Phát triển hạ tầng xanh, an toàn hướng tới phát triển bền vững
MTXD - Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, việc xây dựng hạ tầng xanh đang được quan tâm và đẩy mạnh nhằm giải quyết những vấn đề nan giải hiện nay của đô thị. Hiện nay, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra nhanh và mạnh, diện mạo đô thị thay đổi từng ngày, cùng với chất lượng cuộc sống và kinh tế đô thị tăng cao. Bên cạnh mặt tích cực trong phát triển đô thị, Việt Nam cũng đang đối mặt với những hệ lụy từ sự phát triển nhanh, thiếu tầm nhìn, chưa đảm bảo phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
Từ khóa: Hạ tầng xanh, phát triển bền vững.
Theo thống kê của Cục Phát triển - Bộ Xây dựng, tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%. Tỉ lệ này khẳng định vai trò của đô thị luôn là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng và những tác động của biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững của đô thị nói chung và hạ tầng đô thị nói riêng. Đặc biệt kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị, chưa thích ứng ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp gây nhiều tác động tiêu cực. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội còn nhiều bất cập. Trước thực trạng đó, việc quản lý, xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn và bền vững cần được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm. Đây là xu hướng phát triển bền vững đô thị không chỉ ở Việt Nam mà còn là xu thế trên toàn thế giới.
Khái niệm hạ tầng xanh
Khái niệm Hạ tầng xanh (HTX) lần đầu tiên được đề xuất bởi hai nhà nghiên cứu Mark A. Benedict và Edward T. McMahon từ năm 2002, theo đó, hạ tầng xanh là “… một mạng lưới liên kết những không gian xanh nhằm bảo tồn các giá trị và chức năng của hệ sinh thái, đồng thời mang đến các lợi ích cho con người”.
Khái niệm HTX được mở rộng hơn, không chỉ bao gồm các không gian xanh mà còn là “các nguồn tài nguyên sinh vật trong đô thị được con người điều chỉnh để phục vụ các chức năng sinh thái và mang lại lợi ích cho con người (Matthews và cộng sự, 2015). Khái niệm HTX còn được sử dụng thay thế cho các khái niệm hạ tầng Xanh – Xanh (Blue – Green Infrastructure), hạ tầng nước mưa xanh (Green Stormwater Infrastruture) hay phát triển tác động thấp (Low – Impact Development).
Trong đó, HTX không chỉ đơn giản là trồng nhiều cây xanh hay xây dựng các không gian xanh đô thị mà còn rất nhiều các giải pháp phải được thực hiện đồng thời và trên tất cả các quy mô (từ quy mô nhà ở, đơn vị ở, đô thị đến quy mô vùng). Khái niệm này đã nâng tầm các không gian xanh trong đô thị thành một hệ thống hạ tầng có vai trò quan trọng bao gồm cả các hạ tầng thiết yếu khác của đô thị như giao thông, thoát nước, cấp nước, chiếu sáng và năng lượng, thông tin liên lạc. Chúng được quy hoạch, đầu tư xây dựng, kết nối, bảo tồn, tăng cường hoặc thiết lập nhằm góp phần giải quyết các vấn đề của đô thị hóa.
Lợi ích hạ tầng xanh mang lại
Ngày nay, với sự phát triển của nền kinh tế thế giới, nhiều thách thức đặt ra với loài người như: Biến đổi khí hậu, khan hiếm nước, bất bình đẳng và đói nghèo... Tất cả chỉ có thể được giải quyết ở cấp độ toàn cầu và bằng cách thúc đẩy phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Việc áp dụng hạ tầng xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích tối đa cho cộng đồng và góp phần bảo vệ môi trường. Có thể kể đến một vài lợi ích như:
Lợi ích về kinh tế: Phát triển HTX giúp giảm đáng kể các chi phí đầu tư cho các giải pháp chống ngập đô thị, nâng cao chất lượng và trữ lượng nước (đặc biệt là nước ngầm), giảm chi phí xử lý nước thải, tiết kiệm năng lượng sử dụng thông qua nhiều giải pháp nhằm giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị (urban heat island). Phát triển HTX góp phần gia tăng giá trị bất động sản, phát triển du lịch và tạo cơ hội việc làm. Đặc biệt, phát triển nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn sẽ góp phần gia tăng và phát triển nền kinh tế lành mạnh, vẫn đáp ứng được những nhu cầu của cuộc sống, nâng cao đời sống người dân.
Lợi ích về xã hội: Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, phát triển HTX còn mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, đó là mở rộng không gian công cộng; cải thiện chất lượng đường phố và an toàn cho người đi xe đạp và đi bộ; tăng tính đa dạng sinh học và mang lại màu xanh cho các khu dân cư; tạo ra một môi trường sống dễ sống hơn cư dân; lưu trữ nước ngầm; giảm thiểu ngập úng; giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị; cải thiện chất lượng không khí; góp phần tạo công ăn việc làm; giảm chi phí xử lý nước thải và tiêu thụ năng lượng… Theo đó, đảm bảo về sức khỏe, dinh dưỡng, học vấn, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo công bằng xã hội và tạo cơ hội để mọi thành viên trong xã hội đều được bình đẳng ngang nhau. Từ đó làm giảm nguy cơ xung đột xã hội hay chiến tranh.
Lợi ích về môi trường: Môi trường đang là một trong những vấn đề “nóng” hiện nay, là vấn đề được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị suy giảm, cạn kiệt cả về số lượng lẫn chất lượng. Tình trạng rừng bị tàn phá, kể cả rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ nhằm khai thác gỗ hoặc lấy đất canh tác…gây nên hàng loạt các thiên tai, gây biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, phát triển HTX góp phần bảo tồn thiên nhiên; cải thiện đáng kể chất lượng nước, giảm thiểu ngập úng, hạn chế suy giảm nước ngầm; cải thiện chất lượng không khí, hạn chế bức xạ mặt trời, giảm độ ẩm và tạo nguồn ô xy dồi dào, hấp thụ nguồn khí thải độc hại và tăng cường sự đa dạng sinh học của môi trường và cải thiện chất lượng môi trường sống theo hướng tích cực. Đảm bảo cho con người sống trong môi trường xanh - sạch - đẹp, đảm bảo mối quan hệ hài hòa thật sự giữa con người, xã hội và tự nhiên nhằm thỏa mãn nhu cầu sống của thế hệ hiện tại, nhưng không cản trở các thế hệ tương lai có cơ hội thỏa mãn nhu cầu của họ về tài nguyên và môi trường.
Hình 1. Các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường của hạ tầng xanh (Nguồn: sustainablecitiescollective.com)
Tồn tại nhiều thách thức
Hạ tầng xanh được hiểu là không gian xanh trong đô thị thành một hệ thống hạ tầng có vai trò quan trọng bao gồm cả các hạ tầng thiết yếu khác của đô thị như giao thông, thoát nước, cấp nước, chiếu sáng và năng lượng, thông tin liên lạc. Phát triển HTX là việc đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật bao gồm giao thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, chiếu sáng, năng lượng… và các công trình hạ tầng xã hội bao gồm công viên, cây xanh, không gian công cộng… theo hướng xanh, an toàn, thân thiện với tự nhiên và bền vững.
Quản lý HTX là quản lý từ quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác có hiệu quả các công trình HTX nhằm đem lại lợi ích tối đa cho cộng đồng và góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, thách thức của đô thị hóa và biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững của đô thị. Đặc biệt việc quản lý và phát triển HTX đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Khó khăn thứ nhất là dưới góc độ quản lý, Chính phủ đã từng bước tiếp cận, quan tâm đến các vấn đề phát triển hạ tầng đô thị xanh, bền vững thông qua việc lồng ghép vào các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường... và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, xây dựng đô thị, hạ tầng kỹ thuật. Việt Nam cũng chủ động tham gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm chủ động, hợp tác thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó xác định phát triển kết cấu HTX, bền vững là một nội dung định hướng chiến lược, giao Bộ Xây dựng thực hiện phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh... Tuy nhiên, HTX vẫn còn khá mới dẫn đến kinh nghiệm quản lý quy hoạch, thiết kế cũng như chưa có các quy định có liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và triển khai thực hiện.
Khó khăn thứ hai là đối với các đô thị đã và đang phát triển, việc phục hồi hay xây dựng các không gian xanh là một quá trình vô cùng tốn kém do quỹ đất trống trong đô thị ngày một ít đi, cùng với áp lực trong việc phát triển kinh tế và nhu cầu về mở rộng mạng lưới giao thông đường bộ ngày càng tăng. Vì vậy, các đô thị hiện nay tận dụng tất cả các không gian dù là nhỏ nhất để phát triển các giải pháp HTX ở nhiều quy mô và diện tích khác nhau.
Khó khăn thứ ba là công tác quy hoạch đô thị hiện nay chưa có sự lồng ghép, đánh giá, phân tích một cách đầy đủ về các yếu tố “Xanh” chưa có quy định cụ thể trong nội dung quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng theo hướng xanh, an toàn, thân thiện với tự nhiên và môi trường. Khi quy hoạch xây dựng đô thị hầu như chưa dự báo được các nguy cơ thiên tai, biến đổi bất thường của khí hậu tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Khó khăn thứ tư khi tiếp cận đến những vấn đề về quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị là làm sao đảm bảo được sự tham gia và ủng hộ của cộng đồng. Mỗi một cộng đồng, một nhóm dân cư, một hộ gia đình hay một người dân đều rất khác biệt ở góc độ truyền thống văn hóa, điều kiện kinh tế và vốn xã hội. Trên thực tế, HTX là giải pháp bền vững đã được các nhà nghiên cứu chứng minh và được nhiều đô thị ứng dụng, tuy nhiên người dân đôi khi không muốn tham gia, kể cả trong trường hợp chúng được cung cấp miễn phí hoặc kèm ưu đãi. Người dân ở nhiều đô thị chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về HTX cũng như các lợi ích mà HTX có thể đem lại. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người dân thường không hiểu hết về lợi ích của HTX, coi HTX như một giải pháp tốn kém, ít hiệu quả và khó thực hiện so với các giải pháp thông thường. Một số lại không đề cao khả năng của HTX trong việc giảm thiểu nguy cơ ngập lụt hoặc coi đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương (Keeley và cộng sự, 2013).
Các yếu tố nhân khẩu học như: Mức thu nhập, trình độ học vấn và kết cấu hộ gia đình (đa phần tại các đô thị là mô hình gia đình 2 thế hệ) là các yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến việc ứng dụng HTX ở các quy mô, đặc biệt là các quy mô nhỏ, cá nhân hoặc hộ gia đình. Bên cạnh đó, ý thức tham gia xây dựng HTX từ những mô hình nhỏ là hộ gia đình vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, khó có thể xây dựng một giải pháp chung cho tất cả các đối tượng, hoặc cho tất cả các đô thị.
Quan điểm, nhận thức và thái độ: Đây được coi là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến việc người dân ứng dụng HTX, ví dụ như nhận thức của người dân về các nguy cơ ngập lụt, rác thải, ý thức tham gia giao thông… vẫn còn hạn chế. Người dân lại có quan điểm và nhận thức khác nhau về những nguy cơ họ phải đối mặt, thậm chí họ quan niệm đó là trách nhiệm của chính quyền và thiếu khả năng thích ứng và thiếu sự chung tay cùng chính quyền.
Bên cạnh đó còn có một số hạn chế như: Nguồn vốn đầu tư nhiều công trình HTX còn khó khăn dẫn dến việc thực hiện hoặc đầu tư không đồng bộ, hiệu quả đầu tư chưa cao. Công tác quản lý, khai thác, vận hành công trình HTX còn hạn chế, dẫn đến các công trình hạ tầng xanh chưa phát huy đầy đủ công năng. Thiếu thông tin về HTX do vậy người dân ở nhiều đô thị chưa được tiếp cận hoặc chưa được cung cấp đầy đủ thông tin cũng như các lợi ích mà HTX có thể đem lại nên sự tham gia của người dân chưa cao. Đứng trước những khó khăn thách thức như vậy, việc ưu tiên phát triển HTX cần có hướng giải quyết các thách thức, đồng thời cần triển khia thí điểm tại địa phương để từ đó rút kinh nghiệm và thực hiện phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa của từng vùng miền cụ thể.
Cần xây dựng các cơ sở pháp lý về HTX để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu phát triển HTX như: Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển hệ thống HTX, thông minh; rà soát tổng thể, điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn về quy hoạch đô thị, quy chuẩn các công trình hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch có liên quan đến HTX; tiêu chuẩn thiết kế công trình HTX (cây xanh, công viên, cấp nước, thoát nước, giao thông, chiếu sáng…); định mức kinh tế kỹthuật trong phát triển vật liệu xanh, công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả; Xây dựng và hoàn thiện các chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích các loại phương tiện sử dụng năng lượng sạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm, hiệu quả và công nghệ thân thiện với môi trường. Quy hoạch, xây dựng, vận hành và duy trì HTX phải dựa trên sự tham gia của nhiều bên liên quan, đặc biệt là của cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp đầu tư bất động sản và hạ tầng kỹ thuật đô thị; cần lồng ghép cơ sở HTX trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị - nông thôn; đẩy mạnh hợp tác giữa Chính phủ, các viện trường, doanh nghiệp và cộng đồng để chuyển giao và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong việc phát triển HTX ở Việt Nam…
Phát triển HTX bền vững phải lấy yếu tố con người làm trọng tâm, cânbằng hài hòa giữa kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái và không gian kiến trúc. Đảm bảo mang lại lợi ích tốt nhất cho thế hệ hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai. Nâng cao chất lượng cuộc sống của con người về mặt xã hội, kinh tế, môi trường trong giới hạn khả năng chịu tải của các hệ sinh thái dịch vụ và cơ sở tài nguyên của môi trường, nghĩa là vẫn đảm bảo tính bền vững của môi trường”.
Kiểm soát quá trình đô thị hóa đồng thời hạ tầng kỹ thuật phải đáp ứng các chỉ tiêu phát triển đô thị
Cần kiểm soát quá trình đô thị hóa nhằm “Kiểm soát quá trình đô thị hóa công tác quy hoạch xây dựng đô thị phải có giá trị thực tiễn cao, quy chế và thể chế luật lệ phải thích hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ứng với từng địa phương. Quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quản lý đô thị phát triển là nội dung cần được ưu tiên và nâng tầm nhìn dài hạn. Các định hướng phát triển không gian lãnh thổ và còn là diễn đàn để các thành phần trong toàn xã hội tham gia đóng góp trí tuệ, vật chất và tự giác thực hiện các nội dung phát triển ở phạm vi, địa bàn của từng đô thị.
Tôn trọng môi trường thiên nhiên và lợi ích công cộng
Ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo nên một không gian kiến trúc xanh và giảm thiểu ô nhiễm. Coi trọng yếu tố môi trường, quy hoạch các ngành nghề trong thành phố thiên về các ngành dịch vụ và công nghiệp xanh, công nghiệp không khói; tận dụng công nghệ hiện đại để tạo nên không gian kiến trúc xanh. Tăng cường ứng dụng chiến lược năng lượng thấp trong các tòa nhà và thiên vềnăng lượng không phát thải như năng lượng gió và năng lượng mặt trời…
Bảo vệ và duy trì hệ khung thiên nhiên gồm rừng tự nhiên, rừng phòng hộ,hệ thống vườn quốc gia, cây xanh mặt nước... gắn với đặc điểm của điều kiện tự nhiên trong từng vùng và trong mỗi trường đô thị. Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, khoáng sản, rừng vào mục đích cải tạo và xây dựng đô thị. Quy hoạch cấu trúc đô thị hợp lý, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu về chỗ ở, chỗ làm việc, đi lại, nghỉ ngơi giải trí cho người dân và toàn xã hội; bảo đảm tiêu chí đô thị xanh, sạch, đẹp.
Phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị theo định hướng
Cần có sự kết hợp của quy hoạch dài hạn, chính sách đất đai phù hợp, có sự kiểm soát trong phát triển và thiết kế thông minh nhằm phát huy tối ưu tính năng đô thị hóa trong khi vẫn mang tính thẩm mỹ và bảo tồn. Tổng thể kiến trúc cảnh quan của mỗi vùng và đô thị phải có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, dân số - xã hội, trình độ khoa học, kỹ thuật, truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương và các yêu cầu phát triển mới. Tổng thể kiến trúc của mỗi đô thị phải kết hợp hài hòa giữa cải tạo với xây dựng mới; đổi mới môi trường văn hóa kiến trúc truyền thống.
Hình thành bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị mới hiện đại, có bản sắc, góp phần tạo nên hình ảnh đô thị tương xứng với tầm vóc đất nước của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công tác thiết kế đô thị nhằm nâng cao chất lượng không gian, chất lượng kiến trúc cảnh quan cho từng đô thị nói chung, không gian các khu vực trung tâm, các tuyến phố chính đô thị nói riêng. Có thể nói, quản lý và phát triển HTX ở Việt Nam có thể nói vẫn đang trong giai đoạn đầu nhưng cùng với tốc độ đô thị hóa rất nhanh chóng hiện nay thì nó đang trở thành yêu cầu rất cấp bách. Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, nguồn lực đa dạng và phong phú, Việt Nam cần thiết phải có chính sách đúng đắn và kịp thời để việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường sinh thái. Phát triển HTX sẽ giúp cho các đô thị trở nên đáng sống hơn, tăng cường khả năng chống chịucủa đô thị và góp phần giảm tác động của các thảm hoạ từ biến đổi khí hậu. Hệ thống HTX mang lợi nhiều lợi ích cho đô thị, sức khoẻ, môi trường, kinh tế, xã hội của con người, vì vậy, quản lý và phát triển HTX hiệu quả góp phần bảo vệ môi trường và phát triển đô thị bền vững. Vận hành và duy trì HTX phải dựa trên sự tham gia của nhiều bên liên quan, đặc biệt là của cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp đầu tư bất động sản và hạ tầng kỹ thuật đô thị; cần lồng ghép cơ sở HTX trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị - nông thôn. Để làm được điều này, cần xây dựng các cơ sở pháp lý về HTX để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu phát triển HTX; quy hoạch, xâydựng, vận hành và duy trì HTX phải dựa trên sự tham gia của nhiều bên liên quan đặc biệt cần có sự chung tay của các cấp chính quyền và người dân; trình độ quản lý của cán bộ làm công tác quản lý và ý thức người dân cần được nâng cao, huy động thêm nguồn vốn đầu tư từ kinh tế tư nhân và sự tham gia phản biện của cộng đồng nhân dân vào công tác phản biện là việc làm cần thiết bởi nhân dân chính là đối tượng thụ hưởng những thành quả tốt đẹp của công tác phát triển đô thị hướng tới phát triển bền vững./.
ThS. Nguyễn Hồng Giang
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội - giangnh@hau.edu.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Quyết định số 1055/QĐ- TTg V/v Ban hành kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030 , tầm nhìn đến năm 2050.
[2]. Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
[3]. Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.