Làng mới trên vùng sạt lở

MTXD - Cơn lũ quét đã cuốn phăng đi nhà cửa, để lại nỗi lo lắng khôn nguôi cho bà con Ca Dong. Nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền, một nơi ở mới bình yên hơn đã được dựng lên để xóa đi nỗi lo của hàng chục hộ đồng bào.

MTXD - Cơn lũ quét đã cuốn phăng đi nhà cửa, để lại nỗi lo lắng khôn nguôi cho bà con Ca Dong. Nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền, một nơi ở mới bình yên hơn đã được dựng lên để xóa đi nỗi lo của hàng chục hộ đồng bào.

Sau cơn lũ quét

Với người dân Ca dong ở khu tái định cư Mang Hin, xã Sơn Bua, H.Sơn Tây (Quảng Ngãi) bây giờ, vẫn chưa ai quên được cái ngày định mệnh khi cơn lũ quét tràn về, cuốn phăng đi nhà cửa, thóc gạo, vật nuôi của làng cách đây hơn 3 năm. Gần 50 hộ dân nghèo ngày ấy bơ vơ như bầy chim non mất tổ khi mùa mưa bão năm 2020 đã gây sạt lở nghiêm trọng tại thôn Mang He, khiến 6 hộ có nhà bị sập, vùi lấp hoàn toàn; khoảng hơn 30 hộ dân có nhà đứng trước nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào. Chị Đinh Thị Sanh (32 tuổi) vẫn còn sợ hãi với cái ngày kinh hoàng ấy khi mưa lớn, gió rít mạnh từng cơn kèm theo nhiều tiếng nổ vang trên núi khiến dân làng sợ hãi. Dòng nước từ trên cao ập xuống như thác, các khối đá theo dòng lũ va đập vào nhau cuốn phăng, vùi lấp gần như tất cả nhà cửa, chuồng trại, ruộng bậc thang trong khu dân cư.

Lũ quét cuối năm 2020 gây thiệt hại nặng cho thôn Mang He, xã Sơn Bua.

Ông Đinh Văn Dênh cho biết, hôm lũ về ông thoát chết nhờ chạy lên đồi cao. Khi lũ rút, tìm đường về nhà, thì vị trí nhà, vườn trước đây chỉ còn toàn bùn đất lẫn đá hộc. Nhà không còn, ông Dênh mượn góc vườn nhà bà con dựng cái chòi để cả gia đình sống tạm. Bao nhiêu của cải tích cóp, tiền bạc bị lũ cuốn trôi hết. Thời điểm đại nạn đi qua, làng chỉ còn lại đá tảng, những con suối mới hình thành và những mất mát in hằn lên trong tâm trí mỗi người.

Sau trận lũ quét, tất cả các hộ dân đồng bào Ca dong ở thôn Mang He thời điểm ấy đều hoang mang. Bao nhiêu đời qua, họ sống dựa vào ruộng, rẫy chỉ đủ ăn, nên rất khó khăn khi xây dựng nhà ở mới. Chính quyền xã Sơn Bua và huyện Sơn Tây đã tìm mọi cách hỗ trợ đưa tất cả bà con vào khu tái định cư Mang Hin để an cư, ổn định cuộc sống. Ngay sau mùa mưa bão, chính quyền địa phương đã đưa ra các biện pháp khắc phục. Để bảo đảm nơi ở an toàn cho người dân các khu dân cư vùng sạt lở xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây đã lập phương án di dời dân đến nơi mới. Công trình xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư xã Sơn Bua có mức đầu tư 39 tỉ đồng. Dự án này có diện tích 5 ha, xây dựng 53 lô đất ở (400 m2/lô), có đầy đủ đường giao thông, nước sinh hoạt, điện thắp sáng cho người dân. Xã Sơn Bua đã được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng, tiến hành phân lô, bốc thăm, giao đất thực địa để người dân làm nhà ở. Hàng chục hộ dân là đồng bào Ca dong đã về làm nhà ở đây.

Khu tái định cư Mang Hin được đầu tư khang trang giúp người dân ổn định chỗ ở.

Việc chọn vị trí xây dựng khu TĐC, làm nhà ở cho người Ca Dong gặp khá nhiều khó khăn. Với địa hình đồi dốc, nên việc tìm mặt bằng an toàn, phù hợp với tập quán sinh sống của đồng bào miền núi không đơn giản. Ngoài ra, để san ủi làm hạ tầng mặt bằng khu TĐC và hỗ trợ người dân dựng nhà cũng cần kinh phí rất lớn. Ông Nguyễn Viết Chưởng, Chủ tịch UBND xã Sơn Bua, H.Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết: “Chúng tôi không thể đưa bà con từ nguy hiểm này sang nguy hiểm khác, nên việc chọn vùng tái định cư phải cẩn trọng. Và cũng tránh tình trạng làm xong bà con không đến ở, nên khi chọn nơi ở mới cũng mời người dân tham gia để thống nhất chung. Phải an toàn và phù hợp với sản xuất, canh tác là quan trọng nhất”. Thời điểm ấy, dù được giao đất để làm nhà ở nhưng nhiều bà con vẫn đang gặp khó khăn do thiếu tiền. Xã cho lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên đến chuyển vật liệu xây dựng, gạch, ngói… cho bà con làm nhà. Khu tái định cư có đầy đủ đường giao thông, nước sinh hoạt, điện thắp sáng. 

Sau hơn 1 năm xây dựng, đến nay bà con người Ca dong vùng lũ quét đã về làm nhà tại khu tái định cư Mang Hin (xã Sơn Bua). Ngỡ sẽ không bao giờ còn làng Mang Hin nữa. Vậy mà giờ nhà cửa đã san sát, cây cối mọc lên, nỗi lo cũng vơi đi. Bà con chung tay dựng nhà. Nơi ở mới giờ khang trang, kiên cố hơn rất nhiều. Bà con nhận đất làm nhà mà vui lắm. Trong đó, các hạng mục điện, nước, nền nhà đã hoàn thiện. Phần lớn mặt bằng khu TĐC Mang Hin đã được chủ đầu tư bàn giao cho UBND xã Sơn Bua để tiến hành phân lô, bốc thăm, giao đất ngoài thực địa để người dân làm nhà ở.

Làng mới trên vùng sạt lở

Ven theo đường bê tông với con dốc vào Mang Hin, những thanh niên trai tráng trong làng đang chung tay dựng lại nhà để ổn định cuộc sống sau gần ba năm sống tạm. Anh Đinh Văn Thang phấn khởi cho hay, anh mới dựng xong ngôi nhà sàn và đang hoàn thiện những công trình phụ để ổn định chỗ ở lâu dài. “Trước đây ở làng cũ sợ lắm. Cứ đến mùa mưa bão là đứng ngồi không yên vì năm nào cũng xảy ra sạt lở. Giờ xuống đây ở thấy an toàn hơn hẳn, mưa bão gì cũng yên tâm rồi. Gia đình tôi và người dân rất biết ơn chính quyền huyện, xã đã quan tâm đến đời sống của người dân khi khó khăn. Huyện đã kịp thời di dời, bố trí đất để chúng tôi xây dựng nhà ở, không còn phải lo lắng vì sạt lở núi. An cư rồi nên giờ chúng tôi phấn đấu phát triển kinh tế, nuôi dạy các con học hành đến nơi, đến chốn”, anh Thang vui vẻ nói.

 Hệ thống thoát nước kiên cố để phòng chống những trận lũ quét.

Ông Nguyễn Viết Chưởng, Chủ tịch UBND xã Sơn Bua, H.Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết, khu tái định cư Mang Hin hiện có 35 hộ dân đã được bố trí đất ở, và hiện tại có 11 hộ dựng nhà xong. Huyện Sơn Tây hiện đã phê duyệt danh sách 40 hộ dân vùng sạt lở thôn Mang Hin đủ điều kiện được bố trí đất TĐC. Số còn lại, huyện sẽ xem xét bố trí TĐC cho các hộ dân vùng sạt lở khác hay thuộc diện di dời giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án cầu, đường trên địa bàn xã Sơn Bua. Chủ đầu tư đang đôn đốc nhà thầu thi công hoàn thiện một số hạng mục phụ, đảm bảo cảnh quan khang trang theo đúng thiết kế đã được phê duyệt. Huyện Sơn Tây cũng đang tập trung giải quyết các vướng mắc liên quan, phấn đấu hoàn thành toàn bộ 100% hạ tầng khu tái định cư Mang Hin để di dân vùng sạt lở về sinh sống ổn định trước khi mùa mưa bão 2023 đến.

Phó chủ tịch huyện Sơn Tây, ông Đinh Trường Giang cho biết, mỗi năm hụyện miền núi Sơn Tây xảy ra từ 3-5 vụ động đất. Mùa mưa lũ thường xuyên xảy ra sạt lở tuyến đường Đông Trường Sơn và cơ sạt lở núi, và tại các khu dân cư. Vì vậy, cùng với việc xây dựng khu tái định cư mới, giải quyết tình trạng sạt lở, huyện Sơn Tây tiếp tục đưa ra các biện pháp căn cơ hơn để vận động, di dời dân vùng triền núi, chân núi ra khỏi vùng nguy hiểm. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi vẫn luôn lo lắng cho người dân vùng sạt lở. Sắp tới chính quyền sẽ rà soát tổng thể các vùng, các khu vực dân cư nguy cơ sạt lở để tham mưu, đề xuất các biện pháp dài lâu hơn cho bà con vùng núi.

Khu tái định cư Mang Hin hiện có 35 hộ dân đã được bố trí đất ở, và hiện tại có 11 hộ dựng nhà xong.

Ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết thêm, đối với các khu tái định cư mới, huyện tập trung đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu để người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời gian tới, huyện sẽ cố gắng thực hiện tốt tất cả các nội dung liên quan tới chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó chú trọng nội dung giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xem đó là nhiệm vụ trọng tâm, hướng đến giúp người dân vùng khó khăn, chịu ảnh hưởng của thiên tai có sinh kế, động lực vươn lên thoát nghèo.

Được biết, những năm qua từ nguồn ngân sách huyện và nguồn lực hỗ trợ của các chương trình, dự án khác nhau, huyện Sơn Tây đã tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thông qua việc hỗ trợ cây, con giống, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật; mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho người dân... Từ đó, đồng bào dân tộc Ca Dong nơi đây đã thay đổi nhận thức, tư duy và có điều kiện phát triển kinh tế. Đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 120ha cây ăn quả được trồng tập trung ở các xã Sơn Liên, Sơn Bua và Sơn Long, hiện đã cho thu hoạch. Theo kế hoạch, năm 2023, huyện Sơn Tây sẽ tiếp tục nhựa hóa, bê tông khoảng 10km đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của người dân. Xây dựng hoàn thành 10 công trình nước sinh hoạt tập trung; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 9 trường học trên địa bàn. Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho khoảng 200 hộ dân; tạo việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 350 hộ là người dân tộc Kinh, Ca Dong thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương. 

Tiêu Dao – Lê Đức

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.