Những bàn tay biến hình thân tượng từ củi lũ
MTXD - Những thân củi gồ ghề, những ý tưởng tượng hình đã làm sống dậy cả một nghệ thuật mới mẻ trên những thân củi lũ, biến những xác củi vô tri từ thượng nguồn trôi xuôi thành những tác phẩm hài hòa với thiên nhiên.
Những thanh củi lũ tưởng vứt đi được nhặt về từ những bãi bồi nơi cửa sông.
Củi lũ tái sinh
Ba năm nay, một xưởng mộc rộng hơn 250m2 nằm lặng lẽ cách bờ biển An Bàng (Hội An) khoảng 2km là nơi ra đời của những tác phẩm củi lũ. Những khúc củi lũ, như cái cách của Lê Ngọc Thuận (SN 1980, trú tại phường Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) bảo thì đó là những “kho báu trôi xuôi”. Những khúc củi lũ ấy vốn là những bè củi, những thân gỗ bị cuốn theo dòng nước lũ từ thượng nguồn về xuôi, qua bàn tay và óc nhìn tinh tế của gã làm nghệ thuật tay ngang này đã được tái sinh, trở thành những tác phẩm nghệ thuật tái chế hút hồn người.
Thuận – người tái sinh cho củi lũ.
Thuận, với nụ cười hiền và nét chất phác vốn có của người con phố Hội thủ thỉ lý giải rằng, anh chỉ là người làm nghệ thuật tay ngang chứ chẳng qua trường lớp gì. Nhìn nét mộc mạc có phần chân quê, nhìn cách nói chuyện của Thuận với người đến tham quan tượng củi lũ mới nhận ra rằng dường như trong trái tim và khối óc của gã đàn ông này chất chứa nhiều lắm những ý tưởng, những ước muốn giản dị đến tận cùng cho những thớ gỗ lạc dòng vô tri kia. Chuyện đời của Thuận, cũng lênh đênh y hệt với những thân tượng củi lũ của gã vậy. Thuận từng chật vật lắm mới tốt nghiệp được lớp 12, và chưa một ngày có cơ hội ngồi giảng đường đại học, cũng vì hồi ấy nhà nghèo quá, Thuận không được học hành lên cao. Sau đó, Thuận mưu sinh bằng nghề rửa bát thuê, rồi phấn đấu lên phụ bếp và đứng bếp chính. Rồi nhờ vay mượn, sự giúp đỡ của người thân gia đình và bạn bè, cùng với đó là sự tích góp nhiều năm, Thuận mở được một số homestay và rồi quản lý hệ thống chuỗi 3 nhà hàng hiện nay.
Với ý tưởng của mình, xưởng mộc của Thuận tuyệt đối không sử dụng gỗ tự nhiên, việc này nhằm bảo vệ môi trường và tái tạo hệ sinh thái.
Khó có thể kể hết những vất vả lập thân của gã đàn ông nhiều trăn trở này. Bởi ngoài việc là bếp chính, quản lý nhiều homestay, thì Thuận còn tự mày mò để học nghề mộc. Những ý tưởng biến hình cho củi lũ được Thuận nảy sinh từ năm 2012, để rồi sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, tự trang bị cho mình thêm những kiến thức về nghề mộc và điêu khắc, thêm vào đó là khoảng thời gian dịch bệnh ảnh hưởng tới công việc kinh doanh du lịch đã khiến Thuận chìm sâu vào niềm đam mê củi lũ hơn. Thuận bảo, phải đặt tâm hồn mình vào từng thanh củi rồi mới có cảm xúc, có câu chuyện. Mình tái sinh lại những khúc gỗ để nó có đời sống mới, có cảm xúc thay vì vứt bỏ. Cái lý của Thuận không phải là không có cơ sở. Bởi những thân củi, những bè gỗ từ thượng nguồn trôi xuôi theo dòng nước ra biển, nếu không mang đốt bỏ thì lại trở thành rác nằm vương vãi trên những bãi bồi cửa biển. Và trong con mắt của gã mộng mơ này những khúc củi ấy vẫn mang những dáng hình nghệ thuật. Chỉ có điều sự thô ráp của những thân củi ấy cần bàn tay con người chế tác lại, biến hình cho củi để mang một dáng dấp mới đầy tính nghệ thuật hơn.
Lê Ngọc Thuận với “tác phẩm chưa hoàn thiện” đón chào Xuân 2023 - Rồng tái sinh
Cứ thế, mấy năm gần đây Thuận bên cạnh công việc duy trì kinh doanh homestay thì thời gian chính của Thuận lại dành cho những thân củi lũ. Từ những thân củi ban đầu tưởng như phế phẩm, Thuận và những người thợ của mình nhặt nhạnh về, sáng tạo hình khối, bóc tách những phần hư hỏng hay dư thừa, qua bàn tay khéo léo và ý tưởng đa dạng, những thanh củi mục thành hình với tính nghệ thuật, tính ứng dụng trong đời sống. Điều đặc biệt, mỗi sản phẩm từ củi lũ của Thuận là một tác phẩm riêng, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào vì từng công đoạn đều làm thủ công. Và chẳng ngờ từ đó, những tác phẩm điêu khắc với chất liệu củi lũ đã ra đời và bất ngờ được khách du lịch đón nhận, lùng mua với giá cao. Hiện nay, với sự đầu tư bài bản, xưởng củi lũ của Thuận đã thu hút hơn chục thợ lành nghề, tạo công ăn việc làm cho con em địa phương.
Làng củi lũ bên bờ sông xanh
Mấy năm nay, cùng xưởng mộc nằm lặng lẽ là nơi ra đời của những tác phẩm củi lũ của Thuận. Thuận còn cất công suy nghĩ, đau đáu tìm hướng đi mới cho nghề mộc Kim Bồng, anh kể về câu chuyện đưa Kim Bồng ra thế giới bằng cách khác, cũng dựa trên nền tảng những người thợ Kim Bồng nhưng xây dựng một ngôi làng mới, đó là Làng củi lũ hiện nay. Và cũng sau khoảng thời gian dài ấp ủ ý tưởng và thử nghiệm, chiều tối ngày 24/3/2023, tại làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP. Hội An) Lê Ngọc Thuận đã tự tin cho ra mắt Làng củi lũ - nơi mà những khúc “củi lũ” được tái sinh với những câu chuyện văn hóa sâu sắc. Những thân củi lũ đã được tái sinh vòng đời, nâng tầm thành “đại sứ nghệ thuật tái chế Việt Nam”.
Xưởng chế tác của Thuận
Khi lập ra Làng củi lũ, Thuận cũng mong muốn đây là nơi cộng đồng các nghệ sĩ, thợ thủ công, nhà điêu khắc và những người sáng tạo cùng làm ra những tác phẩm độc bản, có một không hai. Làng củi lũ với diện tích khoảng 2000m2 tại làng rau Trà Quế, là không gian trưng bày và trải nghiệm điêu khắc từ củi lũ, là nơi Thuận cùng những người thợ mộc kể cho du khách gần xa câu chuyện về những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá. “Một câu chuyện mang thông điệp chúng ta cùng nhau bảo vệ môi trường và phát triển hướng đến du lịch xanh, du lịch bền vững. Con đường tôi đang đi là sử dụng những thanh gỗ bỏ đi, đặc biệt là những loại gỗ lũ, phải là gỗ người ta vứt đi mình mới đem tạo ra tác phẩm và thổi hồn văn hóa Cơ Tu, Hội An, đặc biệt là văn hóa Quảng Nam. Khách du lịch quốc tế, dòng khách yêu nghệ thuật trong nước chính là phân khúc khách hàng tinh túy mà tôi nghĩ tới!”, Thuận hào hứng chia sẻ.
7,10: Nhiều du khách đến với làng củi lũ để cùng lan tỏa ý niệm bảo vệ môi trường.
Thuận cho biết, thị trường của tượng củi lũ hiện ở hai đầu đất nước đã có nhiều đối tác đặt mua nhưng anh chưa muốn sản xuất và bán số lượng lớn, cũng không đặt nặng vấn đề kinh tế. Điều anh muốn nhất là được kể câu chuyện “tái sinh củi lũ” một cách gần gũi, lan tỏa sâu rộng đến với mọi người, mọi nhà. Được biết, thời gian qua anh đã viết xong đề án xin TP Hội An làm công viên nghệ thuật tái chế và chuẩn bị hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm cho các resort; sau đó đưa sản phẩm cho các làng nghề, cũng như đấu giá gây quỹ ủng hộ bà con khởi nghiệp. Dự kiến trung tuần tháng 8/2023, anh sẽ đưa bộ sưu tập 12 con giáp của mình qua Đức, Pháp (theo lời mời của UNESCO và TP Hội An) để quảng bá văn hóa Việt Nam ra toàn cầu.
Nhiều tác phẩm từ củi lũ của Thuận với giá trị về văn hóa, câu chuyện.
Mục sở thị các sản phẩm nghệ thuật từ củi lũ, PGS. TS. Đỗ Thị Thanh Thủy, chuyên gia Ban thực hiện Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo thốt lên: “Mỗi tác phẩm mỹ thuật tái chế từ củi lũ và gỗ phế phẩm của Thuận với câu chuyện, tính độc đáo và sự biểu cảm nghệ thuật, không cần một tuyên ngôn đao to búa lớn nào nhưng tự thân nó - từ chất liệu, câu chuyện có khả năng tạo nên sự rung động và thức tỉnh nhận thức của người xem về việc cần phải tôn trọng môi trường sống, tôn trọng thiên nhiên, về sức mạnh của sự sáng tạo là vô hạn và sức hút của giá trị văn hóa dân tộc”. Chị Eliene Petronella (SN 1992, người TP Woerden, Hà Lan) có khi ghé thăm đã vô cùng bất ngờ với Làng củi lũ này: “Tôi thấy mô hình này rất thú vị, những tượng gỗ rất đẹp. Đây thực sự là cách làm sáng tạo để tái sử dụng các loại gỗ tưởng như bỏ đi. Du khách còn được tham gia workshop nghệ thuật, tự tạo tác phẩm cho riêng mình dưới sự hỗ trợ của các nghệ nhân bậc thầy. Điều đó thật tuyệt và là ý tưởng hay để làm quà tặng bạn bè, người thân”, chị Eliene Petronella bộc bạch.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho hay: “Dự án Làng củi lũ bước đầu đã cho ra nhiều sản phẩm như mong muốn, đồng thời truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường, tái sử dụng gỗ lũ, gỗ trồng để bà con Quảng Nam thay đổi dần suy nghĩ, tạo ra công ăn việc làm; đồng thời lưu giữ được văn hóa làng nghề, giáo dục cộng đồng về ý thức sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, khoa học. Tất cả vì sự phát triển bền vững trong tương lai”.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghé thăm Làng củi lũ.
Với Thuận, những thân củi mục đã được tái sinh, trở thành những tác phẩm nghệ thuật và từ đó củi lũ đã được nâng lên một tầm cao mới, lồng ghép trong đó cả văn hóa bản địa, cả những câu chuyện, với những giá trị của tâm hồn và đôi tay nghệ sỹ.
Thuận cũng từng được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải nhất cuộc thi “Ngôi nhà mơ ước” cho thiết kế The Chi Villa ở An Bàng, Thuận khơi nguồn cho một nền kiến trúc dân gian đã bị lãng quên. Hiện Lê Ngọc Thuận là Chủ tịch Hội homestay Hội An, Chủ tịch Quỹ đổi mới sáng tạo TP Hội An. Đến giờ, Thuận đã nhận đỡ đầu và cấp học bổng cho khá nhiều trẻ em An Bàng có cơ hội đến trường học tập, cũng như nâng cao trình độ ngoại ngữ để tham gia làm du lịch.
Tiêu Dao – Kim Vương
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.