Phát triển Du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia Bạch Mã
MTXD - Vườn quốc gia Bạch Mã (VQGBM) có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, để khai thác bền vững, có hiệu quả du lịch sinh thái của VQGBM gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội địa phương cần xem xét tổng hòa các mối quan hệ về Kinh tế - Xã hội và Môi trường.
Thảm xanh giữa miền di sản
Là một trong sáu vườn quốc gia thuộc Trung ương quản lý với diện tích trên 37.423 ha, thuộc địa giới hành chính của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, VQGBM vừa được công nhận là Vườn Di sản ASEAN (AHP) thứ 11 của Việt Nam (thứ 51 của các nước trong khối ASEAN) vào tháng 10 năm 2022. VQGBM được xem là một kho báu thiên nhiên với tính đa dạng sinh học cao và nhiều cảnh quản đẹp có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch sinh thái mang tầm quốc gia và quốc tế.
Đỉnh Bạch Mã có những công trình từ thời Pháp rất thuận lợi xây dựng du lịch nghỉ dưỡng.
VQG Bạch Mã là trung tâm của dải rừng tự nhiên còn lại duy nhất của Việt Nam nối từ biển Đông đến biên giới Việt – Lào, và là một trong những khu vực giàu đa dạng sinh học của Việt Nam và trên thế giới. Kết quả điều tra đã ghi nhận 2421 loài thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm. Trong đó, có 74 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam (2007) và 20 loài có tên trong Danh lục IUCN cần được bảo vệ; đối với động vật đã ghi nhận 1728 loài động vật quý hiếm, trong đó có 70 loài được nêu trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và 15 loài đặc hữu của Việt Nam.
Ngoài giá trị về cảnh quan, địa hình và đa dạng sinh học VQG Bạch Mã còn có giá trị về văn hóa, lịch sử và môi trường. VQG Bạch Mã là khu rừng đầu nguồn của nhiều con sông lớn trong khu vực như sông Tả Trạch (một nhánh chính của sông Hương), sông Truồi, sông Cu Đê. Ngoài ra, VQG Bạch Mã nằm ở vị trí trung tâm của các quần thể di sản văn hóa thế giới như Cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn; và là khu du lịch quốc gia trong tam giác vàng du lịch Bạch Mã - Cảnh Dương - Lăng Cô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2161/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cơ hội và điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa, lịch sử của quần thể di sản miền Trung tại VQG Bạch Mã.
Nhiều du khách rất ấn tượng với thiên nhiên, khí hậu tại Bạch Mã.
Tuy nhiên, theo thống kê của VQGBM lượng khách tham quan trung bình khoảng 100.000 lượt, trong đó chiếm đa số là khách tham quan ở khu du lịch Thác Trượt Bạch Mã (khoảng 70.000 lượt/năm), trong khi đó lượng khách tham quan Hồ Tuồi – Thiền viên Trúc lâm Bạch Mã (khoảng 10.000 lượt/năm) và khu du lịch sinh thái đỉnh núi Bạch Mã (khoảng 20.000 lượt/năm). Nguyên nhân lượng khách tham quan khu vực đỉnh núi Bạch Mã chưa nhiều chủ yếu là do khí hậu khắc nghiệt như mưa nhiều, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ,... Đây cũng là trở ngại chính mà khu vực đỉnh núi Bạch Mã kém thu hút được các nhà đầu tư, vì chi phí xây dựng, bảo dưỡng công trình lớn và việc kinh doanh dịch vu du lịch gặp nhiều rủi ro do mưa nhiều, số ngày nắng có thể đón khách tham quan dã ngoại ít (trung bình dưới 100 ngày/năm).
Bảo vệ môi trường gắn liền với phát triển kinh tế
Theo ông Nguyễn Vũ Linh - Giám đốc VQGBM, để phát triển du lịch Bạch Mã bền vững theo định hướng của Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, cần phải có các giải pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch phù hợp với các quy định quản lý rừng đặc dụng và đặc biệt là phải phù hợp với các điều kiện đặc thù của Bạch Mã. VQGBM đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Phương án quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững VQGBM, giai đoạn 2021-2030; trong đó đã có quy hoạch phát triển 14 tuyến và 12 khu vực tổ chức du lịch sinh thái với tổng diện tích hơn 1.716 ha.
Công tác bảo vệ rừng và trồng rừng vẫn được triển khai.
Hiện nay, VQG Bạch Mã đang tổ chức xây dựng Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2023-2030. Sau khi được phê duyệt, “Đề án sẽ là cơ sở để mời gọi các doanh nghiệp tổ chức xây dựng các Dự án đầu tư ở các khu vực mà doanh nghiệp quan tâm. Các Dự án này cần phải phù hợp với Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được Bộ NN và PTNT phê duyệt; đồng thời phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về Lâm nghiệp, Xây dựng, Đầu tư, Bảo vệ môi trường, .... Các doanh nghiệp có thể chọn một trong hai hình thức là hợp tác, liên kết với VQG Bạch Mã hoặc thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái ở trong VQG Bạch Mã. Việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong xây dựng, phê duyệt và thực hiện các Dự án hợp tác, liên kết hoặc Dự án thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái là cơ sở vững chắc để đảm bảo cho các nhà đầu tư và VQG Bạch Mã tổ chức khai thác bền vững, có hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, ông Linh nói.
Vườn Quốc gia Bạch Mã vẫn giữ được hệ động thực vật phong phú.
Tại Hội thảo tham vấn cấp tỉnh về Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Vườn quốc gia Bạch Mã giai đoạn 2023-2030 vào ngày 15/9/2023 vừa qua, nhiều ý kiến cùng chung quan điểm phát triển du lịch ở VQG Bạch Mã phải đảm bảo đúng pháp luật, phù hợp với quy hoạch của địa phương, phù hợp phương án quản lý rừng bền vững của Vườn. Bên cạnh đó, phải sử dụng bền vững, khôn khéo tài nguyên thiên nhiên, gắn với bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hoá địa phương; góp phần phát triển kinh tế và nâng cao đời sống, đảm bảo quyền sở hữu của nhà nước về đất rừng và tài nguyên.
Đề án đã đặt ra mục tiêu phát triển một mô hình du lịch sinh thái đúng nghĩa ở VQG Bạch Mã. Theo đó việc phát triển mỗi khu/điểm/tuyến du lịch cần phải đảm bảo phải dựa vào thiên nhiên, văn hoá, lịch sử của địa phương và đặc biệt là không được can thiệp, làm thay đổi, biến dạng. Đồng thời xây dựng các hoạt động mang tính giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, văn hóa bản địa cho du khách, có sự tham gia và hưởng lợi của cộng đồng địa phương và có đóng góp cho công tác bảo tồn và phát triển kinh tế địa phương. Theo đó, tỷ lệ diện tích xây dựng các công trình ở 12 khu/điểm du lịch được quy hoạch chỉ chiếm từ 0,77 đến 6% diện tích được quy hoạch cho việc phát triển du lịch sinh thái.
Vườn Quốc gia Bạch Mã đang hướng tới xây dựng du lịch sinh thái gắn liền với bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, khu vực đỉnh Bạch Mã cần xác định là dành cho phân khúc khách hàng cao cấp. Bởi vì đây là khu vực đặc biệt, có vị trí quan trọng do vậy cần phát triển du lịch cao cấp đặc biệt. Do đó, khai thác du lịch Bạch Mã đặt ra quan điểm Bạch Mã đón ít khách – thu nhiều tiền để có sự đầu tư xứng tầm nhằm giúp khách trải nghiệm vùng thiên nhiên với giá trị đặc biệt. Du lịch đại trà tập trung vào các khu vực ven, chân núi Bạch Mã, hồ Truồi nhằm giảm tải lên khu vực đỉnh Bạch Mã. Bên cạnh đó, phát triển tuyến xe buýt nội tuyến chất lượng cao để đưa khách lên đỉnh Bạch Mã đảm bảo an toàn tuyệt đối và có tính giáo dục, diễn giải môi trường, lịch sử theo xe là rất cần thiết. Giải pháp này có thể thay thế giải pháp cáp treo với nhiều nguy cơ khó thực hiện do tác động đến cảnh quan, môi trường rừng và nhiều thủ tục, quy định pháp lý có liên quan.
Khảo sát tour du lịch mạo hiểm chinh phục thác Đỗ Quyên trên đỉnh Bạch Mã.
Phương thức tổ chức du lịch sinh thái chủ yếu là cho thuê môi trường rừng, diện tích xây dựng hạ tầng chỉ được thực hiện trên đất trống, trảng cỏ, cây bụi và diện tích không đủ tiêu chí thành rừng. Sau khi Đề án được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt, Ban quản lý VQG Bạch Mã có trách nhiệm thông báo rộng rãi để kêu gọi đầu tư qua các phương thức cho thuê môi trường rừng hoặc hợp tác, liên kết để tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái; có trách nhiệm quản lý toàn bộ hoạt động du lịch trên diện tích của Vườn, đảm bảo quyền sở hữu về rừng và đất lâm nghiệp của Nhà nước với tư cách Vườn là đại diện trực tiếp của Nhà nước. Đồng thời, các nhà đầu tư cần phải thực hiện đúng theo Đề án, chịu sự quản lý, giám sát của VQG Bạch Mã và cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm dự án về nghĩa vụ tài chính, tiến độ xây dựng.
Để triển khai thực hiện Phương án quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững VQG Bạch Mã giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt theo Quyết định số 1484/QĐ-BNN-TCLN ngày 06/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời xây dựng các định hướng phát triển du lịch sinh thái trong VQG Bạch Mã một cách bền vững, việc xây dựng “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Vườn quốc gia Bạch Mã giai đoạn 2022-2030” cần xem xét tổng hòa các mối quan hệ về Kinh tế - Xã hội và Môi trường nhằm giúp VQG Bạch Mã từng bước khai thác các tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí nhằm phát huy các lợi thế du lịch trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá. Qua đó, Đề án góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương, nâng cao đời sống của cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường và gìn giữ văn hoá của địa phương.
Minh Cương-Phan Tú
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.