Nhớ về nhà báo lỗi lạc, người thầy vĩ đại của Báo chí Cách mạng Việt Nam - Hồ Chí Minh

​MTXD - Không chỉ là anh hùng dân tộc, lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người khai sinh nền báo chí Cách mạng Việt Nam đồng thời cũng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận này.

MTXD - Không chỉ là anh hùng dân tộc, lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người khai sinh nền báo chí Cách mạng Việt Nam đồng thời cũng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận này.

Sự nghiệp báo chí "đồ sộ" gắn với con đường cách mạng

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của báo chí trong việc tổ chức, tập hợp quần chúng tự giác tham gia phong trào cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã nhận thức được và đánh giá được vai trò quan trọng của báo chí trong hoạt động cách mạng. Ảnh: Internet.

Chặng đường làm báo cách mạng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc ghi nhận sự nỗ lực không mệt mỏi của Người trong việc học hỏi, nắm bắt, rèn luyện thực hành để trưởng thành trong nghề báo và bước đầu định hình văn phong báo chí Hồ Chí Minh sau này.

Năm 1917, sau những năm tháng bôn ba tại Mỹ, Anh, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quay lại Pháp. Chính trong những ngày tháng này, Nguyễn Tất Thành hiểu rằng muốn tiếng nói, tư tưởng của mình được biết đến, không gì tốt hơn, hiệu quả hơn là thông qua phương tiện báo chí. Khi mới đặt chân đến Pháp, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc chưa phải là người giỏi tiếng Pháp. Nhưng người thanh niên yêu nước đã tích cực học tiếng Pháp, bằng mọi cách. Học từ sách vở, từ giao tiếp hàng ngày để mục đích là trong thời gian ngắn nhất vận dụng thành thạo ngôn ngữ Pháp. Tranh thủ tối đa quỹ thời gian, vừa tự học tiếng Pháp, Nguyễn Ái Quốc vừa song song học viết báo.

Người không ngừng tự tìm tòi, học hỏi và đúc kết. Ảnh: Internet

Hành trình học tập, tích lũy tri thức của Người gặp không ít gian nan khó khăn. Ban đầu chỉ viết các mẩu tin, bài, tư liệu tản mạn có chủ đề nhỏ, rồi từ đó Người viết dần các chủ đề lớn hơn, tập trung hơn. Từ những hướng dẫn tận tình của đồng nghiệp, bạn bè người Pháp, cây bút Nguyễn Ái Quốc ngày càng vững vàng. Cũng từ đó, vốn tiếng Pháp được trau dồi, giúp Người dần có thể viết báo thuần thục như một nhà báo Pháp. Các tác phẩm “Tâm địa thực dân”, “Vấn đề dân bản xứ” hay “Yêu sách của nhân dân An Nam”, được xem là những bài báo dài, có tiếng vang đầu tiên của ký giả Nguyễn Ái Quốc.

Kể từ năm 1919, khi tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện dưới bài báo đầu tiên “Tâm địa thực dân” (trả lời cho một bài sặc mùi thực dân trên tờ Courrier Colonial ngày 27/6/1919, sau “Yêu sách của nhân dân An Nam”) cho đến bài báo cuối cùng của Người “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” (đăng báo Nhân Dân số 5526, ngày 1/6/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nửa thế kỷ hoạt động báo chí với khoảng 2000 bài viết, với 174 tên gọi, bí danh, bút danh. Con số này chưa phải là cuối cùng vì nhiều tư liệu mới vẫn đang tiếp tục được phát hiện, xác minh và bổ sung vào khối tư liệu báo chí đồ sộ của Người.

Ngay từ những bài báo đầu tiên ấy, cây bút Nguyễn Ái Quốc với văn phong và lý lẽ sắc bén đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý đặc biệt của độc giả trên đất Pháp. Về sau này, nhiều nhà nghiên cứu đã đồng nhất rằng, các tác phẩm báo chí của Nguyễn Ái Quốc viết trong thời gian hoạt động ở Pháp (1919 - 1923) thể hiện tinh thần phê phán chủ nghĩa đế quốc, thực dân Pháp và đòi tự do, bình đẳng cho người lao động, đòi quyền độc lập, tự quyết cho các nước thuộc địa.

Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà hoạt động cách mạng người Maroc, Algeria, Tunisia... thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa. Năm 1922, ông và các đồng chí cùng chí hướng lập ra cơ quan ngôn luận của Hội - tờ Le Paria (Người cùng khổ), xuất bản số báo đầu tiên bằng ba thứ tiếng Pháp, Ả rập và Trung Quốc. Số đầu tiên xuất bản ngày 1/4/1922, Nguyễn Ái Quốc trở thành trụ cột của tờ báo từ: viết, chủ nhiệm, chủ bút, chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và liên lạc.

Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu trong phái bộ của Quốc tế Cộng sản do Borodin dẫn đầu giúp đỡ Chính phủ Tôn Trung Sơn. Tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc khẩn trương chuẩn bị “mảnh đất” để “gieo” những “hạt giống đỏ” đầu tiên cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức và con người cho việc thành lập một chính đảng chân chính cho cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc rất tâm đắc ý kiến của V.I.Lenin về việc phải thành lập một tờ báo chính trị của Đảng để tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện; … vai trò của tờ báo không phải chỉ đóng khung ở chỗ phổ biến tư tưởng, giáo dục chính trị và thu hút những bạn đồng minh chính trị.

Tờ báo sẽ không chỉ như một tuyên truyền viên đến với quần chúng và còn là sự hiện diện cụ thể của một tổ chức cách mạng. Kinh nghiệm hoạt động trong phong trào cách mạng quốc tế đã làm cho Người hiểu sâu sắc điều đó. Là cơ quan của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Nguyễn Ái Quốc chọn tên tờ báo là Thanh niên. Ngày 21/6/1925, sau nhiều nỗ lực của Nguyễn Ái Quốc, báo Thanh niên ra số đầu tiên. Báo được viết bằng bút sắt trên giấy sáp và in theo lối in roneo, khổ giấy 18 x 24 cm. Mỗi số báo có hai hoặc bốn trang, in khoảng 100 bản.

Trong số 1 nổi bật có các bài: Nhiệm vụ của một người lính (ký tên Đội trưởng), Vì sao chúng ta phải đoàn kết… Báo Thanh niên thường có các chuyên mục: xã hội, bình luận, thơ ca, phê bình, trả lời bạn đọc…
Nguyễn Ái Quốc là cây bút chủ lực từ tháng 6/1925 đến tháng 4/1927 khi Người phải bí mật rời Quảng Châu do cuộc phản biến của Tưởng Giới Thạch. Người là linh hồn của tờ báo, với sự trợ giúp của những người em, học trò như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong… cho đến Lý Tự Trọng khi đó mới 16 tuổi. Trên báo người ta thấy nhiều bút danh khác nhau của Nguyễn Ái Quốc: Hạ Sĩ, Đội trưởng, Hương Mộng, HT, HL…

Năm 1930, Bác sáng lập tạp chí Đỏ, xuất bản ngày 5/8/1930, đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác mật thiết của các tờ báo Đảng như: Búa liềm, Tranh đấu, Tiếng nói của chúng ta. Năm 1941, Bác sáng lập tờ Việt Nam Độc lập.

Năm 1942, Bác chỉ đạo sáng lập báo Cứu quốc nhằm tuyên truyền, cổ động và tổ chức nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn vào các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh.

Trong giai đoạn giai đoạn 1945-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục sử dụng báo chí như một vũ khí cách mạng hữu hiệu phục vụ cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc (1945-1954), phục vụ sự nghiệp xây dựng chế độ mới, phục vụ cuộc đấu tranh chống xâm lược và thống nhất đất nước của quân dân hai miền nam-bắc sau Hiệp định Genève 1954. Trên cương vị Chủ tịch nước, Người quan tâm chăm lo cho báo chí cách mạng cả về tổ chức và con người.

Ngay sau ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đoàn đại biểu báo giới (chủ yếu đại biểu báo Tri Tân), Người thể hiện lòng mong mỏi “báo chí phải góp vào gương mặt văn hóa của nước Việt Nam mới”. Văn bản sớm nhất về báo chí xuất bản, do Hồ Chí Minh trực tiếp ký với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 18/9/1945, được coi là nền móng cho việc xây dựng luật báo chí của nước Việt Nam mới.

Tính từ bài báo đầu tiên “nhỏ như bao diêm” đăng trên tờ báo Đời sống thợ thuyền năm 1917 ở Pháp đến bài báo sau cùng mà Bác viết là bài “Thư trả lời Tổng thống Mỹ R.M.Nich-xơn” (Báo Nhân dân, ngày 25/8/1969), Bác đã có một sự nghiệp làm báo kéo dài 52 năm. Trong khoảng thời gian cầm bút đó, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký với gần 200 bút danh. Bác cũng từng chỉ đạo mở lớp đào tạo hơn 300 cán bộ báo chí...

Người thầy vĩ đại của Báo chí Cách mạng Việt Nam

Hồ Chủ tịch nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III (ngày 8/9/1962). Ảnh: Internet.

Với sự nghiệp báo chí vô cùng giá trị, những tinh hoa đúc kết được, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng tiên phong, dẫn đường cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Là người am hiểu tinh hoa văn hóa đông tây, kim cổ và sớm tiếp thu chủ nghĩa Marx-Lenin, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã thấy rõ sức mạnh to lớn, diệu kỳ của báo chí trong sự nghiệp cách mạng, trong đời sống xã hội và trong việc nâng cao dân đức, dân trí.

Đặc biệt, từ thực tiễn hoạt động sinh động của cách mạng Việt Nam, Bác coi báo chí là một thứ vũ khí cách mạng sắc bén và đã sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền cách mạng, để vận động Nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng.

Người đã đúc kết thành những quan điểm toàn diện và sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ, tính chất của báo chí trong sự nghiệp cách mạng; về nghĩa vụ và trách nhiệm của người làm báo; về đạo đức báo chí và phong cách làm báo, viết báo.

Những bài viết của Bác không đơn giản chỉ là viết tuyên truyền mà là những bài viết nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về những vấn đề to lớn của đất nước. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những bài viết của Bác như một lời kêu gọi, có tác dụng vô cùng to lớn, trở thành sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, cổ vũ toàn dân tham gia kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước.

Bác từng nhấn mạnh: “Cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới...”. Bác viết báo say mê thế nào thì cũng đọc báo say mê thế ấy. Điều đáng chú ý là Bác luôn tự đọc báo, dậy sớm để đọc báo, vừa đọc vừa lấy ngón tay dò theo từng dòng chữ để không bỏ sót. Chú ý điều gì, Bác đều đánh dấu ngay bên lề, chỉ đạo ngay việc cần làm. Người làm báo Việt Nam tự hào biết bao khi có một độc giả số Một là Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đam mê đọc báo và coi báo chí sẽ đem lại hiệu ứng xã hội thiết thực, như một món ăn tinh thần không thể thiếu được trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Báo chí là trận địa đấu tranh nóng bỏng. Trên mặt trận đó, quyền lực Nhà nước trong lĩnh vực quản lý báo chí, bảo đảm cho quyền tự do báo chí chính đáng, chống lại những âm mưu lợi dụng báo chí của các thế lực phản động chống phá.

Cũng vì lẽ đó, ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52-QĐ/TƯ lấy ngày 21/6 hàng năm làm Ngày Báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo để báo chí cách mạng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Người nhắc tất cả những người tham gia vào quá trình cho tờ báo ra đời và đến được tay người đọc: phóng viên (Người hay dùng chữ cán bộ viết báo), người sửa bài, người in báo, người phát hành… tất cả mọi người, tất cả các khâu phải hoạt động nhịp nhàng và ăn khớp làm cho các tờ báo được xuất bản đúng kỳ và đến tay người đọc. Người cũng nhắc nhở Hội Nhà báo là tổ chức chính trị và nghiệp vụ của những người làm báo, có nhiệm vụ giúp các hội viên đoàn kết, giúp đỡ nhau, nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ để phục vụ Nhân dân và cách mạng tốt hơn.

Báo chí cách mạng Việt Nam là một trong những công cụ sắc bén, hiệu quả để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng; tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là tiếng nói của Nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những người làm báo nguyện giữ trái tim nóng, tấm lòng son, vững vàng ngòi bút để luôn nhớ lời căn dặn của Bác: “Học cái tốt thì khó, ví như leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu".

Người ta thường nói năng khiếu cộng với sự lao động mới trở thành một tài năng. Bác Hồ hội tụ cả hai yếu tố ấy trong quá trình làm báo của mình. Đây chính là một tấm gương lớn cho các nhà báo hiện thời Việt Nam noi theo.

Trần Hương – Thanh Hà

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.