Nỗ lực phấn đấu giải phóng đất đai, môi trường bị ô nhiễm trong chiến tranh
MTXD - Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, song hàng triệu người dân Việt Nam vẫn hàng ngày phải sống cùng những di chứng, hậu quả của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng tại Việt Nam. Việc khắc phục hậu quả cần sự chung tay của Nhà nước, cộng đồng, cũng như sự góp sức của những giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Chất độc da cam (CĐDC) đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Lượng chất độc hóa học mà đế quốc Mỹ phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn; chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn.
CĐDC đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; có vai trò quan trọng gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản.
Chăm sóc nạn nhân CĐDC - Ảnh Internet.
Đặc biệt là CĐDC có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả CĐDC đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4.
Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn; chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn; một số loài động vật thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; các loài gậm nhấm và cỏ dại phát triển. Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam, nhất là ở Rừng Sác, phía Đông Bắc Sài Gòn và ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau bị phá hủy nặng nề; vai trò của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút.
Tại các sân bay quân sự của Mỹ trước đây dùng để lưu giữ, pha trộn, tiêu hủy chất độc hóa học, nồng độ dioxin vẫn còn cao hoặc rất cao, đặc biệt tại các sân bay: Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát. Năm 2011, nồng độ dioxin trong khu ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa cao nhất là 963.000 tpp – TEQ; trong máu của một người dân kinh doanh và thu hoạch hải sản bị nhiễm dioxin tại đây là 2.020 tpp – TEQ (trong khi nồng độ cho phép trong máu ở một số nước công nghiệp phát triển là từ 0,4 đến 0,7 tpp – TEQ).
Chất độc da cam (CĐDC) đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; có vai trò quan trọng gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân CĐDC là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh.
Khắc phục hậu quả đối với môi trường
CĐDC phun rải trong chiến tranh sau gần nửa thế kỷ về cơ bản đã bị mưa, nắng rửa trôi, hoặc đã phát tán ra môi trường. Tuy nhiên, ô nhiễm tại các khu căn cứ cũ của Mỹ và đồng minh, nơi tập trung, pha chế, đổ thải, chôn lấp, tiêu hủy CĐDC vẫn còn rất nặng nề, chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây tác hại đến môi trường, sinh thái và con người.
Theo nghiên cứu của Công ty Hatfield Consultants, West Vancouver Canada (2004-2009), tại miền Nam Việt nam, sau chiến tranh còn khoảng 28 "điểm nóng" có nguy cơ tiềm ẩn gây tác hại đến môi trường, sinh thái và con người; trong đó có các điểm ô nhiễm nặng đã được xác định ưu tiên xử lý là sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), sân bay Phù Cát ( Bình Định) và sân bay A So (Thừa Thiên Huế).
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo hoạt động khoa học và nỗ lực hợp tác nghiên cứu tẩy độc, khắc phục ô nhiễm CĐDC/dioxin tại các "điểm nóng". Kết quả như sau:
Tại sân bay Đà Nẵng: Tháng 8/2012 Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam khởi động Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng bằng công nghệ giải hấp nhiệt trong mố. Cơ quan chủ quản dự án là Bộ Quốc phòng Việt Nam; đối tác thực hiện là Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID); nguồn vốn 110 triệu USD từ nguồn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ và 60 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam; thời gian thực hiện từ năm 2012 đến năm 2019. Kết quả, dự án đã xử lý triệt để khoảng 90.000 m3 đất, trầm tích nhiễm dioxin; cô lập, quản lý an toàn khoảng 50.000 m3 đất, trầm tích nhiễm dioxin nồng độ thấp.
Tại đây, nồng độ dioxin vượt quá nhiều lần tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam và quốc tế. Sau nhiều năm, các chất độc đã và đang lan toả, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người và môi trường sinh thái trong khu vực.
Chuyên gia Mỹ hỗ trợ xử lí dioxin tại sân bay Đà Nẵng - Ảnh: Internet
USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tiến hành lấy mẫu đất, trầm tích sau xử lý để khẳng định kết quả xử lý đạt mục tiêu làm sạch là 150 phần nghìn tỷ (ppt). Đất sau xử lý Giai đoạn 1 (kết thúc cuối năm 2015) có nồng độ dioxin thấp hơn 9 ppt và Giai đoạn 2 (kết thúc cuối năm 2018) có nồng độ thấp hơn (<1 ppt), tức là vượt các mục tiêu đã đề ra của dự án. Hơn 32 ha đất sau khi xử lý được bàn giao kịp thời để thực hiện việc xây dựng mở rộng sân bay Đà Nẵng, bảo đảm an toàn sức khỏe người dân, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tại sân bay Phù Cát (Bình Định): Trên cơ sở kết quả khảo sát đánh giá mức độ ô nhiễm và quy hoạch sử dụng đất trong sân bay, căn cứ vào điều kiện thực tế, năm 2012, Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu Quốc tế (GEF) thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã hỗ trợ hơn 5 triệu USD cho Việt Nam sử dụng công nghệ chôn lấp cô lập hơn 7.500m3 đất ô nhiễm có nồng độ ô nhiễm trên 1.000ppt theo tiêu chuẩn quy định của Việt Nam và Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (USEPA). Công trình đã xây dựng Hệ thống quan trắc nước ngầm, nước mặt và không khí, cho thấy nồng độ các chất thải ô nhiễm trong các khu vực dưới ngưỡng cho phép, không còn nguy cơ tác hại đến môi trường, sinh thái và con người.
Bãi chôn lấp dioxin ở sân bay Phù Cá - Ảnh: Internet
Tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai): Theo kết quả khảo sát và nghiên cứu khoa học, mức độ ô nhiễm chất độc hóa học tại sân bay Biên Hòa là nặng nề và phức tạp nhất. Tổng số đất, trầm tích ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép cần phải xử lý khoảng 500.000m3, trong đó có hai khu đã được Bộ Quốc phòng xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Năm 2013 - 2014, thông qua UNDP, Tổ chức GEF đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng công trình chống lan tỏa tạm thời dioxin trong khu vực liên quan đến khoảng 120.000 người dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ cao chịu tác hại của ô nhiễm.
Từ năm 1995-2016, Bộ Tư lệnh Hóa học đã thực hiện 02 dự án đánh giá mức độ tồn lưu chất độc dioxin, khoanh vùng, chống lan tỏa, xác định một số giải pháp công nghệ xử lý đất nhiễm chất độc hóa học/dioxin. Khối lượng đất nhiễm dioxin được chôn lấp, cô lập ở sân bay Biên Hòa khoảng 150.000m3 với kinh phí khoảng gần 150 tỷ đồng. Từ năm 2013-2015, cũng trong khuôn khổ dự án GEF/UNDP, Văn phòng Ban Chỉ đạo 33/Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng công trình chống lan tỏa tại khu vực Pacer Ivy (là khu vực tập kết các thùng chứa CĐDC đã và chưa sử dụng để đưa về Mỹ, hoặc các nơi khác theo Chương trình Pacer Ivy); hợp tác với Chính phủ Cộng hòa Séc xây dựng hệ thống quan trắc nước ngầm tại các khu vực chôn lấp, cô lập ở sân bay Biên Hòa nhằm quan trắc các thông số về môi trường.
Từ năm 2013-2015, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự Bộ Quốc phòng đã phối hợp với USAID thực hiện việc đánh giá môi trường khu vực sân bay Biên Hòa nhằm xác định phạm vi, mức độ, quy mô ô nhiễm và đề xuất phương án công nghệ xử lý triệt để. Từ năm 2017-2019, Bộ Tư lệnh Phòng không- Không quân thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất độc hóa học tại sân bay Biên Hòa với kinh phí bảo đảm là 270 tỷ đồng. Dự án nhằm chuẩn bị cho việc xử lý tổng thể dioxin tại sân bay này, gồm các hạng mục: Cải tạo đường vận chuyển phục vụ xử lý dioxin; xây dựng công trình chống lan tỏa, cách ly khu vực bị ô nhiễm.
Ngày 17/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 425/QĐ-TTg ngày phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở khu vực Sân bay Biên Hòa. Ngày 6/9/2029, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 3869/QĐ-BQP phê duyệt đầu tư dự án và giao Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân làm chủ đầu tư.
Ngày 5/12/2019, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khởi công thực hiện Dự án xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa. Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 10 năm, kinh phí là 390 triệu USD. Phía Mỹ đã cam kết chi 183 triệu USD cho Giai đoạn 1 (2020-2024).
Sân bay Biên Hòa là nơi bị ô nhiễm dioxin nặng nề nhất Việt Nam với hơn 500 nghìn m3 đất, đá bị nhiễm chất độc da cam cần phải xử lý, tẩy độc.
Trong giai đoạn 1 của dự án, từ năm 2020-2028, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Quốc phòng và nguồn viện trợ không hoàn lại của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, USAID, đến nay, tổng khối lượng đào xúc, vận chuyển và phân loại đất, trầm tích nhiễm dioxin đạt gần 71 nghìn m3, giải phóng được 9,7 hecta diện tích ô nhiễm, trong đó đã đưa vào bãi lưu trữ lâu dài gần 43 nghìn m3, gần 28 nghìn m3 đang chờ vận chuyển đến khu vực xử lý nhiệt.
Xây tường bao để cô lập dioxin tại sân bay Biên Hoà
Tại sân bay A So ( Thừa Thiên- Huế)
Dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ Quốc phòng phê duyệt tại Quyết định số 1025/QĐ-BQP ngày 30/3/2020, đồng thời giao Bộ Tư lệnh Hóa học làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 76,4 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước chi cho sự nghiệp môi trường) ; thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2022. Tổng khối lượng đất ô nhiễm dioxin phải xử lý là 35.000 m3, trong đó khoảng 6.600 m3 đất nhiễm có nồng độ ô nhiễm trên 200ppt. Bộ Tư lệnh Hóa học giao Trung tâm Hành động quốc gia xử lý chất độc hóa học và môi trường (NACCET) là cơ quan trực tiếp chủ trì và thiết kế công nghệ cho dự án để đưa vào áp dụng xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A So. Dự án được Bộ Tư lệnh Hóa học tổ chức khởi công ngày 2/10/2020.
Xử lý đất nhiễm độc dioxin tại sân bay A So - Ảnh: Internet
Nhằm nhanh chóng tiến hành các biện pháp tẩy độc đất ở sân bay A So, ngày 30/3/2020, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 1025/QĐ-BQP ngày 30/3/2020 về việc phê duyệt dự án: “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” giao trực tiếp cho Binh chủng Hóa học chủ trì thực hiện dự án.
Dự án được đánh giá sẽ mang lại nhiều ý nghĩa về kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh cho tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh: Internet
Đặc biệt, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ B. Clinton vào tháng 11/ 2000 đã dẫn đến việc thiết lập Ủy ban Tư vấn hỗn hợp (JAC) để giám sát việc phối hợp thực hiện các chương trình nghiên cứu về CĐDC ở Việt Nam. JAC có nhiệm vụ tư vấn cho chính phủ hai nước triển khai phối hợp khắc phục hậu quả CĐDC ở Việt Nam.
Các cuộc gặp cấp cao hai nước tiếp theo đó là những mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của quan hệ phối hợp giữa Mỹ và Việt Nam khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam:
Tháng 11/2006, Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ G.Bush, khẳng định: “Hai bên nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề nhiễm độc môi trường gần các kho chất độc chứa dioxin trước đây sẽ góp phần đáng kể vào việc tiếp tục phát triển quan hệ hai nước”.
Sau chuyến thăm của Tổng thống G. Bush, từ năm 2007 Quốc hội Mỹ bắt đầu phê duyệt ngân sách hằng năm cho Chính phủ Mỹ tham gia khắc phục hậu qủa CĐHH ở Việt Nam, trước hết là nghiên cứu tẩy độc dioxin ở 3 “điểm nóng” là các sân bay: Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát.
Ngày 9/8/2012, chính thức khởi công thực hiện Dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng".
Tuyên bố chung Việt Nam-Mỹ ngày 25/7/2013 sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã nêu: “Tổng thống Obama tái khẳng định Hoa Kỳ cam kết tăng hỗ trợ về chăm sóc y tế và các hình thức chăm sóc, trợ giúp khác cho người khuyết tật vì bất cứ nguyên nhân nào ở Việt Nam”.
Tháng 7/2015, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có “chuyến thăm lịch sử” tới Hoa Kỳ. Hai bên đã ra Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ trong lĩnh vực nhân đạo khắc phục hậu quả chiến tranh. Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm, nhấn mạnh: “Hợp tác nhân đạo giữa hai nước, trong đó có việc khắc phục hậu quả chiến tranh, đã và đang được triển khai ngày càng tích cực. Hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo cần tiếp tục được đẩy mạnh để góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lòng tin, tăng cường hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hậu quả của cuộc chiến tranh ở Việt Nam còn hết sức nặng nề. Nhiều thế hệ người dân Việt Nam vẫn đang phải tiếp tục vật lộn với những hậu quả chiến tranh khắc nghiệt”.
Cuộc gặp cấp cao ngày 23/5/2016 giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, sau tẩy độc ở Đà Nẵng, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ tẩy độc ở Biên Hòa (Đồng Nai). Sau cuộc gặp cấp cao ngày 23/11/2017 giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Donald Trump, phía Mỹ tuyên bố sẽ chi 390 triệu USD cho việc tẩy độc ở sân bay Biên Hòa.
Về kết quả thực hiện phối hợp giữa Mỹ và Việt Nam khắc phục hậu quả CĐHH: Tính đến tháng 5/2020, tổng kinh phí đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt để Chính phủ Mỹ (cụ thể là Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID) phối hợp với phía Việt Nam khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là 328 triệu USD.
Đã hoàn thành chương trình tẩy độc ở Sân bay Đà Nẵng ( xử lý 90.000 m³ đất nhiễm độc, chi phí 104 triệu USD); bắt đầu triển khai tẩy độc ở sân bay Biên Hòa (dự kiến xử lý 500.000 m³ đất nhiễm độc, chi phí 390 triệu USD, trong 10 năm).
Về hỗ trợ dịch vụ y tế cho người bị nhiễm CĐHH: Tính đến tháng 4/2020, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 80 triệu USD để Chính phủ Mỹ thực hiện các dự án hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có nạn nhân CĐDC. Chính phủ Mỹ đang thực hiện chương trình 2016-2020 với kinh phí 21 triệu USD và đã thỏa thuận thực hiện Chương trình 2021-2025 với kinh phí 65 triệu USD cho các hoạt động trên ở 8 tỉnh bị phun rải nặng CĐHH (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Kon Tum).
Phía Hoa Kỳ cũng đã chấp nhận phối hợp với Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam để thực hiện các chương trình hỗ trợ người khuyết tật.
Từ những điểm nóng ô nhiễm với chất độc vô cùng độc hại, nguy hiểm, kể từ hôm nay các vùng đất bị nhiễm CĐDC đã được hoàn trả môi trường trong sạch, an toàn, loại bỏ hoàn toàn tác động nguy hiểm của dioxin đối với sức khỏe con người và môi trường. Đây cũng là kết quả của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với nhân dân và vùng đất cách mạng hết mực anh dũng, kiên cường trong chiến đấu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng để lại hậu quả rất nặng nề cho con người và môi trường với nhiều điểm nóng ô nhiễm chất độc da cam/dioxin. Việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu là vấn đề nóng luôn được Đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm. Các nhiệm vụ điều tra khảo sát, nghiên cứu công nghệ, khoanh vùng, tẩy độc, xử lý ô nhiễm được các cơ quan đã và đang tích cực triển khai nhằm loại bỏ tác động nguy hiểm của chất độc, phục hồi môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe, ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./.
LK - Y N
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.