Một khúc tâm tình với Hồ Kẻ Gỗ
MTXD - Hơn 40 năm trước, rất nhiều người đã có mặt tại mảnh đất cằn cỗi của huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh để cùng nhau “phá đá, đào sỏi” xây dựng hồ Kẻ Gỗ - công trình thủy nông kỳ vĩ nhất lúc bấy giờ. Đến tận ngày nay, hồ Kẻ Gỗ vẫn là công trình thủy nông trọng yếu của tỉnh Hà Tĩnh và cũng là một trong những hồ đập lớn nhất Việt Nam.
Hồ Kẻ Gỗ có sức chứa 345 triệu m3, nước từ hồ theo các tuyến kênh chính có chiều dài 250 km, tưới cho hơn 21.000 ha đất canh tác của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh; góp phần chống lũ quét, chống xói mòn cho vùng hạ du...
Ông Trương Kiện, Chủ tịch Hà Tĩnh tuyên bố khởi công xây dựng hồ Kẻ Gỗ vào sáng 26/3/1976. Ảnh: Tư liệu
Hồ Kẻ Gỗ là một công trình nhân tạo, nó mang tính chất phục vụ thuỷ lợi là chính, hồ được xây dựng trên lưu vực của sông Rào Cái. Hồ được khởi công xây dựng từ năm 1976 tới năm 1980 thì hoàn thành các hạng mục chính, đến năm 1983 thì toàn bộ hệ thống được đưa vào sử dụng. Hồ nằm giữa các sườn đồi, núi thuộc huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Vinh 70 km về phía nam. Hồ dài gần 30 km, gồm 1 đập chính và 10 đập phụ với sức chứa hơn 300 triệu m³ nước.
Người Pháp dự kiến xây hồ Kẻ Gỗ trong 20 năm, người Việt đưa ra phương án 10 năm. Tuy nhiên, Hội đồng Chính phủ rút lại chỉ còn sáu năm, và điều ngoài sức tưởng tượng là người dân Nghệ Tĩnh chỉ làm trong ba năm. Để đáp ứng yêu cầu thời gian, nhà chức trách phải đưa những cỗ máy nặng ba bốn chục tấn vào công trường; xây dựng 3 vạn mét vuông nhà ở cho công nhân; huy động một vạn mét khối sỏi trong quý 1 năm 1976 để phục vụ cho xây lắp.
Thường xuyên trên công trường có 10 nghìn đội viên thủy lợi, hàng chục nghìn lượt người huy động đột xuất từ các hợp tác xã, khu phố, các cơ quan, xí nghiệp, trường học, quân đội.
Hồ kẻ gỗ thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, là dịa danh trong bài hát nổi tiếng “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
Công trường Kẻ Gỗ mở ra giữa lúc vật tư, nhiên liệu, lương thực khó khăn. Để có thép CT5 cho công trường, công ty vật tư kỹ thuật phải bỏ tiền thuê máy móc, có thời điểm thiếu xăng dầu, tỉnh phải rút bớt các nhu cầu khác để chi viện cho Kẻ Gỗ. Ngành ngoại thương phải mở chiến dịch thu mua nông sản để đổi sắt thép cho công trường, Tỉnh ủy hoãn việc xây dựng một số công trình chưa cần để dành xi măng cho Kẻ Gỗ.
Bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” đã phần nào miêu tả được hình ảnh làm hồ lúc bấy giờ, dù bài hát ra đời từ năm 1976, khi công trình chỉ mới bắt đầu. “Bạn về theo bạn đào núi lấp sông” là hình tượng người người lũ lượt rủ nhau tham gia công trình này trên quê hương mình, vừa đào núi, vừa lấp sông để thành hồ... Bởi đây là “vùng đá bạc đồi núi lô nhô”, sau khi có “tay anh phá đá tay em đào sỏi” thì “bỏ đồi hoang lại trong nắng trong mưa” mà nước nguồn như “những dòng suối nhỏ theo sông về với biển”...
Đến với hồ Kẻ Gỗ, du khách có thể thăm, dâng hương và vãn cảnh tại đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Việc xây hồ chủ yếu là dùng sức người, cùng với các loại công cụ, phương tiện khá thô sơ, trong điều kiện khá khó khăn, vất vả, nhất là vào mùa hè nóng bức hay mùa đông giá rét. Các nhân chứng kể lại, dù làm việc trong bối cảnh như vậy, lại phải ăn uống khá kham khổ, nhưng mọi người đều vui tươi, phấn khởi, đêm đêm phải ngủ dã chiến ở các lán trại giữa rừng, nhưng mọi người vẫn say sưa đàn hát...
Không chỉ vậy, Hà Tĩnh là khu được Mỹ “quan tâm đặc biệt” trong chiến tranh bởi là điểm mở đầu của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, nên đã rải rất nhiều bom đạn xuống mảnh đất cằn khô này, trong số đó có nhiều bom mìn, đầu đạn chưa nổ. Với tinh thần xung phong rất cao, các đội dân công đã tình nguyện nhận đào ở những khu vực chưa rà phá bom mìn bằng sự dũng cảm và thận trọng cần thiết...
Hiện nay, hồ Kẻ Gỗ còn là một địa điểm tham quan khá đặc sắc của tỉnh Hà Tĩnh. Nhiều người muốn đến đây để tận mắt nhìn thấy quang cảnh một cái hồ vốn đã được xây dựng trong một câu chuyện nên thơ mà nhạc sĩ tài hoa đã dựng lại, rồi vỡ òa với khung cảnh hữu tình ở nơi đây. Xa xa là những dãy núi, những “hòn đảo” nhỏ như những chòm cây xanh giữa hồ. Ngày nắng đẹp, mặt hồ phẳng lặng, trong veo như một tấm gương soi khổng lồ in rõ từng chòm mây. Đi trên con đập chính, nghe gió lộng thổi rạt rào từ khu rừng xanh mát mà tưởng như “nghe trong gió bao nhiêu là chuyện lạ” từ thuở “lội qua khe” để “đắp đập xây hồ”, “đào núi ngăn sông” hay sự thay đổi diệu kỳ của mảnh đất này từ ngày “vang vang lời trống giục”…
Trên một hòn đảo nhỏ gần bờ, từ nhiều năm nay đã trở thành một điểm viếng, bởi ở đó có đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Từ khi tiến hành xây dựng hồ Kẻ Gỗ, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến công trình này, nhiều lần chỉ đạo, giúp đỡ và kiểm tra trực tiếp. Đây không chỉ là sự quan tâm của một vị lãnh đạo đối với một công trình thủy lợi có ý nghĩa thiết thực của địa phương mà là sự thể hiện tình cảm của một người con đối với quê hương. Tổng Bí thư Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ra tại xã Triệu Thành, H. Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nhưng quê gốc ở làng Phương Cai, xã Cẩm Duệ, H. Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, tức là ngay tại nơi có hồ này. Để tri ân công lao to lớn của cố Tổng Bí thư, nhân dịp kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh (15-10-1831 – 15-10-2011), được sự đồng ý của gia đình, tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư xây dựng Đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn ngay trên hòn đảo nằm giữa lòng hồ, nơi ông từng nghỉ lại trong chuyến về thăm Hà Tĩnh (nên nhân dân địa phương thường gọi là “Đảo Cụ Duẩn").
Hồ Kẻ Gỗ cung cấp nước ngọt cho hơn 21.000 ha đất canh tác của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh
Đền thờ được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, khánh thành vào ngày 18-1-2014, trở thành một điểm nhấn của hồ Kẻ Gỗ bởi sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, là địa điểm văn hóa tâm linh để du khách tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đặc biệt, gần đây, chiếc cầu nối từ bờ đến đảo được xây dựng mới, có thiết kế đẹp, càng hấp dẫn du khách đến nơi đây, sau khi có những bức ảnh đẹp có thể lắng lòng với lòng tri ân một vị lãnh đạo có nhiều đóng góp cho đất nước, cho dân tộc...
Hồ Kẻ Gỗ đã đi vào thơ, vào nhạc, là một biểu tượng của quê hương Hà Tĩnh, đồng thời cũng là một dấu ấn thể hiện sự chung sức, đồng lòng của người dân trong công cuộc dựng xây đời sống mới sau nhiều năm chiến tranh gian khó. Ngày nay, hồ trở thành một điểm đến hấp dẫn của khách tham quan, là một địa chỉ du lịch sinh thái có ý nghĩa.
VŨ LAM - THU HƯỜNG
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.