Nghề “Nhân tượng” ở Huế: Nhọc nhằn mưu sinh và trăn trở
MTXD - "Nhân tượng" là tên gọi của một môn nghệ thuật rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt là các nước Tây Âu. Những năm gần đây, bộ môn nghệ thuật mới mẻ này đã xuất hiện khá nhiều tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam và cả cố đô Huế…
Cùng với nhiều loại hình văn hoá, nghệ thuật đường phố, trên các tuyến phố đi bộ ở thành phố Huế, vào ban đêm người dân và du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh của các “Nhân tượng” - những người đóng giả làm tượng, đứng yên bất động hàng giờ. Trong những năm gần đây, bộ môn nghệ thuật khá mới mẻ này đã tạo được nhiều dấu ấn, ấn tượng đẹp, cũng là điểm thu hút rất nhiều người dân, du khách checkin, chụp hình lưu niệm tại thành phố Huế.
“Nhân tượng” - môn nghệ thuật mới mẽ đã xuất hiện khá nhiều tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam và cả cố đô Huế…
Để hoá thân trở thành “Nhân tượng” người ta phải hoá trang, phủ đầy trên người một lớp ánh kim (nhũ vàng hoặc nhũ bạc), tạo hình, tạo dáng một tư thế độc, lạ nào đó và đứng yên bất động trong nhiều giờ cho người khác chiêm ngưỡng. Loại hình này hiện đang đóng góp một phần nào đó để làm đẹp cho xã hội, nhưng ẩn sâu bên trong của “Nhân tượng” là những câu chuyện nhọc nhằn mưu sinh và nhiều trăn trở.
Trên những tuyến phố đi bộ tại Huế, PV Môi trường Xây dựng ghi nhận hiện có 5-6 “Nhân tượng” đang biểu diễn tại các khu vực này vào khoảng 19h đến 23h hàng đêm. Hầu hết các “Nhân tượng” cho biết: “Những người tham gia hoạt động này đều là tự phát và để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống là chính. Mỗi người đều tự chọn một điểm để biểu diễn, tự chọn phong cách hoá trang, tự tạo hình, tự tạo dáng riêng biệt để tạo ấn tượng độc đáo riêng, bắt mắt với mọi người và du khách… Trong suốt quá trình biểu diễn (khoảng 3 giờ đồng hồ liên tục), họ phải hoá thân, giữ thân bất động càng giống tượng thật thì càng thu hút được nhiều người đến chiêm ngưỡng. “Nhân tượng càng đẹp” thì càng nhiều người xem và chụp hình lưu niệm, ủng hộ…”.
Cầu đi bộ gỗ Lim - một địa chỉ biểu diễn “Nhân tượng” tại TP. Huế
Sau suốt 3 giờ đứng yên bất động, chị Hồ Thị Rêm – một người diễn “Nhân tượng” chia sẻ: “Tôi là người đồng bào ở huyện A Lưới, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tôi về Huế để kiếm việc làm thêm. Trong một lần dạo chơi ở cầu gỗ Lim (TP. Huế) tôi nhận thấy loại hình này rất thú vị, ấn tượng, đặc biệt được mọi người ủng hộ để kiếm thêm thu nhập. Vì vậy tôi đã tự tìm hiểu, mua bột nhũ và trình diễn được khoảng một tháng nay tại đây. Trung bình, tôi nhận được một số tiền ủng hộ khoảng 120 ngàn đến 150 ngàn đồng mỗi ngày. Số tiền này rất có ý nghĩa với tôi, nó giúp tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống cá nhân và đỡ phần nào gánh nặng cho gia đình, bố mẹ tôi… Công việc này cũng không dễ dàng vì phải đứng yên một chỗ, không nhúc nhích trong vòng 3 giờ đồng hồ…”
“Nhân tượng” đang diễn và chụp hình lưu niệm cùng du khách
Một số người diễn cũng chia sẻ những nỗi niềm bức xúc: “Đôi khi trong quá trình biểu diễn, nhiều lúc “Nhân tượng” gặp phải người xem khó tính, phá phách, quấy rối, đụng chạm vào cơ thể, thậm chí có những hành động khiếm nhã, bất lịch sự, gây bức xúc…”. Trò chuyện với chị Hồ Thị Boong (30 tuổi, cũng là người dân tộc thiểu số, quê ở huyện Đakrông, Quảng Trị), chị chia sẻ, nhiều khi đang biểu diễn tại cầu đi bộ gỗ Lim (TP Huế), chị đã bị một số người đàn ông lạ mặt lợi dụng sự bất động khi đang diễn để đụng chạm vào cơ thể của chị. Đơn cử như vào khoảng 20h ngày 1/7/2023, trong lúc đang biểu diễn thì chị đã bị một người đàn ông lạ mặt bất ngờ véo mạnh vào tay rất đau, vì đang diễn nên chị bình tĩnh, tự trấn an để tiếp tục biểu diễn. Ít phút sau, người đàn ông này quay lại, tiếp tục véo mạnh hơn vào tay chị lần nữa. Lần thứ 3, khi chị Boong đang nói chuyện với du khách, người đàn ông này giả vờ xin bắt tay chị, rồi có hành động quấy rối, đụng chạm vào cơ thể của chị. Sự việc diễn ra khá nhanh, nhưng hành vi của người đàn ông lạ mặt này đã để lại cho chị nỗi e ngại, sợ hãi đến tận bây giờ. Chị đã kể lại câu chuyện của mình trên mạng xã hội và một số báo đã thông tin. Chị rất mong mọi người lên án về những hành động quấy rối, bất lịch sự mà chị đã là nạn nhân.
Nhiều người dân và du khách cũng chia sẻ, đây là một loại hình mới xuất hiện một vài năm gần đây, nhiều người khi đi du lịch ở một số nơi cũng đã bắt gặp đâu đó tại một số nơi khác của Việt Nam, không riêng gì ở Huế. “Tôi cảm thấy rất vui và hào hứng với loại hình này, thỉnh thoảng tôi có chụp hình lưu niệm và ủng hộ các “Nhân tượng”, tôi cũng đã chia sẻ loại hình nghệ thuật này với bạn bè... Tôi nghĩ rằng những loại hình nghệ thuật đường phố cần được quan tâm nhiều hơn, phát triển hơn nữa, và chuyên nghiệp hoá để đáp ứng nhu cầu văn hoá, nghệ thuật của mọi người và du khách…”, một du khách đến từ Quảng Nam chia sẻ.
Vĩnh Tùng
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.