Nước mắt làng biển
MTXD - Những giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi trên má những người thân của ngư dân chuẩn bị trở về. Nhưng đâu đó cũng có những giọt nước mắt buồn đau vì người thân của họ vẫn còn nằm lạnh lẽo ngoài biển cả bao la, chưa có tung tích.
Hai vụ chìm tàu cá giữa biển khơi đã khiến không ít người xót xa. Vào lúc 19 giờ 30 ngày 16/10, tàu cá QNa-90129 TS do ngư dân Lương Văn Viên (57 tuổi, ngụ xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực tại vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Đang hành nghề thì tàu bị lốc xoáy đánh chìm. Nhận tin, tàu cá QNa-90039 TS hoạt động gần khu vực này đã đến ứng cứu, vớt được 40 thuyền viên còn 14 ngư dân đang mất tích. Đến trưa 17/10, ngư dân vớt được thêm hai người, nhưng sau đó đã tử vong. Một vụ chìm tàu khác xảy ra vào lúc 1 giờ ngày 17/10. Tàu cá QNa - 900927 đang hoạt động cách bờ biển TP Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 240 hải lý và cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý thì bị sóng đánh chìm. Tàu cá QNa-91782 TS hoạt động gần khu vực tàu chìm đã vớt được 38 thuyền viên trên tàu cá QNa-90927 TS còn ngư dân Nguyễn Duy Định (63 tuổi, ngụ Thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành) mất tích.
Người thân của ngư dân còn mất tích khóc nức nở, khẩn cầu lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm.
Từ khi hay tin tàu cá gặp nạn, người thân, xóm làng liên tục đến thăm hỏi, động viên gia đình có ngư dân gặp nạn. Khuôn mặt ai nấy đều đượm buồn, mong một phép nhiệm màu sẽ đến với những ngư dân đang còn mất tích ngoài biển. Người thân của các ngư dân gặp nạn cứ đi vào, đi ra ngóng tin về chồng, cha của họ từ phía biển. Đâu đó, thoáng chốc lại nghe tiếng thở dài não nuột. Trong thời điểm ấy, 6 tàu cá ngư dân và 4 tàu của Bộ Quốc phòng, gồm tàu Cảnh sát biển, tàu Hải quân và tàu Kiểm ngư đang tích cực tìm kiếm ngư dân mất tích. Ngoài ra còn có máy bay và tàu nước ngoài tham gia hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân. UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 chỉ đạo tàu Cảnh sát biển 8002 đón, tiếp nhận 78 thuyền viên và 2 thi thể ngư dân, sau khi kết thúc tìm kiếm cứu nạn và vận chuyển về cầu cảng Vùng Cảnh sát biển 2 ở huyện Núi Thành để bàn giao cho gia đình.
Lão ngư Huỳnh Văn Khởi vẫn còn đờ đẫn sau những ngày mệt nhoài đối diện với sinh tử.
Được sống sót trở về cùng với gia đình sau chuyến biển định mệnh, đối với 78 ngư dân Quảng Nam đó là điều kỳ diệu. Nhưng niềm vui của họ không được trọn vẹn vì thân xác của những người anh em vẫn còn nằm lại ngoài biển khơi lạnh lẽo. Họ vẫn canh cánh trong lòng và cầu mong một phép màu sẽ đến với những người anh em cùng “ăn nằm” với mình. Tuy nhiên, phép màu đã không đến được với những ngư dân xấu số...; lực lượng chức năng cũng đã thông tin, sau ngày 22/10 là kết thúc tìm kiếm quy mô, còn sau đó các tàu đang làm nhiệm vụ vẫn tiến hành quan sát, thông báo cho các tàu hàng, tàu cá quan sát nếu tìm thấy nạn nhân kịp thời thông báo .
Dù đã qua nhiều ngày, nhưng đôi mắt của lão ngư Huỳnh Văn Khởi vẫn còn đờ đẫn sau những ngày mệt nhoài đối diện với sinh tử, ông kể, tàu chìm quá nhanh khiến mọi người không kịp trở tay. Lúc mọi người đang ở trên tàu, lốc xoáy đến nhanh và nhấn chìm dần con tàu. Ông bị va đập vào thành tàu và sau đó bị hất văng xuống biển. Cũng theo ông Khởi, lốc xoáy làm tàu chìm quá nhanh. Trong tích tắc khoảng vài chục giây, tàu đã chìm xuống biển giữa đêm đen. Dù đã trở về với gia đình, nhưng lão ngư vẫn rất lo lắng cho những anh em thuyền viên còn mất tích trên biển.
Những ngư dân được trở về, hết thảy đều mong lực lượng chức năng sẽ sớm tìm thấy những người còn lại đang mất tích sau hai vụ chìm tàu. “Chúng tôi may mắn được cứu sống trở về với gia đình nhưng còn 13 bạn tàu vẫn ở lại biển khơi. Đây là nỗi đau quá lớn, tôi mong các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức tìm kiếm các nạn nhân này. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho anh em được bình yên trở về với gia đình”, ngư dân Hồ Văn Quận nói.
Cơ quan chức năng đến thăm hỏi, động viên những gia đình có người thân đi biển bị nạn.
Những giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi trên má những người thân của ngư dân chuẩn bị trở về. Nhưng đâu đó cũng có những giọt nước mắt buồn đau vì người thân của họ vẫn còn nằm lạnh lẽo ngoài biển cả bao la, chưa có tung tích. Vui vì nhìn thấy giọt nước mắt đoàn viên của các gia đình được gặp lại người thân. Nhưng buồn vì “phép màu” đã không đến với những gia đình vẫn còn người thân mất tích. Nhiều người đã khóc nức nở bởi trong những người về chưa thấy có người thân của họ. Cơ quan chức năng đã động viên, thể hiện sự cảm thông với những người này. Chị Đặng Thị Nhật Huyền, em ruột ngư dân Đăng Minh Vương (đang còn mất tích) khẩn cầu lực lượng chức năng tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm anh mình dù là hi vọng nhỏ nhoi. "Nếu thực sự anh không may mắn sống sót, thì ít nhất thi thể cũng được đưa về nhà”, chị Huyền nói trong nước mắt.
Nghề nào cũng có những hiểm nguy riêng, không chỉ riêng nghề biển. Nhưng ngư dân như các anh bao đời nay vẫn xem thuyền là nhà, biển là quê hương, nên dẫu có nguy hiểm thì cũng không bỏ nghề. Sau chuyến đi này, anh dự định sẽ nghỉ ngơi một thời gian rồi sau đó sẽ tiếp tục vươn khơi bám biển.
Chia sẻ nỗi đau với các gia đình có người thân vẫn bị mất tích, ông Ngô Đức An, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, huyện cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng đã tổ chức lễ bàn giao cho ngư dân gặp nạn về tới đất liền an toàn, còn về chính sách, thì địa phương sẽ tạo điều kiện giúp các ngư dân gặp này có công ăn việc làm, giúp mọi người sớm ổn định cuộc sống trở lại. Sau ngày 22/10, sẽ kết thúc tìm kiếm quy mô, còn sau đó các tàu đang làm nhiệm vụ vẫn tiến hành quan sát, thông báo cho các tàu hàng, tàu cá quan sát nếu tìm thấy nạn nhân kịp thời thông báo.
Nhuận Mẫn – Huấn Trương
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.