Mát thanh dún đá

​MTXD - Với sự ưu ái của thiên nhiên, Ninh Bình có những dãy núi đá vôi, đá tai mèo trùng trùng, điệp điệp và được mệnh danh là “kinh đô đá”. Điểm đặc biệt là trên những dãy núi này có loại rêu đá (dún đá) - món ăn dân giã một thời, nay đang làm đắm say lòng người.

MTXD - Với sự ưu ái của thiên nhiên, Ninh Bình có những dãy núi đá vôi, đá tai mèo trùng trùng, điệp điệp và được mệnh danh là “kinh đô đá”. Điểm đặc biệt là trên những dãy núi này có loại rêu đá (dún đá) - món ăn dân giã một thời, nay đang làm đắm say lòng người.

Mưa rào khe núi, triền dốc nơi đọng nước là dún đá xuất hiện.

Theo kinh nghiệm của người dân quê tôi, sau những cơn mưa rào nơi khe núi, hốc đá còn đọng nước dún đá mọc lên trong veo, mát rượi... Dún đá chỉ mọc ở núi đá tai mèo, hoặc triền núi có độ dốc cao, ít cây, tráng nắng, có nhiều những ngóc ngách, đọng nước. Ngoài ra, dún đá còn nằm rải rác khắp nơi, dưới chân những bụi cỏ, thậm chí ngay trên mặt phiến đá, mỏm đá, có những cụm to bằng cái thúng, thậm chí bằng cả cái nong. Những máng dún đá màu xanh, trong veo, mọng nước, mềm mềm, nhũn nhũn, cuốn hút chúng tôi. Muốn kiếm được dún đá phải đi vào núi ngay khi trời còn đang mưa, bởi nếu đợi trời tạnh ráo mới đi thì dún sẽ chết hoặc biến mất khi gặp nắng to. Chính vì vậy, công việc tìm kiếm dún đá rất vất vả. Trời mưa, đường trơn trượt, leo núi đã khó, lại thêm những mỏm đá tai mèo sắc lẹm như lưỡi dao nên việc rách tay, rách chân là chuyện thường xảy ra. Đã thế, do độ ẩm cao, nên muỗi thậm chí rắn, rết…nhiều, nên vô cùng nguy hiểm. Vào những năm 60 đến 80 của thế kỷ 20, ở các xã vùng núi thuộc các huyện: Hoa Lư, Yên Mô, Tam Điệp… dún đá khá nhiều. Ngày ấy, cái đói, cái thiếu bao phủ xóm làng. Đói không có gì ăn, nên mỗi khi trời mưa, người dân trong thôn lại rủ nhau lên núi tìm kiếm dún đá về để ăn chống đói... Cũng như người dân trong làng, chị em tôi lại rủ nhau lên núi Đồng Xó hay vào Thung Ngang, Thung Thầy… để kiếm dún đá.

 Đi "săn" dún đá

 Khi chị em tôi mang dún đá về, Mẹ cho vào nước vo gạo ngâm khoảng 30 phút, rồi mới đãi, rửa sạch hết bụi bẩn và cho lên rá đồ hoặc cho vào nồi luộc. Khi dún đá chuyển từ màu xanh sang màu vàng là chín. Ngày ấy, dún đá chủ yếu được luộc chấm muối vừng, hoặc ăn chung với riêu cua. Năm thì mười họa, Mẹ mới làm nộm hoặc xào. Còn nhớ, để có món dún đá - riêu cua đúng điệu, Mẹ cẩn thận giã cua, lọc lấy nước rồi bắc lên bếp đun to lửa, khuấy đều để cái cua tụ thành mảng, rồi lọc mẻ, thái vài quả cà chua và nêm nếm gia vị, hành, ngổ (bữa nào sang thì cho thêm ít mọc và đậu phụ rán vàng). Gạch cua được Mẹ chưng riêng thơm phức. Khi cả nhà ngồi quây quần đông đủ bên mâm cơm, Mẹ mới cho dún đá vào trần qua nước sôi, vớt bỏ vào bát rồi chan riêu cua lên. Vị chua thanh mát của mẻ, vị ngọt của cua ngấm đều vào từng miếng dún đá sần sật, mát rượi. Món ăn dân dã ngày xưa ấy, tưởng chừng bị lãng quên, nhưng vài năm gần đây đã trở thành đặc sản. Các món ăn chế biến từ dún đá lúc nào cũng đắt khách. Song, không phải lúc nào du khách đặt cũng có! Do vậy, du khách khi đến với Ninh Bình luôn hỏi tìm các món ăn chế biến từ dún đá. Một số người còn tỏ ra tiếc nuối vì dún đá món ăn tuyệt phẩm của Ninh Bình thế mà đến bây giờ họ mới được biết và thưởng thức… Từ ngày dún đá trở thành "đặc sản", người ta đổ xô đi tìm kiếm. Do vậy, dún đá cũng ít dần.

Mát thanh dún đá - riêu cua!

Có những ngày các “thợ” đội mưa đi từ sáng đến quá trưa cũng chỉ kiếm được vài ba cân. Đã thế, khi vừa mang về đến nhà đã có người chờ sẵn để mua với giá 20 nghìn đồng/kg... Đã mấy chục năm trôi qua, vị thanh mát của món dún đá - riêu cua Mẹ nấu mãi đậm sâu trong tâm trí của tôi. Nhớ! Tôi nhớ đến nao lòng!

Việt Phương

 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.