Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà là động lực phát triển, kinh tế của tỉnh Yên Bái
MTXD - Cùng với việc huyện Yên Bình đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2023, khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà được kỳ vọng là sẽ động lực phát triển kinh tế của huyện Yên Bình nói riêng và toàn tỉnh Yên Bái nói chung.
Hồ Thác Bà - viên ngọc quý của vùng Tây Bắc Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa có thương hiệu.
Hồ Thác Bà được hình thành vào năm 1971 sau khi hoàn thành công trình thủy điện Thác Bà. Nằm trong lưu vực sông Chảy, hồ trải dài trên hai huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái.
Là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, hồ Thác Bà có diện tích 23.400 ha, bao phủ hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ. Mặt hồ tĩnh lặng, xanh trong, len giữa những dãy núi lớn và dài uốn lượn, những đảo hồ xanh ngắt rừng trồng tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà ít nơi nào có được.
Ngoài ra, các dãy núi đá vôi tại hồ Thác Bà tạo nên một hệ thống hang động huyền bí trên hồ như: động Xuân Long với những tượng đá muôn hình kỳ thú, động Thủy Tiên lung linh nhũ đá, gắn liền với truyền thuyết chín nàng tiên xinh đẹp xuống vui chơi chốn trần gian cùng truyền thuyết lịch sử về đền Thác Bà, Thác Ông…
Không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt sắc, hồ Thác Bà còn gắn liền với sự kiện lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tại mảnh đất này, năm 1285, tướng nhà Trần là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đã chỉ huy đánh trận Thu Vật, phá tan quân Nguyên Mông. Ở vùng thượng hồ còn có một số nơi là cơ sở hoạt động của các cơ quan trung ương thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Giữa hồ có động Mông Sơn - từng là căn cứ hoạt động của Tỉnh ủy Yên Bái trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Với quy mô và giá trị đặc biệt, từ năm 1996, hồ Thác Bà đã được công nhận là Di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia. Đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của tỉnh Yên Bái và vùng du lịch Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Đại diện Bộ Xây dựng trao quyết định của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040 cho tỉnh Yên Bái.
Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040 với mục tiêu xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước.
Phấn đấu đến năm 2040, toàn Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa có thương hiệu với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.
Quy hoạch xác định đây là Khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với giá trị văn hóa dân tộc và hệ sinh thái hồ Thác Bà; là một trong những khu du lịch quốc gia có thương hiệu, gắn với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu.
Đây còn là vùng bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa đặc thù của quốc gia; là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia; vùng bảo đảm an ninh năng lượng, cấp nước, thủy lợi cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Quy hoạch cũng định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà gồm 2 cửa ngõ, 2 hành lang và 4 vùng phát triển, 8 trọng điểm. Đồng thời, định hướng phát triển các không gian du lịch, dịch vụ gồm: không gian du lịch Tân Hương - Đại Đồng, không gian du lịch Linh Sơn - Cao Biền, không gian du lịch Phúc Ninh - Cảm Nhân, không gian du lịch Liễu Đô - Vĩnh Lạc.
Việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia hồ Thác Bà rất rõ ràng, cụ thể các phân khu quy hoạch sẽ là điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu, khảo sát, có cơ hội để tiếp cận cũng như nghiên cứu, đề xuất ý tưởng triển khai thực hiện các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, chất lượng cao tại hồ Thác Bà.
Đây là cơ hội tốt để nâng vị thế và giá trị Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Thác Bà lên tầm cao mới gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tinh thần, chủ trương phát triển kinh tế xã hội "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, góp phần đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030.
Huyện Yên Bình nhận bằng công nhận đạt chuẩn NTM từ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Phát huy các kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói chung, huyện Yên Bình nói riêng tiếp tục đoàn kết đồng lòng, tranh thủ thời cơ, phát huy nội lực, không ngừng đổi mới sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển tỉnh nhà theo đúng quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt. Trong đó, xây dựng huyện Yên Bình trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu của tỉnh và của vùng, xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà trở thành điểm đến bản sắc, hấp dẫn mang tầm khu vực và quốc tế, góp phần quan trọng đưa tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành một trong 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Trần Hương - Thanh Hà
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.