Ô Quan Chưởng - dấu ấn một thời
MTXD - Hơn 30 năm về trước, chúng tôi những sĩ quan trẻ (quê ở tỉnh lẻ) được điều động về Hà Nội công tác. Ngày ấy, cứ sau giờ làm việc, chúng tôi rủ nhau đi khám phá phố phường và đặc biệt ấn tượng trước vẻ cổ kính, uy nghi của Ô Quan Chưởng.
Lần nào cũng vậy, khi đến Ô Quan Chưởng, chúng tôi rất ấn tượng trước vẻ cổ kính, uy nghi của ô này. Và lần nào chúng tôi cũng ghé vào quán cóc bên đường để nghe những người cao tuổi nơi đây kể chuyện về cửa ô nơi họ đã sống, gắn bó gần hết cuộc đời.
Ảnh Internet
Sử sách còn ghi, kinh thành Thăng Long xưa vốn có 5 cửa ô, đó là: Đông Mác, Cầu Dền, Cầu Giấy, Chợ Dừa và Quan Chưởng. Nhưng chỉ duy nhất Ô Quan Chưởng (tên cũ Ðông Hà Môn) được xây dựng từ năm 1749 đến năm 1817 vào đời vua Lê Thái Tông, đến nay còn sót lại. Cửa ô được xây dựng 2 tầng theo kiểu vọng lầu. Tầng thứ nhất, gồm 3 cửa: Cửa chính nằm ở giữa, cao và rộng khoảng 3m, hai cửa phụ nằm ở hai bên, rộng khoảng 1,65m, cao 2,5m. Cả 3 cửa đều được thiết kế vòm cuốn. Tầng thứ hai, có vọng lầu 4 mái, thu nhỏ ngay tại vị trí nóc cửa chính, xung quanh có lan can trang trí các hình lục lăng, tứ giác, hoa thị. Giữa phần trên nóc cửa chính và vọng lầu là một khung hình chữ nhật, cao gần 1m, rộng khoảng 3m, có đắp nổi ba chữ Hán “Đông Hà Môn”. Tường phía bên trái cửa chính có gắn một tấm bia đá do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881 ghi lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô.
Sau này Ðông Hà Môn được đổi tên là Ô Quan Chưởng để ghi nhớ sự hy sinh của viên Chưởng cơ và binh lính nhà Nguyễn, trong cuộc chiến chống lại quân Pháp khi chúng đánh chiếm thành Hà Nội. Nơi đây không chỉ là dấu tích cuối cùng của thành lũy bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa, mà còn là một chứng nhân ghi dấu những biến thiên của lịch sử.
Cùng với những ngôi nhà cổ, Ô Quan Chưởng, nơi tập trung buôn bán nhiều mặt hàng đa dạng và luôn tấp nập người, xe qua lại. Cửa ô này thực hiện chức năng chiếc cổng, ngày mở, đêm đóng và có rào, có lính tuần đi canh phòng để ngăn ngừa đạo chích, canh chừng hỏa hoạn và trở nên gần gũi, gắn bó không thể tách rời của Thăng Long nhộn nhịp và phồn hoa.
Từ Ô Quan Chưởng có thể đi bộ sang phố Hàng Chiếu, phố Thanh Hà và phố Đào Duy Từ. Đây là những tuyến phố nổi tiếng về ẩm thực, với những món ăn “hút hồn” du khách thập phương, như: Bánh rán, chả rươi, cháo lòng chần… Với tôi, ấn tượng nhất vẫn là món bún ốc nguội ngay trên vỉa hè, đối diện cổng cửa ô. Ngồi thưởng thức món bún ốc nguội, ngắm cửa ô cổ kính, tôi thỏa sức mường tượng về bóng dáng kinh thành xưa...
Không giống như những di tích khác có khu vực rào bảo vệ, tại Ô Quan Chưởng cuộc sống thường ngày diễn ra sôi động, người, xe qua lại tấp nập; những người lao động hối hả với nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Và ngày nào cũng vậy, 4 giờ sáng con phố mới thực sự được trả về không gian im ắng, tĩnh mịch sau một ngày đêm ồn ào, tấp nập kẻ mua, người bán. Thế nhưng, chỉ hơn một tiếng sau (5 giờ 30 phút) cuộc sống mưu sinh của ngày mới lại bắt đầu với những hàng bán đồ ăn sáng, cùng những gánh hàng rong tất tả ngược xuôi...
Hòa vào không khí tất bật, rộn ràng ấy, tôi nhận rõ sự tương phản giữa quá khứ với hiện đại, giữa trầm mặc với náo nhiệt. Trải qua biết bao thăng trầm, đến nay Ô Quan Chưởng vẫn uy nghiêm đứng đó và gìn giữ cho Hà Nội nghìn năm văn hiến một kỳ quan đơn sơ, mà quý giá đến vô cùng./.
Việt Phương
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.