Nông Cống (Thanh Hoá): Người dân “khốn khổ” vì hoạt động khai thác đá gây ô nhiễm môi trường
MTXD - Nhiều hộ dân tại thôn Định Kim, xã Tân Phúc (Nông Cống – Thanh Hoá), phản ánh Công ty cổ phần VLXD Đồng Phú (Công ty Đồng Phú) và Công ty TNHH XDTM Hà Liên (Công ty Hà Liên), hoạt động khai đá gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Mặc dù, người dân đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không thuyên giảm.
Ai “đánh cắp” cuộc sống yên bình của người dân
Phản ánh đến Tạp chí điện tử Môi trường Xây dựng, nhiều hộ dân tại thôn Định Kim bức xúc nói: “Kể từ khi các doanh nghiệp về đây khai thác đá, người dân chúng tôi chưa được một ngày sống yên bình, cảnh nhà tan hoang bởi bụi đá… ruộng đất thì bỏ hoang làm gì cũng thua, hằng ngày chúng tôi như bị tra tấn bởi một lượng bụi khủng lồ bay ra từ các điểm mỏ vào trong nhà. Đặc biệt, vào những khung giờ họ nổ mìn một khối bụi tạo thành cuộn lớn bay ra khu dân cư như một cơn sóng thần. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm qua, chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương để can thiệp nhưng được một vài ngày thì đâu lại vào đấy”.
Nhiều người dân bức xúc chia sẻ việc gây ô nhiễm của các mỏ đá
Chị Lê Thị Thắm người dân sống ngay cạnh các điểm mỏ than thở: “Chưa bao giờ tôi cảm thấy cuộc sống bế tắc như lúc này, mỗi lần đi đâu đó là không muốn về nhà, cứ mỗi lần về nhìn nhà cửa mà thấy chán, quét xong dội nước một lúc sau cũng đâu vào đấy, bụi nó lại bám tầng lên. Từ khi các doanh nghiệp này về đây khai thác đá làm cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng quá lớn, con cái chúng tôi có nhà mà phải cho đi ở trọ, có những hôm họ nghiền đá tới 9h đêm mới nghỉ.
“Sợ nhất mỗi lúc họ nổ mìn, tiếng nổ phát ra lớn làm vật dụng và nhà cửa rung lắc mạnh, các téc nước bị rạn nứt hết, một số vật dụng rơi vỡ, bụi bao trùm cả khu vực dân cư, cây cối đồ dùng trắng xóa bụi đá, chị Thắm cho biết thêm”.
Cùng chung bức xúc, bà Nguyễn Thị Hiền nói: Nhiều lúc nghĩ mà chán nhà cửa thì có mà cháu con không được ở, suốt ngày phải mang đi gửi, nhà lúc nào cũng phải đóng kín cửa nhưng cuối cùng bụi vẫn đầy nhà, bạt che mấy cũng không vừa. Đến nước ăn không giám lấy nước tại nhà phải đi mua nước bình về để nấu. Tiếp xúc cử tri dân tình có ý kiến mãi mà tình trạng bụi vẫn không giảm, thậm chí còn tiếp diễn nặng hơn, nước thì lúc tưới lúc không.
Chị Lê Thị Thoa, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Định Kim cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thôn có gần 10 hộ dân đang sinh sống gần các điểm khai thác đá bị ảnh hưởng mạnh về vấn đề môi trường. Đồng thời, tại đây nhiều diện tích đất nông nghiệp bị người dân bỏ hoang do hoạt động khai thác đá gây bụi bặm làm ảnh hưởng đến năng xuất cây trồng.
“Người dân ở đây nhiều lần ý kiến lên các cấp nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường không hề thuyên giảm mà có dấu hiệu gia tăng, các doanh nghiệp khai thác đá không thường xuyên tưới nước gây ra bụi bặm lớn trong quá trình khai thác…”- chị Thoa nói thêm.
Ghi nhận thực tế của PV trong nhiều ngày tại các điểm mỏ khai thác của Công ty Đồng Phú và Công ty Hà Liên, việc phán ảnh của người dân về tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ các mỏ đá trên là có cơ sở. Vị trí mỏ đá nằm cách khu dân cư đang sinh sống khoảng gần 500m, một lượng bụi lớn từ khu vực nghiền, xay đá và quá trình vận chuyển vật liệu cuộn lên theo hướng gió bay thẳng vào khu vực dân cư, bằng mắt thường cũng dễ dàng quan sát thấy tất cả đồ dùng trong nhà người dân cho đến cây cối đều phủ trắng bởi một lớp bụi đá, nhiều phần đất nông nghiệp để cỏ dại mọc phủ trên bề mặt là một màu trắng tinh. Theo quan sát, tại các vị trí xay nghiền đá và đường vận chuyển vật liệu hầu như đơn vị không thực hiện tưới nước.
Mỗi lần nổ mình, bụi bay cuồn cuộn trắng xóa
Theo ông Lê Hạ Thuật, cán bộ địa chính xã Tân Phúc (Nông Cống). Trên địa bàn xã có 3 điểm mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản, tuy nhiên có 1 điểm mỏ của Công ty Thanh Hưng đang bị tạm dừng khai thác, còn lại 2 điểm mỏ đang hoạt động tại thôn Định Kim là của Công ty TNHH XDTM Hà Liên và Công ty cổ phần VLXD Đồng Phú. Thời gian qua tại điểm mỏ này đã có một vài lần gây ảnh hưởng môi trường, khói bụi, mới đây do bị hỏng máy bơm nên cũng có ảnh hưởng đôi chút, còn thực tế doanh nghiệp được cấp phép khai thác thì trong quá trình làm phải có ảnh hưởng.
“Đối với việc người dân bỏ hoang đất nông nghiệp tại khu vực gần mỏ đá là có, do dân người ta ngại cấy chứ không phải doanh nghiệp họ khai thác làm ảnh hưởng đến cấy trồng”- ông Thuật khẳng định.
Trao đổi với PV ông Lê Hùng Sơn, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nông Cống cho biết: “Hàng năm huyện cũng đã thường xuyên đi kiểm tra các hoạt động khai thác khoảng sản trên địa bàn, về doanh nghiệp hoạt động khai thác mỏ đá gây ô nhiễm môi trường tại xã Tân Phúc trước đây là có, thời gian tới chuẩn bị có nắng nóng thì việc khai thác tại các điểm mỏ ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, huyện cũng đang lên kế hoạch đi kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản tại các điểm mỏ trên địa bàn”.
Cần quyết liệt xử lý vi phạm
Được biết, Công ty Hà Liên được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép số 30/GP- UBND, ngày 21/1/2015 cấp phép khai thác khoáng sản với diện tích 2,88ha tại xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Thời hạn cấp phép 20 năm 6 tháng. Sau khi được cấp phép khai thác khoáng sản, Công ty Hà Liên đã hoạt động khai thác khoáng sản, trạm trộn bê tông, sản xuất gạch không nung và xây lắp.
Quá trình hoạt động, Công ty Hà Liên đã khai thác rầm rộ với công suất lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, ô nhiễm môi trường. Người dân đã kiến nghị hàng loạt các sai phạm tới cơ quan chức năng.
Vào khoảng đầu năm 2020, Công ty Hà Liên đã bị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt và truy thu với số tiền gần 900 triệu đồng do vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Những sai phạm của Công ty Hà Liên được xác định là kéo dài, quy mô lớn. Thế nhưng chính quyền địa phương không phát hiện ra để có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời. Thậm chí UBND huyện Nông Cống còn có văn bản trình cấp trên xin xem xét giảm nhẹ hình phạt cho đơn vị này với lý do công ty tạo công ăn việc làm cho người lao động, có đóng góp cho ngân sách, thường xuyên tham gia ủng hộ các hoạt động xã hội tại địa phương…
Cây cối xung quanh được phủ lên mình một lớp bụi trắng xóa
Còn đối với Công ty Đồng Phú, năm 2019 đơn vị này cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hoá cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất dự án Mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường taị xã Tân phúc (Nông Cống), với diện tích mỏ 57.103 m2 (khu vực khai thác 40.000m2, khu vực khai trường 17.103m2), công suất khai thác 40.000m3/năm, thời gian khai thác đến 18/4/2047.
Từ khi đi vào hoạt động khai thác mỏ, Công ty Đồng Phú thường xuyên bị người dân địa phương phản ánh về hoạt động khai thác đá gây ô nhiễm môi trường, bụi bặm làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, quá trình hoạt động công ty không thường xuyên tưới nước để đảm bảo giảm bụi.
Sau nhiều kiến nghị của người dân, UBND huyện Nông Cống đã thành lập đoàn kiểm tra về làm việc và ghi nhận. Tại biên bản kiểm tra vào ngày 11/5/2021 của UBND huyện Nông Cống phối hợp với UBND xã Tân Phúc cho thấy: Vào lúc 17h30 phút chiều ngày 8/5/2021, Công ty Đồng Phú thực hiện nổ mìn khai thác khoáng sản. Qua việc phản ánh của người dân, UBND xã đã kiểm tra là có phát sinh bụi.
Qua đó, đoàn kiểm tra đề nghị: Công ty Đồng Phú thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; chấp hành nghiêm thời gian nổ mìn, khối lượng nổ mìn, hạn chế thấp nhất đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Áp dụng biện pháp chia nhỏ khối lượng thuốc nổ của từng lần nổ theo thời gian nổ mìn được quy định trong ngày đã được Sở Công thương cấp phép nhằm giảm thiểu rung lắc, bụi ảnh hưởng đến các hộ xung quanh, đồng thời đưa ra các biện pháp như tưới nước… để giảm thiểu bụi trên các tuyến đường vận chuyển. Tuy nhiên đến nay tình trạng gây ô nhiễm từ mỏ đá này có dấu hiệu không thuyên giảm mà vẫn tiếp tục gia tăng.
Trước thực trạng trên, kính đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc xác minh, làm rõ. Đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể để xảy ra vi phạm (nếu có), nhằm thể hiện tính nghiêm minh pháp luât.
Thanh Duyên
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.