Mạo hiểm mót vàng dưới lòng hồ thủy điện
MTXD - Trong lòng hồ đập thủy điện Đắk Mi 4, hàng chục bóng người cặm cụi đào xới, đãi vàng dưới lòng hồ thủy điện. Những khuôn mặt vàng võ nghèo khó bỏ rừng rẫy ngày ngày ngụp lặn dưới dòng nước để mong đổi miếng cơm từng ngày.
Những ngày gần đây, tại khu vực lòng hồ thủy điện Đắk Mi 4 (xã Phước Chánh, H. Phước Sơn, Quảng Nam) có một lượng vàng sa khoáng đổ về theo dòng nước nhiều nên hàng chục người dân ở các xã rủ nhau ra lòng hồ thủy điện đãi vàng. Trong một khu vực lòng hồ rộng chừng 300m và dài hơn 2km. Hàng chục bóng người cặm cụi đào xới, đãi vàng giữa cái nắng bỏng rát mùa hè.
Người dân dầm mình đãi vàng dưới lòng hồ thủy điện Đăk Mil 4.
Nhiều người phụ nữ ngày ngày ra sông mót vàng.
Một người dân mót vàng dưới dòng nước chia sẻ, sau những trận mưa, đất đá trên những triền núi lở nham nhở trôi xuống lòng hồ này và mang theo rất nhiều vàng sa khoáng. Ẩn sâu trong lớp đất đá ấy là những hạt vàng cám nhỏ li ti. Thế nên tranh thủ mùa khô, mực nước lòng hồ cạn, người dân cơm đùm gạo nắm, kéo nhau ra đây đãi cát tìm vàng. Những người mót vàng tại đây hầu hết đều là người Giẻ Triêng ở địa phương này, họ lập thành nhóm từ 3-4 người mang những vật dụng hết sức thô sơ như máng, mâm, xẻng, xô nhựa, rổ, bát...để đãi vàng ngay trên dòng nước.
Đa số người dân đãi vàng dưới lòng hồ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn.
Dưới dòng nước đục ngầu, từng tốp người cặm cụi đào đãi những dụng cụ để kiếm chút vàng. Một phu nữ dừng tay chao chiếc chảo to đùng chia sẻ: “Nhà tui dưới kia, vì khổ quá mới phải đến đây. Dù biết sai luật nhưng vì nhà nghèo quá không có việc chi làm nên thấy mọi người ra đây đãi vàng tôi cũng ra. Làm quần quật từ sáng đến tối, ăn cơm với mắm và cá khô, ngày cũng chỉ kiếm được vài chục đến hơn trăm ngàn thôi. Nếu may mắn thì được cong không thì cả ngày cũng trắng tay!”.
Mấy ngay qua, hàng chục người cùng những em nhỏ gồng gánh đồ đạc ra sông từ sáng sớm. Họ bất chấp ngâm mình dưới dòng nước ngầu đục để lăn theo ám ảnh vàng. Trò chuyện với tôi, một người phụ nữ khuôn mặt lấm lem bùn đất nhưng vẫn không giấu nổi vẻ khắc khổ, bàn tay lở loét sâu vào tận da thịt vì nhiều ngày ngâm dưới dòng nước đục. Chị cám cảnh bảo đa phần người đến đây đều là người dân ở quanh đây. Cuộc sống khó khăn quá nên khi nước từ thượng nguồn về có mang chở theo những cám vàng từ phù sa thượng, mọi người lại dắt díu nhau ra mót đãi. Quần quật cả ngày có khi cũng chẳng được gì. Nhưng nếu ở nhà thì cũng chẳng làm gì ra tiền, nên thôi họ cứ lăn ra sông, may ra còn kiếm được chút tiền.
Việc đãi vàng khá vất vả khi phải thường xuyên ngâm mình trong nước nhiều tiếng đồng hồ.
Giữa lòng sông chang chang nắng, những người đàn ông xúc cát, sỏi ở lòng hồ đổ lên rổ nhựa, phía dưới là những người phụ nữ dùng dụng cụ thô sơ đãi vàng. Nước đẩy cát trôi, vàng nằm lại tấm vải và thảm nhựa, đá ở trong rổ. Lưỡi xẻng cụt, nắp vung, chảo, ngay cả miếng lót chân cũng được mang ra dùng. Những xẻng đất đá lổn nhổn xúc lên, lắc qua lắc lại, chỉ còn lại từng hạt nhỏ xíu. Và nếu có một chút ánh vàng trong đó, mắt họ sáng lên. Nhưng lâu rồi ít người nào có cảm giác đó lắm. Họ đều đeo khẩu trang che kín mặt, vận trên người hai ba lớp áo tay dài, quần ống rộng trân mình dưới nước. Cứ khoảng nửa tiếng, họ lại phải tạm dừng công việc đôi ba giây để vén tay áo vệt vội những giọt mồ hôi vãi ra như tấm. Gương mặt ai đều hốc hác, phờ phạc, đôi mắt đờ đẫn, bước chân liêu xiêu, mất sức sống.
Giữa không gian rộng lớn chỉ thấy bóng những con người khốn khổ lặng lẽ mót vàng ở đáy sông. Nhìn từ con đường nơi lung chừng núi, bóng họ nhỏ xíu như một dấu chấm giữa bạt ngàn rừng, bạt ngàn đá loang lổ giữa dòng sông. Đồ nghề của họ chẳng có gì, ai tận dụng được gì cứ tận dụng. Chị Hồ Thị Ng. (38 tuổi, xã Phước Chánh, Phước Sơn, Quảng Nam) nắc nỏm bảo, chị cùng đứa con ra đây ngày ngày lắc chảo đào đãi, kiếm vài chục ngàn gạo mắm qua ngày. Tôi nhìn lên phía thượng nguồn, nơi những đám mây núi vẫn vần vũ, chợt tê tái khi nghĩ đến cảnh nước lũ tràn về. Hàng chục con người đang cặm cụi mót vàng dưới lòng sông này liệu có chạy kịp. Chị Ngà cười, cái cười cam chịu: “Thì đành vậy. Thủy điện họ xả lũ họ có bắc loa thông báo, mình chịu khó nghe loa thôi. Nghe họ xả lũ thì mình không xuống sông đãi vàng nữa. Họ hết xả thì mình lại xuống. Ngày nào xả lũ coi như ngày đó đói. Mình đói, nhiều người ở đây cũng đói!”.
Thu nhập từ việc việc đãi vàng nếu may mắn thì được 300.000 đồng, còn ngày thường khoảng 100.000 đồng.
Từng ngày từng ngày, những con người ấy vẫn cặm cụi neo mình ở đáy sông. Từng tốp người tiều tụy cặm cụi đào đãi những rổ đất to để kiếm chút vàng cho một ngày. Chị Ng. bảo, tiền vàng chẳng thấy đâu, chỉ thấy bạc mặt bệnh tật. Hồi còn sức thì làm quần quật suốt ngày. Với những người phụ nữ mót vàng này, miệng lở, mắt loét, chân, tay bị nước ăn, là điều bình thường. Còn đứt tay, chảy máu, cảm sốt do dầm mưa là chuyện “cơm bữa”.
Thật khó mà kể xiết tỉnh Quảng Nam có bao nhiêu bãi vàng có phép và cả không phép. Vì giấc mơ vàng mà không biết bao nhiêu người đã bỏ nhà bỏ cửa, vùi thân mình vào chốn rừng hoang với mơ ước đổi đời. Nhưng rồi sự đổi đời chưa kịp thấy, họ đã phải nằm lại nơi đầu sông ngọn suối hoang vu. Ông Hồ Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phước Chánh cho biết, việc người dân ra hồ thủy điện đãi vàng là trái phép, địa phương cũng có tổ chức nhắc nhở, tuyên truyền người dân. Chính quyền địa phương đã nhiều lần truy quét nhằm hạn chế tình trạng đãi vàng trái phép và trực tiếp giao cho các lực lượng chức năng vận động tuyên truyền người dân.
Tiêu Dao
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.