Nhóm Hà Nội Xanh - Những chiến binh giải cứu những “dòng sông chết”
MTXD - Với gần 200 cuộc ra quân trong hơn 1 năm hoạt động, nhóm Hà Nội Xanh đã trả lại màu xanh cho gần 100 con sông tại Hà Nội. Dự án không chỉ hướng tới một Hà Nội xanh, sạch, đẹp, mà còn lan tỏa thông điệp về việc tạo nên môi trường lành mạnh, đáng sống.
Hành trình bền bỉ “hồi sinh” những dòng sông đen
Từ nhiều năm nay, tình trạng những dòng sông bị ô nhiễm trầm trọng trong lòng Hà Nội đã trở thành một bài toán nan giải cho cả cơ quan chính quyền và người dân sống xung quanh. Nước thải, rác thải từ các khu dân cư, khu sản xuất đổ thẳng xuống sông, không qua xử lý, bị tích tụ lâu ngày hay không được vớt lên đã khiến những dòng sông trở thành “dòng sông chết”.
Trước thực trạng đó, cuối năm 2022, chàng trai trẻ Nguyễn Tiến Huy (sinh năm 1995) đã thành lập nhóm Hà Nội Xanh với mong muốn giúp cho môi trường sống trở nên xanh, sạch, đẹp. Chia sẻ với chúng tôi, Tiến Huy cho biết: “Tôi đã có khoảng 7-8 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, ghi nhớ hết tên các con sông bị ô nhiễm trên địa bàn. Tôi vẫn nhớ, hồi còn là sinh viên năm nhất, ở cạnh dòng sông Tô Lịch - một trong những con sông ô nhiễm nhất Hà Nội. Vào mùa nắng, từ dưới sông mùi hôi thối bốc lên rất sợ, ảnh hưởng tới sức khỏe”. Chính vì vậy, Tiến Huy quyết định nghỉ công việc văn phòng và chuyển sang làm một số công việc online để triển khai hoạt động dọn rác ở các con sông xung quanh nhà.
Lượng rác thải nhóm thu gom được tại một điểm sông “đen” ở Hà Nội. Nguồn ảnh: Hà Nội Xanh
Các thành viên của Hà Nội Xanh đều là những “chiến binh” chuyên đi dọn, vớt rác ở những con sông, con kênh, những nơi rác đang bị ùn tắc mà chưa được các cơ quan chức năng xử lý. Năm 2023, tần suất hoạt động của nhóm tương đối cao, nhóm có 1 buổi khảo sát địa điểm và tiến hành dọn từ 12 đến 15 buổi/tháng. Bước sang năm 2024, lượng rác cũng đã giảm đi đáng kể, tần suất hoạt động của nhóm giảm xuống chỉ còn 1 buổi/tuần.
Các tình nguyện viên của Hà Nội Xanh bất chấp rủi ro, nguy hiểm để vớt bèo, rác thải sinh hoạt trên những dòng sông ô nhiễm. Nguồn ảnh: Hà Nội Xanh
Thời gian đầu hoạt động, nhóm đã gặp phải không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên là về con người. Người ít thì lượng công việc mỗi buổi hoạt động nhiều và vất vả hơn. Sau này có thêm nhiều bạn tình nguyện viên thì nhóm lại gặp khó khăn trong khâu quản lý, phân công nhiệm vụ cho các bạn hay sắp xếp thời gian hoạt động. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất phải kể đến là kinh phí hoạt động. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng thật may mắn vì Hà Nội Xanh cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ và quan tâm từ cộng đồng. Từ những đôi găng tay, bộ đồ bảo hộ đến những cốc nước, suất cơm, suất cháo đã được trao đến tay từng tình nguyện viên, trở thành nguồn động lực lớn lao, tiếp thêm lửa để họ tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của mình.
Khát khao lấy lại từng “mảng xanh”
Dù phải tiếp xúc trực tiếp với chất thải có mùi khó chịu và tiềm ẩn nguy cơ bệnh dịch nhưng các thành viên Hà Nội Xanh vẫn hết mình với hoạt động làm sạch những con sông. Tuy nhiên, bên cạnh những sự ủng hộ nhiệt tình, nhóm cũng từng nhận về những phản hồi không mấy tích cực. “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” hay “Đem muối bỏ biển” là những nhận xét tiêu cực mà nhiều thành viên Hà Nội Xanh từng phải nghe. Trước thực tế đó, Tiến Huy chia sẻ: “Với tư cách là thủ lĩnh, người thắp lửa cho các thành viên, tôi luôn động viên các bạn rằng đây là những hoạt động mang lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, nếu thấy đó là việc làm tốt thì mình cứ làm thôi”.
Anh Phạm Khắc Tùng (sinh năm 1998, Hưng Yên), một thành viên đã gắn bó với nhóm được hơn 6 tháng, chia sẻ: “Tôi thấy công việc này rất ý nghĩa nhưng không phải ai cũng có can đảm để làm. Quá đó, chúng tôi muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến tất cả mọi người: Mỗi người có ý thức một chút, không vứt rác bừa bãi thì môi trường sẽ trở nên xanh - sạch - đẹp hơn.”
Nguyễn Tiến Huy (giữa) đại diện Hà Nội Xanh nhận Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2023. Nguồn ảnh: Hà Nội Xanh
Với một tình yêu lớn dành cho môi trường, Tiến Huy cũng đang ấp ủ một dự án nhằm nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Tại mỗi địa điểm mà Hà Nội Xanh đi qua, nhóm sẽ đặt các thùng rác công cộng để người dân có thể vứt rác đúng nơi quy định. Ngoài ra, nhóm cũng mong muốn nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan chính quyền, vận động, tuyên truyền người dân cách phân loại rác thải để giúp công việc xử lý trở nên dễ dàng hơn. Rác thải được tái chế và tiêu hủy đúng cách giúp bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên của Việt Nam.
Không chỉ vậy, tổ chức Hà Nội Xanh đang hướng tới việc thành lập quỹ từ việc nhận ủng hộ của cộng đồng. Quỹ này để hỗ trợ thêm một phần chi phí cho các bạn tình nguyện viên, giúp các bạn có thể gắn bó lâu dài hơn với tổ chức, bởi “khi nỗi lo cơm áo gạo tiền còn thường trực thì khó có thể nghĩ đến làm tình nguyện”. Khi có được những người giỏi đồng hành và tiếp nối, Tiến Huy hy vọng tổ chức sẽ ngày càng phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng.
Theo Phương Thanh, Thanh Bình- qdnd.vn
Link gốc: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nhom-ha-noi-xanh-nhung-chien-binh-giai-cuu-nhung-dong-song-chet-772715
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.