Phát triển bền vững du lịch đô thị Việt Nam hậu Covid-19: Thách thức và giải pháp
MTXD - Hiện nay du lịch bền vững và phát triển du lịch bền vững đang là xu hướng phát triển của ngành du lịch ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đại dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra cùng các lệnh hạn chế di chuyển của Chính phủ các nước đã gây ra những ảnh hưởng sâu rộng tới ngành du lịch. Nghiên cứu được phát triển dựa trên tổng quan các tài liệu nghiên cứu về du lịch đô thị và phát triển du lịch bền vững trên các tạp chí uy tín trong những năm gần đây, từ đó cung cấp một cái nhìn tổng quan về các tác động kinh tế - xã hội - môi trường gây ra bởi đại dịch.
Nó nhấn mạnh vai trò của du lịch trong việc thúc đẩy các mục tiêu Phát triển bền vững, bao gồm cả mối quan hệ của nó với các mục tiêu kinh tế, môi trường và văn hóa xã hội.
Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển du lịch bền vững - tập trung vào các vùng đô thị du lịch Việt Nam - trước tác động của đại dịch Covid-19 dưới góc độ bền vững, bài báo đề xuất những giải pháp hạn chế và giảm thiểu tác động của dịch bệnh, hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp và ngành du lịch vượt qua thách thức do dịch bệnh gây ra, nhằm phát triển du lịch bền vững tại các đô thị du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: Covid-19; Chính sách ngành; Du lịch bền vững, du lịch đô thị; Phát triển du lịch bền vững.
1-Đặt vấn đề
Du lịch là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới và quan trọng với nền kinh tế toàn cầu, với doanh thu 5,7 nghìn tỷ USD/năm, tạo ra khoảng 319 triệu việc làm. Tuy nhiên, du lịch cũng là một trong những ngành kinh tế nhạy cảm nhất với dịch bệnh (Chen & cộng sự, 2007).
Kể từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và bùng phát từ Trung Quốc và lan ra toàn thế giới, du lịch được coi là ngành chịu tổn thất nặng nề nhất. Dù các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam đều đang nỗ lực ứng phó nhưng cuộc chiến vẫn chưa đến hồi kết. Dịch bệnh tưởng
chừng trong tầm kiểm soát thì những biến chủng mới nguy hiểm hơn xuất hiện đã dập tắt mọi hy vọng đang le lói của ngành kinh tế xanh này. Sự ngưng trệ của hoạt động du lịch do dịch bệnh cũng đã lan tỏa, tác động sâu rộng tới các ngành, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và đời sống xã hội,
từ đó tác động tiêu cực tới các trụ cột phát triển bền vững.
Trước những tác động nặng nề của các lệnh hạn chế di chuyển nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, đối với nền kinh tế toàn cầu, các khu vực riêng lẻ cũng như tình trạng mất việc làm trong ngành du lịch và lữ hành trên toàn thế giới, tiêm chủng vaccine Covid-19 toàn dân để tạo miễn dịch cộng đồng chính là cơ hội cho ngành du lịch phục hồi và phát triển trở lại. Đại dịch chắc chắn sẽ được khống chế và qua đi nhưng những hậu quả mà nó để lại trên tiến trình phát triển phát triển du lịch bền vững ở các quốc gia là không hề nhỏ.
Hậu Covid-19, những vấn đề phát triển du lịch theo hướng bền vững có thể tạm thời bị xáo trộn, gián đoạn thậm chí ngưng trệ, tuy nhiên ngành du lịch, lữ hành sẽ phải xoay trục và thích ứng để sau đó trở lại mạnh mẽ, đồng thời xác định các xu hướng cũng như khám phá những thay đổi cần thiết nhằm duy trì hoạt động trong tương lai. Bài viết phân tích những tác động của dịch bệnh Covid-19 tới sự phát triển du lịch bền vững và đề xuất một số chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với tiến trình phát triển du lịch bền vững tại các đô thị du lịchViệt Nam.
2-Những tác động của dịch bệnh Covid-19 tới phát triển bền vững du lịch đô thị
Phát triển bền vững (PTBV) là sự phát triển về mọi mặt trong xã hội hiện tại nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại tới việc đáp ứng các nhu cầu đó trong tương lai xa. Về bản chất, nó là sự công bằng, hài hòa giữa các thế hệ và nội bộ thế hệ trong phát triển cũng như hưởng thụ các thành quả của phát triển. Do đó, PTBV hiện là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới. Du lịch bền vững được định nghĩa “là việc đáp ứng các nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch mà vẫn đảm bảo những khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ du lịch trong tương lai” (WTTC,1996). Theo đó, chủ trương phát triển bền vững đòi hỏi tất cả các hình thức hoạt động, quản lý và phát triển du lịch nhằm bảo tồn tính toàn vẹn về tự nhiên, đa dạng sinh học, phát triển kinh tế - xã hội và tôn trọngvăn hóa, truyền thống địa phương.
Việc lý giải hai khái niệm du lịch và đô thị theo cách phối hợp phát triển là không đơn giản, nhưng chắc chắn rằng không gian đô thị là sự hỗ trợ thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, vì thế cũng rất thuận lợi cho các hoạt động du lịch. Các hướng dẫn phát triển du lịch bền vững và thực hành quản lý được áp dụng cho tất cả các hình thức du lịch ở tất cả các loại điểm đến, bao gồm cả du lịch đô thị và các phân khúc du lịch ngách khác nhau. Phát triển bền vững dựa trên ba trụ cột: phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển xã hội, trong đó du lịch đô thị cũng được đề cập đến như một lĩnh vực quan trọng trong các chiến lược phát triển bền vững du lịch và cũng là một trong những định hướng nghiên cứu được các chuyên gia quan tâm.
Hơn một năm qua, đại dịch mang tên Covid-19 đã gây ra một thảm họa chưa từng có cho thế giới. Ở cấp độ ngành, du lịch được coi là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch, khiến nhiều nền tảng quản lý và kinh doanh du lịch truyền thống sụp đổ, ngưng trệ các hoạt động du lịch, gây xáo trộn mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hủy diệt toàn bộ nỗ lực phát triển bền vững của nền kinh tế xanh vốn đã trở nên mong manh, yếu ớt từ hậu quả hai đợt dịch trước. Dưới góc độ bền vững, Covid-19 đã tác động rất tiêu cực tới ba trụ cột phát triển bền vững của ngành du lịch.
Dưới góc độ bền vững về kinh tế: thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra hiện đang nằm ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai trong đó, du lịch là ngành đứng đầu, chịu áp lực trực tiếp và ngay lập tức từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Các số liệu kinh tế ảm đạm mới đây cho thấy dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch toàn thế giới như thế nào trong bối cảnh nhiều nước vẫn đang thắt chặt các biện pháp phong tỏa, do lo ngại biến chủng mới Delta. Sự sụp đổ của ngành du lịch thế giới trong năm 2021 do đại dịch Covid-19 được dự báo sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu từ 1,8-2,4 nghìn tỷ USD do lượng khách du lịch quốc tế giảm khoảng 1 tỷ, tương đương 73% trong năm ngoái, trong khi trong quý đầu tiên của năm 2021, mức giảm là khoảng 88% (UNCTAD,2021), đồng thời gây ra những hậu quả to lớn về kinh tế - xã hội cho các cộng đồng sống dựa vào du lịch.
Việc nhiều quốc gia ban hành các lệnh phong tỏa kinh tế - xã hội trên toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh lên hoạt động du lịch thế giới, với ước tính sẽ suy giảm 75% trong năm nay. Theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển được xây dựng với sự tham gia của Tổ chức Du lịch Thế giới, các tác giả đưa ra ba kịch bản có thể xảy ra cho ngành du lịch trong năm nay, trong đó bi quan nhất phản ánh lượng khách quốc tế giảm 75%, tương đương doanh thu từ du khách toàn cầu giảm 934 tỷ USD, thiệt hại cho GDP 2,4 nghìn tỷ USD. Doanh thu từ khách du lịch toàn cầu giảm 934 tỷ USD trong kịch bản một - 695 tỷ USD trong kịch bản hai- 676 tỷ đô la trong kịch bản ba.
Nguồn: UNCTAD
Nếu đo lường toàn bộ tác động của ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nó sẽ lớn hơn bất kỳ ngành nào khác trên thế giới và các đô thị du lịch là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Bởi đây là nơi quy tụ nhiều ngành công nghiệp đa dạng, trong đó bao gồm cả hoạt động của các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng..., nhiều sinh kế đang thực sự bị đe dọa. Dịch bệnh đang ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng không chỉ tới ngành du lịch và lữ hành-vốn đóng góp tới 3,2% GDP toàn cầu (năm 2018), mà còn tác động tiêu cực tới các ngành kinh tế khác mà rõ rệt nhất là ngành hàng không và dịch vụ ăn uống. Trong năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng rộng, trên thế giới chỉ có 1,8 tỷ lượt hành khách chọn đi lại bằng máy bay so với con số 4,5 tỷ lượt của năm 2019, khiến các hãng hàng không toàn cầu tổn thất 370 tỷ USD (ICAO,2020), trở thành năm tồi tệ nhất của ngành vận tải hàng không thế giới. Mặc dù mỗi ngày đã cắt giảm một tỷ USD chi phí, sa thải nhân viên, nhưng các hãng vẫn phải đối mặt với những khoản thua lỗ chưa từng có.
Về vấn đề thị trường lao động: Các đô thị du lịch vốn là nơi tập trung đông khách du lịch và người lao động. Du lịch hỗ trợ 10% việc làm và mang lại sinh kế cho hàng triệu người ở cả các nền kinh tế đang phát triển và đã phát triển, bao gồm các cộng đồng địa phương, các nhà điều hành tour du lịch, chủ cơ sở lưu trú, nhà kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch, nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển. Tuy vậy, mức trên có thể suy giảm từ 45-70% do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (ILO,2020). Nhiều hoạt động thực hành di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội và tụ họp truyền thống tại các đô thị du lịch này đã bị tạm dừng hoặc hoãn lại, cùng với đó là việc đóng cửa các thị trường thủ công mỹ nghệ, sản phẩm và hàng hóa khác. Tâm lý lo ngại lây nhiễm dịch bệnh cùng các chính sách hạn chế di chuyển giữa các quốc gia, đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ buộc các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải cắt giảm lao động, tiết giảm chi phí thậm chí phá sản (Global Rescue &WTTC, 2019). Điều này gây ra hệ lụy nghiêm trọng đến thị trường lao động trong ngành dịch vụ du lịch - lĩnh vực chiếm tới 319 triệu việc làm trên toàn thế giới (năm 2018) gây áp lực lên chính quyền đô thị về vấn đề việc làm, an sinh xã hội. Lao động chất lượng cao trong ngành cũng buộc phải chuyển sang công việc khác nhằm đảm bảo đời sống. Điều này xét về dài hạn sẽ gây ra tình trang thiếu hụt lao động, đứt gãy hệ thống kinh doanh dịch vụ... Đầu tư trong lĩnh vực du lịch cũng có nguy cơ sụt giảm mạnh (Chen & các cộng sự,2007) tại các vùng đô thị đó do việc đầu tư vào các tiện ích liên quan tới du lịch như trung tâm vui chơi giải trí, nhà hàng, quán cà phê, bảo tàng, câu lạc bộ thể dục, trung tâm mua sắm, hồ bơi, trung tâm văn hóa… cũng bị ảnh hưởng trong điều kiện này. Viễn cảnh này cũng sẽ là mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế khi dịch bệnh qua đi, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển trong dài hạn của ngành du lịch. Có thể nói trụ cột phát triển du lịch bền vững về mặt kinh tế đang tạm thời bị gián đoạn, đứt gãy, thậm chí ngưng trệ trên phạm vi toàn thế giới.
Dưới góc độ bền vững về xã hội: những vận động tôn giáo, chính trị, văn hóa và xã hội phải đối mặt với hoàn cảnh đầy thách thức tại các đô thị bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều sự kiện xã hội, văn hóa, chính trị và thể thao, các lễ hội lớn của các quốc gia đã bị hủy bỏ; các hội nghị thượng đỉnh, triển lãm, trình diễn thời trang lớn bị đình chỉ vô thời hạn. Thế vận hội Olympic phải tổ chức trong điều kiện không có khán giả… gây ảnh hưởng vô cùng to lớn tới ngành du lịch toàn thế giới.
Hoạt động dịch vụ bị đứt gãy khiến chính phủ nhiều nước không khỏi lo lắng về tình trạng thất nghiệp diện rộng và nguy cơ bất ổn chính trị và xã hội, khi hàng triệu người đang làm việc cho ngành du lịch, nhà hàng - khách sạn, dịch vụ ăn uống bị mất việc, hoặc buộc phải chuyển sang các công việc khác. Du lịch tại các vùng dịch đã không thể giữ chân nhân lực khiến một lực lượng không nhỏ lao động chất lượng cao buộc phải chuyển sang các ngành nghề khác hoặc chuyển tới các địa phương khác để mưu sinh và đảm bảo sinh kế.
Khi thị trường việc làm bị thu hẹp thì các mục tiêu phát triển xã hội và việc xóa đói giảm nghèo trở nên khó khăn hơn nhiều, làm gia tăng mối đe dọa từ tỷ lệ thất nghiệp leo thang đối với sự ổn định xã hội. Những nguy cơ về tội phạm, bạo loạn và những xung đột tiềm tàng cũng vì thế gia tăng trong giai đoạn khủng hoảng này. Theo ước tính, đại dịch COVID-19 đã đẩy 3,78 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói và khiến 5,2 triệu người mất việc. Tổn thất này có thể phải mất nhiều năm nữa mới có thể phục hồi lại như thời điểm năm 2019.
Tăng trưởng dân số là một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến quy mô của thị trường lao động, sức mạnh kinh tế cũng như sự phân bổ ngân sách của một quốc gia. Xu hướng tăng trưởng dân số chậm lại hoặc thậm chí suy giảm do tác động của dịch Covid-19 kéo dài đang làm động lực của nền kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng. Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, dân số giảm có vẻ là một xu hướng đáng hoan nghênh trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và an ninh lương thực. Tuy nhiên, giờ đây, xu hướng tăng trưởng dân số chậm lại hoặc thậm chí dân số suy giảm đang chiếm ưu thế ở nhiều quốc gia, đặc biệt là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh kéo dài. Suy thoái kinh tế dẫn đến tình trạng mất việc làm, thu nhập giảm, lo ngại về sức khỏe và những bất ổn lớn do đại dịch Covid-19 gây ra là những lý do khiến nhiều cặp đôi trì hoãn việc kết hôn hay sinh con. Có thể nói, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiệm vụ ổn định thị trường việc làmtrong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực du lịch và dịch vụ nói riêng vốn đã khókhăn lại càng trở nên phức tạp.
Như vậy, rõ ràng Covid-19 không chỉ phá vỡ những thành quả đạt được về mặt xã hội mà còn đập tan nỗ lực của chính phủ các nước, chính quyền các đô thị trong thực thi phát triển du lịch bền vững, đảm bảo cân đối nguồn lực phát triển giữa các ngành nghề kinh tế, gây áp lực lên chính sách đồng thời làm nảy sinh những mâu thuẫn và xung đột xã hội, gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội và bạo loạn.
Dưới góc độ bền vững về môi trường: tác động của đại dịch Covid-19 đối với du lịch đang đặt các nỗ lực bảo tồn vào tình trạng nguy hiểm. Sự sụt giảm đột ngột của du lịch đã cắt đứt nguồn tài trợ cho việc bảo tồn đa dạng hinh học, đặc biệt là tại các đô thị du lịch biển, du lịch sinh thái.
Khoảng 7% du lịch thế giới liên quan đến động vật hoang dã, một phân khúc tăng trưởng 3% hàng năm. Cùng với sinh kế đang gặp rủi ro trong và xung quanh các khu bảo tồn, dẫn đến sự gia tăng nạn săn bắt trộm, cướp bóc và tiêu thụ thịt động vật hoang dã - một phần do sự giảm thiểu sự hiện diện của khách du lịch và nhân viên bảo tồn (Antonio Guterres, 2020). Tác động của dịch bệnh đối với đa dạng sinh học và hệ sinh thái là vô cùng to lớn, đặc biệt là ở những điểm đến động vật hoang dã, sinh vật biển, các vùng ven biển, rừng, rặng san hô…- những nơi doanh thu từ du lịch cho phép các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học.
Sự tham gia của cộng đồng vào du lịch thiên nhiên cho thấy cộng đồng, bao gồm cả người dân bản địa, đã có thể bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên của họ như thế nào, đồng thời tạo ra của cải và cải thiện đời sống của họ. Tác động của Covid -19 đối với du lịch gây thêm áp lực lên việc bảo tồn di sản cũng như đối với cơ cấu văn hóa và xã hội của cộng đồng, đặc biệt là đối với người bản địa và các nhóm dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, tình trạng suy giảm trầm trọng số lượt khách tham quan tại các đô thị du lịch được gây ra bởi dịch bệnh Covid -19 dường như tạo ra những thay đổi tích cực về môi trường trong các vấn đề tiêu cực lớn trên toàn thế giới. Các vấn đề môi trường như ô nhiễm, biến đổi khí hậu, thay đổi hệ sinh thái và đa dạng sinh học đang có những dấu mốc tích cực trong giai đoạn này do áp lực của con người lên môi trường ít hơn. Tình trạng ô nhiễm tại các điểm du lịch tự nhiên, các khu di tích, khu bảo tồn… từng gặp phải do tình trạng sử dụng không có trách nhiệm của khách du lịch và cộng đồng địa phương cũng giảm mạnh do các hoạt động du lịch bị ngưng trệ. Việc giảm vận chuyển tới các điểm đến du lịch cũng tác động tích cực thông qua việc giảm lượng phát thải carbon dioxide của máy bay và các phương tiện vận chuyển khác, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu. Việc giảm thiểu phát thải vào môi trường tạo ra tác động tích cực đến các thành tố môi trường như nước, đất, rừng và không khí; đồng thời các hoạt động làm sạch môi trường như: dọn dẹp rác thải trên các bãi biển, khu du lịch cũng có thể được tăng cường trong giai đoạn này.
Về cơ bản, tuy có nhiều ảnh hưởng tiêu cực, tình hình đại dịch cũng góp phần tạo ra những tác động tích cực đến môi trường tại các đô thị này do duy trì giãn cách xã hội, hạn chế ô nhiễm và hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Sự phát triển du lịch trong tương lai cần xem xét các khía cạnh môi trường khác nhau như ô nhiễm, hệ sinh thái và đa dạng sinh học, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, các hoạt động giải trí và quản lý chất thải.
3. Những thách thức mới đối với du lịchViệt Nam
Về kinh tế: Có thể nói, tác động của đại dịch Covid- 19 đối với ngành du lịch nói chung và các đô thị du lịch nói riêng là vô cùng to lớn bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác, hơn nữa lại chịu tác động trực tiếp từ dịch bệnh. Chuỗi tăng trưởng liên tục 10 năm của du lịch Việt Nam bị gián đoạn, các chỉ tiêu phát triển du lịch trong năm 2020 không thể hoàn thành như mục tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam chứng kiến những bước đi thần tốc của du lịch nước nhà với các mốc tăng trưởng kỷ lục về cả lượng khách quốc tế, nội địa và tổng thu từ du lịch. Nhưng chỉ ngay sau đó, bước sang năm 2020, trước những ảnh hưởng liên tiếp từ dịch Covid-19, cũng như cục diện chung của du lịch thế giới, ngành công nghiệp không khói nước nhà không thoát khỏi tình thế lao
đao (Nguyễn Trùng Khánh, 2021).
Nguồn: Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2020
Nguồn: Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2020
Đại dịch bùng phát liên tục khiến các địa phương trên cả nước phải nhiều lần công bố có dịch, dừng các hoạt động không thiết yếu; nhiều sự kiện, lễ hội phải hủy bỏ; các đô thị du lịch đóng cửa, nhiều tour du lịch phải hủy... Thực tế ngành du lịch đã sang năm thứ hai đối mặt với những khủng hoảng do Covid-19 gây ra, hậu quả vẫn vô cùng nặng nề và chưa có dấu hiệu phục hồi, khiến du lịch Việt Nam trở thành ngành chịu tổn thất nặng nề nhất trong các ngành kinh tế. Năm 2020, khó khăn chồng chất, ngành du lịch thất thu khoảng 23 tỷ USD do lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80% so với năm 2019, lượng khách trong nước cũng giảm gần 50%, dẫn đến khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động (Tổng cục thống kê, 2020). Đại dịch đã tác động sâu sắc và toàn diện, thay đổi toàn bộ chiến lược, kế hoạch và cấu trúc PTBV của ngành.
Tác động từ đại dịch Covid-19 khiến mọi người đều đặt sức khỏe, sự an toàn và tính lên hàng đầu trước mỗi lựa chọn xê dịch. Khi rủi ro luôn tiềm ẩn, thay vì những chuyến bay xa thì loại hình du lịch gần nhà, du lịch bền vững ngày càng chiếm ưu thế. Rõ ràng, nhu cầu và tâm lý của du khách trước và giữa đại dịch đã thay đổi nhằm thích nghi với hoàn cảnh mới. Hơn 1,5 năm qua, du lịch Việt hầu như chỉ trông chờ vào thị trường nội địa. Covid-19 dường như đã “quét sạch” bóng du khách nước ngoài tại các đô thị du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, sáu tháng đầu năm nay, khách nội địa cũng chỉ đạt 30,5 triệu lượt, trong đó có khoảng 15,8 triệu khách có lưu trú. Khoảng 20% cơ sở lưu trú trên cả nước phải đóng cửa, gần 35% cơ sở lưu trú đang hoạt động cầm chừng với công suất phòng từ 10 - 20%. Doanh thu của các điểm tham quan, vui chơi giải trí giảm khoảng 60%. Đến nay khoảng 1/3 doanh nghiệp lữ hành đã giải tán, ngừng kinh doanh và xin trả lại giấy phép, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động (Tổng cục Du lịch, 2021).
Rõ ràng, tiến trình PTBV về kinh tế của ngành du lịch đang tạm thời bị đứt gãy, gián đoạn do Covid-19. Mặt khác, Covid-19 bùng phát, du lịch ngưng trệ tại các đô thị du lịch - địa điểm đặt các cảng hàng không quốc tế và nội địa - đã tác động tiêu cực tới đà phục hồi của ngành hàng không trong nước. Đóng băng mạng bay quốc tế, trong khi mạng bay nội địa hoạt động cầm chừng để theo dõi diễn biến của dịch bệnh đã khiến cho thị trường hàng không Việt Nam rơi vào tình trạng thừa cung ứng, hiệu quả khai thác giảm sút, nguồn lực dư thừa, các hãng vận tải đều thua lỗ rất lớn, kéo theo hàng loạt mảng màu tối trong bức tranh tài chính. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ khiến các hãng hàng không Việt Nam lâm vào tình cảnh thua lỗ trầm trọng, suy giảm sức khỏe tài chính, giảm dần khả năng cạnh tranh, đặc biệt là khả năng cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài, đồng thời, đe dọa sự PTBV của ngành, tạo ra sự mất cân đối giữa hàng không và các lĩnh vực vận tải khác.
Có thể nói, nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ là một trở ngại lớn cho sự phát triển của nền kinh tế, của ngành du lịch và của các đô thị du lịch trên tiến trình PTBV.
Trên khía cạnh bền vững về xã hội: qua gần hai năm đại dịch hoành hành, đã có hàng nghìn doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ trên cả nước mà đặc biệt là tại các vùng đô thị du lịch chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh không đủ sức trụ vững trước khó khăn buộc phải dừng hoạt động, giải thể hoặc hoạt động cầm chừng. Rất nhiều người lao động tại các đô thị này buộc phải chuyển đổi công việc. Hiện nay, nhân sự trong các doanh nghiệp du lịch bị hao hụt rất nhiều, hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp, đặc biệt là những nhân sự nòng cốt, chất lượng cao cũng phải nghỉ việc để chuyển sang công việc khác vì sinh kế. Có tới gần 1 triệu việc làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch gặp rủi ro mất việc, bên cạnh các lĩnh vực liên quan đến du lịch như dịch vụ ăn uống và lưu trú, hàng quán sử dụng nhiều lao động cung cấp việc làm cho 4-5 triệu lao động trên toàn lãnh thổ cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Hàng triệu người lao động, hướng dẫn viên và người làm nghề du lịch mất việc hoặc bị cắt giảm thời gian làm việc do nhu cầu du lịch tiếp tục suy giảm. Điều này cũng đặt ra thách thức lớn cho các địa phương trên về nguồn nhân lực trong quá trình phục hồi hoạt động du lịch sau đại dịch và đáp ứng yêu cầu hoạt động trong điều kiện bình thường mới.
Tỉ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng mạnh. Điều này cho thấy trước những cú sốc kinh tế, lao động có trình độ chuyên môn thấp hoặc không có chuyên môn dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Điều đó thực sự là vấn đề nghiêm trọng nhất là đối với bộ phận lao động làm các công việc dịch vụ được trả lương thấp như dọn phòng tại khách sạn, phục vụ bàn, hướng dẫn viên du lịch tự do. Với những người lao động vốn đã bị trả lương ít ỏi này thì việc đột ngột mất thu nhập sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề. Một bộ phận lao động đáng kể cũng bị tổn thương nhất tại các đô thị du lịch chính là những người bán hàng rong, vỉa hè tại các khu du lịch - những người sống phụ thuộc vào khách du lịch - đã mất đi các cơ hội sinh kế do Covid-19.Trong đó, phụ nữ, trẻ em và dân lao động bản địa - chiếm 54% lực lượng lao động du lịch trong khu vực kinh tế phi chính thức này – là những đối tượng có nguy cơ cao nhất và dễ bị tổn thương nhất. Thu nhập của họ đã bị ảnh hưởngđặc biệt nghiêm trọng. Điều này có thể dẫn đến những hệ lụy tiếp theo về an sinh xã hội và bất bình đẳng xã hội nếu chính sách can thiệp không kịp thời điều chỉnh cho hiệu quả.
Việc vắng bóng du khách tại các đô thị du lịch cũng làm gián đoạn nỗ lực đầu tư phát triển cộng đồng địa phương bảo tồn, phát triển văn hóa bản địa - những yếu tố không thể bị mai một trên tiến trình phát triển du lịch bền vững. Không có khách du lịch, các đô thị du lịch mất đi một nguồn ngân sách đáng kể dành cho việc khuyến khích cộng đồng địa phương thực hành bảo tồn các di sản phi vật thể. Các hoạt động biểu diễn tái hiện các nghi thức, lễ hội truyền thống của cộng đồng địa phương: Nhã nhạc cung đình Huế, hát xoan, hát trầu văn, hát quan họ, nghi thức hầu đồng… cũng tạm thời gián đoạn. Nếu tình trạng này còn kéo dài, vốn văn hóa đa dạng của Việt Nam có thể dần bị mai một. Có thể nói, đại dịch Covid -19 không chỉ phá vỡ thành quả của những nỗ lực trước đây của Việt Nam trong PTBV về xã hội mà còn bộc lộ những mảng tối trong quá trình thực hiện các mục tiêu PTBV.
Về môi trường: Covid- 19 đã khiến chúng ta phải tạm hoãn những chuyến đi, nhưng điều này lại giúp những đô thị du lịch nổi tiếng có được khoảng thời gian cần thiết để phục hồi. Trước thời điểm đại dịch, chính quyền địa phương đã rất khó khăn khi đối mặt với những vấn đề tồn đọng tại các khu vực du lịch, đó là ô nhiễm rác thải, rác thải nhựa, túi nilong… gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do lượng khách du lịch đến khu du lịch rất đông(Nguyễn Thế Đồng, 2015). Hơn nữa, ô nhiễm tiếng ồn đặc biệt tại các đô thị du lịch là một trong những nguyên nhân chính gây suy thoái môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và làm xáo trộn sự gắn kết tự nhiên của hệ sinh thái.
Sự phát triển thần kỳ của du lịch Việt trong những năm gần đây đã dẫn tới việc quy hoạch, đầu tư và phát triển ngành du lịch nước xảy ra nhiều bất cập. Điển hình là việc các doanh nghiệp đổ xô vào khai thác du lịch ở các khu vực có nhiều cảnh đẹp đã gây ra tình trạng bê tông hóa cảnh quan du lịch, đặc biệt là những đô thị du lịch như Sa Pa, Phú Quốc, Đà Lạt, Tam Đảo… đang dầnđánh mất vẻ tự nhiên hoang sơ, hung vĩ, giản dị, bình thản vốn có của thiên nhiên. Sự bê tông hóa đi kèm với việc triệt hạ những cánh rừng, lấn biển không chỉ phá vỡ không gian thiên nhiên và cảnh quan kiến trúc mà còn gây nhiều tác động tiêu cực cho khí hậu vốn rất độc đáo ở nơi đó. Cứ mỗi một đô thị du lịch được mở rộng, thu hút người dân và du khách thì cùng với đó là hàng trăm (ha) rừng, mặt biển bị thu hẹp thay vào đó là khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, nhà cao tầng… và nhiều di sản khác bị mai một hoặc mất đi. Chắc chắn dù thu được lợi nhuận thì chúng ta cũng đã mất đi quá nhiều.
Nhưng sau khi đại dịch diễn ra, dù phải chịu cảnh không có khách du lịch quốc tế, không có những chuyến bay thương mại, đó cũng là lúc mà chính quyền các đô thị du lịch, ban quản lý có cơ hội để cùng xem xét và nhìn nhận lại những kế hoạch quản lý du lịch cũng như kế hoạch đầu tư, ngân sách đầu tư cho du lịch, chính sách để ưu tiên phát triển du lịch, để có thể đặt mình vào vị trí sẵn sàng hơn và cho ra những sản phẩm du lịch tốt hơn sau khi đại dịch lắng xuống. Việc tạm dừng các kế hoạch du lịch đã giúp du khách nhận thức rõ hơn về các tác động to lớn của những chuyến đi, để từ đó tìm kiếm những phương thức du lịch bền vững hơn để giảm các tác động lên môi trường và cộng đồng địa phương. Đây chính là cơ hội để ngành du lịch chuẩn bị cho sự trở lại bền vững hơn.
Tuy nhiên, thất thu từ hoạt động du lịch làm mất đi nguồn hỗ trợ cho chính quyền đô thị và các đơn vị quản lý điều hành du lịch trong nỗ lực bảo tồn phát triển đa dạng sinh học đặc biệt là đa dạng sinh học biển: các rặng san hô, các loài động thực vật biển. Các vườn thú, các khu bảo tồn động vật hoang dã cũng lên tiếng kêu cứu vì không đủ tiền mua thức ăn cho động vật.
Như vậy, có thể nói dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn trạng thái phát triển du lịch Việt Nam trên các cục diện kinh tế, xã hội và môi trường. Dẫu vậy, ngành du lịch vẫn đang nỗ lực ứng biến từng bước để vực dậy ngành kinh tế xanh quan trọng này.
4. Giải pháp phục hồi và phát triển bền vững du lịchtại các đô thị du lịch Việt Namtrong bối cảnh mới
Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030” trong đó nhấn mạnh quan điểm:
1-Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại;
2- Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu PTBVcủa Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh;
3- Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” là đột phá chính sách cho phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới, khẳng định quan điểm của Nhà nước luôn ưu tiên phát triển du lịch gắn với các mục tiêu PTBV. Đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, có thể ảnh hưởng đến ngành du lịch đến hết năm 2021 và những năm tiếp theo. Nhưng hơn hết, du lịch là ngành dễ bị tổn thương nhưng cũng là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất sau đại dịch.
Kinh nghiệm của những lần khủng hoảng bệnh dịch trước đây cho thấy tầm quan trọng của các chính sách ứng phó của các quốc gia, các doanh nghiệp đối với việc phục hồi của ngành du lịch (Global Rescue& WTTC, 2019; Au & cộng sự, 2004; Gu & Wall,2006; Cooper, 2005).
Trước những thách thức mới từ đại dịch Covid- 19, thực trạng trên đặt ra bài toán muốn phát triển một cách bền vững, ngành du lịch nói chung và phân khúc du lịch đô thị nói riêng phải xác định được những bước đi cụ thể, bài bản để một mặt ưu tiên phòng chống dịch, khắc phục khó khăn, một mặt phải tận dụng thời cơ, tạo động lực mạnh mẽ để du lịch hồi phục và bứt phá. Trên cơ sở các kịch bản phục hồi sau đại dịch, du lịch cần tính toán lộ trình phục hồi dài hơi, có trọng tâm, trọng điểm cho ngành kinh tế xanh.Cụ thể là:
Về kinh tế:
Thứ nhất, ổn định môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng Cần đưa ra một số cơ chế, chính sách, chương trình hành động với những giải pháp mang tính căn cơ, bám sát tình hình thực tiễn để vừa giúp du lịch tháo gỡ khó khăn trước mắt, vừa tạo đà phát triển lâu dài trong tương lai như: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động du lịch khắc phục khó khăn bởi dịch Covid-19 gắn liền với các biện pháp hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi, giãn nợ, khoanh nợ, hỗ trợ việc làm, đề xuất giảm phí, lệ phí các thủ tục, giảm tiền ký quỹ kinh doanh…; bởi lẽ khi mỗi doanh nghiệp mới tạo nên một nền kinh tế xanh khỏe mạnh và phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh như hiện nay, dù chính quyền các đô thị có đẩy mạnh những gói cứu trợ khẩn cấp thì với nguồn ngân sách hạn hẹp sau một thời gian dài căng mình chống dịch, trong bối cảnh thu ngân sách giảm mạnh còn bội chi ngân sách ngày càng tăng thì chắc chắn rằng với hàng trăm hàng nghìn doanh nghiệp, người lao động đang cần cứu trợ thì sự trợ giúp cũng chỉ có thể cải thiện phần nào tình trạng khó khăn. Doanh nghiệp và người lao động vẫn phải nỗ lực trên chính đôi chân của mình để vươn lên. Bỏ qua những tác động tiêu cực thì đại dịch cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc, là “chất xúc tác” kích thích doanh nghiệp tự đổi mới, sáng tạo để có thể thích nghi với những biến cố khó lường trong kinh doanh và mang lại những trải nghiệm không giới hạn cho du khách.
Thứ hai, tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Tác động từ đại dịch Covid-19 khiến mọi người đều đặt sức khỏe, sự an toàn và tính linh hoạt lên hàng đầu trước mỗi lựa chọn xê dịch. Khi rủi ro luôn tiềm ẩn, rõ ràng nhu cầu và tâm lý của du khách trước và giữa đại dịch đã có sự thay đổi nhằm thích nghi với hoàn cảnh mới.
Nắm bắt được điều đó, hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch cũng phải có những điều chỉnh phương pháp và cách thức tổ chức sao cho phù hợp. Đặc biệt, các địa phương trên cần đẩy mạnh số hóa, ứng dụng marketing số trong quảng bá du lịch, ứng dụng các công nghệ hiện đại để tạo hệ sinh thái du lịch thông minh. Cần đánh giá và xác định sản phẩm chủ đạo để tạo ra cú hích, lợi thế cạnh tranh, thương hiệu du lịch, hiệu quả kinh tế và thúc đẩy các loại hình sản phẩm du lịch khác phát triển theo.
Thứ ba, phục hồi và phát triển nguồn nhân lực Dịch bệnh Covid-19 đã khiến hàng trăm nghìn lao động trong ngành du lịch bị mất việc, phải chuyển sang làm các công việc khác. Vì vậy, việc quan trọng trước mắt là phải có những biện pháp thu hút, phục hồi lại lực lượng lao động cho ngành, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần có chiến lược đào tạo đội ngũ kế cận để bổ sung cho ngành du lịch có trình độ chuyên môn cao, khả năng ngoại ngữ giao tiếp tốt, am hiểu về văn hóavà biết áp dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh đổi mới và áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Đây cũng là nhân tố cốt lõi đảm bảo sự PTBV của du lịch đô thị Việt Nam trong bối cảnh mới.
Về xã hội: Một mục tiêu quan trọng của phát triển đô thị du lịch bền vững là đầu tư vào phát triển cộng đồng địa phương, phát triển văn hóa địa phương và mang lại những lợi ích, những tác động tích cực cho người dân bản địa. Do đó, mỗi giai đoạn phát triển nhất định cần xác định sản phẩm du lịch chủ đạo để tạo ra cú hích, lợi thế cạnh tranh nhằm phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của từng địa phương gắn với phát triển du lịch, từ đó mới có thể gia tăng giá trị kinh tế đồng thời quảng bá hình ảnh con người, đất nước và văn hóa Việt Nam và thúc đẩy các loại hình sản phẩm du lịch khác phát triển theo.
Hiện nay, du lịch xanh gắn với khám phá văn hóa bản địa đang là xu hướng hậu Covid-19 được số đông lựa chọn. Muốn du lịch phục hồi nhanh sau đại dịch, muốn lượng du khách quốc tế và nội địa tăng trưởng mạnh, cần xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa mang giá trị cốt lõi, là bản sắc độc đáo của mỗi địa phương và đặc biệt phải có tính sáng tạo cao. Cụ thể, các doanh nghiệp lữ hành cần phối hợp với địa phương xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp với di sản và văn hóa bản địa; tập trung khai thác các truyền thống văn hóa đặc trưng của địa phương; đưa di sản phi vật thể lồng ghép trong các tour du lịch; kết hợp du lịch và quảng bá ẩm thực địa phương. Hình thức này cũng góp phần tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận không nhỏ người dân bản địa đồng thời góp phần đáng kể vào nỗ lực thực hành bảo tồn di sản phi vật thể của Việt Nam.
Về môi trường: Trong giai đoạn dịch bệnh, môi trường dường như có quãng ngơi nghỉ, tuy nhiên khi ngành du lịch phục hồi trở lại, chắc chắn các vấn đề nóng về tác động của du lịch tới môi trường sẽ quay trở lại, thậm chí còn nóng hơn nhiều nếu như ngành du lịch không có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ. Để giải quyết được vấn đề này, cần nâng cao nhận thức của du khách về tác động của họ với môi trường và cộng đồng địa phương. Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của du khách về việc giảm thiểu rác thải, tái chế và tái sử dụng vật liệu nhựa trong hành trình của họ.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong nỗ lực bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần mở đường cho những chuyến du lịch bền vững trong tương lai. Mặt khác, các cơ quan quản lý cần có chiến lược quy hoạch, phát triển đô thị du lịch, vùng du lịch một cách bền vững gắn với bảo tồn văn hóa, thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ cũng cần nhấn mạnh vai trò bền vững qua những cách thức sáng tạo, độc đáo như chuyển đổi, tái thiết kế những rác thải nguyên liệu thô sơ thành những trải nghiệm lưu trú ấn tượng cho du khách. Một số sáng kiến thân thiện với môi trường có thể được thực hiện tại các điểm lưu trú, chỗ nghỉ, bao gồm hệ thống quản lý nước thải, tái chế và chất thải thực phẩm, trồng trọt sản phẩm hữu cơ, sử dụng năng lượng mặt trời, không sử dụng đồ nhựa.
5. Kết luận:
Dịch bệnh Covid-19 đặt ra thách thức to lớn cho du lịch đô thị trên bình diện quốc gia và thế giới, tình trạng yếu kém, chậm phát triển sau đại dịch, nhất là về kinh tế và xã hội do thiếu hụt các nguồn lực đòi hỏi các quốc gia phải mất thời gian dài để phục hồi đà phát triển theo hướng bền vững. Do đó, các điều chỉnh chính sách hậu dịch bệnh phải đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế với các mục tiêu bền vững về xã hội và môi trường.
PHẠM THỊ BÍCH THỦY*
Tài liệu tham khảo
1. Amalia Bădită, Approaches to the analysis and evaluation of urban tourism system within urban destinatio, University of Craiova, Geography Department, Romania, Journal of tourism - studies and research in tourism, issue 16.
2. Antonio Guterres (2020), Bản tóm tắt chính sách “COVID-19 và chuyển đổi ngành du lịch”
3. Au, K., Ramasamy, B. & Yeung, C. (2004), ‘The effects of SARS on the Hong Kong tourism industry: An empiricalevaluation’, Asia Pacific Journal of Tourism Research, 10:1, 85-95.
4. Cooper, M. (2005), ‘Japanese Tourism and the SARS Epidemic of 2003’, Journal of Travel
& Tourism Marketing,19(2-3), 117-131.
5. Chính phủ (2020), Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030.
6. Chen, M.-H., Jang, S. & Kim, W.(2007), ‘The impact of the SARS outbreak on Taiwanese hotel stock performance: An event-study approach’, Hospitality Management, 26, 200-212.
7. European Commission (2020), “Towards quality urban tourism. Integrated quality management (IQM) of urban tourist destinations”, Enterprise Directorate-General, Tourism Unit,2020, pp21-26.
8. Global Rescue & WTTC (The World Travel & Tourism Council) (2019),Crisis Readiness.
9. Gu, H. & Wall, G. (2006), ‘SARS in China: Tourism Impact and Market Rejuvenation’, Tourism Analysis, 11, 367-379.
10. IATA [ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế] (2021),Báo cáo Tổng hợp ngày 24/02/2021
11. ILO [Tổ chức Lao động Quốc tế] (2020), http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quocte/2020-05-08/kinh-te-the-gioi-lao-dao-truoc-dich-covid-19-86488.aspx
12. Nguyễn Thế Đồng,(2015), “Bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững”, Tạp chíMôi trường, số 7, tr.8-9.
13. Nguyễn Trùng Khánh (2021), “Chiến lược phát triển du lịch trước những thách thức mới hiện nay”, Tạp chí Cộng sảnUNCTAD (2021), báo cáo Hội nghị Liên Hiệp quốc về Thương mại và Phát triển, https://news.un.org/en/story/2021/06/1095052
14. Tổng cục Du lịch (2021), Báo cáo tổng kết hoạt động du lịch sáu tháng đầu năm 2021.
15. Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo cuối năm 2020.
16. Trương Minh Dục, Lê Văn Định (2010), Văn hóa và lối sống đô thị Việt Nam - Một cách tiếp cận, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
17. Trường DDại học Kinh tế quốc dân (2020), Đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách.
18. WTTC [The world Travel & Tourism Council] (2
* Thạc sĩ, Trường Đại học Giao thông Vận tải, email: bichthuyhvtc@gmail.com
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.