Phát triển đô thị du lịch bền vững huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng
MTXD - Quy hoạch xây dựng đô thị được coi là một trong những không gian nghiên cứu quan trọng nhất hiện nay, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày. Mô hình thông tin công trình (BIM) cũng có thể là một công cụ mạnh mẽ cho thiết kế đô thị, vì nó có khả năng liên kết dữ liệu với dạng vật lý và kết nối các quy định quy hoạch với công trình. Đô thị là một hệ thống phức tạp, quy hoạch đô thị đòi hỏi nhiều thông tin kỹ thuật số để hỗ trợ chính nó. Bằng cách sử dụng BIM, trực quan hóa quy hoạch đô thị là rất quan trọng đối với việc nắm bắt vĩ mô và định hướng khoa học cho sự phát triển đô thị. Thông qua thiết kế trực quan có thể sửa một số lỗi và sai lệch ở giai đoạn đầu của thiết kế và thúc đẩy hiệu quả toàn bộ quá trình của dự án.
Thác Bản Giốc mùa đẹp nhất. Ảnh nguồn Vnexpress
1.Huyện trùng Khánh
Thác Bản Giốc và Động Ngườm Ngao là 2 trong 5 danh lam thắng cảnh nổi tiếng nằm trong công viên địa chất UNESCO non nước Cao Bằng. Thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, cao 53 m, rộng 300 m, có 3 tầng với nhiều thác lớn nhỏ khác nhau, là thác tự nhiên lớn và đẹp nhất Việt Nam, nằm trong 10 thác hùng vĩ bậc nhất thế giới (Tạp chí Travel and Leisure), và là thác nước đẹp thứ tư nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia. Cách thác Bản Giốc khoảng 3 km là động Ngườm Ngao, đây cũng là một thắng cảnh đẹp hoang sơ, hữu tình và huyền ảo với các nhũ đá rất sinh động, kỳ thú, với dòng suối ngầm chảy qua làm tăng thêm vẻ huyền bí.
Ngoài ra, Trùng Khánh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa: đền thờ An Biên tướng quân Hoàng Lục (Hoàng Sáu) - người có công chống quân Tống xâm lược ở thế kỷ thứ XI; Hang Ngườm Hoài - nơi tập kết vũ khí, khí tài chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới (1950) và Kho bạc Nhà nước đầu tiên năm 1950 - 1951; Di tích hang Ngườm Chiêng - nơi đặt máy A3 Đài Tiếng nói Việt Nam giai đoạn 1966 – 1978. Làng đá Khuổi Kỵ với những nếp nhà đá xanh lâu đời.
Trải qua một quá trình hợp lưu lâu dài, nền văn hoá của các dân tộc trên địa bàn huyện rất phong phú, đa dạng, đặc biệt là người Tày. Đặc biệt, di sản nghi lễ Then Tày, Nùng, Thái được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Việt Nam và nhân loại với 7 làn điệu dân ca đặc sắc gắn với văn hoá truyền thống với các dân tộc Tày – Nùng như Phong Slư, hát Then, Hà màn, Dá hai, Sli giang, hát lượn, Pàng lài.
Thiên nhiên và văn hoá Trùng Khánh là nguồn tài nguyên du lịch di sản vô giá. Với tiềm năng sẵn có, phát triển du lịch là hướng đi “biến di sản thành tài sản” góp phần nâng cao đời sống kinh tế của cư dân huyện.
Hình 1: Liên kết hoạt động của cư dân địa phương với các chức năng phục vụ du lịch của đô thị (Nguồn: Burten Shaw (1991))
2. Cơ sở khoa học ứng dụng trong phát triển đô thị du lịch huyện
Trùng Khánh theo hướng bền vững Thị trấn Trùng Khánh hiện là đô thị loại V; theo quy hoạch chung giai đoạn 2015-2035 sẽ được mở rộng quy mô lên 451 ha với tiêu chí đô thị loại IV. Theo quy hoạch vùng tỉnh Cao Bằng đãđược phê duyệt tại Quyết định số: 485/QĐ-TTg ngày 13/4/2017, thị trấn Bản Giốc sẽ trở thành thị trấn mới phát triển từ trung tâm xã Đàm Thủy. Đây sẽ trở thành trung tâm văn hóa, dịch vụ du lịch cấp quốc gia và quốc tế. Trong tương lai, Trùng Khánh sẽ hình thành một cực phát triển mới về phía Đông Bắc, góp phần đáng kể vào sự phát triển của tỉnh Cao Bằng nói chung. Với định hướng phát triển du lịch, các đô thị Trùng Khánh phải cung ứng đầyđủ các tiện ích cho khách du lịch. Theo đó có thể ứng dụng nghiên cứu của của Burten Shaw (1991), cho việc phát triển các chức năng (hình 1) trong tương lai cho các đô thị du lịch của huyện.
“Với cơ sở hạ tầng đô thị nhất thiết bao gồm giao thông, lưu trú (ăn ở và ăn uống), văn hóa, thể thao và vui chơi, giải trí, thương mại, cộng đồng và các dịch vụ khác phục vụ cả nhu cầu giao thông của khách du lịch và nhu cầu của cư dân thường trú tại các thành phố” [27]. Cảnh quan, công trình xây dựng, văn hoá và di sản của thành phố và khu vực lân cận cũng là một yếu tố thu hút du khách cùng với các trải nghiệm tiêu dùng, giải trí và nghỉ dưỡng [2]. Các mục tiêu điển hình thu hút khách du lịch đến các thành phố bao gồm tham quan, văn hóa, kinh doanh, thể thao, các sự kiện gia đình và xã hội hoặc mua sắm, mà các đô thị đều là các hệ thống phức hợp đầyđủ chức năng. Sơ đồ của Burtenshaw không xếp hạng mục thể thao và sự kiện vào nhóm chức năng phục vụ du lịch, tuy nhiên trong những năm gần đây các sự kiện và các hoạt động thể thao thu hút một lượng khách du lịch rất lớn đến các thành phố. Điển hình như giải Ultra Trail Cao Bằng 2022, cự li chạy Super có điểm xuất phát tại thị trấn Trùng Khánh đã thu hút một lượng khách lưu trú khá đông. Phát triển đô thị du lịch sẽ đòi hỏi quy hoạch chức năng cho các đô thị đáp ứng các hạng mục với tiêu chí kép.
Hình 2. Sơ đồ chung của Khung quy hoạch bền vững đô thị [29]
Trùng Khánh cũng là một trong những địa phương miền núi thường xuyên xảy ra các tai biến môi trường, đặc biệt là hiện tượng trượt lở, lũ quét, có khả năng ảnh hưởng tới việc bảo tồn các di sản địa chất [1]. Do vậy, phát triển đô thị du lịch bền vững là nguyên tắc để quy hoạch quản lý phát triển và thiết kế không gian với cả hai thị trấn Trùng Khánh và Bản Giốc.
Phát triển bền vững là khái niệm được Brundtland nhắc đến năm 1987 và là khái niệm cơ sở cho các ngành khác nhau. Đối với phát triển đô thị, tính bền vững thể hiện ở tất cả các khía cạnh: kinh tế đô thị; xã hội đô thị; môi trường sinh thái đô thị; cơ sở hạ tầng đô thị; không gian đô thị, quản lý đô thị nhằm đảm bảo yêu cầu: công bằng, sống tốt và tính bền vững. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đưa ra các định nghĩa khác nhau về phát triển đô thị bền vững, nhưng nguyên tắc bao trùm vẫn là: tái tạo hệ sinh thái nhằm bù đắp những tác động của con người lên môi trường tự nhiên cũng như cơ sở hạ tầng, đông thời đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai. Thiết kế đô thị xanh, tích hợp xây dựng bền vững và đô thị bền vững đang là xu thế phát triển với các cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường và các không gian mở gần gũi với tự nhiên.
Thành phố phải được xem như một hệ thống trong hệ thống [20;22]. Bởi đô thị là một hệ thống phức hợp bao gồm cả tự nhiên, xã hội giao thoa và tương tác với nhau nên việc xác định các chỉ tiêu phát triển đô thị bền vững cần được giải quyết chính bằng tư duy hệ thống. Sự bền vững đòi hỏi phải kết hợp hài hoà những công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng… với không gian xanh xung quanh nó (thường là các giải pháp dựa trên thiên nhiên bao gồm thảm thực vật, không gian xanh, mặt nước, và các cảnh quan tự nhiên khác.
Đã có nhiều nghiên cứu đưa ra các khung phát triển đô thị bền vững như: Khung đánh giá tổng hợp đô thị [15]; Khung bền vững trong trao đổi các dịch vụ hệ sinh thái [11]; Khung khái niệm đô thị bền vững về nước [38]; Khung đánh giá giải pháp dựa vào thiên nhiên [30]; Khung khái niệm cho các toà nhà có mạng lưới nước [17]. Trong số các nghiên cứu, Khung quy hoạch đô thị bền vững của Puchol-Salort và cộng sự (2020) đã kết hợp các phương pháp đánh giá với quy trình lập kế hoạch để làm cơ sở lý luận thiết kế đô thị bền vững (hình 2). Tính bền vững được đánh giá bởi UES, trong đó kết hợp các lợi ích được cung cấp từ không gian tự nhiên trong đô thị. Đây là cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm dựa trên sự hiểu biết về tài sản của thiên nhiên và giá trị thực sự của chúng đối với hạnh phúc con người [3;8;10]. Khung quy hoạch đô thị bền vững sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), liên kết các giải pháp thiết kế và bộ công cụ đánh giá tích hợp toàn diện không gian của sự phát triển đô thị. Trực quan hóa quy trình hành động làm cho quá trình thiết kế bền vững hiệu quả hơn và đáng tin cậy, dẫn đến các quyết định lập kế hoạch tốt hơn [23].
Tư duy hệ thống là cốt lõi của Khung quy hoạch đô thị bền vững [29] được xác định bởi hai yếu tố chính: 1) thiết kế và đánh giá phát triển đô thị thông qua tích hợp các thành phần hệ thống công trình được xây dựng và điều kiện tự nhiên bằng cách sử dụng khái niệm UES; 2) Nâng cao tư duy hệ thống và tích hợp quan điểm của nhiều bên liên quan trong quá trình lập kế hoạch và hợp tác phát triển.
Ba thành phần của khung:
1)Quy trình hệ thống lập kế hoạch (màu xám);
2) Giải pháp thiết kế (màu xanh lục);
3) Bộ công cụ đánh giá tích hợp (màu xanh lam).
Năm bước hành động trên Khung Quy hoạch đô thị bền vững của bao gồm:
Bước 1:Thiết lập các điều kiện cơ bản của địađiểm phát triển, (hoặc kịch bản trước khi phát triển). Tuỳ thuộc vào loại hình phát triển để thu thập các thông tin cần thiết về hệ sinh thái địa phương, hiện trạng cơ sở hạ tầng, sử dụng đất và thủy văn.
Bước 2:Thiết kế cơ sở hạ tầng đô thị xanh (BGI) cùng với xây dựng hình thái đô thị theo các nguyên tắc xây dựng bền vững [19;14;25]. Hình thức đô thị bao gồm kích thước, hình dạng, hướng và khoảng cách của tòa nhà, cũng như các đặcđiểm của bề mặt và không gian xanh. Hình thức đô thị gắn liền với cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến thích ứng khí hậu và rất quan trọng để đạt được tính bền vững [15]. Tiến hành xây dựng bền vững thông qua việc sử dụng hiệu quả vật liệu địa phương và tài nguyên thiên nhiên (nước, năng lượng,..) trong quá trình xây dựng và tăng tuổi thọ của công trình xây dựng. Khi các giải pháp thiết kế tích hợp mới này được áp dụng cho các giải pháp hiện có đường cơ sở, một sự phát triển đô thị mới thu được trong bước 2.
Bước 3:Quy trình đánh giá tích hợp để đánh giá xem liệu sự phát triển đề xuất được coi là bền vững theo hướng dẫn lập kế hoạch. UPSUF có khả năng tích hợp hàng loạt công cụ. Bao gồm: NCPT (Công cụ hoạch định vốn tự nhiên [15]) hoặc B£ST (Công cụ ước tính lợi ích; Ciria, 2019); Các công cụ kết hợp phương pháp đánh giá UES với đánh giá lợi ích chi phí BGI. Tuy nhiên, UPSUF được thiết kế như một hệ thống có thể thích ứng và mở rộng cho phép cải tiến liên tục trong quá trình ứng dụng trên các nghiên cứu trường hợp thực tế, trong đó các chứng chỉ đãđược phê duyệt như BREEAM cộng đồng (Phương pháp đánh giá môi trường của cơ sở nghiên cứu tòa nhà), LEED-ND (Thiết kế năng lượng và môi trường), ASBEE-UD (Hệ thống đánh giá toàn diện về hiệu quả môi trường xây dựng và PASSIVEHAUS (Hệ thống nhà thụ động)… có thể được thêm vào.
Bước 4. Quá trình đánh giá sẽ kết hợp đại diện trực quan của UPSUF về sự phát triển đô thị sử dụng GIS với một loạt các chỉ số bền vững.
Bước 5. So sánh kết quả đầu ra với các chỉ số bền vững đã thiết lập. Nếu kết quả chỉ ra rằng sự phát triển đượcđề xuất là bền vững, đây có thể là giai đoạn cuối cùng của quá trình thiết kế. Tuy nhiên, nếu các số liệu gợi ý sự phát triển đượcđề xuất là không bền vững hoặc không đủ bền vững, quá trình này vẫn tiếp tục bằng cách sửa đổi giải pháp thiết kế dựa trên phản hồi của các chỉ số (quay lại bước 2). Các quy trình lặp đi lặp lại của ứng dụng UPSUF cung cấp một trình tự được tiêu chuẩn hóa để thực hiện người dùng từ kịch bản cơ sở ban đầu sang kế hoạch phát triển đô thị bền vững, kết hợp các yêu cầu của cơ quan quản lý và quản lý, cũng như của người dùng cuối - người dân. Cách tiếp cận này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăm dò và định lượng đánh giá các kịch bản và thử nghiệm các tùy chọn thiết kế khác nhau, sau đó tất cả có thể được so sánh đến đường cơ sở và các chỉ số bền vững.
3. Mô hình đô thị du lịch huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng
Trên cơ sở quy hoạch 1/5000 đã được phê duyệt và lý thuyết đô thị bền vững gắn với du lịch, nghiên cứu đề xuất phát triển đô thị huyện Trùng Khánh trên tư duy hệ thống theo quan điểm tích hợp và nguyên tắc phát triển bền vững.
Hình 3. Chức năng phục vụ hoạt động du lịch của thị trấn Trùng Khánh
3.1 Thị trấn Trùng Khánh – đô thị hậu cần du lịch
Trên cơ sở đô thị hiện hữu, phát triển đô thị mới Trùng Khánh sẽ cần bổ sung nhiều chức năng cho hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội. Các chức năng này không chỉ phục vụ nhân dân địa phương mà còn là cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Trong một tuyến du lịch, trung tâm thị trấn/đô thị là nơi cung cấp cho du khách nơi lưu trú, thông tin liên lạc, phương tiện vận chuyển, dịch vụ giải trí và nhiều thứ khác đáp ứng nhu cầu của họ. Khách du lịch, thương nhân, người vãng lai cũng có thể sử dụng các tiện ích công cộng của đô thị như người dân địa phương. Đây cũng là một điểm thu hút mà đô thị Trùng Khánh có thể phát huy trong phát triển du lịch.
Để phát triển theo hướng tích hợp, gắn với phát triển bền vững, thị trấn Trùng Khánh cần có chiến lược hành động để không chỉ là trung tâm hành chính, chính trị huyện lỵ, mà đồng thời trở thành đô thị hậu cần cho hoạt động du lịch di sản thiên nhiên, văn hóa của vùng.
Phát triển các chức năng mới cho đô thị Trùng Khánh phục vụ khách du khách như một thành phố văn hóa, kinh doanh, mua sắm, giải trí; với các khu vực chức năng: Bảo tàng/ phòng trưng bày nghệ thuật, Rạp chiếu phim/nhà hát, điểm biểu diễn nghệ thuật văn hóa dân tộc miền núi Cao Bằng; Bar/vũ trường, cafe/bar/nhà hàng/khách sạn, cửa hàng/phố mua sắm, văn phòng/khu văn phòng đại diện, sânthể thao/khu tổ chức sự kiện. Tập trung phát triển hạ tầng đô thị với các chức năng dịch vụ hậu cần du lịch tại nhằm tạo lập khu trung tâm thị trấn Trùng khánh như một đô thị trung chuyển, hội tụ của hai điểm đến: cửa khẩu và khu thương mại tự do Pò Peo và đô thị du lịch Thác Bản Dốc thông qua hai tuyến đường tỉnh lộ 211 và 206. (hình 3)
Phát triển du lịch là cơ hội và là động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trấn Trùng Khánh theo hướng bền vững. Các cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch củng cố cho đô thị không gian đa chức năng hơn đồng thời mang lại nguồn lợi ích kinh tế đáng kể. Nguồn lợi này thu hút những sự đầu tư ngược lại để đô thị hoàn thiện hơn, nhờ đó thu hút lượng du khách nhiều hơn. Vòng luân chuyển này sẽ lặp đi lặp lại tạo nên các chu kỳ phát triển cho đô thị.
3.2. Thác Bản Giốc – đô thị du lịch cảnh quan, văn hóa
Khác với đô thị Trùng Khánh, Bản Giốc không có thị trấn hiện hữu mà chỉ gồm các bản nhỏ nằm rải rác. Khu đô thị Bản Giốc sẽ phát triển theo hướng đô thi du lịch. Với các điều kiện tự nhiên và xã hội hiện có, Bản Giốc có tiềm năng phát triển theo hướng đô thị nghỉ dưỡng. Với mục tiêu đó, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cần được xây mới đồng bộ trên nguyên tắc “dựa vào thiên nhiên”, “bồi hoàn đa dạng sinh học” và “bù đắp áp lực”. Thị trấn Bản Giốc gắn kết khu du lịch Bản Giốc, trung tâm văn hóa, dịch vụ du lịch cấp Quốc Gia và quốc tế, là khu vực phát triển kinh tế cửa khẩu của huyện. Các khu nghỉ dưỡng, các cơ sở lưu trú mới được quy hoạch tại các khu vực chức năng đặc thù (hình 4). Bên cạnh đó, các khu dân cư cũng đươc chỉnh trang, cải tạo và cả xây mới nhằm đảm bảo chỉ tiêu phát triển đô thị và là cơ sở phát triển mô hình du lịch dựa vào cộng đồng.
Với điều kiện địa phương, đô thị Bản Giốc phát triển 5 sản phẩm du lịch trong đó có 4 sản phẩm đặc thù của miền núi phía Bắc:
- Tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc.
- Các sản phẩm thể thao, khám phá; tìm hiểu, khám phá hệ sinh thái núi cao, du lịch hang động, du lịch nông thôn vùng núi.
- Nghỉ dưỡng núi; nghỉ cuối tuần.
- Du lịch biên giới gắn với thương mại cửa khẩu.
Chiến lược phát triển đô thị Bản Giốc cần ưu tiên các khu vực có vị trí quan trọng, có vai trò thúc đẩy với sự tăng trưởng kinh tế và các khu vực còn thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt các khu vực dễ bị tổn thương. Đô thị du lịch Thác Bản Dốc là một đô thị mới hoàn toàn, như những trạm (điểm) nghỉ dưỡng Sapa, Đà Lạt, Bà Nà… được người Pháp khai mở từ thế kỷ XIX và đã trở thành những đô thị du lịch. Để thực thi quy hoạch trong bối cảnh hiện nay, cần theo hướng có sự tham dự của 3 nhà: nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Kiến nghị
Huyện Trùng Khánh là một huyện có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, nhờ vậy mà có nguồn di sản thiên nhiên kỳ vĩ. Nhưng nguồn di sản này cũng tiềm ẩn rủi ro tai biến thiên tai lớn. Việc phát triển đô thị cần cân nhắc rất chi tiết các yếu tố địa hình để tránh gây các tổn thương cảnh quan, hệ sinh thái và tác động bất lợi đến hệ thống địa chất.
Đô thị hoá tích hợp du lịch bền vững cần tuân thủ nguyên tắc cân bằng. Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như hành động có trách nhiệm với môi trường. Quá trình “biến di sản thành tài sản” cần phải có đánh giá tác động môi trường để có chỉ tiêu và hạn mức nhằm đảm bảo khả năng phục hồi của tự nhiên, đặc biệt trong quá trình phát triển xây dựng nói chung và đô thị hóa nói riêng.
TS. KTS. VŨ HOÀI ĐỨC & HOÀNG BẢO ANH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Trịnh Ngọc Như Ánh, Nguyễn Quốc Phi, Phan Thị Mai Hoa, Nguyễn Thị Mai Hương (2022), Ứng dụng khoa học công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big data) hướng tới việc bảo tồn các di sản địa chất tại khu vực Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. JSTPM Tập 11, Số 2, 2022 103-119.
2. Ashworth G., Page S.J. (2011). Urban tourism research: Recent progress and current paradoxes. Tourism Management 32(1), 1-15.
3. Barbier, E. B. (2019). The concept of natural capital. Oxford Review of Economic Policy 35(1): 14–36.
4. Bateman, I. J. and G. M. Mace (2020). The natural capital framework for sustainably efficient and equitable decision making. Nature Sustainability.
5. Batty, M. (2008). The Size, Scale, and Shape of Cities. Science 319: 769-771.
6. Boeing, G. (2018). Measuring the complexity of urban form and design. URBAN DESIGN International 23(4): 281-292.
7. Bozovic, R.; Maksimovic, C.; Mijic, A.; Suter, I; Van Reeuwijk, M. (2017). Blue Green Solutions. A Systems Approach to Sustainable, Resilient and Cost-Efficient Urban Development. Imperial College London.
8. Bright, G., et al. (2019). Measuring natural capital: towards accounts for the UK and a basis for improved decision-making. Oxford Review of Economic Policy 35(1): 88-108.
9. Brundtland, G. H. (1987). Our common future/ Brundtland report. United Nations World Commission on Environment and Development.
10. Burtenshaw, D., Bateman, M., & Ashworth, G. J. (1991). The European city: A western perspective. London: David Fulton Publishers.
11. Cavender-Bares, J., et al. (2015). A sustainability framework for assessing trade-offs in ecosystem services. Ecology and Society 20(1).
12. Davoudi, S. and Sturzaker, J. (2017). Urban form, policy packaging and sustainable urban metabolism. Resources, Conservation and Recycling 120: 55-64.
13. Edgell, D. L. (2020). Managing Sustainable Tourism: A Legacy for the Future (3rd ed.). Routledge.
14. Erell, E. P., Pearlmutter, D., & Williamson, T. (2015). Urban microclimate: designing the spaces between buildings. New York, Taylor & Francis. ISBN: 978-1-84407-467-9.
15. Ford, A., et al. (2019). A multi-scale urban integrated assessment framework for climate change studies: A flooding application. Computers, Environment and Urban Systems 75: 229–243.
16. Hölzinger, O., et al. (2019). NCPT – Managing Environmental Gains and Losses. Town & Country Planning 88(5):166-170. Mainstreaming Green Infrastructure in the Planning System.
17. Joustra, C. M. and Yeh, D. H. (2014). Framework for net-zero and net-positive building water cycle management. Building Research & Information 43(1): 121-132.
18. Keating, C., et al. (2003). System of Systems Engineering. Engineering Management Journal 15(3): 36-45.
19. Kilbert, Charles J. (2013). Sustainable Construction: Green Building Design and Delivery. 3rd Ed., New Jersey, John Wiley & Sons. ISBN: 978-0-470- 90445-9.
20. Kotov, V. (1999). Systems of Systems as Communicating Structures. Object-Oriented Technology and Computing Systems Re-engineering. H. Zedan and A. Cau, Woodhead Publishing: 141-154.
21. Luo, Y., He, J., Mou, Y., Wang, J., & Liu, T. (2021). Exploring China's 5A global geoparks through online tourism reviews: A mining model based on machine learning approach. Tourism Management Perspectives, 37, 100769. https://doi.org/10.1016/j. tmp.2020.100769
22. Little, J. C., et al. (2019). A tiered, system-ofsystems modeling framework for resolving complex socioenvironmental policy issues. Environmental Modelling & Software 112: 82-94.
23. Mellino, S., et al. (2014). An emergy–GIS approach to the evaluation of renewable resource flows: A case study of Campania Region, Italy. Ecological Modelling 271: 103–112.
24. Megerle, H. E. (2021). Calcerous tufa as invaluable geotopes endangered by (Over-) tourism: A case study in the UNESCO global geopark swabian alb, Germany. Geosciences, 11(5), 198. https://doi. org/10.3390/geosciences11050198
25. Oke, T. and Stewart, I. D. (2012). Local Climate Zones for Urban Temperature Studies. Bulletin of the American Meteorological Society 93(12): 1879-1900.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.