Lạng Giang vượt qua thách thức, vững bước đi lên
MTXD - Đứng trước những thách thức, rủi ro tiềm ẩn sau sự phục hồi của tình hình kinh tế chung, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) vẫn luôn kiên cường, giữ vững tinh thần, tập trung tối đa, tháo gỡ nút thắt, hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Toàn huyện tự tin vững bước duy trì thành tích, phát huy thế mạnh, thực hiện những mục tiêu mới với tiêu chí cao hơn trong năm 2024.
Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện
Năm 2023, mặc dù tình hình kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi song vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro như giá cả đầu vào, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn,... đã tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành sản xuất.
Trước tình hình đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các Sở, ban, ngành tỉnh; sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Lạng Giang đã chủ động bám sát tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm tháo gỡ nút thắt, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đến nay, tình hình kinh tế - xã hội huyện cơ bản vẫn giữ ổn định và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Theo đó, có 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu, có 09 chỉ tiêu vượt, 06 chỉ tiêu đạt với giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu tăng 14,66%. Trong đó: Nông - Lâm nghiệp và Thủy sản tăng 2,57%; Công nghiệp - xây dựng tăng 18,08%; dịch vụ tăng 13,01%.
Xúc tiến đầu tư thương mại và công nghiệp được huyện đẩy mạnh.
Cụ thể, về thu hút đầu tư và sản xuất công nghiệp - xây dựng, khó khăn được kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua các buổi đối thoại, kế hoạch hỗ trợ của lãnh đạo huyện. Hội chợ xúc tiến đầu tư - thương mại và công nghiệp huyện Lạng Giang năm 2023 được thực hiện đảm bảo theo đúng kế hoạch đề ra. Theo đó, huyện đã tập trung đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Tân Hưng, đến nay đã thu hút được 16 nhà đầu tư thứ cấp đăng ký đầu tư sản xuất tại khu công nghiệp, với tổng số vốn đăng ký khoảng 5,7 nghìn tỷ đồng (tỷ lệ nhà đầu tư đăng ký đạt trên 95% diện tích).
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ.
Hết năm 2023, toàn huyện có 234 doanh nghiệp thành lập mới, đưa tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện lên khoảng 1.177 doanh nghiệp (trong đó; 850 doanh nghiệp đang hoạt động; 202 doanh nghiệp không hoạt động; 105 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh có thời hạn; 20 doanh nghiệp giải thể); có khoảng 18.000 hộ sản xuất kinh doanh đang hoạt động trên các lĩnh vực thương mại dịch vụ (hiện các tổ chức tư nhân đang hoạt động ổn định).
Đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, huyện đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hàng tháng, UBND huyện tổ chức kiểm điểm tình hình, kết quả thực hiện và bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tập trung chỉ đạo huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện xây dựng nông thôn mới là: 455,4 tỷ đồng (trong đó: Nguồn vốn Trung ương, tỉnh là: 32,221 tỷ đồng, ngân sách huyện 160,851 tỷ đồng, ngân sách xã: 207,741 tỷ đồng, cộng đồng dân cư và vốn khác 54,6 tỷ đồng).
Diện mạo nông thôn ngày một nâng cao.
Đến nay các xã đã hoàn thành các tiêu chí, hạng mục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo đúng kế hoạch đề ra. Đối với xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, đến nay 19/19 thôn đã hoàn thành các tiêu chí.
Toàn huyện đang có 71 hợp tác xã đang hoạt động có tổng số vốn điều lệ: 122,4 tỷ đồng với 3.845 thành viên, doanh thu bình quân của 01 hợp tác xã là: 1,22 tỷ đồng. Nhìn chung các hợp tác xã hoạt động ổn định, đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của Nhân dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Cùng với đó, Chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm đã được đẩy mạnh, trong năm huyện đã phê duyệt kết quả đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP với 09 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, đến nay toàn huyện có 31 sản phẩm được công nhận đánh giá, phân hạng đạt chuẩn OCOP 3 sao (tăng 04 sản phẩm so với năm 2022).
Sản phẩm OCOP được xúc tiến thương mại một cách tích cực.
Để phát triển, tăng thị phần tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, huyện đã triển khai Kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa chất lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, quy mô 180ha, tại các xã: Đào Mỹ, Hương Lạc, Mỹ Thái, thị trấn Kép, thị trấn Vôi,... Đồng thời chỉ đạo kiểm tra và thiết lập hồ sơ cấp mã vùng trồng tập trung cho 08 vùng: Lúa chất lượng (An Hà, Đào Mỹ, Tân Dĩnh); Nho hạ đen (Nghĩa Hưng, Mỹ Thái); Rau, dưa chuột (Tiên Lục, Xương Lâm); Dứa (Hương Sơn). Thực hiện giám sát mã số vùng trồng xuất khẩu, nội địa và cơ sở đóng gói đã được cấp.
Công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm chỉ đạo nên cảnh quan môi trường có nhiều chuyển biến. Trong năm, huyện đã triển khai thực hiện các công trình: lát vỉa hè đường tỉnh QL31, xây dựng cảnh quan nút giao thông tại Khu đô thị Đông Vôi, Khu đô thị Tây Vôi; cải tạo chỉnh trang khuôn viên tượng đài thị trấn Kép; chỉnh trang đô thị thị trấn Vôi; dự án chỉnh trang cảnh quan huyện Lạng Giang. Đồng thời chỉ đạo thị trấn Vôi phấn đấu đạt đô thị loại IV, thị trấn Kép phấn đấu tiệm cận đô thị loại IV và các xã: Tân Dĩnh, Mỹ Thái, Xương Lâm, Tân Hưng, Thái Đào, Nghĩa Hoà, Tiên Lục phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại V và tiệm cận đô thị loại V.
Hoạt động xúc tiến thương mại được quan tâm triển khai hiệu quả. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn nhất là tại các chợ, siêu thị,… các mặt hàng thiết yếu đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển; các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân cơ bản ổn định, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm.
Công tác cải cách hành chính được quan tâm triển khai đồng bộ và có nhiều đột phá; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và ý kiến cử tri được chú trọng, đạt kết quả tốt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp trên địa bàn; tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm trước,...
Những kết quả nổi bật trong năm 2023 vừa qua đã góp phần tạo tiền đề thuận lợi cho huyện Lạng Giang nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Sẵn sàng đối mặt thách thức, vững bước đi lên
Năm 2024 dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với cả nước, huyện Lạng Giang đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Mặc dù vậy song huyện Lạng Giang cũng có nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, các thành tựu quan trọng đạt được trong những năm qua từng bước khẳng định được vị thế của huyện; những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thời gian qua đã đưa Lạng Giang trở thành một trong những điểm đến “hấp dẫn” của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Bước sang năm mới, huyện Lạng Giang tiếp tục phát huy thế mạnh, quyết liệt, kiên định hơn nữa, mạnh dạn đổi mới tư duy trong lãnh, chỉ đạo điều hành thực hiện phát triển kinh tế xã hội; các cấp các ngành quyết tâm cao, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện.
Huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra đảm bảo chất lượng, sát thực tế với giai đoạn phát triển mới của huyện gắn với thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Phát huy nội lực, tranh thủ huy động mọi nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Tăng cường công tác chỉ đạo trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến công tác quản lý đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường,...
Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm và các dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở. Hoàn thành lập quy hoạch chung đô thị Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045 (tỷ lệ 1/10.000).
Bên cạnh phát triển kinh tế, tiếp tục quan tâm giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. Đẩy mạnh công tác tư pháp, xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo, ý kiến, kiến nghị của cử tri; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Thanh Hà – Trần Hương
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.