Nắng lên ở A Roàng

MTXD-Vốn là một xã đặc biệt khó khăn giáp với biên giới Lào, nhưng từ khi đường Hồ Chí Minh chạy qua xã, cùng với những chính sách mới đã khiến cuộc sống người dân Tà Ôi ở vùng đất này đã đổi thay đáng kể.

MTXD-Vốn là một xã đặc biệt khó khăn giáp với biên giới Lào, nhưng từ khi đường Hồ Chí Minh chạy qua xã, cùng với những chính sách mới đã khiến cuộc sống người dân Tà Ôi ở vùng đất này đã đổi thay đáng kể.

Đường hồ chí minh qua A Roàng đã mở ra sự dồi thay cho vùng biên viễn này.

Đổi thay ở xã nghèo vùng biên

Xã A Roàng là xã biên giới của huyện A Lưới (Thừa Thiên huế), hầu hết người dân là người Tà Ôi (chiếm 91%) cùng người Cơ Tu, người kinh sinh sống. Cách TP.Huế chừng 70 km, đường lên A Roàng xanh ngắt một màu với núi rừng trùng điệp. Thế nhưng, cách đây chừng hơn 30 năm, muốn lên được A Roàng thì phải vượt quốc lộ 1 ra Đông Hà (Quảng Trị), theo đường 9 ngược lên huyện hướng hóa, vượt qua huyện Đăk Rông mới có thể tới được A Roàng. Con đường ngày ấy với quãng đường gấp 4 lần bây giờ, và đi trong 2 ngày mới tới nơi.

Trở lại A Roàng, nhiều người sẽ không tin vào mắt mình vì những đổi thay ở nơi đây. Nhiều năm trở về trước, A Roàng được biết đến là địa phương có nhiều thanh niên trai tráng bỏ học để đi làm thuê tại các bãi vàng, hoặc tại các rẫy cà phê, công trình thủy điện. Nhưng bây giờ, điều đó đã không còn khi cuộc sống người dân đã thay đổi rất nhiều. Thung lũng A Roàng bây giờ như một điểm nhấn trên đường trường sơn huyền thoại, nơi nghỉ chân trên cung đường tuyệt đẹp đầy mây mù phía tây, nối giữa Quảng Nam và Thừa thiên huế.

Lãnh đạo xã A Roàng quyết tâm xây dựng một địa phương với nhiều thay đổi trong nhiệm kỳ mới

Trở lại A Roàng, xe ôtô có thể chạy vào tận xã, vào nhiều thôn làng. Đêm đến đèn điện sáng trưng khắp các thôn buôn, dân cư đông đúc, các cơ quan ban ngành, trường học, bệnh xá, khách sạn đã mọc lên. Những con đường phẳng phiu dưới bóng núi ngút xanh là niềm vui của cư dân, góp phần xóa lấp dần nỗi kham khổ của cuộc sống giữa rừng núi biên khu. Đứng trước những đồng lúa trải dọc bên đường khiến thung lũng A Roàng thêm mượt mà. Từ một xã có nhiều hộ nghèo với các tập tục lạc hậu, đến nay người dân xã A Roàng đang dần ổn định cuộc sống và từng bước phát triển kinh tế nhờ thực hiện hiệu quả mô hình “không sinh con thứ 3”.

Các em nhỏ không còn lạ với cái chữ, các cụ già được ủ ấm với áo cơm. Các chị, các mẹ được bồi dưỡng kiến thức chăm sóc gia đình, hạch toán kinh tế bên cạnh biết lo toan việc bếp núc, rẫy nương. Các chú, các anh phần nào đã biết chia sẻ công việc gia đình với người phụ nữ. Nhiều gia đình nông dân đã vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu bằng chính bàn tay, khối óc của mình cùng với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật. Môi trường sống xen kẽ, hòa đồng giữa người Kinh và người Thượng trên cùng địa bàn xã, thôn, tổ dân cư ngày càng phát triển và phát huy. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh và xóa đói giảm nghèo. 

Các cán bộ xã, cán bộ đồn biên phòng Hương Nguyên vẫn luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống người dân.

Thôn A Roàng 1 là một trong số các thôn điển hình của xã A Roàng đổi thay nhờ mô hình không sinh con thứ 3. Giờ đây đời sống của bà con dân bản nơi đây đã khấm khá hơn trước nhờ vào việc không sinh nhiều con để chú trọng phát triển các mô hình trồng rừng kinh tế, sản xuất sản phẩm truyền thống dệt zèng, đan lát để phục vụ du lịch. Nhờ thế mà tình hình ANTT cũng được đảm bảo hơn trước khi không còn xảy ra các vụ việc mâu thuẫn gia đình.

Xã A Roàng có diện tích 57,44 km², dân số năm 2019 là 2.860 người và mật độ dân số đạt 50 người/km². Trong những năm trở lại đây, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều mô hình, dự án để hỗ trợ, giúp đỡ xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Điển hình như năm 2018, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động nguồn lực giúp đỡ xã A Roàng xây dựng mô hình làm chân hương; hỗ trợ đào tạo nghề chăm sóc và cạo mủ cây cao su; hỗ trợ dụng cụ sản xuất nông nghiệp và trao học bổng cho học sinh nghèo với số tiền 37.400.000 đồng. Năm 2019, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua khảo sát nhu cầu cần giúp đỡ đã tiến hành làm việc với Ban Dân tộc - Tôn giáo - An ninh - Quốc phòng xây dựng dự án chăn nuôi bò cái sinh sản cấp tỉnh đối với xã A Roàng. Dự án có tổng kinh phí là 379.150.000 đồng. Dự án chăn nuôi bò cái sinh sản cấp tỉnh  đã cung cấp cho 26 hộ nghèo, cận nghèo vào tháng 9/2019. Ngoài ra, mỗi hộ được nhận thêm 3.300.000 đồng hỗ trợ làm chuồng bò và trồng cỏ nuôi bò từ UBND huyện A Lưới. Trong năm 2019, tổng kinh phí đã hỗ trợ cho xã A Roàng là 497.300.000 đồng. Sau đó, 26 hộ được nhận bò từ dự án chăn nuôi bò cái sinh sản cấp tỉnh và hàng chục hộ dân khác tại xã A Roàng đã thoát nghèo. Năm 2019 có 28 hộ đã thực hiện được mục tiêu này. Năm 2020 xã A Roàng có thêm 28 hộ đăng ký thoát nghèo.

Nhà văn hóa cộng đồng tại xã A Roàng vừa được đoàn KT-QP 92 khánh thành và bàn giao ngày 13/8 vừa qua.

Về với A Roàng bây giờ, nhiều tấm gương điển hình làm kinh tế như vợ chồng anh A Viết Máy và A Viết Thị Mai (thôn A Roàng 2, xã A Roàng) đang sở hữu gia sản gồm nhiều trâu bò, chưa kể đàn lợn trên dưới 10 con và ao cá gần 1.000 m2. Nhà anh chị sắm cả máy cày để phục vụ cho 8 sào ruộng gieo trồng mỗi năm 2 vụ. Trong sự đổi thay ấy có phần đóng góp không nhỏ của đồn biên phòng Hương Nguyên. Nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Hương Nguyên, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thừa Thiên - Huế đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn vốn giúp đỡ nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vươn lên thoát nghèo. Không những thế, nhiều gia đình neo đơn, khuyết tật cũng được Đồn Biên phòng Hương Nguyên đỡ đầu để bước qua những ngày khốn khó. Thời gian qua, mô hình “Ao cá quân - dân”, “Cụ già neo đơn”, chương trình “Hũ gạo tình thương”, “Nâng bước em đến tường” được cán bộ, chiến sĩ tích cực hưởng ứng. Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên dải Trường Sơn hùng vĩ này được xây đắp bằng tình quân dân bền chặt.

Hướng tới du lịch bền vững

A Roàng hiện đang là một điểm đến hấp dẫn với loại hình du lịch sinh thái và cộng đồng đặc sắc, lôi cuốn. Như một thung lũng nhỏ xinh giữa đại ngàn, A Roàng có tiết trời mát mẻ, thoáng đãng với một màu xanh ngắt, xung quang núi rừng trùng điệp. Những khu rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn với diện tích 3.000 ha cùng hệ động vật, thực vật quý hiếm, có khu rừng nguyên sinh kéo dài từ A Lưới đến tận Quảng Nam với nhiều thác cao, vực sâu đẹp ngỡ ngàng và thăm hai hầm đường bộ trên đường Hồ Chí Minh. Xã có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch như rừng nguyên sinh, thác, suối nước nóng và đặc biệt là nền văn hóa truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc của dân tộc thiểu số Tà Ôi.

Xác định du lịch cộng đồng là thế mạnh của địa phương, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã A Roàng đã tập trung đầu tư bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch tại địa phương. Công tác này được quan tâm chú trọng, đặc biệt là từ khi được Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông hỗ trợ xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng tại làng A Ka, A Chi (năm 2012), việc giới thiệu, quảng bá về nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc tại địa phương có điều kiện để phát huy hơn.

                                    Nghề dệt Zèng đã được người dân tận dụng để làm du lịch.

ăm 2018, khi những căn nhà to được xây dựng thêm bên cạnh những căn phòng nhỏ tại homestay, sức chứa có thể từ 40 - 50 khách mỗi đêm, đã giúp khách lưu trú có nơi để ở lại tốt hơn. Nhờ thu hút khách, những trải nghiệm thú vị một đêm cùng bản làng nơi đây lại càng hấp dẫn. Khác với trước đây, mô hình làm du lịch cộng đồng ở A Roàng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, ăn ở của du khách. Từ năm 2013, ý tưởng xây dựng homestay nơi đây đi vào hiện thực và những trải nghiệm sống ở vùng cao cũng được người dân nơi đây đáp ứng tốt nhất cho du khách tiếp theo những năm sau đó. 

Ông Hồ Văn Nở, Phó Chủ tịch HĐND xã A Roàng cho biết: “Trong những năm gần đây, nhiều làng, thôn của xã đã chủ động xây dựng các quy ước văn hóa trong đó tập trung thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Người Tà Ôi có nhiều tục ngữ, ca dao, câu đố, có nhiều truyện cổ tích, nhiều câu chuyện được kể bằng nhiều hình thức phong phú như lễ hội Aza; Các làn điệu dân ca ka lợi, pa booch; ru nươi; cha chấp đối đáp trữ tình. Chiêng, trống, sáo, khèn và các nhạc cụ khác được phát huy hiệu quả trong các lễ hội và phục vụ khách du lịch. Trang phục truyền thống, ngôn ngữ, kiến trúc nhà rông, nhà sàn truyền thống của dân tộc Tà Ôi là nét văn hóa đặc trưng đang được quan tâm lưu giữ, phục hồi”.

Hiện nay, xã có 8 nhà rông, 4 nhà sàn được bảo tồn, gìn giữ và phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Nghề dệt zèng thổ cẩm, đan lát, có từ lâu đời được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những sản phẩm trước đây được dệt ra chỉ để phục vụ nhu cầu mặc của người dân thì hiện nay còn phục vụ khách du lịch. Các mặt hàng thổ cẩm được các nghệ nhân sáng tạo và dệt nên với đủ hoa văn, mẫu mã, kiểu dáng như: Khăn, túi, khố tấm… đi kèm hạt cườm đã trở thành sản phẩm ưa chuộng của du khách khi đến A Roàng. Văn hóa ẩm thực đã và đang được người dân bảo tồn và phát huy trong các dịp lễ hội, đặc biệt phục vụ khách du lịch. Các món ăn truyền thống được chú trọng trong khâu chế biến, đúng theo bản sắc riêng như: Cháo ngô trộn gạo nấu đặc, a rop a koat, cơm lam; cơm thổi nếp đỏ, gạo trừi za dư…; thịt nướng ống tre lồ ô, thịt đùm lá chuối; cá nướng ống, các loại lạp, kleng; muối ớt, tiêu rừng.

Những con đường liên thôn đi giữa vùng rừng cao su được xây dựng để nối liền các thôn làng phục vụ phát triển kinh tế.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi tháng có khoảng 4 đến 5 đoàn khách du lịch đến A Roàng. Mỗi tháng điểm du lịch này thu hút hơn 2.000 lượt khách từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình và có cả khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. A Roàng cũng đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục như làm nhà để xe, đường cấp phối, thành lập thêm các tổ đan lát, tổ dệt, tổ văn nghệ dân gian, xây dựng nhà bán hàng lưu niệm… hướng đến phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa cộng đồng. Nhìn bản làng với những mái nhà tươi tắn quây bên con đường, dưới bóng núi ngút ngàn, rừng sâu biên viễn như bớt thẳm.

                                                                                                                          MINH NGỌC – THANH BÌNH

 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.