Người thầy chỉ đứng và hành trình gieo chữ nơi xóm nghèo
MTXD - Hơn 30 năm qua, người thầy tật nguyền Lê Quốc Hưng (SN 1965, ở thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) vẫn lặng lẽ ngày 3 buổi lên lớp dạy miễn phí cho những học trò nghèo nơi đồng ruộng. Nói là lớp học nhưng chỉ là vài ba tấm tôn che bên hiên nhà cùng với những chiếc bàn cũ kỹ, những chiếc ghế xộc xệch…
Hơn 30 năm qua, thầy Hưng luôn miệt mài gieo con chữ cho học trò nghèo.
Ước mơ dang dở
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Hưng chỉ đứng chứ ngồi không được. Giải đáp thắc mắc về điều này, người thầy gầy gò, nhỏ thó giọng trầm buồn kể về câu chuyện đầy bi kịch của đời mình. Theo đó, dù cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ cậu học trò Lê Quốc Hưng, người sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xóm nhỏ trên đường Lê Hồng Phong (phường Ngô Mây, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) tỏ ra nản chí. Ngược lại, Hưng lấy đó làm nguồn động lực lớn cho hành trình thắp sáng con chữ của mình. 11 năm học trôi qua với bao nhọc nhằn, gian khó, nhưng ít ai biết 11 năm học từ bậc tiểu học đến bậc phổ thông năm nào Hưng cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Những tưởng hành trình thắp sáng tri thức sẽ luôn sát cánh trên đôi chân cậu học trò nghèo này. Ấy vậy mà niềm vui ngắn chẳng tày gang, vào một đêm đầu năm học lớp 12, Hưng bỗng khóc thét lên, rồi nắm riết bàn chân trái, nhăn nhó trong đau đớn. Trời tờ mờ sáng, gia đình phát hiện chân trái quanh vùng mắt cá chân Hưng bị sưng húp, tím tái lên. Sau đó, gia đình đưa Hưng vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định khám thì nhận được tin dữ cậu học trò mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
Vì xương đã căng cứng nên thầy Hưng không ngồi được như người bình thường.
Từ đó trở đi, Hưng được gia đình đưa đi điều trị ở nhiều nơi với đủ phương thuốc, không những không giảm mà bệnh lại tái phát nặng hơn. Từ mắt cá chân trái sang mắt cá chân phải, lên đầu gối, hông, xương sống. Chỉ sau mấy tháng phát bệnh toàn bộ xương sống, xương khớp chân của Hưng đều bị căng cứng, không thể cử động được. “Các đốt xương từ chân lên đến ngực cứng như một khúc gỗ khiến sinh hoạt của tôi gặp nhiều khó khăn. Từ một người lành lặn bỗng thành vô dụng, quá thất vọng nên nhiều lần tôi định tự tử, nhưng được gia đình, bạn bè chia sẻ động viên, tôi mới tiếp tục sống”, người thầy tật nguyền bùi ngùi.
Cũng từ đó, ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi để khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo mà Hưng ấp ủ từ lâu bỗng chốc tan biến. “Thời còn đi học tôi từng ấp ủ mơ ước thi vào Đại học Y Dược Huế để mai sau làm bác sĩ, nhưng giấc mơ không thành vì tôi bệnh nặng. Để trấn tĩnh lại tinh thần, quên đi cuộc sống xô bồ, nhộn nhịp nơi thành phố, năm 1983, gia đình quyết định đưa tôi về quê ở thôn Tuân Lễ này sinh sống. Chính nhờ cuộc sống yên ả, thanh bình làng quê mà ước mơ thắp sáng con chữ trong tôi lại được đánh thức thêm lần nữa. Ngày ngày, tôi lại tìm đến những cuốn sách, cốt là để quên đi những năm tháng buồn tủi vì bệnh tật”, thầy Hưng tâm sự.
Hành trình gieo chữ cho trẻ em nghèo
Hàng ngày, trong ngôi nhà nhỏ ở quê nghèo Tuân Lễ, Hưng nhìn thấy cảnh trẻ em xóm nghèo lầm lũi vì không được đến lớp mà lòng cảm thấy quặn đau. Nhiều đêm trằn trọc, Hưng muốn làm một điều gì đó để giúp cho các em có được con chữ. Thế là sau hơn 2 năm bị căn bệnh viêm thấp dạng khớp đeo đẳng, Hưng quyết định gạt bỏ tất cả nỗi buồn để hướng đến một cuộc sống nhiều niềm vui hơn.
Ban ngày, Hưng chủ động mượn sách giáo khoa chương trình cấp 2, cấp 3 học sinh học trên trường về tự mình chép lại bài. Đêm tối, thậm chí đến tận khuya Hưng tự ra bài tập rồi dựa trên lý thuyết sách giáo khoa và tự mình mày mò tìm ra phương pháp giải. Thời gian cứ trôi, đến năm 1986, khi ấy chàng trai tật nguyền 21 tuổi phần nào lấy lại được hình ảnh hào quang cậu học trò năm xưa với kiến thức sâu rộng. Lúc này, Hưng bàn với gia đình mở lớp học dạy chữ cho trẻ em nghèo trong thôn, trong xã.
Thầy giáo Hưng nhớ lại: “Lúc mới mở, lớp chỉ vài ba em nhỏ trong xóm. Nhưng càng về sau thấy mình dạy đơn giản, bọn trẻ lại tiếp thu nhanh, hiểu bài hơn, lại chẳng tốn tiền nên bọn trẻ đến ngày một đông hơn. Nhiều lúc cũng thấy mệt lắm, đứng mãi đôi bàn chân lại đau buốt, nhưng nghĩ lại thấy vui vì mình đã giúp được cho trẻ em nghèo có được vốn kiến thức sau này có thể bước ra đời sống tốt hơn”.
Những năm đầu, thầy Hưng chỉ dạy cho trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường. Về sau, nhiều học sinh sau buổi học trên lớp cũng tìm đến thầy nhờ giảng giải thêm kiến thức. Để bài giảng sinh động, bắt nhịp xu thế giảng dạy chương trình mới, thầy Hưng luôn tìm cách tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại. Sau những lần giảng bài, thầy lại nhờ học sinh mua sách để tham khảo. Đến nay, dù đã bước sang tuổi 52 nhưng vốn kiến thức từ các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh đến các môn xã hội như Văn, Ngoại ngữ, thầy Hưng vẫn tỏ ra rất thông suốt, am hiểu sâu. Nhờ vậy, mà kiến thức thầy truyền dạy được học trò tiếp thu rất nhanh và hiệu quả.
Tay thầy Hưng bị thâm tín vì những ngày tháng chống tay lên bàn dạy học trò.
Hỏi về ước mơ, thầy Hưng chia sẻ: “Ai sống trên đời mà lại không có mơ ước, nhưng tôi biết sẽ không có điều gì thực hiện được với tình trạng sức khỏe như vầy. Bây giờ tôi chỉ mong cuộc sống mình luôn bình an, êm đềm bên những học trò thân yêu. Loay hoay cả ngày với học trò, với lượng kiến thức cần cập nhật, nỗi đau đớn thể xác trong tôi bị quên đi phần nào. Đã 52 tuổi rồi, có lúc nghĩ bâng quơ, lòng thấy nao nao về một ngày không còn được khỏe mạnh, minh mẫn”.
Ban đầu thoạt nhìn vào lớp học của thầy Hưng chỉ thấy đơn giản một chiếc bàn lớn đặt ở giữa, một tấm bảng trắng ọp ẹp, cũ kỹ, vài ba tấm tôn che ở mái hiên nhà để lấy bóng mát, nhiều người tỏ ra quan ngại về hiệu quả lớp học. Ấy vậy mà, lớp học nhỏ rộng vỏn vẹn 20m2, nằm nép mình bên xóm nhỏ đã gắn liền với thầy Hưng suốt hơn 30 năm qua. Cũng ngần ấy thời gian, thầy đã đào tạo biết bao thế hệ học trò nơi quê nghèo được vào đại học, nhiều em ra trường với công việc ổn định vẫn nhớ về người thầy tật nguyền nơi thôn nghèo Tuân Lễ đã dạy mình nên người.
VŨ LAM-LÊ HƯỜNG
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.