Một số thách thức trong phát triển nền kinh tế tuần hoàn và gợi mở một số định hướng thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
MTXD - Phát triển bền vững luôn là mục tiêu hướng tới cao nhất của mọi sự phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng có nhiều thách thức như: Suy giảm tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, và đặc biệt là biến đổi khí hậu (BĐKH), việc hướng tới phát triển bền vững cũng sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH.
Để ứng phó với các thách thức mới, đặc biệt là BĐKH, đã đến lúc Việt Nam cần chuẩn bị cho một cuộc đổi mới tiếp theo, trong đó bao gồm cả đổi mới về mô hình phát triển của nền kinh tế. Một trong những mô hình phát triển mang lại nhiều lợi ích, và đang là xu hướng các nước theo đuổi để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đó là mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH).
Tuy nhiên, việc chuyển từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình KTTH không phải lúc nào cũng thuận lợi. Vì vậy, việc nhận diện những thách thức trong phát triển mô hình KTTH trong điều kiện ở Việt Nam là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam có sự chủ động trong việc điều hành và ra các quyết sách quan trọng nhằm khắc phục, giảm thiểu những rào cản để sớm chuyển đổi sang mô hình kinh tế mới này.
1. Đặt vấn đề
Kinh tế tuần hoàn không còn là một thuật ngữ mới xuất hiện trên thế giới trong những thập kỷ gần đây mà đã manh nha từ những ý tưởng về tuần hoàn vật liệu trong ngành nông nghiệp thế kỷ XVIII (Schivelbusch W., 2015). Tuy KTTH không phải là một thuật ngữ mới nhưng đến nay vẫn chưa có một khái niệm thống nhất cho thuật ngữ này do các Tổ chức, nhà nghiên cứu đứng trên quan điểm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Khái niệm KTTH đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và ngày càng hoàn thiện hơn.
Ở Việt Nam, KTTH lại đang khá mới mẻ; và vì vậy hiểu đúng và hiểu đủ về KTTH là rất quan trọng. Gần đây, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 đã khẳng định “Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn”.
Đồng thời, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 cũng đã xác định “Khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất” là một trong những phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 10 năm tới. Như vậy, phát triển mô hình KTTH là con đường tất yếu Việt Nam lựa chọn cho giai đoạn tới do lợi ích vượt trội của mô hình này đem lại. Tuy nhiên, không phải dễ dàng có thể đạt được nếu không có quyết tâm chính trị và các điều kiện tiên quyết khác.
Bài viết này bên cạnh việc tìm hiểu bản chất, đặc trưng của KTTH, còn nhận diện những thách thức/hạn chế của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi và phát triển mô hình nền KTTH. Phần kết luận sẽ đưa ra một số hướng gợi mở cho Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.
2. Bản chất, đặc trưng và lợi ích của kinh tế tuần hoàn
Mô hình kinh tế tuyến tính (Linear economy)/hay mô hình kinh tế truyền thống với đặc trưng là khai thác, sản xuất/tạo ra, sử dụng và cuối cùng là thải loại/phá bỏ. Mô hình này hiện đang đạt đến giới hạn và ngày càng chứng tỏ không thể giải quyết được vấn đề tăng trưởng cả về chất lượng lẫn hệ thống. Bởi cách thức vận hành này đã khiến tài nguyên liên tục bị khai thác và khối lượng chất thải ra môi trường gia tăng.
Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), lượng tài nguyên mà con người khai thác năm 2017 đã đạt 92 tỷ tấn, tăng gấp 3,4 lần so với năm 1970 (27 tỷ tấn), và con số này vẫn đang tiếp tục tăng nhanh (UNEP, 2019). Năm 2018, Mạng lưới Dấu chân toàn cầu (Global Footprint Network) đã đưa ra ước tính nhu cầu tài nguyên của thế giới đã gấp 1,7 khả năng đáp ứng hiện nay của trái đất.
Như vậy, mô hình kinh tế truyền thống (KTTT) không còn chứng tỏ được tính ưu việt của nó, do:
(i) tài nguyên thiên nhiên ngày càng trở nên khan hiếm, giá tài nguyên ngày càng cao và có thể gây gián đoạn nguồn cung;
(ii) các nhà sản xuất có xu hướng tìm kiếm giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm tối đa nhiên/nguyên liệu đầu vào sản xuất để giảm chi phí, giá thành sản xuất nên đã có nhiều giải pháp sáng tạo nhằm tận dụng, tái chế và tái sử dụng trong quá trình sản xuất của mình;
(iii) sức ép trước yêu cầu của người tiêu dùng đối với nhiều khu vực sản xuất hàng hoá ngày càng gắt gao trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên; và (iv) hiệu quả sinh thái thấp đã khiến cho tốc độ sử dụng năng lượng ngày càng tăng trong khi tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt (Lom berg B., 2011).
Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy - KTTH) là mô hình phát triển mới, với cách tiếp cận thay thế cho cách tiếp cận phát triển theo mô hình KTTT, và được đánh giá là có nhiều tiềm năng trong việc đảm bảo phát triển bền vững nền kinh tế toàn cầu. Bởi KTTH hướng tới mục tiêu kết nối điểm cuối (thải loại/phá bỏ của KTTT) với điểm đầu (khai thác của KTTT) để giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất (có thể), khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng (Biểu đồ 1).
Biểu đồ 1. Kinh tế tuyến tính và kinh tế tuần hoàn
Nguồn: Quang Minh (2020).
Khái niệm KTTH được sử dụng chính thức đầu tiên trong nghiên cứu của Pearce và Turner (1990). Nghiên cứu này đã chỉ ra đặc điểm của mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản, đó là “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền KTTT. Tuy nhiên, đến nay chưa có một khái niệm được chuẩn hoá về KTTH giữa các tổ chức, các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách. Chẳng hạn, theo Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) cho rằng: “KTTH là một cách mới để tạo ra giá trị, và hướng tới mục tiêu cao nhất là sự thịnh vượng. Nó hoạt động bằng cách kéo dài vòng đời sản phẩm thông qua việc cải tiến thiết kế và bảo dưỡng, chuyển chất thải từ điểm cuối chuỗi cung ứng trở lại điểm đầu
- Qua đó, sử dụng các tài nguyên hiệu quả hơn bằng cách sử dụng nhiều lần chứ không chỉ một lần” (UNIDO, 2017). Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) định nghĩa: “KTTH là một nền kinh tế nơi giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế lâu nhất có thể và đồng thời giảm tối thiểu chất thải” (Barquet và cộng sự, 2013). Trong khi đó, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (Boons và Lüdeke-Freund, 2013) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (Bakker và cộng sự, 2014) cùng đồng quan điểm cho rằng KTTH “là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường”. Gần đây, Luật số 72/2020/QH14 Bảo vệ Môi trường đã lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về KTTH, đó là “mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường” (Điều 142).
Báo cáo nghiên cứu “KTTH bao trùm: ưu tiên cho các nước đang phát triển” của nhóm nghiên cứu Wellesley và cộng sự (2019) thuộc Viện Hoàng gia Chatham House (Anh) đã đưa ra một khái niệm và biểu đồ về các hoạt động trong mô hình KTTH rất cụ thể, theo đó, KTTH được hiểu là “một nền kinh tế trong đó các sản phẩm được tái chế, sửa chữa hoặc tái sử dụng thay vì vứt bỏ, và trong đó chất thải từ một quá trình này trở thành đầu vào cho các quá trình khác”.
Nghiên cứu này cũng đã chia KTTH thành 3 nhóm hoạt động như sau:
(i) Tạo ra các vòng lặp/khép kín - một sản phẩm khi đến giai đoạn kết thúc một vòng đời hoạt động theo thiết kế sẽ được tái sử dụng, sửa chữa, tái sản xuất hay tái chế thay vì phải vứt bỏ;
(ii) Làm chậm dòng lưu chuyển - thay đổi phương thức thiết kế và sản xuất sản phẩm để đảm bảo các sản phẩm được duy trì sử dụng càng lâu càng tốt, từ đó làm giảm nhu cầu mua sản phẩm mới.
(iii) Thu hẹp dòng lưu chuyển - nhóm hoạt động này liên quan tới việc chuyển sang các phương thức sử dụng sản phẩm hiệu quả hơn (ví dụ như: chia sẻ các sản phẩm hoặc áp dụng những mô hình sử dụng sản phẩm thay vì sở hữu sản phẩm,...).
Biểu đồ 2. Hoạt động kinh tế tuần hoàn
Nguồn: Wellesley và cộng sự (2019).
Kirchherr, Reike và Hekkert (2017) đã rà soát 114 định nghĩa về KTTH và phân tích các định nghĩa này trên 17 chiều cạnh khác nhau. Các tác giả cho rằng, KTTH hiện chủ yếu được hiểu là sự kết hợp giữa các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế, từ đó làm gia tăng sự giàu có về kinh tế và chất lượng môi trường. Những nghiên cứu về KTTH cho thấy, đây không phải là mô hình đồng nhất cho toàn bộ nền kinh tế, mà nó bao gồm mô hình khác nhau (như: mô hình tuần hoàn vật liệu trong sản xuất sản phẩm, mô hình tuần hoàn trong chuỗi cung ứng...).
Điều kết nối các mô hình này thành một thể thống nhất, cùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, về lâu dài sẽ loại bỏ rác thải khỏi sản xuất và tiêu dùng là các nguyên tắc và triết lý.
Kinh tế tuần hoàn dựa trên các nguyên tắc cơ bản như sau:
(i) duy trì và phát triển vốn tự nhiên;
(ii) tối ưu hoá việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên;
(iii) nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống.
Việc duy trì và phát triển vốn tự nhiên được đảm bảo từ việc khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tái tạo hệ thống tự nhiên và đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo. Trong KTTH, tài nguyên thiên nhiên được sử dụng một cách tối ưu thông qua việc khép kín chu trình sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của tài nguyên trong các chu trình sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời, hiệu suất của toàn bộ hệ thống được nâng cao do việc giảm thiểu các ngoại ứng tiêu cực, thông qua việc quản lý chất thải, thiết kế sản phẩm và sử dụng nguyên vật liệu có tính tái tạo và phục hồi.
Biểu đồ 3. Lợi ích của mô hình kinh tế tuần hoàn
Nguồn: Korhonen và cộng sự (2018).
Nghiên cứu gần đây khi tổng hợp 45 chiến lược về KTTH và hơn 100 trường hợp trên thế giới của Kalmykova và cộng sự (2018) đã đưa ra kết luận rằng hiện trên thế giới có hai cách tiếp cận triển khai KTTH. Đó là:
(i) Tiếp cận triển khai toàn bộ nền kinh tế theo hệ thống (Systemic economy-wide implementation): Nền kinh tế ở đây được hiểu rất rộng, ở nhiều cấp độ khác nhau, từ nền kinh tế quy mô cấp địa phương (khu công nghiệp, thành phố, tỉnh), đến nền kinh tế quy mô ở cấp vùng trong một quốc gia (như: liên tỉnh, liên thành phố), đến nền kinh tế của một quốc gia, và thậm chí là nền kinh tế quy mô liên quốc gia. Về tổng thể, cách thức triển khai nền kinh tế theo hệ thống là kết nối các hoạt động kinh doanh và sản xuất thành các vòng tuần hoàn vật liệu trong một không gian kinh tế nhất định. Tiêu biểu của cách tiếp cận này là tại Đan Mạch, Trung Quốc, Nhật Bản và Canada. Tuy nhiên, cách thức áp dụng ở mỗi nước không hoàn toàn giống nhau;
(ii) Tiếp cận theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu (Group of sectors, products, materials and substances): Cách tiếp cận triển khai này không giới hạn ở phạm vi một không gian kinh tế nhất định mà tập trung theo nhóm ngành, sản phẩm hoặc nguyên vật liệu. Theo đó, các quốc gia lựa chọn một số vật liệu và từ đó xác định các ngành liên quan tới vật liệu đó làm ưu tiên cho việc triển khai hoạt động KTTH. Tiêu biểu của cách tiếp cận này là Khối liên minh EU, Canada, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,... Tuy nhiên, trên thực tế hai cách tiếp cận triển khai này không hoàn toàn được phân biệt một cách rạch ròi với nhau. Chẳng hạn, một khu công nghiệp được thành lập cũng có thể định hướng thực hiện tuần hoàn một hoặc một vài vật liệu nhất định. Vì thế, hiện nay ở nhiều quốc gia, hai cách tiếp cận này thường được sử dụng kết hợp với nhau, và cách thức triển khai rất đa dạng tùy vào đặc điểm của từng quốc gia.
Như vậy, về tổng thể KTTH là một hệ thống kinh tế có tính giảm thiểu, đổi mới, tái tạo và khôi phục, thông qua việc thay đổi cách mà hàng hoá, dịch vụ được thiết kế, sản xuất và tiêu dùng.
Bản chất của KTTH là:
(i) thực hiện KTTH không phải là hi sinh lợi ích kinh tế để đạt được các mục tiêu về môi trường, mà thực hiện KTTH sẽ giúp gia tăng lợi ích cho toàn xã hội trên nhiều khía cạnh (như: tạo việc làm, tiết kiệm tài nguyên, tạo sự cạnh tranh kinh tế, giảm chi phí sản xuất,...);
(ii) KTTH không phải là mục tiêu hướng đến mà là cách thức, là phương tiện và là con đường để hướng đến phát triển bền vững;
(iii) nhà nước đóng vai trò kiến tạo, tạo môi trường thúc đẩy để các doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất mới trên nền tảng triết lý “giảm thiểu, đổi mới, tái tạo và khôi phục”, doanh nghiệp chính là động lực của thúc đẩy sự chuyển đổi nhanh sang mô hình KTTH, người dân và người tiêu dùng có vai trò quan trọng tạo sức ép đối với doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp ngày càng coi trọng thực hiện KTTH;
(iv) KTTH không chỉ là tuần hoàn vật liệu mà còn là giảm thiểu việc sử dụng các vật liệu khó tái chế; đồng thời, KTTH không phải là xử lý chất thải, mà ngược lại KTTH coi chất thải là tài nguyên, là một sản phẩm của quá trình sản xuất. Điều đó đòi hỏi các hoạt động kinh tế phải có sự kết nối một cách có tính toán trước, sao cho tạo ra một sự kết hợp mang tính hợp nhất, tạo thành các vòng tròn tuần hoàn trong nền kinh tế.
3. Những thách thức của Việt Nam trên con đường hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn
Phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang đặt ra yêu cầu thúc đẩy việc chuyển đổi sang mô hình KTTH.
Tại Việt Nam, phát triển bền vững từ lâu đã được coi là nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm của quốc gia, và luôn là đích phấn đấu của mọi ngành, lĩnh vực. Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 của Việt Nam đã khẳng định và chính thức hoá nội hàm của phát triển bền vững, đó là “phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”.
Việt Nam hiện được xếp vào một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương nhiều nhất do BĐKH. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy BĐKH đã gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế đối với Việt Nam.
Đơn cử như: BĐKH và thiên tai đã gây thiệt hại 5% GDP của Việt Nam (năm 2010), và con số này có thể lên tới 11% vào năm 2030 nếu Việt Nam không có giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề (DARA, 2012:221).
Tương tự, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra dự báo BĐKH có thể gây ảnh hưởng 1,5% GDP của Việt Nam từ nay đến năm 2050. Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm (Nguyễn Thị Lan, 2019). Do đó, khuyến khích phát triển KTTH đang là một trong những phương hướng, nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách mà Việt Nam lựa chọn nhằm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 10 năm tới.
Việc thực thi phát triển KTTH ở các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trên thực tế còn nhiều hạn chế bởi KTTH đòi hỏi có những thay đổi đột phá và đổi mới căn bản, sự chuyển đổi sang nền KTTH liên quan đến nhiều chủ thể và liên quan tới khả năng quản lý, hoạt động sản xuất công nghiệp của từng quốc gia. Đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc chuyển đổi sang mô hình KTTH sẽ càng khó khăn.
Nghiên cứu của Ritzén và Sandström (2017) đã chỉ ra rằng các rào cản của việc thực hiện KTTH bao gồm: Tài chính, cấu trúc, hoạt động, thái độ và công nghệ. Merli và cộng sự (2018) tiến hành nghiên cứu về rào cản đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Tây Ban Nha, đã chia các rào cản thành rào cản cứng và rào cản mềm, theo đó:
(i) rào cản cứng như thiếu nguồn lực tài chính, công nghệ, thông tin, chính sách,... đều có thể được giải quyết bằng kích thích tài chính, hiện đại hóa công nghệ, hay bổ sung các chính sách cần thiết;
(ii) rào cản mềm liên quan đến thái độ thiếu quan tâm của người đứng đầu doanh nghiệp hay người tiêu dùng lại là điều rất khó khăn để thay đổi. Tương tự, nghiên cứu của Tura và cộng sự (2019) đã chỉ ra một số rào cản thực thi KTTH, đó là:
- Giá cao và trong nhiều trường hợp mô hình KTTH đòi hỏi đầu tư trả trước trong khi lợi nhuận không chắc chắn hoặc thu được sau một thời gian dài;
- Thiếu công cụ và phương pháp đo lường lợi ích dài hạn khi triển khai các dự án KTTH;
- Thiếu nhận thức xã hội và sự không chắc chắn về phản ứng cũng như nhu cầu của người tiêu dùng; Thiếu cơ chế thị trường để hồi phục; Thiếu những hỗ trợ rõ ràng, đặc biệt là hỗ trợ tài chính;
- Quy định phức tạp và chồng chéo;
- Thiếu hỗ trợ của chính phủ và thiếu chuyên gia hoạch định chính sách hiểu biết về KTTH.
Bên cạnh những rào cản cụ thể đối với việc chuyển đổi KTTH tại các cấp độ, một trong những khó khăn nữa xuất phát từ việc khái niệm KTTH hiện chủ yếu tập trung vào khía cạnh kinh tế và môi trường, trong khi còn thiếu các khía cạnh về xã hội và thể chế để giải quyết các vấn đề liên quan cũng như động lực nhằm dẫn dắt và thực hiện quá trình chuyển đổi (Moreau và cộng sự, 2017). Ngay tại Trung Quốc, là quốc gia sớm thực hiện KTTH với quy định pháp lý và chiến lược truyền thông rộng khắp, nhận thức của cán bộ về KTTH còn khác biệt với hành động thực tế (Xue và cộng sự, 2010). Nhận thức của người dân và cộng đồng về KTTH hạn chế hơn rất nhiều so với cán bộ. Điều tra ở Thiên Tân (Trung Quốc) cho thấy, cư dân có nhận thức hạn chế và hiểu biết kém về KTTH. Trong khi chính phủ đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng và có trách nhiệm hơn trong việc thúc đẩy KTTH, thì công chúng không có thông tin cơ bản về vai trò mà họ đảm nhiệm trong việc thực thi và thúc đẩy KTTH. Hầu hết cư dân không tham gia vào việc quảng bá kinh tế tuần hoàn và nhận thức của họ về KTTH chủ yếu xuất phát từ vấn đề sức khoẻ và an toàn của chính họ, thay vì một nhận thức chung về môi trường toàn cầu.
Như vậy, con đường đi đến triển khai mô hình KTTH ở nhiều quốc gia trên thế giới đều gặp phải những rào cản, trở ngại tuy ở mức độ và thời điểm có thể rất khác nhau. Cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, việc chuyển đổi từ mô hình KTTT sang KTTH ở Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức, trong đó có những thách thức vô cùng lớn cần phải lưu ý, đó là:
Nhận thức của từng cấp lãnh đạo, cấp quản lý, cán bộ, công chức và từng doanh nghiệp, người dân về bản chất và lợi ích vượt trội của mô hình KTTH không phải lúc nào cũng đúng và đầy đủ.
Phát triển KTTH đòi hỏi nguồn lực đầu tư và liên tục đổi mới công nghệ. Trong khi đó, hiện nay Việt Nam là nước đang phát triển, và phần lớn công nghệ chỉ ở mức trung bình và lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Do khó khăn về nguồn lực đầu tư và công nghệ nên ngành công nghiệp tái chế chất thải ở Việt Nam đến nay vẫn chưa hình thành đầy đủ. Hiện chưa có công nghệ phù hợp để biến nguồn rác thải rắn thành tài nguyên, nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm khác như: tạo năng lượng, phân bón hữu cơ, tạo ra các vật liệu có tính năng mới,...
Do vậy, mặc dù Việt Nam có lượng chất thải rắn sinh hoạt rất lớn, phát sinh khoảng 25,5 triệu tấn/năm, trong đó chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 38 nghìn tấn/ngày và ở khu vực nông thôn là khoảng 32 nghìn tấn/ngày; và khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị trên toàn quốc trung bình là 10- 16%/năm (Hà An, 2019), nhưng khả năng thu gom, tái sử dụng lại chưa tương xứng, đặc biệt là Việt Nam vẫn chưa thực hiện phân loại rác thải từ nguồn do thiếu công nghệ và nguồn lực. Ngoài ra, theo Bộ Công thương, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng triệu tấn giấy, nhựa và sắt thép phế liệu phục vụ sản xuất trong nước. Trong khi đó, lượng chất thải như tro, xỉ, bã thạch cao (GYP) từ hoạt động sản xuất thép, nhiệt điện than và sản xuất phân bón DAP lên đến gần 16 triệu tấn (Vũ Khuê, 2018).
Để từng bước hình thành và phát triển KTTH, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành các chủ trương và định hướng phát triển theo hướng “áp dụng công nghệ sạch, ít phế thải, tiêu hao ít nguyên liệu và năng lượng” (Chỉ thị 36/CT-TW ngày 25/6/1998 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước); hay “khuyến khích tái chế, sử dụng sản phẩm tái chế; từng bước áp dụng các biện pháp buộc các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi và xử lý sản phẩm đã qua sử dụng” (Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CHN-HĐH đất nước);... Cụ thể hoá chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành Luật và các chính sách ưu đãi (như: thuế, hỗ trợ vốn, đất đai,...) để thúc đẩy “khai thác và sử dụng tiết kiệm tài nguyên”, “sử dụng năng lượng tái tạo”, “thay thế túi ni lông”, “sản xuất và tiêu dùng bền vững”, “xây dựng các cơ sở tái chế chất thải”,... Việt Nam ưu tiên hướng tới nền KTTH trong lĩnh vực công nghiệp (gồm: Tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, sản xuất giấy, dệt may, da giày,…) và trong lĩnh vực nông nghiệp (gồm: tái chế, sử dụng phụ phẩm và phế phẩm từ các ngành thuỷ sản),...
Tuy nhiên, về tổng thể, Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý riêng cho việc phát triển các mô hình KTTH, chưa thể chế hoá mô hình KTTH nên việc triển khai thực hiện khó tránh khỏi phát triển tự phát, đơn lẻ, thiếu tính hệ thống và đồng bộ.
Từ trước đến nay, Việt Nam cũng chưa chú trọng công tác đánh giá, tổng kết mức độ phát triển của các mô hình kinh tế đang khuyến khích triển khai nên cũng chưa đưa ra các kế hoạch triển khai cụ thể để phù hợp tình hình thực tế hoặc có kế hoạch nhân rộng các mô hình gần với mô hình KTTH trên cả nước. Trong khi đó, Việt Nam lại đưa ra khá nhiều chiến lược (như: Chiến lược quốc gia về ứng phó BĐKH, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, Chiến lược tăng trưởng xanh,..) với các mục tiêu, định hướng cho từng chiến lược; và trong nhiều trường hợp có sự trùng lặp và thậm chí xung đột nhau về mục tiêu giữa các Chiến lược. Điều này cũng gây ra sự lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
Hiện nay, các bộ, ngành và địa phương đã và đang triển khai thực hiện các nhóm giải pháp liên quan tới Chiến lược quốc gia về ứng phó BĐKH, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, Chiến lược tăng trưởng xanh,... và trong nhiều trường hợp, việc thực hiện được dựa trên sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ (NGO), do vậy, thực tế việc triển khai các giải pháp hướng tới phát triển bền vững, hướng tới KTTH vẫn chưa xuất phát từ năng lực nội sinh của các cơ quan quản lý nhà nước (các bộ, ngành, địa phương). Phát triển KTTH cũng đòi hỏi phải có các chuyên gia có kiến thức về kỹ thuật, về công nghệ thông tin và có ý tưởng đổi mới, sáng tạo.
4. Kết luận
Việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính, KTTT sang mô hình KTTH được coi là tất yếu trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững và ứng phó với BĐKH ở Việt Nam. Để phát triển KTTH, trước hết Việt Nam cần sớm thể chế hóa KTTH, trong đó cần xây dựng Luật về KTTH và hệ thống chính sách quản lý vĩ mô để hỗ trợ phát triển KTTH. Luật về KTTH đã và đang được nhiều quốc gia áp dụng (như: Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc,...).
Luật về KTTH sẽ giúp việc triển khai thực hiện KTTH được hệ thống và đồng bộ (bao gồm các quy định liên quan tới cả 5 khâu của KTTH, đó là: thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và biến chất thải trở thành tài nguyên), tránh được những bất cập thường thấy khi chính sách được đề cập rời rạc.
Chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của KTTH tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống về dài hạn tới từng cấp lãnh đạo, cấp quản lý, cán bộ, công chức và từng doanh nghiệp, người dân để xây dựng sự đồng thuận chung của toàn xã hội là rất cần thiết. Nếu nhà quản lý và hoạch định chính sách không hiểu rõ được bản chất, lợi ích và am hiểu về KTTH thì sẽ không có được chính sách thiết kế tốt; nếu công chúng không thấu hiểu được lợi ích lâu dài của KTTH thì sẽ không tạo được sức ép và động lực cho các doanh nghiệp phải thay đổi hành vi sản xuất; và cuối cùng, nếu các doanh nghiệp không hiểu được xu thế phát triển KTTH thì cũng sẽ dần bị loại ra khỏi cuộc chơi do nhu cầu tiêu dùng và các tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng tới nền KTTH.
Như vậy, ngay từ đầu, các chủ thể trong nền kinh tế cần được tham gia ngay từ khâu thiết kế chính sách phát triển KTTH đến triển khai thực hiện trong từng ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đầu tư nhiều hơn nữa cho khoa học và công nghệ, đặc biệt là đầu tư cho các hoạt động như: tăng cường nghiên cứu và ứng dụng chuyển giao công nghệ; và nâng cao tiềm lực hoạt động khoa học và công nghệ (đặc biệt là đào tạo nhân lực kỹ thuật về phát triển các mô hình KTTH, trang bị các thiết bị công nghệ mới hiện đại mà thế giới đang áp dụng có hiệu quả trong quản lý rác thải nhằm biến rác thải thành nguyên liệu đầu vào hữu ích,...).
NGUYỄN ĐÌNH CHÚC - TRẦN THỊ THU HƯƠNG
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.