Lạng Giang (Bắc Giang) lợi dụng san hạ độ cao “đánh cắp” tài nguyên khoáng sản
MTXD - Với chiêu bài lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản (hạ độ cao) từng đoàn xe rầm rộ lấy đất vượt quá trữ lượng và mốc giới. Việc này đang diễn ra tại thôn Tuấn Thịnh, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang.
Nhận được phản ánh của người dân trong suốt thời gian dài tại thôn Tuấn Thịnh, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đang diễn ra tình trạng khai thác đất rầm rộ làm đảo lộn cuộc sống của người dân nơi đây. Phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường Xây dựng đã có mặt để ghi nhận. Nơi đây tình trạng khai thác đang diễn ra rầm rộ với hàng chục xe trọng tải lớn mang logo Dũng Bích nối đuôi nhau ra, vào điểm khai thác. Sau khi đã chất đầy đất lên xe những chiếc xe “ì ạch” ra khỏi điểm khai thác đưa đi tiêu thụ.
Điều đáng nói, phản ánh của người dân cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn có cơ sở khi con đường dẫn vào điểm khai thác là tuyến đường đang thi công dang dở. Khi có 2 xe tránh nhau đã chiếm trọn cả lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông là rất cao. Mỗi khi có những chiếc xe đi qua thì kèm theo đó bụi cuộn lên mu mịt cả đường. Những chiếc xe đi từ điểm khai thác ra hơn 2km cắt ngang đường sắt rồi đi thẳng ra Quốc lộ 1A cũ.
Đoạn đường đang thi công nên mỗi khi có 2 xe tránh nhau đã chiếm trọn cả lòng đường
Bà N.T.K 1 người dân sống tại địa phương cho biết: “Cả tháng nay ngày nào cũng từ sáng đến tối mịt xe chở đất đi lại không ngớt, mỗi lần xe đi qua là chúng tôi khổ lắm. Bụi bẩn, tiếng xe gầm rú rất ô nhiễm môi trường. Chỗ múc đất cũng chẳng tưới nước hay có biện pháp gì giúp người dân đỡ khổ”.
Từng đoàn xe đang đợi lấy đất tại điểm khai thác thôn Tuấn Thịnh, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang
Theo tìm hiểu, ngày 07/04/2023 tại văn bản số 1207/GP-UBND do ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang kí về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho ông Nguyễn Văn Nam thực hiện khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (còn gọi là đất san lấp) trong diện tích đất ở, đất trồng cây lâu năm trong cùng thửa đất có đất ở tại thôn Tuấn Thịnh, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Diện tích khu vực khai thác là 402,0m2. Mực sâu khai thác theo hồ sơ là 2,5m (độ cao kết thúc sau khi khai thác cao hơn mặt nền nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Nam 0,5m). Trữ lượng đất dư thừa được phép vận chuyển đi là 1.005m3. Thời gian khai thác 1 tháng để làm nguyên liệu san lấp mặt bằng, đắp nền công trình khu dân cư xã Nghĩa Hoà, huyện Lạng Giang.
Giấy phép nêu rõ trong quá trình khai thác đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông tại khu vực thi công, trên đường vận chuyển và qua khu dân cư: Sử dụng phương tiện vận chuyển đất có tải trọng phù hợp tuyến đường, đúng tuyến đường và thời gian vận chuyển đã cam kết theo Phương án đã lập và được chấp thuận; không sử dụng phương tiện cơi nới thành thùng, không bốc xúc, vận chuyển quá khổ, quá tải trọng cho phép.
Giấy phép quy định rõ là vậy tuy nhiên theo phản ánh của người dân, lượng xe chở đất mang logo Dũng Bích chạy hàng ngày tại điểm khai thác của thôn Tuấn Thịnh đã gây mất an toàn giao thông. Đây là đường dân sinh hẹp, hơn nữa lại đang thi công dang dở, đường mới xong phần đắp đất nền, 1 bên đường dân cư ở san sát đông đúc. Trời nắng cũng như trời mưa, người dân phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, việc đi lại của bà con gặp muôn vàn khó khăn. Cũng theo người dân phản ánh việc khai thác rầm rộ suốt thời gian dài với trữ lượng được cấp phép ít như vậy, thì chắc chắn đã múc quá trữ lượng và khai thác ngoài mốc giới nhiều.
Đặc biệt, khi theo chân đoàn xe đến điểm đổ thì phóng viên nhận thấy đoàn xe đổ tại dự án: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đấu giá QSD đất khu dân cư thôn Ao Luông Xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang (giai đoạn 4).
Làm việc với ông Phạm Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, ông Đức biết: “Điểm khai thác đã ra ngoài mốc giới, vượt trữ lượng lớn nên vượt thẩm quyền của xã. Ít thì xã phạt được nhưng khối lượng vượt như thế này nên xã báo cáo huyện chuyển hồ sơ lên huyện. Nói thật với các em huyện cấp như này thì xã chỉ có 1 người ăn với ngồi trông”.
Tuy nhiên, vị Chủ tịch UBND xã Tân Thanh không quên dặn: “Các em tạo điều kiện cho doanh nghiệp, anh bảo doanh nghiệp gặp các em có quà”. Lập tức sau đó, có 1 người đàn ông mặc quần sooc lên phòng chủ tịch và tự xưng là người của đơn vị thi công có trao đổi với phóng viên là tạo điều kiện.
Điều này đặt dấu hỏi tại sao trong lúc phóng viên làm việc với chính quyền địa phương lại có người ngoài xuất hiện trong buổi làm việc. Nếu quá trình tác nghiệp của phóng viên có sự cản trở hoặc nguy hiểm đến tính mạng thì ai chịu trách nhiệm?
Đoàn xe mang logo Dũng Bích vẫn “vô tư” chở hàng bất chấp viếc chính quyền địa phương đã nắm được tình hình khai thác vượt quá trữ lượng và mốc giới. (Ảnh chụp chiều ngày 05/05/2023)
Bất ngờ với cách làm việc của UBND xã Tân Thanh chúng tôi đã lên đặt lịch ở UBND huyên Lạng Giang. Theo đó, Phó Chánh văn phòng UBND huyện đã chuyển nội dung làm việc lên cho Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạng Giang. Thông qua điện thoại, phóng viên đã thông tin về tình hình khai thác đất quá trữ lượng và quá mốc giới ở điểm khai thác xã Tân Thanh.
Thế nhưng cho dù UBND xã, vị Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạng Giang đã nắm rõ sự việc nhưng việc khai thác chỉ dừng một lúc vào buổi chiều ngày 04/05/2023. Còn thời gian sau đó tình trạng vẫn diễn ra 1 cách ngang nhiên. Từng đoàn xe mang logo Dũng Bích vẫn tấp nập vào lấy đất để vận chuyển đi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Kính chuyển những thông tin trên tới UBND huyên Lạng Giang và các cơ quan chức năng xem xét, xác minh xử lý (nếu có) nhằm giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Nhóm PV
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.