Nghị lực của ba chị em người lùn ở Nam Trà My
MTXD - Là người Ca Dong, mấy chị em chỉ cao chưa đầy 50cm. Cuộc sống miền núi vô cùng khốn khó nhưng những chị em người lùn này vẫn nỗ lực để vượt lên số phận.
Thấp lùn là một dạng bệnh lý bẩm sinh, khiến những người từ khi sinh ra đã mang hình thể “thiếu thước tấc” cảm thấy tự ti, mặc cảm với số phận không may mắn của mình. Nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít người lùn đã can đảm bỏ ngoài tai tất cả những lời dị nghị, thậm chí chọc ghẹo của miệng lưỡi thế gian mà nỗ lực mưu sinh vượt lên số phận. Con đường vào Tak Lũ ở thôn 3 (xã Trà Mai, Nam Trà My, Quảng Nam) trơn nhẫy trong cơn mưa chiều. Những khóm mây mù lờ lững tỏa xuống triền núi mang theo hơi lạnh của miền sơn cước cũng là lúc mấy chị em người lùn trở về nhà sau một ngày miệt mài đi làm rẫy. Từng tiếng cười nói phá tan bầu không khí nguyên sơ của miền rừng Ngọc Linh của ba chị em người lùn trong căn nhà lúp xúp dựng bên vách núi này. Thấy những người khách lạ, ba chị em nhìn nhau rồi nói bằng tiếng Ca Dong như ướm hỏi. Nhưng rồi, sự rụt rè dần biến mất khi những câu chuyện được mở ra.
Ba chị em người lùn nhưng có nghị lực khiến nhiều người khâm phục.
Chị Hồ Thị Hiếu (sn 1991) là chị cả trong nhà bảo cha mất rồi, giờ chỉ còn ba chị em sống với người mẹ già. Bằng tiếng ca dong, người mẹ già bộc bạch câu chuyện của những đứa con “nuôi hoài không lớn” của mình. Ngượng nghịu, người mẹ kể rằng ba đứa lúc chào đời cân nặng đều hơn 3 kg, nhưng từ tháng thứ 10 trở đi thì nuôi hoài không lớn, sau đó mới biết bị lùn. Bản thân bà cũng chẳng hiểu vì sao các con bị lùn, vì vợ chồng bà có thể trạng bình thường và hai bên nội, ngoại không ai lùn cả. Thuở các con còn nhỏ, người mẹ rất cực nhọc trong việc chăm sóc do các con chậm biết đi so với đứa trẻ bình thường. Chị Hiếu chia sẻ, gia đình có 8 người con, nhưng chỉ có 3 người mang gen lùn, còn lại đều bình thường. Đến nay 5 người kia đều đã có gia đình, chỉ còn lại 3 chị em lùn cùng sống với mẹ già.
Anh Hồ Văn Lợi (em út) được tặng bộ đồ cắt tóc và hướng dẫn cắt tóc để có thể kiếm thêm thu nhập.
Mang hình hài như đứa trẻ, đôi lúc phải nghe lời bàn tán của của người trong làng, nhưng ba chị em người lùn ấy đều lạc quan, vui vẻ và cố gắng vươn lên trong cuộc sống bằng nghị lực chính mình. Những ngày tháng tuổi thơ khá khó khăn khi gia đình nghèo, lại có cơ thể khá nhỏ nên việc làm nông thật vất vả. Những con đường mòn trên dãy núi Ngọc Linh này có những đoạn dốc đứng, ngay cả người bình thường cũng rất khó để đi lại, thế nhưng ba chị em ấy vẫn đều đặn hằng ngày vượt quãng đường chả chục km để vào rừng phát cỏ, trồng lương thực, hay đi làm thuê kiếm tiền về cho cả gia đình. Nhiều người vô cùng bất ngờ khi ba chị em người lùn vẫn thoăn thoắt leo núi, phát rẫy, đào cây, làm ruộng như những người khỏe mạnh bình thường khác. “Mình đi riết thì quen thôi, cũng mệt lắm và chắc chắn là khổ hơn nhiều người bình thường khác, nhưng quen rồi, chỉ sợ không có việc làm, không có cái ăn thôi!”, anh Hồ Văn Lợi (sn 1998) cười bộc bạch.
Chị Hồ Thị Hằng và chị Hồ Thị Hiếu dù nhỏ bé nhưng luôn tự tin, lạc quan trong cuộc sống.
Hồ Văn Lợi là con trai duy nhất trong nhà, công việc nặng nhọc phải gánh vác nhưng vì thể hình quá nhỏ bé, cao chỉ hơn 50cm nên cũng khá vất vả. Còn chị Hồ Thị Hằng (sn 1993) là chị thứ 2 trong gia đình ngày ngày cùng với hai chị em lùn cùng nhau đi phát rẫy, đi làm thuê, hoặc xuống suối bắt ốc bắt cá cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Căn nhà gỗ nhỏ đã được dựng lên nhiều năm chỉ đủ che nắng mưa, nhiều chỗ đã bị mục bởi thời gian dài dầm mưa dãi nắng. Tài sản trong nhà chẳng có gì ngoài mấy chiếc nồi cũ kỹ, mấy bao lúa nhỏ gác trên gác bếp, mấy tấm chăn mền để gia đình vượt qua cái lạnh miền núi mỗi đêm.
Ba chị em cùng mẹ già sống trong hoàn cảnh khốn khó nhưng lúc nào cũng lạc quan, tự tin vào chính mình. Nhiều khi đi làm thuê, chủ vườn nhìn ba chị em với ánh mắt nghi ngại vì sợ không đảm bảo được công việc lao động chân tay vất vả, nhưng cả ba chị em đều tự tin đảm nhiệm được công việc. Cứ thế lâu dần, mọi người đều cảm phục nghị lực của ba chị em này. “Nhiều người gặp chị em mình hay đặt câu hỏi, nhưng chị em mình đều chỉ cười chứ không muốn giải thích gì nhiều. Quan trọng là tự động viên mình, hoàn thành công việc và không buồn vì hoàn cảnh của mình, vậy thôi! Ba chị em bảo nhau cùng làm, không dựa vào ai cả!”, Hồ Thị Hằng chia sẻ. Được biết, ngày công làm thuê của mỗi người được chừng trên dưới 100 ngàn đông. Số tiền ấy mấy chị em gom lại để cùng mua gạo, mua nhu yếu phẩm chung cho cả gia đình hay tích góp phòng những lúc ốm đau. Tuy nhiên không phải ngày nào cũng có công việc kiếm ra tiền, nên chị em Hiếu, Hằng và Lợi lại vào rừng kiếm rau củ, bắt ốc bắt cá để cải thiện.
Nghị lực và niềm tin vào cuộc sống của ba chị em khiến nhiều người dân Ca Dong ở miền núi cao này cảm phục. Hơn ai hết, họ hiểu rằng sống chan hòa và dựa vào sức của mình thì sẽ lạc quan hơn, thay vì buồn bã với số phận của mình. Ông Ngô Duy Khánh - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 3 (xã Trà Mai) cho biết: “Gia đình ba chị em này khá đặc biệt bởi có nhiều người lùn. Nói chung, gia đình còn khó khăn, hiện là hộ nghèo nhưng rất cố gắng làm ăn. Góc độ địa phương rất tuyên dương, tuy khó khăn nhưng chí thú làm ăn, sống hiền hòa với chòm xóm”.
Dù ở trên núi, đường xá đi lại khó khăn nhưng ba chị em vẫn thoăn thoắt đi lại.
Trước đây, tại Quảng Nam cũng có đại gia đình người lùn ở huyện Quế Sơn. Họ là những người sinh ra trong một gia đình và nghèo đến nỗi trải qua 4 đời, những chú lùn vẫn khát khao cháy bỏng “cải tạo” nòi giống để vươn lên trong cuộc sống. Người cha là ông Lưu Quơn với chiều cao 1,08m và bị tật bẩm sinh cả hai chân. Ông Quơn có 6 người con, lần lượt các anh Lưu Quạng (58 tuổi) cao 1,3m; Lưu Trịn (48 tuổi) cao 1,29m; Lưu Tám (40 tuổi) cao 1,27m; Lưu Mười (38 tuổi) cao 1,25m; Lưu Hai (37 tuổi) cao 1,1m; cô con gái út Lưu Thị Hoa (35 tuổi) cao 1,1m. Người cao nhất nhà là bà Phạm Thị Điển (85 tuổi, vợ ông Quơn) được 1,33m. Đặc biệt, mẹ của ông Lưu Quơn là cụ Luyến cũng chỉ cao 1,15m. Sau này các con ông cũng lần lượt lấy vợ. Nhưng thật buồn, trong số 9 đứa cháu thì có 7 đứa trẻ tiếp theo bị lùn, đôi chân loèo khoèo sát mặt đất.
Chính nhờ nghị lực và niềm tin vào cuộc sống đã giúp nâng tầm những “người lùn”, giúp họ trở thành những người có ích. Và quan trọng hơn cả, nó giúp những người thiệt thòi về hình thể ấy trở nên tự tin, khi khẳng định một điều: Giá trị của con người không phải ở số đo chiều cao, mà ở nghị lực, khát vọng vươn lên và dám đội mặt với những thách thức nghiệt ngã của cuộc sống.
Tiêu Dao
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.