Người mang tiếng đàn xóa những xót xa
MTXD - Tiếng đàn của những đứa trẻ sinh ra mang một phần khiếm khuyết cứ như hoang hoải nỗi niềm, những thanh âm trong trẻo ấy cũng đã mang đến cho đời những niềm tin của cuộc sống. Và ở đó, có cả những hun hút của lòng người mà rất ít người thấu hiểu.
Trong tiếng đàn chiều
Chiều cuối tuần mênh mang nắng ấm giữa những ngày cuối hạ, trong sân chơi của khuôn viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) vang lên những tiếng cười vui của những đứa trẻ, cùng với đó là âm thanh bập bùng của những cây giutar thùng, những cây Ukelele chưa hẳn thành những bản nhạc hoàn chỉnh, nhưng vẫn đầy những sống động tươi vui.
Các em nhỏ vừa đàn vừa hát trong khuôn viên trung tâm.
Các em nhỏ vừa đàn vừa hát trong khuôn viên trung tâm.
Anh Trương Lương Hy chủ cơ sở dạy đàn Mi-Fa-Do (tổ 53, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) tỉ mẩn cầm tay một cậu bé nhỏ, hướng dẫn bấm từng nốt, gảy từng dây đàn. Những đứa trẻ ở đây đều là những đứa trẻ không may mắn khi bị khuyết tật một phần cơ thể, và phần nhiều là những em khiếm thị. Tiếng đàn của những đứa trẻ mới tập làm quen với phím bấm, với dây đàn, với âm thanh như cứ hoang hoải nỗi niềm với nắng, với gió, với xót xa tuổi thơ. Có những em nhỏ đã luyện tập thành thục một khúc nhạc, hãnh diện rải những nốt nhạc trên cây đàn như thanh âm trong trẻo mang đến cho đời những niềm tin của cuộc sống.
Anh Lương Hy tận tụy với từng đứa trẻ, như muốn thổi vào đó những ước mơ.
Thi thoảng, người thày dạy đàn cho những đứa trẻ đặc biệt này lại ôm lấy cây đàn, dạo những khúc intro hay điệp khúc để cho các em nhỏ ngẩn người lắng nghe. Anh ngừng tiếng đàn lại dưới ánh hoàng hôn đổ dài giữa sân chơi của khuôn viên trung tâm, nhưng tiếng đàn guitar hay ukelele vẫn còn vương vất đâu đó như muốn thả vào cả khoảng không gian im vắng những khúc hát của lòng người. Văng vẳng trong chiều mùa hun hút gió là tiếng lòng anh trải ra với những mơn man của đời người, của lòng người mà anh muốn trải để cùng những đứa trẻ không may mắn ở đây được cùng tạo nên sự đồng điệu.
Những lớp học miễn phí của anh dạy cho nhiều lứa tuổi, có em nhỏ 9 tuổi, có bạn cũng đã 15 tuổi.
Những lớp học miễn phí của anh dạy cho nhiều lứa tuổi, có em nhỏ 9 tuổi, có bạn cũng đã 15 tuổi.
Chàng trai trẻ với mái tóc bồng bềnh nghệ sỹ ngồi trong sân chơi của trung tâm chuyên biệt đầy nắng cùng những đứa trẻ đang say sưa chơi đàn. Thỉnh thoảng, anh lại đến bên từng đứa trẻ hướng dẫn cách bấm hợp âm, cách giữ nhịp, cách thể hiện hồn của từng bài hát. Anh miệt mài, nhẫn nại và đầy âu yếm như thế. Niềm đam mê của anh, ước vọng của anh gửi vào từng tiếng đàn cho những đứa trẻ qua những buổi dạy miễn phí như vậy. Những lớp học đàn miễn phí của anh dạy cho nhiều lứa tuổi, có đứa nhỏ 9 tuổi, có em cũng đã 18 tuổi, đều là những đứa trẻ kém may mắn hay bị khiếm thị ở trung tâm này. Trong mênh mang nỗi niềm, Lương Hy như thao thức lại cái ngày anh cùng người đàn ông mù chơi đàn và hát cùng nhau tại một trung tâm massage người mù, để rồi sau đêm hôm đó, nảy nở trong anh một mầm xanh về việc dạy đàn miễn phí cho những người khiếm thị, đặc biệt là những trẻ em khiếm thị. Với anh, những người khiếm thị với thế giới chỉ có âm thanh, nếu được hòa mình cùng âm nhạc, đó có lẽ là những âm thanh đẹp nhất của cuộc sống.
Niềm đam mê của anh, ước vọng của Lương Hy với những dự án âm nhạc cho trẻ thơ.
Niềm đam mê của anh, ước vọng của Lương Hy với những dự án âm nhạc cho trẻ thơ.
Tâm tư ấy của anh, khao khát dành cho người khiếm thị, mà đặc biệt là những trẻ em khiếm thị đã đưa anh đến với Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng này, nơi những đứa trẻ khiếm thị mang một nỗi buồn không thể tỏ bày, và chỉ hoạt bát, mạnh mẽ hơn khi những thanh âm của nhạc cụ khơi dậy niềm khao khát mãnh liệt trong tâm hồn mỗi đứa trẻ. Câu chuyện về cuộc đời không may mắn của những đứa trẻ, anh không muốn nói nhiều, anh chỉ muốn các em giãi bày qua từng câu hát, từng phím đàn nhẹ nhàng mà da diết, có lúc bâng khuâng và ồn ào mãnh liệt như chính nỗi lòng cất chứa vô vàn tâm sự của thanh âm cần phát ra.
Thanh âm của hy vọng
Chàng trai ấy không giàu có về vật chất, nhưng với tấm lòng nhân hậu hiếm có, anh đã viết nên câu chuyện của riêng mình với những đứa trẻ khiếm thị có khát vọng yêu âm nhạc, muốn dùng âm nhạc để chữa lành những vết thương cuộc đời. Cứ thế, chiều thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, những tiếng đàn lại phát ra cùng tiếng hát, tiếng cười rộn rã cả khoảnh sân nhỏ. Nhìn các em với ánh mắt dịu dàng và yêu thương, anh Lương Hy lặng lẽ quan sát các em luyện tập. Thi thoảng anh lại động viên vì sợ các em nản lòng.
Âm nhạc giúp các em khuyết tật mường tượng ra một cuộc sống đầy màu sắc.
Việc dạy không chỉ cần chuyên môn mà còn phải có tâm và tình yêu thương. Đó chính là sự đồng cảm đối với mỗi đứa trẻ theo học tại đây. Anh Hy chia sẻ: “Ban đầu, việc dạy đàn guitar cho các em nhỏ bị khiếm khuyết gặp khá nhiều khó khăn. Với người bình thường, học 3 tháng có thể tự đàn, tự hát một số bài cơ bản. Còn với các em nhỏ ở trung tâm, việc thành thục kỹ năng đàn gần như là không dễ”. Mặc dù đầy khó khăn, nhưng Hy vẫn không hề bỏ cuộc, mà ngược lại còn tràn đầy nhiệt huyết chỉ dạy cho các em nơi đây. Anh tâm niệm, việc dạy học đã mang đến niềm vui, tạo một sân chơi cho các em, bên cạnh đó là sự sẻ chia, sự đồng cảm với những mảnh đời không may bị khiếm khuyết. Với những đứa trẻ ấy, những khó khăn khi dạy là điều tất yếu, nhưng anh chỉ cần các em cảm nhận được âm nhạc, hòa mình cùng với âm nhạc trong niềm vui vẻ, sự thoải mái.
Âm nhạc giúp các em khuyết tật mường tượng ra một cuộc sống đầy màu sắc.
Để dạy cho các em nhỏ khiếm thị, anh Hy cùng các bạn hỗ trợ khác phải trực tiếp cầm tay, hướng dẫn từng động tác, uốn nắn kĩ để các em hình dung được. Và các bạn nhỏ ấy có thể hạnh phúc với âm nhạc là được. Có lúc, chỉ cách bấm nốt, gẩy đàn cơ bản, anh cũng phải dạy đi dạy lại rất nhiều buổi. Mỗi khi một cô bé cậu bé nào đó hoàn thành một đoạn nhạc, một giai điệu lại khoe với anh cùng tiếng cười, đối với anh, đây chính là niềm hạnh phúc. Nguyễn Tuấn Hậu (quê ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) 19 tuổi nhưng suy giảm thị lực hơn 8% từ khi còn nhỏ, dường như Hậu là “anh cả” của những cô bé cậu bé ở đây mỗi ngày tập đàn. Hậu biết đến âm nhạc và cũng có học qua một số nhạc cụ, nhưng cũng chỉ là học lỏm bằng cảm âm của riêng mình, thế nên khi anh Lương Hy tổ chức dạy đàn miễn phí, Hậu cũng tham gia học và hướng dẫn thêm cho các em mỗi khi không có người lớn. “Mặc dù rất yêu thích, nhưng mắt kém, không nhìn rõ dây đàn nên rất khó khăn trong việc học. Quãng thời gian ban đầu, thầy Hy đã chỉ dạy, động viên tinh thần để giúp bọn em ngày càng nỗ lực, đam mê cây đàn guitar hơn nữa”.
Niềm đam mê của anh, ước vọng của Lương Hy với những dự án âm nhạc cho trẻ thơ.
Được tặng những cây đàn mới từ dự án “Âm nhạc cho trẻ thơ”, do anh Lương Hy cùng sự hỗ trợ của anh Nguyễn Bửu Thăng cùng các mạnh thường quân hỗ trợ, nhiều em nhỏ mân mê từng đường nét của cây đàn trên tay, rồi bất chợt đưa cây đàn lên mũi để hít hà mùi gỗ mới. Nhìn sự nâng niu với từng cây đàn của những em khiếm thị, anh Lương Hy cũng như nhiều người khác đều không khỏi cảm thấy rưng rưng. Âm nhạc có những sức mạnh vô hình, kết nối và khơi dậy những bí ẩn nhất định trong lòng người, đặc biệt với những người mà thế giới của họ chỉ có những âm thanh. Âm nhạc của Lương Hy cùng các mạnh thường quân đã mang đến những liều thuốc chữa lành những nỗi đau khiếm khuyết cho từng đứa trẻ như thế. Với Lương Hy, anh luôn mong cuộc đời này ai cũng xứng đáng được hạnh phúc và bình an, và chính âm nhạc giúp chiếu sáng vào cõi sâu thẳm trong trái tim của các em, giúp mường tượng ra một cuộc sống đầy màu sắc, âm nhạc sẽ đóng góp một phần để các em có được cuộc đời an vui ấy.
Niềm đam mê của anh, ước vọng của Lương Hy với những dự án âm nhạc cho trẻ thơ.
Bà Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng cho biết, anh Lương Hy dạy các em khuyết tật về âm nhạc tại trung tâm này. những việc làm này xuất phát từ tình thương của người anh hy đối với các em. Việc làm của anh hy rất đáng trân trọng.
Với khát khao chữa lành tâm hồn cho các em, anh Hy đang có những ấp ủ, dự định dài hơi cho dự án của mình. Không chỉ dạy đàn cho các em, anh hy cùng với nhiều bạn bè của mình thường xuyên cùng các hội nhóm tổ chức các hoạt động thiện nguyện hướng về các đối tượng yếu thế như người khuyết tật, các em nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số. Chiều mênh mông giữa tiếng đàn, trong đôi mắt hay cười của Lương Hy vẫn còn ẩn chứa những tâm tư dành cho những em nhỏ khiếm thị ấy. Nhưng, anh truốt tay mình trên phím đàn rồi cười rất nhẹ: “Mình cứ sống tốt, thì cuộc đời sẽ tươi đẹp hơn thôi! Biết đâu sau này, các em có thể sống được với đam mê này thì sao!”. Như Robert Schumann, một trong những nhà soạn nhạc và phê bình âm nhạc lãng mạn, lừng danh nhất thế kỷ 19 của Đức, từng nói rằng chúng ta học cách thể hiện những sắc thái cảm xúc tinh tế nhờ tiến sâu hơn vào những bí ẩn của hòa âm. Chàng trai trẻ Lương Hy chẳng phải đã và đang cùng những trẻ thơ khiếm thị tiến vào “ngôi đền thiêng” của âm nhạc, để thêm yêu cuộc sống này và nuôi mơ ước ngày mai đó sao?
Nhuận Mẫn
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.