù Cừ, giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay một số xã như: Tống Phan, Đình Cao, Minh Tân, Minh Hoàng, Phan Sào Nam,... giao cụ thể chỉ tiêu cho các ngành, đoàn thể xã và các thôn; vừa kết hợp tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, vừa đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động về lợi ích thiết thực của mô hình phát đăng ký thực hiện. Ngoài hỗ trợ xây hố để xử lý, huyện Phù Cừ còn hỗ trợ tất cả các gia đình đang thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ mỗi hộ gia đình 2 gói chế phẩm vi sinh/năm, đây là số chế phẩm đủ để các gia đình xử lý rác thải hữu cơ phát sinh mà không phải mua thêm. Sau khi xử lý, rác thải hữu cơ trở thành phân hữu cơ hữu ích cho cây trồng. Mặt khác, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương trong huyện hướng dẫn người dân cách phân loại, xử lý, kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện tại từng hộ gia đình. Nhờ cách làm hay, sáng tạo, đến nay toàn huyện Phù Cừ đã có 71,2%  số hộ dân tham gia thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.

***

Chúng tôi tạm biệt Hưng Yên khi nắng thu đã trải vàng trên những khoảng xanh của Khu đô thị sinh thái Ecopark-khu đô thị xanh với hệ thống các đảo nhân tạo phủ màu xanh bạt ngàn của cây cối...

Sau chuyến trải nghiệm thú vị, chúng tôi tạm “bỏ túi” hơn chục địa chỉ du lịch trên vùng đất nhãn, từ Văn miếu Xích Đằng nổi tiếng tới quảng trường Hưng Yên, chùa Nôm cổ kính, đền thờ Chử Đồng Tử hay vẻ đẹp thanh bình của làng đan đó Thủ Sỹ... Tất cả cùng hẹn nhau sớm trở lại nơi này để thưởng ngoạn bầu không khí tươi mát, dễ chịu cùng những khoảng xanh yên bình mà hiếm vùng quê nào có được.

                                                                                                                                                                                                             Khôi Nguyên

 

 

 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.