Nông nghiệp đô thị nhìn từ góc độ giảm thiểu rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu: Trường hợp thành phố Cần Thơ
MTXD - Tóm tắt: Những hiện tượng thường thấy trong tiến trình đô thị hóa thời gian qua ở các nước đang phát triển như Việt Nam là diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, sinh kế người dân bị ảnh hưởng, kênh rạch bị lấn chiếm, ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến các rủi ro về sức khỏe, ngập lụt, và giảm sức chống chịu của đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nông nghiệp đô thị đang có xu hướng phát triển và được quan tâm, nhất là dưới tác động của đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực truyền thống. Bên cạnh đó, nông nghiệp đô thị còn được xem như một công cụ quản lý rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp đô thị ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức. Dựa trên khảo sát thực tế, đánh giá của 66 cán bộ Hội nông dân tại thành phố Cần Thơ, nghiên cứu này sẽ phân tích mức độ quan tâm, quan điểm về nông nghiệp đô thị trong giảm thiểu rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu, những khó khăn trở ngại của việc phát triển nông nghiệp đô thị tại địa phương; từ đó, đề xuất các giải pháp góp phần phát triển nông nghiệp đô thị nói riêng và tăng cường sức chống chịu của đô thị nói chung trong thời gian tới.
Từ khóa: Hội Nông dân; Nông nghiệp đô thị; Phát triển bền vững; Quản lý rủi ro; Thành phố Cần Thơ.
- Đặt vấn đề
Nói đến nông nghiệp người ta thường chỉ nghĩ đến nông thôn, ít người nghĩ về đô thị. Kể từ năm 2008, khi tỷ lệ dân số thành thị vượt 50% nông thôn lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử phát triển xã hội loài người và dự đoán đến năm 2030 có đến 60% dân số trên thế giới sống ở thành thị, thì các nghiên cứu về nông nghiệp đô thị (NNĐT) được chú ý hơn vì tiến trình đô thị hóa (ĐTH) có tác động đến nghèo đói và không đảm bảo an ninh lương thực cho người dân ở thành thị (FAO, 2009).
Kinh nghiệm nghiên cứu trên thế giới cho thấy NNĐT có vai trò quan trọng không chỉ về an ninh lương thực mà còn góp phần xây dựng thành phố xanh, giảm rủi ro, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu (BĐKH) và ổn định xã hội (Dubbeling, 2014; FAO, 2014; Stewart et al., 2013: Tornaghi and Hoekstra, 2017; Zezza and Tasciotti, 2010). Các sản phẩm tươi sống từ NNĐT (rau cải, trái cây, động vật) cung cấp trực tiếp cho người tiêu dùng làm cải thiện an ninh lương thực, nhất là cho những nhóm dân cư nghèo, dễ bị tổn thương (Tornaghi and Hoekstra, 2017). Mặt khác, theo Dubbeling (2014) thì NNĐT có thể giúp các thành phố thích ứng và phục hồi tốt hơn thông qua: đa dạng nguồn thức ăn cho dân cư đô thị, giảm lệ thuộc vào nguồn cung từ nơi khác đến đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm do các rủi ro sản xuất ở nông thôn, đa dạng nguồn thu nhập cho người dân làm NNĐT, giảm nhiệt nhờ mảng xanh nông nghiệp, giảm ngập lụt đô thị nhờ vào các khoảng không chứa nước, bổ sung nước dưới đất, và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Cần Thơ là thành phố trung tâm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trực thuộc trung ương có mật độ dân số và tốc độ ĐTH cao. Theo số liệu thống kê năm 2020 dân số thành thị ở Cần Thơ chiếm 70% tổng dân số thành phố, cao hơn so với ĐBSCL chỉ 26%; mật độ dân số ở thành phố Cần Thơ (TPCT) cũng cao hơn so với các tỉnh trong khu vực, năm 2020 mật độ dân số TPCT là 862 người/km2 so với mặt bằng chung của ĐBSCL là 424 người/km2 (Tổng cục Thống kê, 2021). Diện tích đất nông nghiệp của TPCT có xu hướng giảm trong thời gian qua từ 115 nghìn ha năm 2014 còn 112 ngìn ha năm 2020 và quy hoạch tiếp tục giảm còn 98.395 ha năm 2030 theo phương án phát triển bền vững (Sở NNPTNT-TPCT, 2017; Cục Thống kê TPCT, 2021). Như vậy, tiến trình đô thị hóa đang có xu hướng tăng, dẫn đến giảm diện tích đất nông nghiệp, kênh mương bị lấn chiếm, môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm khả năng chịu đựng và phục hồi của hệ sinh thái khi gặp những tai biến môi trường cùng với tác động tiêu cực của BĐKH (Chinh et al., 2017; Nguyen et al., 2017; Hoang et al., 2018; Rentschler et al., 2020; Nguyen et al., 2021). Sự xuất hiện đại dịch COVID-19 càng thể hiện rõ hơn khi chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, vận chuyển giữa nông thôn và đô thị không còn dễ dàng như trước nên việc cung cấp lương thực thực phẩm cho khu vực đô thị trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, NNĐT còn được xem như một công cụ quản lý rủi ro và thích ứng với BĐKH (Dubbeling, 2014; FAO, 2014). Do đó, nghiên cứu về NNĐT ngày càng được quan tâm hơn trên thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển NNĐT ở nước ta nói chung và TPCT nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức. Dựa trên khảo sát thực tế, đánh giá của 66 cán bộ Hội nông dân tại TPCT, nghiên cứu này sẽ phân tích mức độ quan tâm, quan điểm về NNĐT trong giảm thiểu rủi ro và thích ứng với BĐKH, những khó khăn trở ngại của việc phát triển NNĐT tại địa phương; từ đó, đề xuất các giải pháp phát triển NNĐT nói riêng và tăng cường sức chống chịu của đô thị nói chung trong thời gian tới.
2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện tại TPCT thông qua phỏng vấn 66 cán bộ Hội Nông dân (HND). Thời gian thực hiện từ tháng 9/2020 đến tháng 11/2020. TPCT được chọn vì đây là thành phố lớn nhất, nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, đang có tốc độ đô thị hóa cao và chịu ảnh hưởng nhiều của các rủi ro thiên tai và ảnh hưởng của BĐKH như ngập lụt, sụt lún, xói lở bờ sông, ô nhiễm nguồn nước, v.v. (UBND-TPCT, 2019). Hiện tại TPCT có 5 quận, 4 huyện, được chia thành 83 đơn vị hành chính cấp xã gồm 42 phường, 5 thị trấn và 36 xã (Hình 1).
Hình 1. Bản đồ hành chính thành phố Cần Thơ (UBND-TPCT, 2019)
Diện tích, dân số, mật độ dân số và tỷ lệ đất nông nghiệp so với tổng diện tích đất tự nhiên các quận huyện được trình bày ở Bảng 1. Theo đó, các quận trung tâm như Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng có mật độ dân số cao nhất (tương ứng là 9741, 2035 và 1609 người/km2 so với 862 người/km2 ) và tỷ lệ đất nông nghiệp so với tổng diện tích đất thấp nhất so với toàn thành phố (tương ứng là 15,3%, 49,7% và 51,9% so với 79,3%).
Bảng 1. Diện tích, dân số, mật độ dân số và tỷ lệ đất nông nghiệp tại các quận huyện của thành phố Cần Thơ năm 2020
Nguồn: Cục Thống kê TPCT, 2021.
Hội Nông dân là một tổ chức chính trị xã hội có nhiệm vụ chính là vận động, tập hợp, làm nòng cốt tổ chức các phong trào nông dân, phát triển nông nghiệp, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Về cơ cấu tổ chức, cấp thành phố có Ban Chấp hành HND TPCT, cấp quận huyện có 8 Ban chấp hành HND quận huyện (trừ quận trung tâm Ninh Kiều), cấp xã phường có 72 Ban chấp hành HND cơ sở, dưới nữa là 512 Chi hội, 1964 Tổ hội và 74.999 Hội viên (Kết quả phỏng vấn cán bộ HND, 2020). Qua đó cho thấy cơ cấu tổ chức HND khá chặc chẽ và có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển NNĐT. Hơn nữa, cán bộ HND là người am hiểu về nông nghiệp nông thôn trên địa bàn rất rõ nên nghiên cứu này khảo sát quan điểm của cán bộ HND về phát triển NNĐT nói chung và vai trò NNĐT trong quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH nói riêng. Kết quả đã phỏng vấn 66 cán bộ lãnh đạo HND; trong đó cấp thành phố 2 người, cấp quận huyện 4 người và cấp xã phường 59 người; tương ứng khoảng 69% số cán bộ chủ chốt trong hệ thống Hội. Độ tuổi trung bình của các đáp viên là 44 tuổi, kinh nghiệm công tác là 7,2 năm; về trình độ, 6% có trình độ phổ thông trung học, 21% trung cấp và cao đẳng, và 73% có trình độ đại học.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Mức độ quan tâm về nông nghiệp đô thị
Nông nghiệp đô thị, theo cán bộ HND tại TPCT là các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến và phân phối thực phẩm... trong hoặc xung quanh các khu vực đô thị nhằm cung ứng cho người dân lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa, sinh vật, thực vật cảnh dùng phương pháp canh tác hữu cơ và công nghệ cao không cần nhiều đất đai không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị, tăng thêm không gian xanh và cơ hội thư giãn cho người dân đô thị. Kết quả khảo sát 66 cán bộ HND tại Cần Thơ về mức độ quan tâm đến NNĐT cho thấy có đến 51 trường hợp trả lời rất quan tâm (tương đương 77,3%), 12 trường hợp quan tâm khá (chiếm 18,2%) và chỉ 3 trường hợp (4,5%) trả lời ở mức quan tâm ít và không quan tâm (Hình 2). Qua đó cho thấy mức độ quan tâm đến NNĐT là rất cao.
Hình 2. Mức độ quan tâm về nông nghiệp đô thị (n=66)
Sở dĩ NNĐT được quan tâm là vì chúng “góp phần cung ứng lương thực, thực phẩm tươi sống tại chỗ cho các đô thị, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân ở đô thị, dễ tiếp cận các dịch vụ đô thị, góp phần quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường và góp phần tạo cảnh quan đô thị sáng-xanh và cải thiện sức khỏe cộng đồng” hay “nó giúp cho các hộ ở đô thị, thường là có diện tích nhỏ xung quanh nhà tận dụng diện tích này để trồng trọt, chăn nuôi qui mô vừa phải để cung ứng cho người dân lương thực, thực phẩm tươi sống, sinh vật và thực vật cảnh, dùng phương pháp canh tác hữu cơ và công nghệ cao không cần nhiều đất đai không gây ô nhiễm môi trường” hay nông nghiệp đô thì còn góp phần “sử dụng và tái sử dụng dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị, tăng thêm không gian xanh và cơ hội thư giãn cho người dân đô thị” (Kết quả phỏng vấn sâu, 2020). Kết quả phỏng vấn còn cho thấy NNĐT có 5 vai trò cơ bản, theo thứ tự quan trọng lần lượt là:
· Tạo cảnh quan đô thị, cải thiện sức khỏe cộng đồng (chiếm 27% trong tổng số các ý kiến trả lời về vai trò NNĐT);
· Quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường (chiếm 26%);
· Tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư đô thị, nhất là những người bị mất tư liệu sản xuất do đô thị hóa và không có khả năng thích ứng (chiếm 22%);
· Cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống tại chỗ cho các đô thị (chiếm 16%);
· Dễ tiếp cận các dịch vụ đô thị (chiếm 9%). Như vậy, kết quả cho thấy các đáp viên từ HND rất quan tâm đến NNĐT. Ngoài việc cung cấp lương thực thực phẩm thì NNĐT còn có vai trò quan trọng trong tạo cảnh quan hay giảm ô nhiễm môi trường. 51 12 77.3 18.2 0 20 40 60 80 100 Rất quan tâm Quan tâm khá Quan tâm trung bình Quan tâm ít Không quan tâm Rất quan tâm Quan tâm khá Quan tâm trung bình Quan tâm ít Không quan tâm Số quan sát Tỷ lệ (%)
3.2. Quan điểm NNĐT trong giảm thiểu rủi ro và thích ứng với BĐKH
Vai trò của NNĐT đối với giảm thiểu rủi ro và thích ứng với BĐKH được cán bộ HND đánh giá rất cao; với 62,1% cho rằng rất quan trọng, 25,8% khá quan trọng, 4,5% quan trọng trung bình, 4,5% ít quan trọng và chỉ 3,0% đánh giá ở mức không quan trọng (Hình 3). Thật vậy, nghiên cứu đánh giá về khả năng chống chịu của TPCT cho thấy dưới tác động của đô thị hóa, giai đoạn 1990- 2018 diện tích không gian xanh tại TPCT đã giảm khoảng 22.846 ha. Chiều dài mạng lưới sông ngòi, kênh, rạch có nhiều biến động, đặc biệt ở các quận trung tâm như Ninh Kiều giảm khoảng 94 km, hay Cái Răng giảm khoảng 116 km trong hai thập kỷ qua (UBND-TPCT, 2019). Hai yếu tố này làm giảm khả năng trữ nước và thoát nước tự nhiên dẫn đến tăng nguy cơ ngập lụt của thành phố nhất là trong bối cảnh thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng nhiều, tác động của nước biển dâng và BĐKH ngày càng rõ nét. Hơn nữa, nếu điều này tiếp diễn thì nét văn hóa “sông nước” đặc trưng của thành phố được mệnh danh là Tây Đô (đô thị miền Tây) sẽ bị mai một, làm mất đi nguồn thu từ hoạt động du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn. Thêm vào đó, mối gắn kết giữa thành thị và nông thôn dễ bị tổn thương, thể hiện qua sự đứt gãy trong lưu thông hàng hóa khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra làm rõ hơn vai trò của NNĐT trong việc cung ứng hàng hóa tại chỗ cho người dân thành phố. Do đó, phát triển NNĐT sẽ là một giải pháp hữu hiệu, tạo thêm nhiều mảng xanh, giúp điều hòa vi khí hậu, cung ứng lương thực thực phẩm tại chỗ, hướng đến “một thành phố sông nước, xanh, bền vững, năng động và hội nhập, nơi người dân có cuộc sống sung túc và an toàn trước những cú sốc, áp lực và không ai bị bỏ lại phía sau” (UBND-TPCT, 2019).
Hình 3. Quan điểm NNĐT trong giảm thiểu rủi ro và thích ứng với BĐKH (n=66)
Qua đó cho thấy NNĐT giữ một vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững thành phố trong thời gian tới, được các cấp HND quan tâm. Tuy nhiên, dưới áp lực đô thị hóa, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị chuyển đổi thành các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị. Nhìn từ việc phân tích điểm mạnh (S), điểm yếu (W), cơ hội (O) và thách thức (T), bảng tổng hợp SWOT dưới đây sẽ đề xuất một số giải pháp chiến lược thúc đẩy phát triển NNĐT trong tương lai. 41 17 62.1 25.8 4.5 4.5 3.0 0 10 20 30 40 50 60 70 Rất quan trọng Quan trọng khá Quan trọng TB Ít quan trọng Không quan trọng Rất quan trọng Quan trọng khá Quan trọng TB Ít quan trọng Không quan trọng Số quan sát Tỷ lệ (%)
3.3. Giải pháp chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị
Kết quả phân tích SWOT (Bảng 2) cho thấy NNĐT ở TPCT có những điểm mạnh là diện tích đất nông nghiệp còn nhiều (trong 5 thành phố trực thuộc trung ương thì Cần Thơ có tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên diện tích tự nhiên lớn nhất (112/144 ngàn ha), tương đương 78% so với Hà Nội 46%, Hải Phòng 32%, Hồ Chí Minh 31% hay Đà Nẵng 5%); có nhiều chính sách về NNĐT như Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 11/01/2018 của ủy ban nhân dân TPCT về việc triển khai thí điểm các mô hình NNĐT gắn với du lịch tại phường Long Tuyền, Kế hoạch Tăng cường khả năng chống chịu đến 2030 của ủy ban nhân dân TPCT năm 2019; có những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng (dâu Hạ Châu, du lịch vườn Mỹ Khánh, du lịch sinh thái Cồn Sơn với mô hình cá lóc bay…); có vị trí địa lý trung tâm, được đầu tư cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh kể cả đường bộ, đường biển, đường sông và đường hàng không; có nhiều viện nghiên cứu và trường đại học có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, thích ứng với BĐKH (Viện Lúa ĐBSCL, Trường đại học Cần Thơ…).
Bảng 2. Ma trận Swot về nông nghiệp đô thị ở tp cần thơ SWOT Điểm mạnh (Strengths)
Nguồn: Tổng hợp từ phỏng vấn 66 cán bộ HND,
Tuy nhiên, NNĐT của thành phố cũng tồn tại nhiều điểm yếu như hiệu quả kinh tế còn thấp; sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết; sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; giá cả bấp bênh, đầu ra chưa ổn định; và hầu hết các nông sản chưa có thương hiệu. Các cơ hội để phát triển NNĐT là nhu cầu du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa miền sông nước ngày càng cao; và nhu cầu thị trường về các sản phẩm sạch, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chất lượng cao ngày càng lớn. Cuối cùng, những thách thức đối với phát triển NNĐT trong tương lai bao gồm tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, nhất là ở các khu tự phát không theo qui hoạch, làm hẹp dần mảng xanh và kênh rạch tự nhiên; cộng đồng chưa nhận ra giá trị sinh thái, giá trị môi trường của NNĐT nên chạy theo lợi ích trước mắt, bán đất nông nghiệp cho các nhà đầu tư bất động sản ở đô thị; và nguy cơ ngày càng cao do tác động của BĐKH, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và con người.
Dựa trên bảng phân tích SWOT, các giải pháp chiến lược cần tập trung để thúc đẩy phát triển NNĐT trong tương lai gồm:
Ø Chiến lược SO: cần đầu tư phát triển các nông sản đặc trưng thông qua các chính sách, dự án đang có; phát triển các dịch vụ đi kèm với phát triển NNĐT như du lịch sinh thái, du lịch nghĩ dưỡng, du lịch miệt vườn.
Ø Chiến lược WO: sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, tuần hoàn, hữu cơ, hạn chế hóa chất nông nghiệp từ bên ngoài; tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, chiến lược quảng bá các sản phẩm; kết hợp dịch vụ du lịch, tiếp cận; có sự hợp tác chặc chẽ giữa người sản xuất, cũng như giữa người sản xuất với thu mua, chế biến và tiêu thu theo hình thức chuỗi gía trị để nâng cao hiệu quả sản xuất NNĐT.
Ø Chiến lược ST: quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị nói chung và nông nghiệp đô thị nói riêng một cách hiệu quả hơn; kết hợp với các Viện/Trường để nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình NNĐT, áp dụng công nghệ cao và thích ứng với BĐKH;
Ø Chiến lược WT: Nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò NNĐT, không chỉ cung cấp lương thực thực phẩm mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng BĐKH; từ đó xây dựng chính sách chia sẻ lợi ích cho người làm NNĐT dựa trên các dịch vụ sinh thái do NNĐT mang lại.
4. Kết luận và đề xuất
Nông nghiệp đô thị ngày càng được quan tâm vì có nhiều lợi ích từ góc độ cung cấp lương thực thực phẩm đến giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH. Nghiên cứu cũng đã đề xuất được các nhóm giải pháp chiến lược để thúc đẩy phát triển NNĐT trong tương lai. Một trong những chiến lược quan trọng đó là làm sao tạo cơ chế chia sẻ lợi ích giữa người làm nông nghiệp với cư dân đô thị. Nghiên cứu chi trả dịch vụ sinh thái do hệ sinh thái NNĐT mang lại là một hướng đi giúp người nông dân có thêm thu nhập để duy trì các hoạt động sản xuất nông nghiệp, hạn chế đô thị hóa tự phát trong cộng đồng.
TRẦN THỊ THIÊN THƯ *
TRẦN TRUNG CAN**
NGUYỄN THANH BÌNH***
Tài liệu tham khảo
1. Chinh, D.T., Dung, N.V., Gain A.K., and Kreibich, H., 2017. Flood loss models and risk analysis for private households in Can Tho city, Vietnam. Water 2017, 9, 313; doi:10.3390/w9050313.
2. Cục Thống kê thành phố Cần Thơ, 2021, Niên giám thống kê 2020, Nxb. Thống kê.
3. Dubbeling M., 2014. Urban agriculture as a climate change and disaster risk reduction strategy. Urban Agriculture Magazine 27.
4. FAO, 2009. Food for the cities. Food and Agriculture Organization, Rome, Italy.
5. FAO, 2017. Growing greener cities in Latin America and the Caribbean. Food and Agriculture Organization, Rome, Italy.
6. Hoang, L.P., Biesbroek, R., Tri, V.P.D., Kummu, M., van Vliet, M.T.H., Leemans, R., Kabat, P., Ludwig, F., 2018. Managing flood risks in the Mekong delta: How to address emerging challenges under climate change and socio-economic developments. Ambio 2018, 47: 635-649.
7. Nguyen, H.Q., Huynh, T.T.N., Pathirana, A., and Steen, P.V., 2017. Microbial risk assessment of tidal - induced urban flooding in Can Tho city (Mekong delta, Vietnam). International Journal of Environmental Research and Public Health 2017, 14, 1485; doi:10.3390/ijerph14121485.
8. Nguyen, M.T., Sebesvari, Z., Souvignet, M., Bachofer, F., Braun, A., Garschagen, M., Schinkel, U., Yang, L.E., Nguyen, L.H.K., Hochschild, V., Assmann, A., and Hagenlocher, M., 2021. Understanding and assessing flood risk in Vietnam: Current status, persisting gaps, and future directions. Journal of Flood Risk Management 2021; e12686; doi:10.1111/jfr3.12689. 9. Rentschler, J., de Vries Robbé, S., Braese, J., Huy Nguyen, D., van Ledden, M., and Pozueta Mayo, B., 2020. Resilient shores - Vietnam’s coastal development between opportunity and disaster risk. Washington, DC: The World Bank.
10. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ, 2017. Báo cáo Quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
11. Stewart et al., 2013. What are the impacts of urban agriculture programs on food security in low and middle-income countries? Environmental Evidence 2013, 2:7.
12. Tornaghi C., and Hoekstra F., 2017. Editorial, Urban Agriculture Magazine, 33.
13. Tổng cục Thống kê, 2021. Niên giám thống kê 2020. Nhà Xuất bản Thống kê.
14. UBND-TPCT, 2019. Kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu của thành phố đến 2030. Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ.
15. Zezza A., and Tasciotti L., 2010. Urban agriculture, poverty, and food security: Emperical evedence from a sample of developing countries. Food policy 35 (2010) 265-273.
* Hội Nông dân thành phố Cần Thơ. ** Trường Đại học Cần Thơ. *** Trường Đại học Cần Thơ, email: ntbinh02@ctu.edu.vn. 2009).
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.