Người nhặt tiền trên rạn đá san hô

​MTXD - Nhấp nhoáng những bóng người trên những rạn đá của miệt biển, nơi xã đảo 3 mặt giáp biển. Họ cần mẫn vùi mình trong tiềng rì rào của sóng, nhặt nhạnh những con nghêu con sò sóng đưa vào rạn đá.

MTXD - Nhấp nhoáng những bóng người trên những rạn đá của miệt biển, nơi xã đảo 3 mặt giáp biển. Họ cần mẫn vùi mình trong tiềng rì rào của sóng, nhặt nhạnh những con nghêu con sò sóng đưa vào rạn đá.

Mùa nghêu về trên con nước ròng

Nắng mùa hạ chiếu xiên khoai xuống mặt biển, cả ghềnh đá thôn Thuận An (xã đảo Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam) xâm xấp nước sáng rực lên dưới nền chiều. Đang vào mùa đi biển, những ghe thuyền cũng đã vắng bóng trên bãi cát dưới rặng phi lao. Chỉ có gió và sóng là bận bịu hơn ngày thường. Bản hòa tấu của biển cả có sự xuất hiện của những người phụ nữ, họ cầm trên tay những chiếc rổ hay xảo để mót nghêu. Cái nghề mót ấy, như cái nghề nhặt tiền trên rạn đá. Tuy chăng nhiều, nhưng cũng đủ cho bữa cơm có thêm miếng thịt hay mắn cá dưa hành.

 Bãi Bấc (thôn Thuận An, xã Tam Hải) là nơi người dân tập trung cào nghêu đông nhất vì nghêu nhiều, dễ bắt hơn một số khu vực khác.

Khi con nước xuống, rạn đá san hô lộ ra cũng là lúc người cào nghêu bắt đầu công việc.

Ở xứ đảo này, dẫu chỉ là một hòn đảo nhỏ ba mặt giáp biển, một mặt giáp sông và không quá xa đất liền, nhưng vẫn còn đó nhiều cuộc đời cơ cực. Gọi là xã đảo nhưng Tam Hải cách đất liền không xa, đi ghe hay phà ít phút đã đến. Đứng tại bến phà Tam Hải – Tam Quang (hay cầu chữ T Tam Quang) nhìn sang đảo vẫn thấy rõ mồn một những con thuyền của ngư dân neo đậu dưới hàng dừa nghiêng ngả chạy dài tít tắp.

Vào mùa nắng, phụ nữ xã đảo này vẫn nhìn con nước thủy triều lên xuống, rồi ra các bãi rạn ngâm mình dưới nước mò nghêu. Trời miền Trung mùa này đang vào mùa nắng gắt, cũng là lúc những người chuyên bắt nghêu ra sông Hàn mưu sinh. Họ đi theo nhóm nhỏ 3-5 người để hỗ trợ lẫn nhau. Dưới cái nắng bỏng rát, những bóng người nhỏ nhắn lao xao giữa dòng nước mặn mò mẫm trong cát, hốc đá để tìm kiếm nghêu, sò…

Một người đàn bà áng chừng ngoài 60 tuổi, trùm kín từ đầu đến hết thân người để tránh cái nắng gay gắt lúc nửa chiều thủ thỉ, từ tháng 4 đến 7 âm lịch là mùa có nhiều nghêu nhất. Để ra giữa rạn đá, những người mót nghêu phải đi dép hoặc tất chân chống lại mảnh sành, vỏ hà bám vào các đồ phế thải bị vứt xuống. Dụng cụ bảo hộ chỉ có đôi tất chân để tránh cua kẹp hay đá sần sùi dưới chân và chiếc mũ để tạm tránh nắng nóng. Ở những vùng biển khác, việc bắt nghêu sẽ dễ dàng hơn bởi sát mép sóng, và có dụng cụ là những chiếc cào nghêu. Nhưng ở đây địa hình là những rạn đá lởm chởm, không thể dùng cào để bắt nghêu được, nên những người bắt nghêu phải dùng tay. Công việc mót nghêu khá dễ dàng, chỉ cần lấy tay sục dưới lớp bùn cát, khi phát hiện vật thể hình dáng giống con nghêu thì đưa lên mặt nước giũ sạch đất. Nếu đúng là nghêu thì bỏ vào bao.

Ngoài mò bằng tay, một số người còn dùng thanh sắt dài được uốn cong phần đầu để cào bới những lớp đá dày và to. Tuy nhiên, dù bắt nghêu bằng cách nào cũng phải dùng sức của đôi tay để cào bới, mò nghêu dưới dưới lớp bùn, đá. Không những thế, công việc này cũng cần phải chịu khó vì làm việc dưới trời nắng nên rất dễ bị say nắng, do ngâm mình nhiều giờ liền trong nước nên bệnh ngoài da là khó tránh khỏi.

 Không chỉ dưới các rạn đá san hô mà người dân Tam Hải còn có thể cào nghêu trên các bãi đá sỏi khi nước rút.

 Nghêu thường nằm lẫn trong bùn cát nên phải dùng đồ cào xới, rồi lấy tay mò mới bắt được

Chênh chao đời trên những rạn đá

Công việc tuy không mất quá nhiều sức, nhưng do ngâm mình lâu dưới nước, hầu hết tay chân của những thợ mò nghêu đều nhăn nheo, chuyển màu thâm. Giữa mùa hè nên trời vẫn còn nắng gắt dù đã gần cuối giờ chiều, bà Nguyễn Thị Tuyết (trú thôn Thuận An) ngồi dưới nước, tay mò mẫm trong cát, tỉ mần lần tìm trong từng hốc đá để bắt nghêu, sò. Bà Tuyết bảo, trước đây chỉ có một số ít người mò nghêu. Nhưng thấy việc mò nghêu hái ra tiền, nhiều người cũng theo nghề. Những người phụ nữ thường mang cả chậu ra giữa bãi nước, để đựng nghêu mò được. Họ thường ra sông bắt nghêu từ khoảng 8-9h sáng và về nhà lúc 15h chiều. Dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng vì miếng cơm, manh áo, nhiều người phụ nữ vẫn miệt mài làm công việc này. "Mò nghêu giúp những người già như tôi có thêm thu nhập, mỗi buổi có thể bắt được khoảng 4kg, bán được khoảng 100.000 đồng. Đây là số tiền không nhiều nhưng cũng trang trải được chi tiêu hàng ngày…” bà Tuyết chia sẻ.

Ngâm mình từ 3h đến 18h, bà Nguyễn Thị Tráng (67 tuổi) đã bắt được chừng 5 kg nghêu. "Những con to tôi mới bắt, còn nghêu nhỏ thì bỏ lại chờ đến vụ sau", bà Tráng nói và cho biết, do nhiều người cùng đi bắt nghêu nên năng suất cũng ít dần, thu nhập giảm theo. Do ngâm mình nhiều giờ trong nước, đôi lúc tay tê buốt, mất cảm giác. "Cuối ngày, đôi bàn tay trắng bệch, da săn lại, nhăn nheo, chưa kể nhiều lúc còn bị vỏ hàu, mảnh chai, mũi đá sắc nhọn cứa chảy máu. Bàn tay bị thương lại ngâm trong nước biển nên rất đau rát…", một người phụ nữ cùng mò nghêu với bà Tráng bộc bạch.

Công việc khá vất vả vì phải làm dưới thời tiết nắng nóng.

Mỗi buổi cào được khoảng 4 - 5kg, bán được khoảng 150 nghìn đồng.

Bà Tráng hằng ngày vẫn ngâm mình dưới nước để mò nghêu, sò, ốc, hến... “Không mò nghêu, bắt ốc thì lấy gì trang trải cho cuộc sống. Dân biển sống nhờ biển nhưng biển lại mặn chát đời người. Cả ngày ngâm mình dưới nước, có khi quên cả ăn mà thu nhập cũng không nhiều. Tuy con cháu đông đủ nhưng gia cảnh cũng rất khó khăn. Thôi thì, tiết kiệm dần dà cũng dôi vài ba đồng bạc để có cái ăn qua ngày và có đồng tiền mua thuốc”, bà Tráng ngậm ngùi. Công việc của bà bắt đầu từ khi thủy triều rút và kết thúc khi chập tối. Trung bình, mỗi buổi bà mò được hơn 3kg, bán được hơn 80.000 đồng. Cũng theo bà Tráng, nghêu ốc ở đây sau khi thu hoạch không cần phải mang ra chợ bán, người dân khie đi về nhà sẽ có thương lái trực tiếp đến mua.

Mùa nào xã đảo này cũng sóng nước mênh mông. Đứng bên này sông nhìn từ phía đất liền, vẫn thấy bóng dáng của những người phụ nữ nơi rạn đá trông hắt hiu, chơ vơ giữa muôn trùng con sóng ngày đêm lăn vào cồn bãi. Họ là những người đàn bà kiên nhẫn, bám con nước mưu sinh. Xứ đảo ấy, cũng có những người phụ nữ góa bụa, khi người chồng người cha mang theo ước vọng biển cả đã chẳng trở về. Đó là chuyện về những cơn bão biển, khi ấy con tàu QNA 1431 chòng chành giữa cơn bão ngoài khơi xa. Trên chiếc tàu ấy, có nhiều ngư dân đi biển của thôn Bình Trung, xã đảo Tam Hải này. Chuyến ra khơi định mệnh giữa năm 2004 ấy, có hơn 20 thuyền viên trên tàu QNA 1431 nằm lại cùng mênh mông sóng nước, để lại những người vợ mất chồng, những đứa trẻ mất cha.

Thời gian như thoi đưa, gần 20 năm qua những người đàn bà xứ đảo này ngày ngày vẫn men theo từng con sóng, mò mẫm mót nghêu trên rạn đá để mưu sinh, để nuôi con cái lớn khôn và để chờ đợi… dẫu sự đợi chờ ấy vô vọng theo mãi đến tận bây giờ. Như chuyện chị Nguyễn Thị Minh, vợ của chủ tàu QNA 1431 định mệnh năm ấy, từng có tiền tỷ trong tay bỗng chốc mất sạch, không còn chồng để làm nơi bấu víu. Chị gượng dậy cùng những người đàn bà xứ biển này, gom góp ít vốn liếng còn sót lại đầu tư nuôi nghêu trên vùng nước lợ. Nhưng rồi, công việc nuôi nghêu thất bại hoàn toàn. Chị lại dầu dãi một mình một bóng trong những chiều hoàng hôn, bám theo từng con nước ròng bên rạn đá, mò nghêu bắt ốc để sống, nuôi 2 đứa con nhỏ nên người.

Cào nghêu trên bãi đá sỏi rất dễ làm tổn thương tay nên người dân phải đeo loại bao tay vải dày.

Những người đàn bà có chung cảnh ngộ như chị Minh còn rất nhiều, như Linh, hay chị Nguyễn Thị Cúc từ ngày góa bụa đã không còn sợ bóng đêm và sóng gió nữa. Đêm đêm, người đàn bà cô độc ấy lom khom soi bắt cá, nhặt ốc sò. Chị làm đêm làm ngày, như muốn lấy công việc để xua tan đi nỗi đau của biển cả. Chị một mình thay chồng nuôi 4 đứa con ăn học đến nơi đến chốn, dựng vợ, gả chồng cho con...

Từ ngày tỉnh Quảng Nam có chủ trương quy hoạch xã đảo Tam Hải làm khu du lịch nghỉ dưỡng, những người phụ nữ mò nghêu, hay cả những người dân bình thường nơi xứ này đã vui mừng khôn xiết. Bởi quê hương được đầu tư, nơi đây rồi sẽ mọc lên những khu resort cao cấp, những khu nghỉ dưỡng đón hàng ngàn du khách, những bệnh viện, khu trung tâm thương mại, khu golf club house và khu bến du thuyền... Đời sống người dân rồi sẽ khá hơn, sẽ có nhiều công việc hơn để làm. Nhưng dẫu sao, họ vẫn phảng phất một chút tiếc nuối. Bởi nơi ấy đã gắn bó nhiều đời, những công việc của biển đã nuôi sống nhiều đời, họ ngày một ngày hai bỏ đi sao đặng!

Nhuận Mẫn – Huấn Trương

 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.