Người đi đầu vận động thành lập Hội HTGĐLS Việt Nam

MTXD - Nhà Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Hùng Phong ở phố Phan Đình Phùng (phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội) gần cơ quan cũ của tôi. Vậy mà hồi ấy (2011), suốt gần một tuần tôi mới “chộp” được ông, sau mấy lần gọi điện thoại.

MTXD - Nhà Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Hùng Phong ở phố Phan Đình Phùng (phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội) gần cơ quan cũ của tôi. Vậy mà hồi ấy (2011), suốt gần một tuần tôi mới “chộp” được ông, sau mấy lần gọi điện thoại.

Lần thứ nhất, trong giờ hành chính. Khi tôi gọi, ông đang họp ở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bàn về công tác giám định gen hài cốt liệt sĩ, nên: “Hẹn chú đến chiều!”. Đầu giờ chiều, ông lại đành xin lỗi: “Ban liên lạc truyền thống ngành chính trị Tổng cục Hậu cần (TCHC) Quân đội cần hội ý gấp, bàn việc chuẩn bị đám hiếu cho một hội viên”. Tôi hẹn sáng ngày mai, nhưng ông lại bận vì chủ trì hội nghị chi bộ…

Ít hôm sau, không hẹn trước, tôi đến nhà ông lúc 17 giờ 30 phút và phải đợi hơn nửa giờ mới thấy ông đỗ xe gắn máy trước cửa nhà, sau lưng là hai “trứng gà, trứng vịt” học sinh tiểu học. Một đứa là cháu nội ông. Đứa còn lại là con nhà hàng xóm, bố mẹ cháu bận việc đột xuất, nhờ ông đưa đón giúp. Sự “khuyến học” như thế, với ông là thường xuyên!

Ông Nguyễn Hùng Phong thay mặt lãnh đạo Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam thăm, trao quà của Hội tặng thân nhân liệt sĩ tại tỉnh Thanh Hóa, tháng 7-2012.

... Sau hơn 40 năm công tác, để lại trong lòng đồng đội biết bao ấn tượng sâu sắc về kỷ niệm 10 năm chiến đấu ở Trường Sơn, về xây dựng ngành Hậu cần Quân đội trên cương vị Chủ nhiệm Chính trị TCHC, Đại tá Nguyễn Hùng Phong nghỉ hưu. Tháng 6-2003, nhân dịp ông tròn 63 tuổi, người bạn vong niên biếu ông bình rượu ngâm “rất chất lượng”. Ông cảm ơn, nhưng gửi lại và nói: “Mình cao tuổi rồi, không hợp với rượu đó nữa, chú dùng có ích hơn”.

Vậy mà, nhận sổ hưu tháng trước thì tháng sau ông vui vẻ đảm nhiệm Bí thư chi bộ 8, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, vì ông muốn ghé vai gánh vác nhiệm vụ xây dựng địa phương. “Xong một nhiệm kỳ thì xin nghỉ để trông cháu” - Ông nghĩ thế. Ai ngờ đã đến hơn 10 năm, chi bộ vẫn không đồng ý cho ông rời vị trí bí thư.

Ông “làm việc bằng hai” từ năm 2005, khi ông như một “vị bảo mẫu” cả nghĩa đen, nghĩa bóng. Ấy là năm đó, bà Trang - vợ ông lâm bệnh và xuống sức khá nhanh. Con trai, con dâu bận việc cơ quan. Ông đóng vai trụ cột gia đình chăm vợ, trông cháu.

Khi 70 tuổi, ông bỗng thành người “làm việc bằng ba”. Số là, đã từ lâu,  ông cứ canh cánh: Phải lập ra một tổ chức xã hội để giúp đỡ các gia đình liệt sĩ trong cả nước bớt đi phần nào gánh nặng nỗi đau mất mát. Nỗi niềm đó ở con người, tuổi tác như ông thì không thể chậm trễ hơn được nữa. Từ năm 2009 sang năm 2010, không ngày nào ông không nghĩ về việc ấy.

Và như một cơ duyên, ông gặp được những tấm lòng đồng cảm, tâm huyết, như: Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và hai ông Nguyễn Đình Thường, Trịnh Đình Cần, đều là cựu cán bộ cơ quan Bộ Y tế. Các ông phân công nhau gặp các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh, chỉ huy trong quân đội… để bày tỏ nguyện vọng. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (từ trần ngày 7-8-2020); đồng chí Phạm Gia Khiêm (khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao); nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến… và một số đồng chí lãnh đạo khác nghe các ông trình bày nguyện vọng thì đều tán thành, ủng hộ. Các ông mừng lắm, cùng nhau bàn bạc, lập ra Ban vận động thành lập “Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam”.

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội) ra đời ngày 24-10-2010 với đông đảo hội viên khắp toàn quốc, đã và đang hoạt động ngày càng có hiệu quả xã hội to lớn. Riêng ông Phong, có 10 năm chiến đấu ở Trường Sơn (1964-1974), thì cũng có 10 năm (2010-2020) làm Phó chủ tịch thường trực HHTGĐLSVN. Ông đã góp phần cùng với Hội tư vấn, hỗ trợ miễn phí và gửi 911 trường hợp làm giám định AND. Đã giám định xong 653 trường hợp, trong đó giám định đúng danh tính 453 liệt sĩ (đạt tỷ lệ 69,37%). Đã tổ chức 32 lần trao kết quả đúng cho các GĐLS. Hoạt động hỗ trợ giám định ADN xác định danh tính liệt sỹ mà Hội chủ trì đã thực sự đem lại niềm tin, hy vọng cho các GĐLS, góp phần giảm thiểu nạn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ theo mê tín dị đoan, chấm dứt sự hoài nghi, phân tâm của gần 400 gia đình liệt sĩ khi chưa biết hài cốt tìm được có đúng là thân nhân của mình hay không.

Quá trình đó gắn liền với những dấu ấn, những kỷ niệm sâu sắc của ông trên cương vị Phó chủ tịch thường trực Hội. Trung tướng Lê Văn Hân-Chủ tịch và các ủy viên Ban chấp hành Hội, những chính khách, những nhà báo, những thân nhân gia đình liệt sĩ từng tiếp xúc với ông đều chung ý nghĩ như thế.

Những ngày Hội còn trong “trứng nước”, ông Phong cùng bộ phận thường trực “cơm nhà - việc hội”, thảo hàng trăm văn bản, thiết kế hàng chục cuộc tiếp xúc, đôn đáo kết nối các yếu tố vừa hợp pháp, vừa thấu tình đạt lý… để việc ra đời của Hội được suôn sẻ. Ông tận tụy chủ động đề xuất gây dựng và luôn chú ý dần hoàn thiện bộ máy vận hành của Hội. Ông thật sự là những người đầu tiên “nhóm lửa” cho “ngọn đuốc tri ân liệt sĩ” của Hội bừng lên, với tư cách là một tổ chức xã hội được Nhà nước xác nhận và bảo hộ. Ông cùng với lãnh đạo Hội chịu trách nhiệm chính trước Đảng và Nhà nước về các mối quan hệ và sự thành bại của Hội; tổ chức, lo toan kinh phí hoạt động của Hội và tạo điều kiện thuận lợi nhất để cơ quan vận động toàn xã hội hỗ trợ tạo lập Quỹ tri ân liệt sĩ.

Một lần ông bảo tôi thu những tờ lịch treo tường đã hết giá trị sử dụng, cho ông xin. Ông đóng chúng thành những cuốn sổ ghi chép công việc thường ngày, đỡ tiền mua giấy. Việc gì của Hội nhất thiết phải dùng xe ô tô, không có ô tô thì không hoàn thành công việc theo yêu cầu nhiệm vụ, ông mới dùng. Tấm gương tiết kiệm và chí công vô tư của ông đã thu hút được nhiều cộng sự, các nhà hảo tâm, kể cả trường hợp gia đình còn khó khăn... hăng hái tham gia công việc tri ân, đền ơn đáp nghĩa với sự tin tưởng và cảm phục.

Dạo Hội mới thành lập, có nhiều điều đặc thù. Ban chấp hành chưa có kinh nghiệm điều hành, khó tránh khỏi bỡ ngỡ, sai sót. Ông dành nhiều trí lực cùng Ban lãnh đạo nghiên cứu cách làm để hoạt động của Hội được thông suốt, hiệu quả. Nhiều đêm, ông thức trắng tìm đọc các tài liệu liên quan để áp dụng vào công việc của Hội, với niềm tin vào thành quả to lớn, ý nghĩa đạo lý mà Hội sẽ tạo ra trong tương lai. Ông không bao giờ vắng mặt trong tất cả các buổi làm việc do Ban chấp hành Hội chủ trì. Với tâm huyết nhiệt thành, bề dày kinh nghiệm công tác, cộng với phương pháp làm việc khoa học, linh hoạt, biết người, biết ta, biết việc…, ông hóa giải thấu tình đạt lý mọi công việc, kể cả những việc phức tạp.

 Trên cương vị Phó chủ tịch thường trực của Hội, ông vừa nêu cao ý thức trách nhiệm đoàn kết Ban chấp hành, tích cực tham gia chỉ đạo các hoạt động, lại vừa là người phục vụ, người bạn tâm tình của cán bộ Hội, của thân nhân liệt sĩ. Đã từng lăn lộn, mồ hôi quyện nước mắt ở đất rừng Tây Nguyên để tìm hài cốt anh trai mình (liệt sĩ Nguyễn Anh Cường) mà chưa thấy, ông hiểu nỗi đau khôn cùng của các thân nhân liệt sĩ. Kinh phí hỗ trợ gia đình liệt sĩ chưa nhiều, ông đề xuất chỉ đạo hỗ trợ những người già cả trước, để các bậc cha mẹ liệt sĩ đang như “chuối chín cây” có thêm những an ủi trước khi về cõi vĩnh hằng. Thân nhân liệt sĩ mọi miền liên hệ với cơ quan, đồng thời cũng gọi điện cho ông nhiều, để tâm sự. Nhiều khi đang ăn dở bát cơm, có điện thoại của cá nhân, hoặc cơ quan hữu quan cần trao đổi về tìm kiếm, xác định gen hài cốt liệt sĩ, là ông lại dừng bữa, xong việc mới ăn tiếp, đôi khi bỏ bữa luôn.

Ông ghi lòng những kỷ niệm khó quên về Hội. Hồi mới thành lập HHTGĐLSVN, ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) có một gia đình được “nhà ngoại cảm” nọ chỉ dẫn, đưa bộ hài cốt về, coi đó là HCLS của nhà mình. Chính quyền địa phương không đồng ý cho đưa vào nghĩa trang liệt sĩ vì không có bằng chứng thuyết phục đó là HCLS. Trong dòng họ cũng xuất hiện 2 khuynh hướng. Một bên nghe “nhà ngoại cảm”, khẳng định đúng là HCLS của gia đình. Một bên theo quyết định của xã. Sự việc được đưa lên xin ý kiến của Hội HTGĐLS Việt Nam. Lãnh đạo Hội đã tỏ rõ quan điểm, ủng hộ quyết định của chính quyền xã và nêu phương án: Khẩn trương ký táng bộ hài cốt tại một nghĩa địa ở địa phương, đồng thời mang mẫu phẩm từ hài cốt ấy về Hội HTGĐLS Việt Nam, làm thủ tục đưa đi giám định gen. Nếu không đúng là HCLS của gia đình thì phải đưa trả về đúng nơi gia đình đã cất bốc… Ý kiến hợp tình, hợp lý ấy lập tức có hiệu quả và được dư luận hoan nghênh.

 Ông Nguyễn Hùng Phong (thứ 5 từ trái sang) cùng lãnh đạo Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trao kết quả giám định gen hài cốt liệt sĩ cho các thân nhân liệt sĩ, tháng 9-2012.

Xuân Quý Tỵ 2013 là “Mùa xuân đầu tiên trở về quê mẹ” của các liệt sĩ đã được cất bốc, xác minh danh tính bằng công nghệ sinh học giám định gen. Bàn thờ đón xuân tại trụ sở Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam-Số 8, Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) có một liễn sứ hình tháp màu cẩm thạch đựng mẫu hài cốt liệt sĩ trong hành trình giám định gen. “Trụ sở Trung ương Hội luôn luôn có người thường trực và ấm đèn nhang trong suốt những ngày Tết. Sáng mùng Một, thường có các bạn trẻ vào thắp hương bàn thờ trước khi họ sang Văn miếu Quốc Tử Giám. Có cả những người ở tỉnh xa đến để thắp hương cho liệt sỹ đang có mẫu hài cốt gửi tại đó.

Một ngày cuối năm, Trung tá Bùi Văn Tý (cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ thuộc Công an tỉnh Thái Bình) gọi điện đưa tin: Chuyện ông Trịnh Xuân Tăng chắp mối liên lạc tìm được HCLS Trịnh Xuân Phủng (quê xã Bách Thuận, Vũ Thư, Thái Bình) và sau đó nhận kết quả giám định gen đúng… được ông Phó giám đốc sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình chỉ đạo thông báo rộng rãi ngay lập tức. Như một ứng hậu, những ngày giáp Tết Nhâm Thìn (2012), có 8 gia đình liệt sĩ ở tỉnh này tìm được một dãy mộ Quân Giải phóng, gồm 11 ngôi, ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Nhân chứng cho biết, trong dãy ấy, có 8 bộ hài cốt liệt sĩ trùng với tên thân nhân mà 8 gia đình cung cấp, nhưng không rõ thứ tự! Ông Tý liên hệ nhờ HHTGĐLS tư vấn. Ông trả lời: “Bởi không thể khẳng định được HCLS nào là thân nhân của ai. Cho nên cứ mang mẫu của tất cả 11 hài cốt đến Trụ sở Hội. Phải giám định gen toàn bộ số hài cốt ấy! Cần khẩn trương để các LS về đón xuân cùng gia đình, quê hương...

Trước thềm Xuân mới Quý Tỵ - 2013, Đại diện Ban chấp hành Hội dự lễ truy điệu liệt sĩ Bùi Văn Bao (thôn Đình Tôn, xã Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội, hy sinh năm 1969) tại Nghĩa trang liệt sĩ địa phương; tổ chức buổi gặp thân nhân của nhiều anh hùng liệt sĩ đã trực tiếp chiến đấu, anh dũng hy sinh trong chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” bốn mươi năm trước; cử đoàn đại diện đến thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, phối hợp với UBND xã Đại Hưng, thăm và tặng sổ tiết kiệm cho mẹ Nguyễn Thị Thê (có con trai là Bùi Đình Thi đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước)... Đặc biệt, sáng 10 tháng 1 năm 2013, Hội đã tổ chức Lễ trao kết quả giám định ADN đúng đợt 16, gồm 13 liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cho các gia đình. Đây cũng là đợt mở đầu năm 2013.

Còn anh Nguyễn Khắc Lập, sau nhiều năm gian nan tìm kiếm, gia đình đã tìm được vị trí chôn cất của bố anh - liệt sĩ Nguyễn Văn Nại. Nhưng khi cất bốc thì thấy 2 bộ hài cốt. Gia đình đã nhờ Hội HTGĐLS Việt Nam tư vấn và giúp đỡ. Cả 2 mẫu hài cốt được mang đi giám định gen. Kết quả cho thấy một hài cốt là của liệt sĩ Nguyễn Văn Nại và bộ còn lại là của liệt sĩ Nguyễn Bá Thông ở Khoái Châu, Hưng Yên. Cả 2 gia đình đều có niềm vui được nhận HCLS và đưa về thờ cúng.

… Những năm 2015 - 2020, ông nhiều lần dẫn đầu đoàn cán bộ, nhân viên của Hội đi tìm mộ liệt sĩ nơi rừng sâu núi thẳm, có lúc ông cùng đoàn ngủ tạm ở nhà đồng đội dọc đường, nhà xã đội hoặc nhà dân. Nhiều khi không có giường, không đủ mùng màn, chỉ ăn cơm với canh mướp, cá lẹp kho nhưng không có ai nhắc đến hai chữ “vất vả”…

Ông Phong thật sự là một trong những người đầu tiên “nhóm lửa” cho “ngọn đuốc tri ân liệt sĩ” của Hội HTGĐLS Việt Nam cháy sáng mãi. Đời thường, những người quen biết thường gọi ông là “Sĩ quan nghỉ hưu làm việc bằng ba”, “Ông tri ân liệt sĩ”, “Ông khuyến học”… Còn những người từng làm công tác chính trị ở TCHC thì vẫn gọi ông là “Thủ trưởng” một cách thân thương, trìu mến!

                                                    Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG

 

 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.