Những lặng lẽ của ồn ào
MTXD - Họ đôi lúc cũng trầm ngâm trong tiếng xình xịch của nhịp tàu, hay thảng thốt khi bất chợt tiếng còi tàu cất lên. Nhưng họ vẫn chấp nhận gắn bó, dù công việc của ngành đường sắt đang ngày càng nhiều những khó khăn chồng chất. Họ là những nhân viên đường sắt.
Vượt nạn
Khi đoàn tàu kéo còi và tạm biệt sân ga, có những thế giới riêng bé nhỏ ắp đầy bao cảm xúc bắt đầu mở ra trên con tàu. Thế giới tách biệt kéo dài dăm, bảy tiếng đồng hồ hay qua cả đêm dài và đến bình minh, ở đó có những nỗi niềm không chỉ riêng của hành khách, mà còn của những nhân viên trên tàu. Vừa hướng dẫn cho khách lên chuyến tàu hướng về phương Nam, cũng như khuyến cáo tới hành khách về những vấn đề phòng chống dịch bệnh trên chuyến tàu, chị Nguyễn Thị Bích Thảo (SN 1979) nhân viên tàu SE, chi nhánh đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội trong đôi mắt vẫn thi thoảng ánh lên nét buồn. Chị, cũng nhưng hàng ngàn công nhân đường sắt thực sự đang trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn với ngành.
Những sân ga và chuyến tàu vắng khách.
Trong nét buồn của chị, cũng là nét buồn của ngành. Bởi trải qua 140 năm hình thành và phát triển, Đường sắt Việt Nam đã khẳng định vị thế của một loại hình giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông của đất nước. Tuy nhiên, giờ đây khi sự phát triển của đường bộ và đường hàng không khá mạnh, thì dẫu có buồn có lo nhưng một thực tế vẫn hiển hiện, đó là hệ thống đường sắt vẫn trong tình trạng “giậm chân tại chỗ”, chưa có sự quan tâm thích đáng. Thời gian qua, nhiều phương tiện truyền thông đã đăng tải sự xuống cấp của ngành đường sắt. Thực tế cho thấy, nhiều hệ thống hạ tầng đường sắt không những lạc hậu, xuống cấp do không được đầu tư đúng mức mà còn phải đối mặt với tình trạng xâm lấn hành lang an toàn giao thông. Và thêm nữa, việc vận tải hành khách và hàng hóa của đường sắt vốn đã đìu hiu, nay lại sụt giảm mạnh do đại dịch Covid-19, ngành đường sắt đang lâm vào tình thế chật vật để tồn tại, trong đó có cả hàng ngàn nhân viên.
Nụ cười của một người lái tàu. (Ảnh Bảo Phúc)
Chị Thảo kiểm tra vé và hướng dẫn hành khách về các quy tắc phòng chống dịch.
Báo cáo với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết 3 năm qua ngành đã bù lỗ hàng trăm tỷ đồng do phải duy trì 6 đội tàu chi gấp mấy lần thu. Nặng gánh nhất trong số này là 5 đôi tàu khách chạy các tuyến phía Bắc và miền Trung, gồm tuyến Yên Viên – Hạ Long, Long Biên – Quán Triều, Gia Lâm – Đồng Đăng, Vinh – Đồng Hới và Đồng Hới – Huế. Cùng với đó là đôi tàu hàng trên tuyến Mạo Khê – Cổ Thành. Các đôi tàu này cự ly vận chuyển ngắn, giá thành vận tải cao trong khi sản lượng vận tải thấp và bị cạnh tranh gay gắt bởi các phương tiện khác.
Thời điểm này, dù đã hết cách ly xã hội và khôi phục hoạt động vận tải, nhưng do không lượng khách đi tàu vẫn rất ít nên hàng ngàn lao động của ngành đường sắt đã phải nghỉ tạm hoãn hợp đồng lao động, không lương. Có thời điểm, ông Vũ Anh Minh - chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phải thốt lên rằng nguy cơ đường sắt phải dừng hoạt động do không đủ tiền, và không có tiền trả lương cho hơn 11.000 nhân viên ngành đường sắt. Một nghịch lý, và cũng là một nỗi đau lớn cho ngành vận tải vốn là xương sống của cả nước trong bao nhiêu năm qua. Khi những thông tin ấy đưa ra, có lẽ hàng ngàn nhân viên của ngành đường sắt đã vô cùng lo lắng.
Thông tin từ phía ngành đường sắt đưa ra, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh và bão lụt khiến ngành đường sắt càng thêm thê thảm. Năm 2020 ngành Đường sắt khép lại với nhiều số liệu sụt giảm nghiêm trọng so với các năm trước, ước số lỗ tới hơn 1.300 tỷ đồng. Số lượt hành khách đi tàu có tháng chỉ đạt 30-35% so với năm 2019, đây là mức thấp nhất trong lịch sử ngành đường sắt. Và năm 2021 đường sắt không có dư địa. Việc triển khai thi công dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh trị giá 7.000 tỷ đồng, cũng ảnh hưởng tới hoạt động chạy tàu, khi có tới hơn 50 điểm chạy chậm hoặc phải phong tỏa theo khu đoạn. Ngành đường sắt phải mất 3 - 4 năm mới khôi phục.
Đường sắt hôm nay đang ở vào giai đoạn thực sự khó khăn. Doanh thu cực thấp, bệnh dịch cũng như thiên tai đã gây nên một tác động tiêu cực cho ngành. Mà bên cạnh đó, với nhiều cơ chế vướng mắc, đặc biệt là việc xây dựng đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2 vẫn đang chậm chạp càng khiến ngành đường sắt tiếp tục rơi vào khủng hoảng.
Phía sau những chuyến tàu
Một du khách người nước ngoài cảm ơn thành viên của đoàn tiếp viên sau khi xuống ga.
Trên những chuyến tàu, nơi mỗi người bắt đầu cuộc hành trình của mình trong sự mới mẻ, lạ lẫm. Ở đó, mọi người thường thấy những nhân viên đường sắt chào hành khách bằng nụ cười, bằng cái gật đầu hay giản đơn là nhường lối đi cho nhau trên hành lang chật hẹp của con tàu. Và thế giới xa lạ ấy bỗng gần gũi vô cùng khi nhân viên đường sắt xách giúp hành khách chiếc vali cho vào khoang hành lý, hỏi han đôi câu khi con tàu đang bắt đầu tăng tốc tiến về phía trước, hay những lần khách bỏ quên hành lý, tiền bạc trên tàu được nhân viên trả lại. Hay hy hữu hơn, những nhân viên đường sắt trở thành bà đỡ cho sản phụ sinh con ngay trên tàu, như trường hợp mới đây của đoàn tiếp viên trên tàu chất lượng cao Bắc - Nam SE6, trưởng tàu Nguyễn Đình Tài đã cùng đoàn tiếp viên thực hiện ca đỡ đẻ thành công cho hành khách Trương Thị Oanh (SN 1989, trú tại Thanh Hương, Thanh Chương, Nghệ An)…
Trên những sân ga của cuộc hành trình, những nhân viên của đoàn tàu tiễn những hành khách xuống ga, và lại đón thêm những người khách mới. Họ có thể là những bà mẹ đến thăm con ở thành phố xa, là đôi trai gái đi du lịch, là những người cựu chiến binh vào thăm chiến trường xưa, là những người muốn tìm cho mình những cảm giác mới.
Tàu đến! Những ánh mắt hành khách sáng bừng, tươi vui. Thời gian gần đây, những sân ga đã không còn chật kín người như cách đây hàng chục năm về trước. Nhưng những hình ảnh những chàng nhân viên SE trẻ cõng cụ già, vác những bao hành lý giúp người dân dường như đã quá quen thuộc trong mắt cán bộ sân ga mỗi chuyến tàu như thế. Khi những hành khách chầm chậm bước lên tàu và cánh cửa sắt nặng trịch của từng boong tàu đóng lại, con tàu trở nên náo nhiệt lạ thường. Tiếng cười, nói, trêu ghẹo, tiếng trẻ khóc, tiếng dỗ dành... mọi hỉ, nộ, ái, ố của thế giới thu nhỏ xuất hiện đủ cả trên chuyến tàu dọc theo dải đất xinh đẹp chữ S. “Đi tàu giờ khác rồi! Sạch sẽ, ngăn nắp. Chẳng phải chen chúc gì cả. Cứ lâu lâu lại có nhân viên đẩy xe qua lại bán thức ăn, đồ uống. Nhân viên cũng rất lịch sự, hướng dẫn hành khách rất chu đáo, và ai cũng cười!", một hành khách tâm sự như thế. Chỉ chừng ấy thôi, cũng khiến những nhân viên của ngành cảm thấy được an ủi. Bởi sự thay đổi dù nhỏ của ngành đường sắt cũng đã được hành khách cảm nhận và đánh giá cao.
Trên những chuyến tàu như thế, chỉ có những nhân viên đường sắt còn ở lại và trải qua biết bao nỗi niềm. Trên những chuyến tàu chạy dài suốt dọc miền đất nước. Những nhân viên đường sắt trên tàu như một gia đình vậy. Lắc lư theo nhịp ray sắt. Các anh các chị chia phiên nhau, người này trực thì người kia ăn và ngược lại. Những bữa cơm đạm bạc mà ấm áp tình người, tình đồng nghiệp. Khi một thành viên nào đó gặp khó khăn, dù chẳng phải là khá giả những những thành viên trên tàu, các đoàn tiếp viên đều cùng nhau góp chút tiền, gửi lời thăm để động viên nhau vượt qua khốn khó. Khi đi qua những gác chắn, người lái tàu lại kéo một hồi còi, vừa để cảnh báo, nhưng trong thâm tâm của tất cả những người làm trong ngành, thì đó là tiếng chào nhau của những người trên tàu và ở những gác chắn, những cái vẫy tay vụt qua nhau nhưng cũng đủ ấm lòng người.
Nhiều nhân viên đường sắt dù cuộc sống khó khăn, thu nhập giảm sút nhưng vẫn tận tụy với nghề.
Trong suy nghĩ của nhiều người, nghề tiếp viên tàu được biết đến là một nghề mang lại thu nhập cao, ổn định, được đi nhiều nơi… Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau công việc có vẻ nhẹ nhàng đó là những nỗi gian nan, nhọc nhằn. Bởi trên tàu, họ vừa phải điều phối hành khách, vừa phải xử lý các tình huống, sự cố nguy hiểm không may xảy ra. Chị Thảo chia sẻ, trên các chuyến tàu, người tiếp viên ngoài việc hướng dẫn vị trí cho khách, họ còn phải làm công việc soát vé. Việc kiểm soát này vô cùng vất vả bởi có những thời điểm như nghỉ lễ, dịp Tết, lượng khách đi tàu rất đông. Nếu tiếp viên lơ là, không chú ý theo dõi thì vẫn có những trường hợp trốn vé xảy ra. Chị Thảo cho biết thêm, làm trong những trường đông đúc, tiếp viên thường xuyên tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau. Không ít lần, họ bị khách hăng gây sự, mắng mỏ khi đang thực hiện nhiệm vụ.
Chị Lê Thị Tuyết Hạnh (SN 1978, tiếp viên đường sắt Vinh - Nghệ An) vào nghề đã được 15 năm. Chị kể, đã có những duyên nợ vô tình do con tàu hóa ông Tơ bà Nguyệt mà se duyên thành. Nhiều hàng khách vô tình chung toa, sát ghế đã mến nhau, hòa hợp mà kết đôi. Nhưng thi vị hơn nữa là không ít cô gái đôi mươi đã phải lòng những chàng lái tàu. Hay nữa, là những khách nam mê tít nụ cười cô tiếp viên đường sắt xinh đẹp, mạnh mẽ. Để rồi khi thành đôi thành lứa, họ chọn cho mình những bộ ảnh cưới trên những sân ga, đợi tàu...
Nhiều dịch vụ trên tàu đã được cải thiện đáng kể để phục vụ hành khách tốt hơn.
Chị Hạnh bộc bạch: “Nghề của những nhân viên trên tàu là nghề dịch vụ, ngày nghỉ hay ngày lễ Tết mọi người nghỉ ngơi, vui chơi với gia đình thì nhân viên đường sắt lại vào giai đoạn cao điểm, hầu như không có nhiều thời gian nghỉ. Đối với nhân viên nhà tàu chuyện đón Tết trên đường ray là chuyện hết sức bình thường, nhiều người cả chục năm không có một giao thừa ở nhà với vợ con, với gia đình. Như sắp tới đây kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, dự kiến lượng khách sẽ tăng cao nên dù vất vả tất cả các anh chị em trong ngành đều cố gắng, không chỉ vì mình, mà còn vì ngành nữa!”.
Với chị Hạnh, chị Bích Thảo, trưởng tàu Nguyễn Đình Tài… hay rất nhiều những nhân viên khác, chừng ấy năm qua đi khi họ vào ngành, đã không biết có bao nhiêu đổi thay, nhưng những con tàu vẫn thế, tình cảm của họ giành cho ngành vẫn thế. Có thể một vài ai đó vì cơm áo gạo tiền, vì mưu sinh cho gia đình đã rẽ ngang sang nghề khác, nhưng họ vẫn hướng về ngành, đau đáu với những trăn trở của ngành, hay mừng vui vì đường sắt có những thay đổi tích cực hơn.
Anh Mạnh, lái tàu của Công ty đường sắt Sài Gòn. (Ảnh Bảo Phúc)
Đất nước cần những sự đóng góp công sức của tất cả mọi người, đường sắt cũng rất cần những tiếng nói đóng góp thật công tâm hay cả sự ủng hộ của Chính phủ để có thể có một hướng đi đúng đắn, để có thể xây dựng ngành đường sắt thành một ngành mũi nhọn về giao thông để đóng góp vào công việc xây dựng đất nước ngày càng phát triển mạnh hơn.
Trân trọng trước những sự chịu đựng gian khó của những con người đang làm việc trong ngành đường sắt. Những hành khách đi tày vẫn yêu quý những nhân viên đường sắt, yêu quý ngành đường sắt, và rất mong mỏi các bạn, ngành đường sắt sẽ vượt qua khó khăn để trở thành niềm tự hào của tất cả mọi người yêu quý ngành.
Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, đường sắt phải cắt giảm chạy tàu khách trên tất cả các tuyến, dẫn đến người lao động thiếu việc làm, phải bố trí cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ luân phiên không hưởng lương từ 5-13 ngày công/tháng. Thu nhập của người lao động vì thế cũng giảm nhiều so với cùng kỳ. Thế nhưng, Ngành đường sắt hôm nay đã có người đứng đầu mới, cái khó khăn chung của hôm nay cũng là một sự thử thắch hay cũng là môt vận hội của ngành đường sắt. Những nhân viên của ngành đều có niềm tin rằng đường sắt sẽ đứng vững, đường sắt sẽ phát triển và tất cả mọi người sẽ gặt hái được thành quả của sự đóng góp công sức của mình cho ngành đường sắt. Họ vẫn cần mẫn với công việc của mình. Bởi họ yêu công việc, sẵn sàng gắn bó với ngành dù khó khăn vất vả, dù thu nhập giảm hơn trước. Nhưng họ vẫn có niềm tin vào một ngày ngành đường sắt sẽ đổi thay, và họ sẽ tiếp tục với công việc, và nụ cười lại nở cùng những tiếng còi tàu đi khắp muôn nơi.
Ngành đường sắt sẽ tiếp tục những chương trình giảm giá vé hấp dẫn trong thời gian tới nhằm tạo ra gói kích cầu, kéo hành khách trở lại với dịch vụ vận tải lâu đời này. Và trong kế hoạch, những nhà ga là điểm đến, điểm đi, tại đây có thể nâng cấp thành các khu vui chơi, siêu thị, dịch vụ... chứ hoàn toàn không đơn thuần là việc trung chuyển hành khách. |
TIÊU DAO – THANH BÌNH
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.