Mùa đông về đi săn sâu chít
MTXD - Ở miền rừng có một loài cây đặc biệt, mà từ nhánh bông, chiếc lá và thân cây đều giúp ích cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc miền núi. Trong đó có một loài sâu được coi là “đông trùng hạ thảo” của Việt Nam.
Cây chít (còn gọi cây đót) là loại cây cỏ dại mọc đại trà trên các triền núi, lưng đồi. Cùng với cây lau cây lách, cây đót bốn mùa phủ xanh mang lại sức sống cho rừng núi hoang vu. Đặc biệt, đây là loại cây mà từ nhánh bông, chiếc lá và thân cây đều giúp ích cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc miền núi.
Sâu chít trong những thân cây không thể nở hoa.
Người dân chẻ thân chít để bắt sâu chít.
Những ngày này, cây chít lại mọc trên các triền đồi, các nương rẫy cũ của đồng bào trên miền núi rừng Quảng Ngãi sau khi canh tác nhiều năm đã bị bạc màu. Loài cây này sinh trưởng nhanh, che phủ, lấy lại màu xanh sau mùa rẫy bỏ hoang. Cây cối, hoa lá bắt đầu phục hồi, sinh sôi trở lại. Sau mùa mưa, khi những cánh hoa tơ rách nhuộm tím núi rừng, thì cây chít bắt đầu lú nhú ra hoa. Đến mùa khô, đông tàn, trời đất sắp chuyển sang xuân, hoa chít vẫy cờ rực vàng khắp núi đồi. Lúc ấy, đồng bào Hre, Cor, Ca Dong ở các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Tây, Trà Bồng... (Quảng Ngãi) không còn lo chuyện nương rẫy, họ lên đồi ra rừng thu hái bông chít.
Mùa đông này, trên vùng núi rừng Sơn Tây (Quảng Ngãi) cây chít mọc thành từng bụi, vừa có cây già nhưng cũng có cây non mới nhú. Cây non lá xanh dài như mũi kiếm. Đồng bào H’rê nơi đây chọn những chiếc lá to hái về để gói bánh. Người dân thường làm bánh lá chít (bánh A Cót) trong các dịp lễ hội như lễ ăn cơm mới, lễ cưới, khánh thành gươl hoặc làm bánh để ăn chơi, đãi khách, tặng bà con... Tùy theo vùng mà có tên gọi khác nhau: c’cot, cuốt, acuốt. Bánh chít có hình tam giác cân. Lá chít được dùng để gói bánh là những lá to, đều, đẹp. Lá không già cũng không non, có vậy khi nấu chín bánh mới có được mùi thơm đặc trưng của lá chít.
Sâu chít đót không chỉ là đặc sản, mà còn có giá trị cao.
Thế nhưng, có một sản vật khác vô cùng đặc biệt mà đồng bào nơi đây không thể bỏ qua, đó là loài sâu chít đót. Đồng bào thu hái thành từng bó nhỏ cho vào gùi mang về nhà. Đinh Văn Liên, một nông dân người H’rê ở Sơn Tây chia sẻ: “Để lấy được sâu trong cây đót thì phải dùng dao chẻ đôi ngọn cây và moi sâu ra. Sâu dài khoảng 3 - 4cm, màu vàng ngà. Sâu đót được cho vào chậu nước lọc để sâu nhả các chất thải trong cơ thể ra ngoài”. Không riêng vùng núi Trường Sơn mà nhiều nơi thuộc vùng cao của nước ta cũng có loài cây hoang dại này. Sâu chít đót cũng được đồng bào các dân tộc khai thác từ khá lâu để làm thức ăn và dầm rượu.
Đây vốn là loại côn trùng sống trong thân cây chít. Để biết cây nào có sâu chít, người thu hái sẽ lựa chọn những cây có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa bởi đó chính là cây đã bị ấu trùng ký sinh. Người dân bắt sâu chít bằng cách chẻ đôi ngọn chít để moi sâu ra. Những con sâu chít tươi rói có màu trắng sữa, căng mọng sau khi được lấy ra thường được thả trong chậu rượu nhạt. Thứ rượu ấy sẽ giữ cho sâu không bị biến chất.
Đinh Văn Liên chia sẻ, thường người dân thu hoạch sâu chít vào tháng 11 - 12 hàng năm. Tuy nhiên, các tháng khác không phải mùa thu hoạch chính nhưng cũng có nhiều sâu chít, bởi chúng hợp với vùng đất này và sinh trưởng tự nhiên, phát triển tốt. Liên cho chúng tôi xem những ngọn chít có chiều dài khoảng 35-40cm được bó gọn ghẽ như các bó củi. Sau đó sẽ ngồi chẻ cây lấy sâu chít.
Sâu chít bán thành kg hoặc lạng từ vài chục ngàn đến hơn triệu đồng tùy vào chất lượng. Loại sâu này được cho là “đông trùng hạ thảo (một loại dược liệu quý của Trung Quốc) của Việt Nam”, sâu chít đót càng trở thành tâm điểm chú ý khi có khảo cứu khoa học về tác dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư, tráng dương được công bố...
Bánh A Cót đặc sản của đồng bào miền núi Quảng Ngãi gói bằng lá chít đót.
Đối với nhiều người dân miền núi, sâu chít là niềm tự hào về sản vật đặc biệt của địa phương mình. Sâu chít chính là một trong những đặc sản thiên nhiên “có một không hai” ở một số vùng núi. Thời gian này bà con nhân dân đang tiến hành đi bắt sâu chít, mọi người rất khẩn trương hối hả, bắt càng nhanh còn tốt bởi vì sâu phát triển rất nhanh, vòng đời sâu chít rất ngắn. Nếu không bắt kịp thời chúng sẽ hóa bướm khi ấy không thể sử dụng được. Vì vậy thời gian này người ta thường chặt cả cành chít về nhà tiến hành tước cành để bắt sâu.
Cây chít trở thành một phần của văn hóa truyền thống, gắn với tập quán ăn ở, mưu sinh của đồng bào miền núi nhiều nơi. Cây chít không chỉ là “lộc rừng”, giúp cho người miền núi còn nhiều nghèo khó có thêm nguồn thu nhập và tích tụ những giá trị văn hóa giàu chất nhân văn của từng tộc người.
Ngoài cách sử dụng phổ biến nhất là ngâm rượu uống, sâu chít có thể sao khô, nấu cháo. Số liệu khảo cứu cho thấy loài “đông trùng hạ thảo” có hàm lượng protein chiếm 25-32% trong cơ thể, trong đó có 6 axit amin, còn sâu chít cũng có hàm lượng protein tương đương nhưng thành phần axit amin được xác định lên đến 17/20 loại cần cho cơ thể.
Minh Ngọc
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.