Những người lặng thầm trong lễ hội hoa
MTXD - Trong những ngày diễn ra Festival hoa Đà Lạt, lượng rác thải ra gấp đôi ngày thường, các công nhân Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị phải làm việc nhiều hơn, để đảm bảo sáng ngày hôm sau trả lại cho thành phố xanh, sạch, sáng.
Vui buồn mùa lễ hội
Những ngày diễn ra Festival hoa Đà Lạt lần thứ 9 này, lượng du khách đến thành phố Đà Lạt tăng đột biến. Đây là tín hiệu vui cho ngành công nghiệp không khói Đà Lạt. Tuy nhiên, lượng khách đến cũng kéo theo lượng rác tăng đột biến, bình quân mỗi ngày lượng rác sinh hoạt thu gom từ 140 - 150 tấn, mỗi năm tăng 5%. Với khối lượng rác như trên, đòi hỏi tần suất lao động của công nhân đội vệ sinh môi trường phải tăng lên đáng kể.
Công nhân Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt vất vả dọn lượng rác trong đêm.
Bước vào Festival hoa Đà Lạt, người người náo nức thưởng thức lễ hội, du khách thập phương cũng về với TP ngàn hoa. Bên cạnh đó có những người đang dốc hết sức mình phuc vụ cho lễ hội được thành công. Đâu đó có một chút buồn, một chút hờn tủi vì công việc tăng gấp bội. Nhưng tất cả vẫn nhiệt huyết với công việc, đóng góp cho lễ hội thành công. Họ không nản từ con ngõ nhỏ tới vùng xa, từ suối tới đồi cao, tất cả chỉ mong những con đường đều trở nên sạch sẽ. Đó chính là tâm sự của những công nhân môi trường ở Đà Lạt trong mùa lễ hội hoa.
Không khí vui chơi vừa kết thúc cũng là lúc người công nhân môi trường xuống đường làm việc. Vào dịp lễ hội, họ phải lao động gấp bội so với ngày thường. Bởi một bộ phận giới trẻ, khách du lịch thiếu ý thức đã ngang nhiên vứt rác ra đường, làm mất mỹ quan đô thị. Không chỉ riêng gì mùa lễ hội hoa, hầu hết sau các mùa đợt cao điểm du lịch thì đường phố Đà Lạt đều nhiều rác. Người đi chơi mang niềm vui về nhà nhưng lại để rác thải ở lại khắp nơi.
Mỗi mùa hoa, những người công nhân môi trường lại vất vả làm việc trên mọi ngả đường.
Hàng vạn lượt khách tới tham dự lễ khai mạc Festival hoa Đà Lạt, lượng rác thải để lại sau cuộc dạo chơi của dòng người là lượng rác khổng lồ. Ngay khi lượng người thưa thớt dần đi để lộ ra thảm rác thải rơi đầy trên phố. Công nhân vệ sinh môi trường thức trắng đêm, cật lực dọn dẹp. Đa phần rác thải là những cốc nhựa sử dụng một lần, túi bóng, vỏ bánh kẹo được du khách mua và sử dụng ngay tại đây. "Lượng rác vào những hôm Trung thu phải gấp 10 lần, thậm chí hơn nữa so với những ngày thường. Những ngày này chắc chắn vất vả hơn nhiều! Chúng tôi phải dọn tới sáng công việc mới có thể xong được" - Chị Đỗ Thị Huyền công nhân Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt (Lâm Đồng) chia sẻ.
Có lẽ, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này vẫn là ý thức của thành phần tham gia lễ hội. Mặc dù đã được tuyên truyền giữ gìn môi trường và các biển báo “cấm vứt rác bừa bãi” xuất hiện ở nhiều nơi nhưng người Việt vẫn ý thức kém trong vấn đề bảo vệ môi trường. Họ luôn tự mặc định rằng dọn vệ sinh đường phố là nhiệm vụ của công nhân môi trường. Nhiều trường hợp có những người trẻ tuổi đạp lên các thảm cỏ, tiện tay vứt rác xuống lòng đường rồi đứng ngay cạnh đó để chụp hình như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Rất nhiều gương mặt tỏ ra thờ ơ với trách nhiệm bảo vệ môi trường và vô cảm trước nỗi vất vả của những lao công trong những ngày lễ hội. Thêm nữa, lượng người đổ về thành phố trong mỗi dịp lễ Tết cũng là nguyên nhân khiến khu vực trung tâm ngập tràn rác thải. Thùng rác, bãi tập kết không đủ sức chứa khiến công ty môi trường bị quá tải về phải điều động công nhân làm việc xuyên đêm để giữ cho thành phố sáng mai được trong lành. Những nguyên do trên đây khiến đề tài rác thải trở thành tâm điểm sau mỗi mùa lễ hội.
Dù cực nhọc nhưng những công nhân vệ sinh ở thành phố bốn mùa hoa này đều làm việc với tất cả tinh thần trách nhiệm, cần mẫn.
Với số lượng rác lớn đột biến, nhiều công nhân vệ sinh phải làm cật lực để có thể hoàn thành công việc sớm nhất. Tranh thủ uống ngụm nước trong khi các xe đẩy rác đã đầy ụ và chờ xe thùng tới. Ngay khi xe tới những công nhân môi trường lại tiếp tục công việc đầy nặng nhọc của mình.
Nỗi niềm giữa mùa hoa
Mỗi năm có 4 mùa từ những cái nóng nực của mùa hè, đến cái rét buốt của mùa đông và cả những cơn mưa xối xả nhưng các công nhân vẫn âm thầm với công việc giữ sạch đường phố. Vào những mùa lễ hội hoa như thế này cuối mỗi buổi chiều khi đường phố đã lên đèn, những công nhân vệ sinh môi trường tại Đà Lạt lại hớt hải oằn lưng đẩy xe rác nặng ra khu tập kết để chuyển lên chiếc xe ô tô đưa về bãi rác. Chứng kiến cảnh vận chuyển, từng xe rác cao ngất che lấp bóng người được họ đẩy đi mới thấy được nỗi vất vả của những công nhân này.
Công việc nào cũng có những giá trị riêng và tinh thần trách nhiệm như nhau.
Chị Bùi Thị Dung, công nhân Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt (Lâm Đồng) chia sẻ: “Mấy hôm diễn ra Festival hoa Đà Lạt, chúng tôi phải tăng cường người, đi làm sớm hơn, để đảm bảo cho những ngày diễn ra lễ hội tại thành phố mình luôn sạch đẹp. Nghề của chúng tôi là nghề khá vất vả để theo được “nghiệp rác” cũng đâu đơn giản, phải là người chẳng nề hà bụi bặm, hôi hám để dọn dẹp, gìn giữ cho môi trường được xanh sạch đẹp. Những hôm trời nắng, rác bốc mùi, bịt mấy lớp khẩu trang vẫn thấy mùi hôi, thối, khó chịu vô cùng. Còn trời mưa, đường trơn, trượt xe rác bị đổ tung tóe”. Cùng chung nỗi vất vả và gắn bó với nghề, cô Phùng Thị Đông (công nhân Công ty môi trường đô thị số 1) đã có 25 năm gắn bó với nghề. Vừa gò lưng đẩy xe rác, cô Đông vừa chia sẻ: “Nghề này khi nào tôi cũng phải cố gắng thu gom cho gọn gàng. Ngày nắng, ngày mưa, chúng tôi vẫn bắt buộc phải xuống đường đúng giờ chứ không thể lệch giờ được. Tuy vất vả nhưng chúng tôi vẫn luôn cảm thấy tự hào khi được khoác lên người chiếc áo công nhân vệ sinh môi trường, được góp phần làm sạch đẹp đường phố, bảo vệ môi trường”.
Phút nghỉ ngơi sau khoảng thời gian vất vả lao động.
Ngoài những tình huống oái oăm, đôi khi nhiều người cũng cảm thấy đuối sức vì một ngày làm việc mệt nhọc, căng thẳng. Dù cực nhọc nhưng những công nhân vệ sinh ở thành phố bốn mùa hoa này đều làm việc với tất cả tinh thần trách nhiệm, cần mẫn. Nói là vậy, nhưng với những người công nhân môi trường thfi nghề nào cũng vinh quang, xã hội đã phân công mỗi người mỗi việc. Khi trình độ nhận thức của xã hội đã đạt mức chuẩn, không ai xem thường nghề nghiệp nào và hiểu cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu bóng dáng người công nhân âm thầm dọn vệ sinh làm sạch môi trường. Công việc nào cũng có những giá trị riêng và tinh thần trách nhiệm như nhau.
Chia tay những người nữ công nhân này, có chị hóm hỉnh nói: “Làm nghề này phải nhớ bí quyết, đó là “tai nghe, mắt ngóng, tay quơ”. Hót rác thật nhanh để các phương tiện còn di chuyển được trong ngõ nhỏ, nhìn thật tinh để không bỏ sót lại túi rác nào!”. Cứ như vậy, mỗi ngày, mỗi đêm mùa hoa, những người công nhân môi trường lại xuất hiện trên mọi ngả đường. Hành trình gom rác của họ dường như không dừng chân, không ngơi nghỉ tay vì phải quét dọn, lượm lặt tất cả các loại rác để đường phố luôn sạch sẽ, tinh tươm.
Khi du khách đang say sưa giấc nồng cũng là lúc những người lao công miệt mài trả lại vẻ đẹp vốn có của thành phố. Và hãy nhớ rằng việc bảo vệ môi trường chính là gìn giữ thành phố trong lành, đồng thời còn tạo nên ấn tượng về một điểm du lịch xinh đẹp trong mắt du khách.
Tiêu Dao
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.