Người dân cần chú ý điều gì để không bị đột quỵ trong những ngày nắng nóng
MTXD - Thời tiết nắng nóng đễ xảy ra đột quỵ, đặc biệt là đối tượng có tiền sử bị tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao. Đột quỵ mùa nắng nóng hoàn toàn có thể phòng ngừa và sơ cứu kịp thời nếu được phát hiện sớm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 17- 23/5, nắng nóng và nắng nóng gay gắt sẽ mở rộng ra khắp Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên.
Nắng nóng lan rộng ra khắp miền Bắc và các tỉnh Bắc, Trung Trung Bộ, có nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt trên 40 độ C. Chuyên gia y tế cảnh báo, nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu người dân không chú ý.
Ảnh minh hoạ
1. Nắng nóng là yếu tố làm gia tăng đột quỵ
Vào mùa hè nắng nóng, số trường hợp bị đột quỵ tăng lên, con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng khi theo dự báo thời tiết nắng nóng năm nay sẽ đạt mức kỷ lục.
Nhiệt độ nắng nóng của môi trường khi vượt quá ngưỡng cơ thể chịu đựng có thể dẫn đến nhiều biến cố nguy hiểm, thậm chí là đột quỵ tử vong.
2. Những đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ do nắng nóng
Trường hợp dễ bị đột quỵ, bao gồm: Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 4 tuổi, người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, người đang mắc bệnh mãn tính như bệnh tim, phổi, thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa, bệnh tâm thần, những người có lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu bia, người không uống đủ nước,...
Người già và trẻ em dễ gặp phải biến cố đột quỵ do nắng nóng vì nhóm đối tượng này thích nghi với sự tăng nhiệt chậm hơn so với những người khác.
Ngoài ra, người sống trong khu vực đô thị thường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn những người cư trú ở vùng nông thôn. Nguyên nhân là vì ban ngày trời nóng, những người ở thành phố chịu hiệu ứng đô thị, dẫn đến nhiệt độ môi trường đô thị thường tăng cao hơn mức nhiệt thời tiết. Trong khi đó, vào ban đêm lại xảy ra hiện tượng “đảo nhiệt”, tức là nhiệt độ từ đường nhựa, bê tông phả ra ngoài, khiến cho nhiệt độ buổi tối giảm chậm hơn so với ở vùng nông thôn.
Với thời tiết nắng nóng, nguy cơ bị đột quỵ thường xảy ra khi nhiệt độ ngoài trời dao động từ 32oC trở lên. Theo như mức nhiệt độ này, các bác sĩ đã có khuyến cáo không nên hoạt động mạnh ở ngoài trời, hay đang ngồi điều hoà trong nhà đột ngột ra ngoài đường vì dễ dẫn đến sốc nhiệt và đột quỵ tử vong.
3. Phòng tránh đột quỵ mùa nắng nóng
Trong điều kiện nắng nóng bất thường như hiện nay cần chú ý đến điều kiện tập luyện, nên tránh thời điểm nắng nóng nhất thường từ 12 giờ đến 16 giờ, nên chọn sau thời điểm này, nhiệt độ dịu hơn. Bởi trong môi trường nắng nóng nếu tập luyện quá sức, nhiệt độ cơ thể tăng cao vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể sẽ có nguy cơ gây ra đột quỵ hoặc sốc nhiệt.
Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, những người phải di chuyển trên đường. Nếu phải làm việc lâu ở ngoài trời, di chuyển một quãng đường dài khi trời nắng nóng thì cố gắng tránh thời điểm từ 12 giờ trưa đến 16 giờ. Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước.
Bác sĩ Đào Việt Phương - Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho biết, có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để hạn chế đột quỵ xảy ra thì đó là dự phòng cấp 1. Còn khi đã bị đột quỵ được xuất viện thì phải dự phòng cấp 2, sử dụng thuốc và các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ đều đặn. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã không theo chỉ định của bác sĩ, tự ý bỏ thuốc và đã bị đột quỵ lần 2 với mức độ nặng tăng lên. Trong những ngày nắng nóng vừa qua, nhiều bệnh nhân bị đột quỵ lần 2 đến với Khoa Cấp cứu trong tình trạng nặng và khó có cơ hội phục hồi hoàn toàn.
Theo các bác sỹ, thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là 6 giờ đầu. “Đột quỵ điều trị thành công hay không phụ thuộc vào việc người bệnh đến cơ sở y tế sớm hay muộn”, BS. Đào Việt Phương nhấn mạnh. Hiện Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đối với bệnh nhân đột quỵ như kỹ thuật tiêu sợi huyết đối với bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não, kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ… giúp cứu sống và phục hồi tốt cho rất nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu sớm trong khung giờ vàng chỉ chiếm gần 10%.
Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt 1 nửa cơ thể, liệt 1 tay, 1 chân, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội. Khi thấy người bệnh có các dấu hiệu trên, người nhà nên nhanh chóng sơ cứu bệnh nhân bằng cách cho bệnh nhân nằm nghiêng, gối cao đầu và tạo thông thoáng đường thở. Tiếp đó cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không cố gắng cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc gì vì rất dễ gây sặc và nghẹt đường thở cho bệnh nhân./.
Minh Trang
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.