Làng Khoa bảng Đông Thái bên bến Tam Soa
MTXD - Nằm bên bến Tam Soa, làng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) không chỉ được biết đến là ngôi làng cổ gần 600 năm tuổi mà còn là một trong 20 làng quê đứng đầu khoa bảng của Việt Nam.
Vẻ trù phú của Tùng Ảnh bên dòng sông La ngày nay
Làng khoa bảng gần 600 năm tuổi
Đông Thái là một làng cổ thuộc xã Tùng Ảnh (Đức Thọ - Hà Tĩnh), nằm bên bến Tam Soa hiền hoà thơ mộng, nơi gặp nhau giữa 3 con sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu và Sông La. Có sông uốn quanh, có núi bao bọc, vì những yếu tố đó mà khí hậu nơi đây ôn hoà, làng quê bình yên, con người đầy khí chất nho nhã, văn chương.
Trong các triều đại phong kiến, làng Đông Thái được biết đến là làng khoa bảng khi có 24 người đỗ tiến sĩ. Trong đó phải kể đến nhiều danh nhân nổi tiếng đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực cho đất nước như: Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Hoàng giáp Bùi Thức Kiên, Thượng thư Phan Bá Đạt, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng… Ngày nay có Giáo sư Mai Trọng Nhuận - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia Hà Nội; Giáo sư Mai Trọng Khoa - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Tiến sỹ Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh…
Đến nay, sau hơn 600 năm hình thành và phát triển, Đông Thái vẫn giữ di tích, đền thờ ghi công những con người quê hương có công trạng với làng, với đất nước.
Sự nghiệp “nuôi người đi học” ở làng Đông Thái không chỉ ở mỗi gia đình mà còn ở 14 dòng họ trong thôn. Được biết, mỗi dòng họ ở đây đều có quỹ khuyến học từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Bởi vậy, suốt nhiều năm qua, Đông Thái luôn là thôn dẫn đầu trong 12 thôn của Tùng Ảnh về số lượng học sinh đỗ vào đại học và học sinh giỏi các cấp
Xã có hàng ngàn giáo sư, tiến sỹ
Người làng Đông Thái vẫn thường đùa nhau, nghề truyền thống của làng chính là nuôi con ăn học. Nói vậy bởi, trải qua hàng trăm năm, tinh thần lập thân bằng con đường học tập khoa cử là một mạch nguồn được truyền nối qua nhiều đời, nhiều thế hệ trong làng Đông Thái. Ngày nay, thế hệ kế cận của Đông Thái càng làm rạng danh thêm truyền thống hiếu học của làng khoa bảng.
Những gia đình có con em học hành thành tài, đỗ đạt cao không phải là câu chuyện hiếm có tại làng Đông Thái. Nhiều gia đình trong làng đều có con em là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ.
Trong số đó, có những người đang giữ nhiều vị trí quan trọng ở Trung ương hoặc đang công tác, học tập và làm việc ở nước ngoài, trên mọi miền quê của Tổ quốc. Điển hình như gia đình Giáo sư Phan Văn Tài, gia đình Giáo sư Mai Trọng Lê, Phan Anh, Phan Mỹ....
Đường vào làng Khoa Bảng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ).
Ở làng Đông Thái việc học ở đây được quan tâm nhiều nhất, nó ăn sâu vào tâm trí từ cụ già đến các em nhỏ. Người Đông Thái thường động viên nhau, ngoài làm nông thì nghề chính là “nuôi con ăn học”. Những năm qua, việc xây dựng dòng họ khuyến học, gia đình khuyến học đều được các làng đưa vào hương ước.
Gia đình ông Mai Quốc Tề (64 tuổi) được nhiều người làng Đông Thái nhắc đến, thậm chí lấy thước đo làm chuẩn mực khi có 4 người con ăn học thành tài. Người con trai đầu của ông đang công tác tại Trung tâm Khoa học kỹ thuật quân sự, con trai thứ hai đang làm trong một công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải, cậu ba là giáo viên, con gái út đang làm ngân hàng. Ông Tề tự hào nói rằng, dù làm nghề nông nhưng vẫn cố gắng nuôi được các con ăn học đến nơi đến chốn.
“Thời điểm 4 con vào đại học, vợ chồng bán lúa, cầm cố tiền lương nhiều lúc vẫn không đủ để nộp học phí cho con. Dù cuộc sống lúc đó khó khăn, nhưng vẫn luôn cố gắng động viên các con học hành”, ông Tề kể lại.
Ông Phan Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh chia sẻ: "Tiếp nối truyền thống, Tùng Ảnh luôn lấy sự nghiệp giáo dục làm mục tiêu hàng đầu. Mỗi năm huy động quỹ khuyến học, khuyến tài lên đến hàng tỷ đồng. Mới đây địa phương xây dựng thêm ngôi nhà trí tuệ tại thôn Đông Thái nhằm giáo dục truyền thống của tất cả các thế hệ đối với tầng lớp trẻ".
Thu Hường
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.