Ký sự khu 7 - kỳ 2: Lúa nước ở cổng trời
MTXD - Suốt hành trình dọc 4 xã vùng biên của Tây Giang, chúng tôi đã thấy lẫn trong sương mờ những bản làng thoắt ẩn thoắt hiện. Và nơi ấy, giữa màu xanh ngăn ngắt của núi rừng, giữa những làng Cơ Tu trong mây trắng là những đồng lúa nước xanh ngút mắt. Người cơ tu khu 7 đã biết trồng lúa nước để không còn đói nghèo nữa.
Hành trình cây lúa nước
Hồi trước, người Cơ Tu sinh sống trên Trường Sơn hoang dã theo lối du canh du cư. Đi đến chỗ rừng nào đất tốt là phát rừng làm rẫy trồng lúa, bắp, sắn… cho đến vài năm sau, khi đất xấu, cằn thì bỏ đi nơi khác, tiếp tục cách canh tác như cũ. Trong rẫy của người Cơ Tu có cất cái chòi tạm, làm bằng cây rừng, lá nón để làm chỗ trú cho người giữ rẫy, ngăn chặn các loại chim, thú như heo rừng, khỉ, nhím, cuộc sống bấp bênh lắm. một già làng nói đầy tự hào: “Ngày trước đồng bào mình chỉ ăn cơm 3 tháng, còn lại là ăn sắn, ăn bắp. Gặp năm trời hạn phải vô rừng đào cái củ, săn con thú để tìm cái ăn. Nhưng bây giờ cái đói từng bước được đẩy lùi. Vui lắm!”.
Những cánh đồng lúa nước ở A Xan, Ch’ơm.
Những năm sau giải phóng, bà con Cơ tu sống ở miền rừng này khổ lắm, năm mô cũng thiếu cái ăn do làm cái rẫy không có nước. Mỗi năm, đồng bào mình chỉ ăn cơm 3 tháng, còn lại là ăn sắn, ăn bắp. Gặp năm trời hạn phải vô rừng đào cái củ, săn con thú để tìm cái ăn. Hồi đó mình làm cán bộ ở xã thấy bà con đói cái ăn, buồn lắm. Nhưng không biết làm cách gì để cho bà con bớt khổ.
Truyền thuyết của người Cơ Tu kể rằng, ngày xưa người dân nơi đây chỉ sống dựa vào công việc săn bắn, hái lượm, đến khi biết phát nương dọn đất để tra hạt thì cũng hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết. Vụ nào mưa thuận gió hòa thì buôn làng đủ ăn, còn nếu chẳng may thời tiết khắc nghiệt, mùa màng thất bát thì bà con phải đối diện với cái đói hoành hành, rồi bệnh tật, ốm đau... Một ngày kia, các vị thần linh trên trời thương tình đã cử người xuống dạy cho bà con Cơ Tu biết cách làm ruộng bậc thang Chuôr vừa giữ được nước, vừa ngăn xói mòn lại tạo nên cảnh quan hữu tình và mỗi một đai ruộng giống như một nấc thang đưa con người lên gần với trời hơn. Từ đó trở đi, cuộc sống của người Cơ Tu thay đổi hoàn toàn, ấm no đã về dưới từng mái nhà và để nhớ ơn các vị thần linh, hàng năm trước khi vào vụ gặt, bao giờ bà con cũng tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới. Già làng Bhling Lâd ở thôn Arầng 1 (xã Axan) nghẹn ngào: “Bây giờ núi rừng đã thay đổi nhiều rồi, đồng bào mình không còn thiếu ăn như trước. Nhờ có Đảng, cách mạng mà người dân mình không chịu cảnh rúc núi như con mang, con hoẵng trong rừng”.
Ở một huyện vùng biên 8/10 xã có đường biên giới giáp với nước bạn Lào mà làm được lúa nước và không ngừng mở rộng là nỗ lực lớn của đồng bào và chính quyền Tây Giang. Việc cơ giới hóa, thủy lợi hóa sản xuất lúa nước, áp dụng các biện pháp khoa học cũng không còn xa lạ với đồng bào. Nhiều người nói với chúng tôi rằng Tây Giang là “vựa lúa nước vùng cao”, điều đó có lẽ không quá lời. Với hơn 868 ha lúa nước hai vụ, quả là một kỳ tích. Nhờ có lúa nước, lại được sự hướng dẫn của các chiến sỹ BĐBP, người dân trong xã bây giờ đã hết đói. Có nơi như thôn Ch’nóc lúa làm ra dư ăn cả năm, bà con còn đem bán. Nhiều thôn ký cam kết… không nhận gạo cứu đói của Nhà nước nữa.
Nhờ lúa nước, đời sống bà con đồng bào cơ tu không còn đói nghèo nữa.
Tại thung lũng Axan, anh Zơ Râm Buôn, nguyên Phó Chủ tịch xã Axan hồ hởi cho biết: “Hồi trước, người Cơ Tu sinh sống trên Trường Sơn hoang dã theo lối du canh du cư. Đi đến chỗ rừng nào đất tốt là phát rừng làm rẫy trồng lúa, bắp, sắn… cho đến vài năm sau, khi đất xấu, cằn thì bỏ đi nơi khác, tiếp tục cách canh tác như cũ. Trong rẫy của người Cơ Tu có cất cái chòi tạm, làm bằng cây rừng, lá nón để làm chỗ trú cho người giữ rẫy, ngăn chặn các loại chim, thú như heo rừng, khỉ, nhím, cuộc sống bấp bênh lắm!”
Nhưng bây giờ, anh Buôn bảo rằng, chính ông Bling Ðáp là người đầu tiên làm cuộc cách mạng lúa nước ở Tây Giang. Một mình ông ngày đêm mày mò đi tìm đất, rồi đắp đập dẫn nước về làm ruộng nước đầu tiên ở vùng đất này sau ngày giải phóng. Kể từ đó, con cháu và bà con trong làng, rồi trong xã và khắp nơi đến học tập mô mình của ông mà làm theo. Cái đói từng bước được đẩy lùi rất nhanh.
Cổng trời no ấm
Anh Buôn dẫn chúng tôi len lỏi qua những cung đường đất ngoằn ngoèo dốc trượt, phía dưới những chân núi là nhiều thung lung nhỏ với ruộng lúa nước cứ trải dài hai bên đường như níu chân những ai có dịp ghé qua “Khu 7 huyền thoại” này. Nhiều người nói với chúng tôi rằng Tây Giang là “vựa lúa nước vùng cao”, điều đó có lẽ không quá lời. Bởi trước mắt chúng tôi, giữa trập trùng rừng núi với độ cao trung bình 2000m so với mực nước biển lại có hơn 868ha lúa nước hai vụ, quả là một kỳ tích. Trong thôn Ca Nong 1 (xã Axan), nhà nào có tới hơn chục sào ruộng đã là bình thường. Đất trồng lúa của Axan hầu hết được quy hoạch để nhân giống lúa đặc sản của đất Tây Giang là lúa Proong và Xươn để vừa bảo tồn giống lúa quý của người Cơ Tu, vừa "nuôi" chủ trương phát triển loại gạo đặc sản dẻo thơm này thành hàng hóa.
Amế Ploong Chơi, người làng Abanh 1 (xã Tr’hy) với loại lúa Xươn đặc sản ở vùng biên viễn này.
“Không biết có phải do Giàng thương người dân quê mình hay không mà cho đồng bào khu 7 Tây Giang loại gạo ngon này. Lúa Xươn đã gắn với đồng bào mình cả trăm năm nay rồi. Không phải ở tất cả các xã vùng cao Tây Giang đều trồng được giống lúa này và cho gạo ngon như gạo Xươn của 4 xã khu 7 này đâu!”, anh Buôn khoe như thế. Xươn là giống lúa gạo quý bản địa của Tây Giang. Loại gạo tẻ này nếu là lúa trồng ở 4 xã khu 7 Tây Giang thì ăn cơm ngon, thơm, mềm, ngọt, có vị rất riêng không thể lẫn vào đâu được, thậm chí loại gạo nếp, gạo tám thơm của các vùng khác cũng khó sánh bằng.
Người dân vùng cao Tây Giang sử dụng nước suối từ thượng nguồn, qua hệ thống thủy lợi, đưa về ruộng để trồng lúa Xươn. Khi sản xuất, người Cơ Tu luôn sử dụng giống lúa của vụ trước để lại, mỗi năm chỉ gieo cấy một vụ là vụ hè thu, từ tháng 4 đến tháng 9 là có thể thu hoạch. Xới bát cơm nóng hổi, thơm phức trên tay đưa cho khách, amế Ploong Chơi, người làng Abanh 1 (xã Tr’hy) kể lại rằng tùy vào thời tiết từng năm, nếu mưa thuận gió hòa thì lúa Xươn cho năng xuất cao. Lúa Xươn rất dễ gieo trồng và chăm sóc, mật độ cấy cũng không khác gì loại lúa bình thường. Tuy nhiên, thân cây lúa này rất cao nên nếu năm nào có gió bão sớm thì cây lúa dễ bị ngã đổ, năng xuất sẽ kém hơn. Đồng bào vùng cao trồng lúa Xươn bằng nước trên suối thượng nguồn, không bỏ bất kỳ một loại phân hóa học nào. Đất ruộng nước được bồi đắp thảo mộc hàng năm nên cây lúa có điều kiện sinh trưởng phát triển tốt. Đến vụ thu hoạch, hạt lúa căng tròn, vàng tươi, chắc mẩy.
Bình quân mỗi hộ gia đình ở thôn Abanh 1 chỉ cần trồng mỗi nhà từ 4-7 ang giống là đủ lúa ăn. Mỗi ang giống, bà con thu hoạch được từ 30- 50 ang lúa. Lâu nay với việc trồng bằng kỹ thuật lúa nước, không hộ nào trong thôn Abanh 1 thiếu hụt lương thực, đã vậy bà con lại còn được ăn toàn gạo đặc sản này. Trước kia, người Cơ tu thường trồng một vụ lúa Xươn và một vụ lúa nếp. Ngày nay, người ta vẫn duy trì trồng loại lúa này, kết hợp với một vụ lúa tẻ giống do huyện cấp là lúa X21, Xi 23...
Bộ đội biên phòng thu hoạch lúa Xươn giúp bà con.
Ngay ở thôn Panon, nơi chỉ cách đất Lào một ngọn núi, vẫn có từng khoảnh ruộng bậc thang xanh rì ôm lấy bản nhỏ chỉ chừng hơn 100 nhân khẩu. Già làng Zơ Râm Min của làng Panon cho biết: “Ngày xưa, bộ đội qua đây đã chỉ cho dân làng làm ruộng bậc thang, dẫn nước từ khe suối vào ruộng, trồng cây lúa nước rồi chăm sóc. Từ đó bà con mới bắt đầu biết trồng lúa nước như ngày nay. Rồi di cư, lập gia đình mới, lập làng mới, những cánh đồng lúa nước cứ thế mở rộng ra. Bây giờ hầu như làng bản nào cũng có vài cánh đồng lúa nước. Nhờ có lúa nước, lại được sự hướng dẫn của các chiến sỹ BĐBP, người làng mình bây giờ, xã mình bây giờ hết đói rồi!”.
Còn anh Buôn thì tủm tỉm: “Biết làm biết ăn là không sợ đói đâu! Người làng mình, xã mình chịu khó lắm, lại được học kỹ thuật nữa nên giờ ít hộ đói lắm! Không làm thì mới đói thôi! Có nơi như thôn Ch’nóc lúa làm ra dư ăn cả năm, bà con còn đem bán cho mấy quán tạp hóa đóng chân tại xã. Nhiều thôn ký cam kết… không nhận gạo cứu đói của Nhà nước nữa, bởi đói điện, đói chữ chứ có đói cơm, đói gạo đâu!”. Hóa ra là như thế. Tôi nhìn xuống những ruộng lúa nước ở đây, dễ dàng bắt gặp là những cánh đồng, có khi là ruộng bậc thang hay những ruộng lớn bên bờ suối được người dân tận dụng triệt để. Nhờ đó, những vụ mùa đã phần nào làm vơi đi nỗi lo mùa giáp hạt, nhiều bản làng không còn thiếu đói, thiếu lương thực như thời gian trước đây.
Theo thống kê, bây giờ ở xã Axan tổng diện tích lúa nước trong toàn xã đã có trên 850ha, do biết canh tác và biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc nên năng suất lúa không ngừng tăng nhanh từ 1 vụ lên 2 vụ/năm, mỗi ha cho năng suất từ 4-4,2 tấn/ha. Nhiều hộ đã có gạo dôi dư để bán lại cho Đồn Biên phòng, các loại lương thực khác như ngô, sắn đã dành cho phát triển chăn nuôi. Những vùng đất đồi trọc là hậu quả của việc đốt rừng làm nương rẫy giờ đã được phủ xanh nhiều loại cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm như quế, bưởi, cà phê… Đàn gia súc, gia cầm đã đạt con số trên 20 ngàn con, trong đó đàn gia súc là 4.230 con, đàn gia cầm trên 18 ngàn con, toàn xã đã có hơn 80 ao cá, mỗi năm thu hoạch hàng tấn cá phục vụ cuộc sống cho các hộ gia đình.
Bản làng Axan, Ch’ơm bây giờ đã khang trang, gọn gàng, sạch đẹp, các tệ nạn mê tín dị đoan đã giảm hẳn, ốm đau bà con đã không còn nhờ thầy cúng mà đã đưa người bệnh đến trạm xá quân dân y kết hợp hay Đồn Biên phòng để khám và chữa trị. Bên cạnh đó, bà con đã huy động hàng ngàn ngày công lao động, phối hợp với Đồn Biên phòng làm mới và tu sửa trên 15km đường liên thôn, liên xã, xây dựng 3 cây cầu treo, 5 công trình nước sạch, 42 trạm thuỷ điện nhỏ, đặt 4 máy xay xát ở trung tâm cụm xã. 12 thôn bản trên địa bàn Axan và Ch’ơm đã có trạm thu sóng, bà con trong xã đã được xem tất cả các chương trình của Đài truyền hình Việt Nam. 100% con em đồng bào dân tộc trong xã đã được cắp sách đến trường và học trong những ngôi trường được xây dựng vững chãi, khang trang. 100% các thôn bản đều có nhà Gươl văn hoá làm nơi hội họp, đọc sách nghe đài.
Tôi đi Tr’hy, lên Axan, Gary rồi Ch’ơm, ngất ngây trước những ruộng lúa nước nằm giăng mình dưới thung lũng như những chiếc võng xanh đong đưa, như là câu khẳng định lâu lắm rồi, là kinh nghiệm và kỹ thuật làm lúa nước, chẳng xa lạ gì, và như thế, bà con không đói vì thiếu lương thực. Những nếp ruộng lúa nước, hay những ruộng bậc thang rực sắc vàng no ấm cứ nối tiếp nhau như lên đến đỉnh trời… nhờ lúa nước, đồng bào Cơ Tu nơi đây đã không còn lo đói như nhiều năm về trước nữa.
TIÊU DAO – MINH NGỌC
Kỳ cuối: Ký sự khu 7 - Những “Vua sâm ba kích”
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.