Một số suy nghĩ về quản lý và sử dụng hè phố tạo thuận lợi hơn cho người đi bộ

​MTXD - Theo thông lệ, hè phố (sidewalk; hoặc pavement) là nơi dành cho mọi người đi bộ, người đi xe đạp, người sử dụng phương tiện di động và người lái xe bảo trì thiết bị (PMD). Khi băng qua đường phải đi theo con đường có vạch dành cho riêng sang phía đối diện và khi băng qua bất kỳ nơi nào khác (ngoài vạch dành cho người đi bộ) sẽ nhường quyền ưu tiên cho tất cả các phương tiện khác.

MTXD - Theo thông lệ, hè phố (sidewalk; hoặc pavement) là nơi dành cho mọi người đi bộ, người đi xe đạp, người sử dụng phương tiện di động và người lái xe bảo trì thiết bị (PMD). Khi băng qua đường phải đi theo con đường có vạch dành cho riêng sang phía đối diện và khi băng qua bất kỳ nơi nào khác (ngoài vạch dành cho người đi bộ) sẽ nhường quyền ưu tiên cho tất cả các phương tiện khác.


(Ảnh minh họa /Nguồn: National Gallery Singapore)

Tại Singapore, Luật Giao thông đường bộ (Chương 276, Mục 121 và 140) thiết lập Quy tắc Giao thông Đường bộ (Vạch qua đường dành cho Người đi bộ), trong đó quy định rõ về “Người đi bộ”: là một cá nhân đi bộ, có hoặc không có động vật; một người ngồi trên xe lăn không có động cơ; một cá nhân di chuyển trên giày trượt một hàng, giày trượt patin hoặc đồ chơi có bánh xe; một cá nhân đẩy xe nôi, xe đẩy hoặc xe đẩy, hoặc xe lăn có động cơ hoặc không có động cơ; hoặc một cá nhân đi bên cạnh và đẩy xe đạp, xe đạp trợ lực, thiết bị hỗ trợ di chuyển cá nhân, xe tay ga di động hoặc bất kỳ phương tiện không sử dụng động cơ nào khác); về "Đường dành cho người đi bộ": là bất kỳ phần nào của đường, tàu điện ngầm hoặc cầu được thiết lập để người đi xe đạp, người sử dụng phương tiện di chuyển, người lái PMD hoặc người đi bộ băng qua đường và được chỉ báo như vậy bằng các biển báo giao thông, tín hiệu và vạch kẻ đường được thể hiện trong các sơ đồ, biểu bảng, chỉ dẫn,...(1)

Tại Seoul (Hàn Quốc), trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2011, các dự án “Thiết kế đường phố Seoul” và “Phố phục hưng” thống nhất thiết kế các công trình công cộng trên đường phố và cải thiện vỉa hè của các lối đi. Tháng 4/2012, chính quyền đã công bố “Mười quy ước dành cho vỉa hè ở Seoul” để giảm bớt sự bất tiện cho người đi bộ. Theo các quy ước này, nhiều dự án khác nhau đã được thực hiện, bao gồm “Dự án xây dựng vỉa hè dưới tên thật”, bao gồm việc ghi tên nhà thầu trên vỉa hè, “Chính sách một lần đình chỉ”, nhằm hạn chế các công ty xây dựng kém chất lượng tham gia đấu thầu và sáng kiến “Đảm bảo lối đi tạm thời cho người đi bộ nhằm cải thiện môi trường cho người đi bộ xung quanh các công trường xây dựng.

Trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam, hè (hay vỉa hè, hè phố): là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến(2). Chúng ta chưa có quy định về “Đường dành cho người đi bộ”. Quy định về quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố Hà Nội là: “Hè phố, lòng đường chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông(3) thay thế cho quy định ban đầu là: “Hè phố được sử dụng chủ yếu cho người đi bộ(4) đã là một thất bại cho người đi bộ. Quy định về quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố Hà Nội (tại Điều 2 Quyết định số 20/2008/QĐ-UBND ngày 16/4/2008 của UBND thành phố Hà Nội): “Hè phố, lòng đường là bộ phận của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc sở hữu của Nhà nước phải được quản lý chặt chẽ theo đúng quy hoạch, chỉ giới, mốc giới; các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi hè phố, lòng đường bao gồm các công trình cấp nước, thoát nước, điện lực, chiếu sáng, thông tin, môi trường, tuy-nen kỹ thuật và các công trình khác”. Sử dụng hè phố là cộng đồng người dân, doanh nghiệp, sử dụng nhiều chức năng khác (ngoài mục đích giao thông, như: trồng cây xanh; bố trí trạm điện, đường dây đường ống kỹ thuật; chỗ để phương tiện và kinh doanh,…) và luôn hàm chứa các quy phạm xã hội khá phức tạp và không dễ áp dụng các chế tài như áp dụng đối với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị khác thuộc sở hữu của Nhà nước. Kết quả thực tiễn như chúng ta thường thấy hàng ngày là: không phải lúc nào và ở đâu, hè phố cũng được sử dụng chủ yếu cho người đi bộ.

Đã có nhiều nghiên cứu, chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: quy định cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường không vào mục đích giao thông; sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe; cấp giấy phép đào hè phố, lòng đường,…không phù hợp và nhất quán mục tiêu để tạo thuận lợi cho người đi bộ; lực lượng quản lý tại UBND quận, huyện, phường, thị trấn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thường xuyên, dẫn đến hoạt động theo phong trào như “bắt cóc bỏ đĩa”,… Thực tế này đặt ra hai câu hỏi chính: 1) Yếu tố nào chưa mang lại hiệu quả quản lý và sự cần thiết phải thay đổi về tư duy quản lý (Tại sao cần quản lý? Quản lý nội dung gì? Quản lý những ai? Quản lý như thế nào?) để bắt kịp thực tiễn. Ngoài các yếu tố kỹ thuật công trình hạ tầng kỹ thuật (ngầm và nổi) trong phạm vi hè phố được đầu tư chung, thì các thiết kế vỉa hè sẽ quy định và hướng dẫn các hoạt động xã hội của các tổ chức, cá nhân như thế nào, thông qua các chỉ tiêu gì là những nội dung cần được xem xét kỹ các khía cạnh thực tiễn, pháp lý và phương pháp luận tư duy quản lý; và 2) Bài học kinh nghiệm nào có thể áp dụng cho quản lý vỉa hè tại thành phố Hà Nội để tạo thuận lợi hơn cho người đi bộ?

Bài viết này đề cập và lập luận rằng: Việc coi yếu tố vỉa hè chỉ là bộ phận của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc sở hữu của Nhà nước (đầu mối quản lý nhà nước thuộc ngành giao thông vận tải) rõ ràng là chưa đầy đủ và chưa mang lại hiệu quả quản lý, đặc biệt tại các quận trung tâm thuộc thành phố lớn. Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của nhiều Quốc gia để áp dụng cho quản lý và thiết kế vỉa hè tại một số Thành phố lớn, song thực tiễn cần rút ra 04 bài học về quản lý: 1) Không có một hình mẫu chung cho các thành phố hay các quốc gia trong quản lý và sử dụng vỉa hè; 2) Thiết kế vỉa hè (ngầm và nổi) cần gắn với tổ chức thực hiện đồng bộ để có thể đi vào đời sống; 3) Quy hoạch phải có tính kế thừa và ổn định mục tiêu tạo thuận lợi cho người đi bộ, coi đó là sự cam kết của chính quyền đối với người dân và nhà đầu tư, nhưng phương pháp thực hiện cần linh hoạt và dựa trên các dữ liệu thực chứng; 4) Công cụ quản lý của nhà nước áp đặt mục tiêu cốt lõi (sử dụng cho mục đích giao thông và tạo thuận lợi cho người đi bộ) nhưng đồng thời cũng dành chỗ cho sự sáng tạo thiết kế, vượt qua giới hạn quản lý của ngành giao thông vận tải và cần có sự phối hợp thường xuyên và chặt chẽ của nhiều cơ quan quản lý.


(Ảnh minh họa /Nguồn: Internet)

1. Yếu tố nào chưa mang lại hiệu quả quản lý và sự cần thiết phải thay đổi về tư duy quản lý vỉa hè để bắt kịp thực tiễn

Tồn tại trong các cơ chế chính sách?

Thống kê sơ bộ kể từ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến nay, đã có thêm 04 Nghị định của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2010/NĐ-CP) ban hành vào các năm: 2013, 2016, 2018, 2021; 04 Thông tư của Bộ Giao thông Vận tải (sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP) ban hành vào các năm: 2015, 2017, 2020, 2021 ([5]); 03 Văn bản hợp nhất (hướng dẫn thực hiện theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP) do Bộ Giao thông Vận tải ban hành vào các năm: 2017, 2020, 2022 ([6]); 01 Thông tư của Bộ Xây dựng (số 16/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009) về Hướng dẫn quản lý đường đô thị liên quan đến xây dựng, quản lý và sử dụng hè phố. UBND Thành phố Hà Nội ban hành 03 Quyết định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, có liên quan trực tiếp đến quản lý và sử dụng hè phố vào các năm: 2013, 2015, 2018 ([7]). Qua tìm hiểu thực tiễn, cơ chế chính sách quản lý hè phố mới đề cập có mức độ đến quản lý thiết kế (theo Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải và Thông tư số 16/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng) và quản lý sử dụng (theo Quyết định số 20/2008/QĐ-UBND ngày 16/4/2008 và Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 03/5/2018 của UBND Thành phố). Hiện chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về “Người đi bộ” và “Đường dành cho người đi bộ”.

Tại sao “Người đi bộ” và “Đường dành cho người đi bộ” cần quản lý?

Việc đặt vấn đề tại sao phải quản lý “Người đi bộ” và “Đường dành cho người đi bộ” là quan trọng, bởi nó giúp xác định rõ mối quan hệ, chức trách quản lý nhà nước đa ngành và không chỉ thuộc ngành giao thông vận tải. Ví dụ về một số lý do quan trọng cần quản lý hè phố liên quan đến “Người đi bộ” và “Đường dành cho người đi bộ”, như:

An ninh và trật tự công cộng: Quản lý hè phố giúp đảm bảo an ninh và trật tự công cộng, ngăn chặn các hành vi phạm pháp, xả rác bừa bãi, gây rối trật tự, và đảm bảo an toàn cho mọi người.

Giao thông và vận tải: Quản lý các luồng giao thông (người và phương tiện), hạn chế tắc nghẽn và ùn tắc giúp giảm bớt ách tắc và giữ cho việc di chuyển thuận lợi, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng. Hè phố có thể áp dụng hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông thông minh, thiết lập các làn đường ưu tiên cho phương tiện công cộng hoặc tổ chức lại lưu thông trên các con đường chính.

Quảng bá du lịch và phát triển kinh tế: Quản lý bán hàng và kinh doanh; tạo ra một môi trường hấp dẫn, thu hút du khách và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Các hoạt động thu hút du khách, các cửa hàng, nhà hàng và khách sạn, triển lãm, diễn hành, lễ hội và sự kiện khác trên hè phố có thể tạo ra cơ hội kinh doanh cho các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp.

Môi trường sống và sự hài hòa: Quản lý hè phố đảm bảo môi trường sống trong lành và hài hòa cho cư dân địa phương, bao gồm cả quản lý tiếng ồn. Việc duy trì sạch sẽ, bảo vệ cảnh quan và công viên, và hạn chế tiếng ồn và ô nhiễm đảm bảo mọi người có một môi trường sống tốt hơn. Môi trường dọc các con phố là sạch sẽ, an toàn và thuận tiện cho cư dân. Việc duy trì vệ sinh, quản lý rác thải, bảo vệ cảnh quan và cung cấp các tiện ích công cộng như ghế ngồi, bãi đỗ xe và vỉa hè rộng rãi góp phần tạo ra một môi trường sống thoải mái và hài hòa; cây trồng và kỹ thuật chăm sóc,…

Không gian công cộng và gắn kết cộng đồng: Quản lý hè phố hàm chứa các quy phạm về văn hóa - xã hội, tạo ra cơ hội cho mọi người trong cộng đồng gặp gỡ, giao lưu và tạo ra sự gắn kết, các hoạt động cộng đồng xã hội. Quản lý hè phố và không gian công cộng trên các con phố là nơi mọi người tương tác và thư giãn. Quản lý hè phố có thể bao gồm việc đảm bảo sự sắp xếp hợp lý của vỉa hè, không để chiếm dụng trái phép không gian công cộng, đảm bảo sự an toàn và tiện nghi cho người đi bộ và người tới thăm.

Quản lý và sử dụng đất: Quản lý để làm đường và hè phố tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

- v.v….

Như vậy, quy định pháp luật về quản lý hè phố là chưa đồng bộ; ngoài cơ chế chính sách quản lý hè phố cần bổ sung, đề cập đầy đủ đến quản lý “người đi bộ” và “đường dành cho người đi bộ”, bổ sung các yếu tố về thiết kế và quản lý sử dụng (nêu trên) để bao quát đầy đủ các mối quan hệ về quản lý nhà nước. Đối tượng quản lý lấy người dân làm trung tâm - thay cho việc coi hè phố và ngành là trung tâm.

Quản lý nội dung gì?

Quản lý hè phố có 2 giai đoạn cơ bản là:

  • Quản lý quá trình lập các đồ án quy hoạch, thiết kế hè phố (ngầm nổi).
  • Quản lý thực hiện theo quy hoạch, thiết kế hè phố.

Quản lý nhà nước đối với hè phố gồm 02 nội dung chính:

  • Quản lý riêng về chuyên ngành giao thông đường bộ.
  • Quản lý chung về sử dụng hè phố thuộc các cấp ngành.

Trong đó:

    a) Quản lý riêng về giao thông đường bộ:

Theo Luật Giao thông đường bộ, Nghị định và Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải, nội dung quản lý nhà nước (ngành giao thông vận tải) mới đề cập đến 05 nội dung:

- Quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

- Quản lý sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đấu nối đường nhánh vào quốc lộ;

- Quản lý mã số đặt tên hệ thống đường tỉnh;

- Quản lý bảo đảm giao thông và an toàn giao thông khi thi công công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khai thác;

- Quản lý thẩm định và thẩm tra an toàn giao thông đường bộ.

Bộ giao thông vận tải chưa ban hành Quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn về thiết kế hè phố (ngầm / nổi) trong phạm vi giao thông đường bộ.

    b) Quản lý chung về sử dụng hè phố hiện nay - “Quản lý bề mặt”:

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các Quyết định: số 09/2018/QĐ-UBND ngày 03/5/2018 về việc ban hành “Quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”; số 1303/QĐ-UBND ngày 21/3/2019 về việc ban hành “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Tuy nhiên, mới có thiết kế mẫu về vật liệu lát hè phố theo từng địa bàn cấp quận.

Như vậy, nội dung quản lý nhà nước mới dừng lại ở thiết kế bề mặt (vật liệu vỉa hè) và còn chưa bao quát đầy đủ các khía cạnh về: Quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn về thiết kế hè (ngầm / nổi) trong phạm vi giao thông đường bộ theo Luật Giao thông đường bộ thuộc ngành giao thông vận tải; về thiết kế mẫu vỉa hè (tại khu vực đô thị và nông thôn) và quản lý chất lượng công trình xây dựng theo Luật Xây dựng thuộc ngành xây dựng; về các khía cạnh quản lý khác đối với hè phố (thiết kế đô thị; kiến trúc; du lịch và phát triển kinh tế; môi trường sống và sự hài hòa; không gian công cộng và gắn kết cộng đồng),…gắn với trách nhiệm của các cấp ngành quản lý. Chuyển hóa từ “Quản lý bề mặt – hè phố” sang “Quản lý chiều sâu – hoạt động”.

Quản lý những ai?

Chưa có số liệu thống kê chính thức, song có thể bắt đầu từ bộ phận thống kê thuộc các ngành: giao thông vận tải (về khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và thuộc quy định quản lý); xây dựng (về thiết kế vỉa hè và quản lý chất lượng công trình xây dựng) và chính quyền địa phương (về các tổ chức, cá nhân liên quan có sử dụng vỉa hè).

Đối với người đi bộ? Các tình huống giữa người đi bộ với các vật cản trong phạm vi hè phố (cây cối, rào chắn, cột và đường dây, hộp kỹ thuật,…) và với lòng đường (bao gồm các công trình cấp nước, thoát nước, điện lực, chiếu sáng, thông tin, môi trường, tuy nen kỹ thuật và các công trình khác,…) là cơ sở xác định các giải pháp rõ ràng cho chúng. Ví dụ: cắt xén vỉa hè dành cho giao thông cơ giới, chi phí chỗ đậu xe, khoanh định các gốc - bụi cây trên vỉa hè, trạm kỹ thuật,... Nhưng rõ ràng và dễ nhận thấy, giống như ở nhiều thành phố tại các quốc gia đang phát triển tương tự, những phần quan trọng đã được xây dựng và sử dụng trong phạm vi hè phố, vào nhiều thời điểm, đã không (hoặc ít) ưu tiên dành cho người đi bộ. Có nhiều lý do được nêu trong bối cảnh mức độ quan tâm ưu tiên hơn về quản lý các nguồn thu.

Như vậy, với thực trạng quản lý như hiện nay (là quản lý theo ngành và quản lý theo vùng lãnh thổ), rõ ràng “người đi bộ” và “đường dành cho người đi bộ” đã không đối tượng quản lý nào/hoặc không rõ về đầu mối quản lý. Đổi mới tư duy quản lý, phải bắt đầu từ mục tiêu quản lý là tạo thuận lợi cho người đi bộ và cần được coi là sự cam kết chính thức của chính quyền đối với người dân và nhà đầu tư như đã đề cập (nêu trên) về các lý do quan trọng cần quản lý hè phố.

Quản lý như thế nào?

Qua khảo sát thực tiễn tại quận Hoàn Kiếm, một số biện pháp cụ thể đã được áp dụng trong quản lý hè phố, như sau:

Quản lý sự kiện và lễ hội: Nếu có các sự kiện hoặc lễ hội diễn ra trên hè phố, quản lý cần xác định và phân bổ đúng không gian cho các hoạt động, thiết lập khu vực an toàn, đảm bảo sự tổ chức tốt của buổi biểu diễn và giám sát quy mô đám đông để đảm bảo an ninh và trật tự. Tổ chức khá thành công các tuyến phố đi bộ.

Quản lý bán hàng và kinh doanh: Đảm bảo sự sắp xếp hợp lý của các gian hàng, quầy hàng và vỉa hè để không gây cản trở cho lưu thông và không làm mất đi không gian công cộng. Cần có quy định về vị trí, kích thước và mật độ của các hoạt động kinh doanh trên hè phố, cũng như đảm bảo tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn hàng hóa và chất lượng dịch vụ.

Quản lý giao thông: Điều chỉnh lưu thông giao thông là một phần quan trọng trong quản lý hè phố. Cần thiết lập và tuân thủ các quy tắc về đường đi, làn đường, biển báo giao thông và đèn tín hiệu. Có thể áp dụng hệ thống điều khiển giao thông thông minh, giám sát tình trạng giao thông và cung cấp thông tin về lưu lượng xe cộ để giảm thiểu tắc nghẽn và ủn tắc.

Quản lý vỉa hè và không gian công cộng: Đảm bảo vỉa hè rộng rãi, an toàn và thuận tiện cho người đi bộ. Cần có các quy định về kích thước, vị trí và sử dụng vỉa hè.

Quản lý tiếng ồn: Cần thiết lập quy định về tiếng ồn và thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt để giảm thiểu tiếng ồn gây khó chịu cho cư dân. Điều này có thể bao gồm đặt giới hạn âm lượng cho âm thanh công cộng, xác định khung giờ yên tĩnh và áp dụng biện pháp kiểm soát tiếng ồn trong quá trình tổ chức các sự kiện hoặc buổi biểu diễn.


(Ảnh minh họa /Nguồn: Internet)

2. Bài học kinh nghiệm nào có thể áp dụng cho quản lý vỉa hè tại thành phố Hà Nội để tạo thuận lợi hơn cho người đi bộ

Xác định mục tiêu quản lý:

Mục tiêu quản lý hè phố cần được xác định rõ thông qua các biện pháp (đối với đường dành cho người đi bộ) và hoạt động đồng bộ (của người đi bộ), sau đây:

Lập kế hoạch và tổ chức: Quản lý hè phố bắt đầu bằng việc lập kế hoạch chi tiết về các hoạt động, sự kiện và lịch trình trên các con phố khác nhau. Điều này bao gồm việc xác định rõ các chức năng chính của tuyến phố; các hoạt động đáng chú ý, quy mô đám đông, thời gian và địa điểm. Tổ chức các cuộc họp và gặp gỡ với các bên liên quan như cơ quan chức năng, cộng đồng địa phương và doanh nghiệp để bàn bạc và phối hợp công việc.

Điều chỉnh giao thông: Quản lý lưu thông giao thông là một phần quan trọng trong quản lý hè phố. Điều này bao gồm việc xác định và áp dụng các biện pháp như điều chỉnh đường đi, hướng dẫn giao thông, đặt biển báo, thiết lập hệ thống đèn giao thông, và giám sát việc tuân thủ luật giao thông. Quản lý hè phố cũng có thể bao gồm việc tăng cường phương tiện giao thông công cộng và khuyến khích việc sử dụng xe đạp hoặc đi bộ.

Bảo vệ môi trường và mỹ quan đô thị: Quản lý hè phố đảm bảo sự sạch sẽ và bảo vệ môi trường sống. Điều này bao gồm việc xây dựng các hệ thống thu gom rác hiệu quả, đặt thùng rác ở các vị trí phù hợp, và thực hiện chính sách tái chế. Quản lý hè phố cũng có thể thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và giảm thiểu tiếng ồn và ô nhiễm không khí, đảm bảo mỹ quan đô thị.

An ninh và trật tự công cộng: Quản lý hè phố bao gồm việc đảm bảo an ninh và trật tự công cộng trên các con phố. Điều này có thể đạt được thông qua việc tăng cường tuần tra của lực lượng cảnh sát, lắp đặt camera giám sát, đảm bảo ánh sáng công cộng đủ đầy và tạo ra các biện pháp an ninh như giám sát đám đông.

Đa dạng hóa các ý tưởng thiết kế hè phố:

Việc đa dạng hóa các ý tưởng thiết kế hè phố, cần bắt đầu từ thay đổi tư duy quản lý lấy mọi người sử dụng hè phố làm trung tâm. Khi lấy mọi người sử dụng hè phố làm trung tâm, nhu cầu về đa dạng hóa các ý tưởng thiết kế hè phố trở nên hiện hữu.

Việc đa dạng hóa các ý tưởng thiết kế hè phố, được áp dụng tùy theo đặc thù của từng hè phố khác nhau từ nhiều yếu tố, bao gồm: địa lý, văn hóa, lịch sử, dân cư, các yếu tố khác, v.v...và có thể có thay đổi theo thời gian. Bao gồm 05 đặc thù chính:

Đặc thù địa lý: Vị trí của các hè phố tạo nên sự đặc trưng mang tính khác biệt.

Đặc thù kinh tế - xã hội: Gia tăng mật độ người đi bộ, nhu cầu và khả năng linh hoạt trong phát triển kinh tế và các áp lực về hạ tầng là khác nhau giữa các địa phương và giữa các hè phố.

Đặc thù văn hóa - lịch sử - truyền thống: Thể hiện qua truyền thống và kiến trúc, ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục truyền thống, nghệ thuật dân gian và tôn giáo, di tích lịch sử, lễ hội truyền thống khác nhau giữa các hè phố của thành phố Hà Nội.

Đặc thù quy hoạch đô thị - nông thôn: Dân số, đất đai, tỷ lệ đô thị hóa tác động tới hè phố tại quận trung tâm cao hơn và khác biệt so với các khu vực còn lại.

Đặc thù kiến trúc cảnh quan: Yêu cầu về quản lý kiến trúc cảnh quan hè phố tại các quận trung tâm cao và cấp thiết hơn so với các huyện còn lại, do nhu cầu thiết lập công cụ quản lý, áp lực về bảo tồn, phát huy giá trị và nhận thức về văn hoá – lịch sử và phục hồi di sản trong quản lý kiến trúc cảnh quan cao và cấp thiết hơn.

Một số ví dụ:

Singapore gần đây đã được tuyên bố là thành phố đứng top đầu thế giới trong việc đa dạng hóa các ý tưởng thiết kế hè phố, xuất phát từ việc họ đã lập các chương trình / kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt các biện pháp đồng bộ.

Singapore đã hiện thực hóa bằng các chương trình / kế hoạch cụ thể đối với hè phố, như là: “không gian chung được chia sẻ”; nơi “tạo cơ hội cho cư dân gặp gỡ”, hoặc địa điểm tổ chức “các hoạt động xã hội không thường xuyên”. Năm 2018, họ đã hoàn thành 200Km đường đi bộ có mái che do Chính phủ phát động.

Họ vạch ra ranh giới di chuyển giữa làn đường giao thông và thương mại ven đường và kiểm kê các tình huống giữa người đi bộ và cây cối và xác định các giải pháp rõ ràng cho chúng - chẳng hạn như mở rộng vỉa hè vào đường phố, với chi phí là chỗ đậu xe.


(Nguồn: ricemedia.co)

Đối với những vị trí có cây lâu năm trên hè phố, họ vận dụng khéo léo trở thành “Điểm đỗ xe Taxi” và có giải pháp mở rộng vỉa hè vào đường phố, với chi phí (doanh nghiệp chi trả) chính là chỗ đậu xe Taxi đó.


(Nguồn: Human Transit)

Tổ chức thực hiện hiệu quả:

Cơ quan tái phát triển đô thị Singapore (URA) đã ban hành các “Chi tiết hướng dẫn” và “Hướng dẫn thực hành - Đường dành cho người đi bộ” giúp ngăn chặn các doanh nghiệp và người dân sử dụng vỉa hè cho mục đích cá nhân.

Tất cả các đề xuất liên quan đến việc sử dụng hè phố, lát lại các lối đi bộ đều phải được Phòng Kiểm soát Phát triển của URA phê duyệt như một phần của quy trình Đăng ký Phát triển.


(Nguồn: Expatify.com)


Kết luận và kiến nghị

Kết luận:

Tổng hợp 05 yếu tố chính còn chưa mang lại hiệu quả quản lý và sự cần thiết phải thay đổi về tư duy quản lý vỉa hè để bắt kịp thực tiễn, như sau:

- Quy định pháp luật về quản lý hè phố là chưa đồng bộ; ngoài cơ chế chính sách quản lý hè phố cần bổ sung, đề cập đầy đủ đến quản lý “người đi bộ” và “đường dành cho người đi bộ”, bổ sung các yếu tố về thiết kế và quản lý sử dụng để bao quát đầy đủ các mối quan hệ về quản lý nhà nước, lấy người dân làm trung tâm.

- Mối quan hệ tương tác giữa các nội dung quản lý nhà nước còn chưa nhịp nhàng, đồng bộ và bao quát đầy đủ các khía cạnh về quản lý.

- Tư duy quản lý chậm đổi mới, mới tập trung về quản lý các nguồn thu, chưa tạo thuận lợi cho người đi bộ và chưa có sự cam kết chính thức của chính quyền đối với người dân và nhà đầu tư về việc sử dụng hè phố tạo thuận lợi cho người đi bộ.

- Quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn về thiết kế hè (ngầm / nổi) trong phạm vi giao thông đường bộ; thiết kế mẫu vỉa hè (tại khu vực đô thị và nông thôn) và quản lý chất lượng công trình xây dựng (hè phố), chi tiết hướng dẫn và hướng dẫn thực hành - đường dành cho người đi bộ và các khía cạnh quản lý khác đối với hè phố (thiết kế đô thị; kiến trúc; du lịch và phát triển kinh tế; môi trường sống và sự hài hòa; không gian công cộng và gắn kết cộng đồng),…còn thiếu và chưa gắn với trách nhiệm của các cấp ngành quản lý.

- Chưa giải quyết tổng thể, hài hòa các vấn đề môi trường và xã hội, gắn kết xây dựng mới với các mô hình không gian linh hoạt. Chưa có cơ chế đa dạng hóa các ý tưởng thiết kế hè phố - cho phép nhiều chuyển đổi có thể được xảy ra trên hè phố theo thời gian thay vì những vật liệu bề mặt và công năng xơ cứng đối với hè phố.

Kiến nghị:

- Kiến nghị với UBND Thành phố xem xét những văn bản, bổ sung hướng dẫn kịp thời về công tác quản lý hè phố; giao các đơn vị tiếp tục nghiên cứu để có các định hướng và giải pháp cho công tác quản lý hè phố trong giai đoạn phát triển mới.

- Kiến nghị với Sở Quy hoạch – Kiến trúc xem xét, bổ sung các thiết kế mẫu hè phố và quản lý chất lượng công trình xây dựng (hè phố), chi tiết hướng dẫn và hướng dẫn thực hành - đường dành cho người đi bộ và các khía cạnh quản lý khác đối với hè phố (thiết kế đô thị; kiến trúc; du lịch và phát triển kinh tế; môi trường sống và sự hài hòa; không gian công cộng và gắn kết cộng đồng),…hiện còn thiếu. Khuyến khích thiết kế hè phố xanh, thân thiện môi trường, sử dụng vật liệu truyền thống. Hạn chế tối đa bê tông hóa hè phố. Các tuyến đường cho người đi bộ, vỉa hè nên lát gạch lỗ, gạch thấm để giảm tải tiêu thoát nước đô thị, tốt cho cây trồng và bổ cập nước ngầm tầng nông.

- Kiến nghị với UBND các quận/huyện: Rà soát, phân loại các tuyến phố và hè phố theo các đặc thù của từng hè phố khác nhau từ nhiều yếu tố, bao gồm: địa lý, văn hóa, lịch sử, dân cư, các yếu tố khác, v.v.. Xác định rõ các lợi ích, sức khỏe và tác động chính đối với cộng đồng. Từ đó, đề xuất và kiến nghị các giải pháp quản lý đảm bảo hiệu quả và khả thi, lấy người sử dụng hè phố làm trung tâm và khuyến khích sự tham gia quản lý của cộng đồng. Đề xuất triển khai thí điểm tại một số khu vực để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng./.

Ths.KTS. Lã Hồng Sơn 

 Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội

Tài liệu tham khảo:

- Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn liên quan hè phố của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng;
https://www.ricemedia.co/culture-life-one-roof-covered-walkway-conquered-singapore
https://humantransit.org/2010/06/singapore-pedestrian-first-impressions.html
https://www.expatify.com/advice/singapore-is-asias-best-and-only-good-big-city-for-walking.html
- Lã Hồng Sơn, Báo cáo hội thảođề tài: “Quản lý QHXD, KTCQ các Huyện của Thành phố Hà Nội – Thực trạng và giải pháp”, Hà nội 2023;
(1) https://sso.agc.gov.sg/SL/RTA1961-R24?DocDate=20211231
(2) Khoản 1 và Khoản 2 Mục II Phần 1 Thông tư 04/2008/TT-BXD được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 16/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng.
(3) Quyết định số 20/2008/QĐ-UBND ngày 16/4/2008 của UBND thành phố Hà Nội.
(4) Quyết định số 227/2006/QĐ-UBND ngày 12/12/2006 của UBND thành phố Hà Nội.
(5) Số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015; số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017; số 13/2020/TT-BGTVT ngày 29/6/2020; số 39/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021của Bộ Giao thông Vận tải.
(6) Số 16/VBHN-BGTVT ngày 30/11/2017; số 04/VBHN-BGTVT ngày 28/7/2020; số 33/VBHN-BGTVT ngày 21/7/2022 của Bộ Giao thông Vận tải.
(7) Số 15/2013/QĐ-UBND ngày 9/5/2013; số 17/2015/QĐ-UBND ngày 21/7/2015; số 09/2018/QĐ-UBND ngày 03/5/2018 của UBND thành phố Hà Nội.

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.