Phát triển kiến trúc bền vững với mô hình khu đô thị du lịch chăm sóc sức khỏe tại đô thị biển Phú Quốc

​MTXD - Phát triển kiến trúc bền vững là một trong các nguyên tắc quan trọng của hoạt động kiến trúc tại Việt Nam. Kiến trúc đô thị thích ứng biến đổi khí hậu với các mục tiêu phát triển bền vững vừa là mục tiêu hướng tới cũng vừa là cơ hội để các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư thể hiện đóng góp của mình trong việc cải thiện cuộc sống của con người, bảo vệ hành tinh mà chúng ta đang sinh sống.

MTXD - Phát triển kiến trúc bền vững là một trong các nguyên tắc quan trọng của hoạt động kiến trúc tại Việt Nam. Kiến trúc đô thị thích ứng biến đổi khí hậu với các mục tiêu phát triển bền vững vừa là mục tiêu hướng tới cũng vừa là cơ hội để các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư thể hiện đóng góp của mình trong việc cải thiện cuộc sống của con người, bảo vệ hành tinh mà chúng ta đang sinh sống.

Riêng với đô thị Phú Quốc, việc tổ chức không gian kiến trúc bền vững có hiệu quả, việc xây dựng, phát triển, quản lý và chỉnh trang thành phố, đô thị hóa thích ứng biến đổi khí hậu, với hội nhập tinh hoa quốc tế và trở thành một mô hình phát triển bền vững của Việt Nam; tạo mối liên hệ nội tại giữa môi trường kiến trúc và xây dựng với cơ hội tạo việc làm, cơ hội sinh kế và chất lượng cuộc sống con người là hết sức quan trọng và cần thiết.

Ảnh Internet

1. Tổng quan chung

1.1 Phát triển kiến trúc bền vững

Đối với Việt Nam, phát triển bền vững là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước Việt Nam đều xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố hàng đầu.

Phát triển kiến trúc bền vững là một trong các nguyên tắc quan trọng của hoạt động kiến trúc tại Việt Nam đã được quy định tại Luật Kiến trúc năm 2019 và Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021.

Kiến trúc đô thị thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) với các mục tiêu phát triển bền vững vừa là mục tiêu hướng tới cũng vừa là cơ hội để các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư thể hiện đóng góp của mình trong việc cải thiện cuộc sống của con người, bảo vệ hành tinh mà chúng ta đang sinh sống; xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên thế giới, để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.

Phát triển bền vững là con đường tất yếu. Ảnh: Internet

Riêng với đô thị Phú Quốc, việc tổ chức không gian kiến trúc bền vững có hiệu quả, việc xây dựng, phát triển, quản lý và chỉnh trang thành phố, đô thị hóa thích ứng BĐKH, với hội nhập tinh hoa quốc tế và trở thành một mô hình phát triển bền vững của Việt Nam; tạo mối liên hệ nội tại giữa môi trường kiến trúc và xây dựng với cơ hội tạo việc làm, cơ hội sinh kế và chất lượng cuộc sống con người là hết sức quan trọng và cần thiết.

1.2 Mô hình khu đô thị du lịch chăm sóc sức khỏe - Wellness tourism

Theo báo cáo Kinh tế Du lịch Sức khỏe Toàn cầu của Viện Sức khỏe Toàn cầu - Global Wellness Institute (GWI), ngành du lịch sức khỏe - Wellness tourism, dù mới hình thành nhưng rất nhanh có thành tựu nổi bật, quy mô trên toàn cầu với đặc tính kinh tế sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến du lịch hiện nay do sự giao thoa của hai ngành công nghiệp lớn và đang phát triển trên thế giới. Chăm sóc sức khỏe toàn diện và phòng ngừa bệnh tật đang ngày càng trở thành rất quan trọng trong quá trình ra quyết định của người tiêu dùng có lối sống lành mạnh và thói quen chăm sóc sức khỏe khi họ rời xa nhà. Với báo cáo nghiên cứu sau đại dịch Covid đo lường nền kinh tế chăm sóc sức khỏe (~ 150 quốc gia) về tất cả 11 lĩnh vực của thị trường chăm sóc sức khỏe cho thấy, năm 2022 nền kinh tế chăm sóc sức khỏe thế giới trị giá 4.400 tỷ USD và dự báo sẽ đạt 7.000 tỷ USD vào năm 2025. Trên toàn cầu, nền kinh tế chăm sóc sức khỏe chiếm 5,1% tổng GDP. Hoa Kỳ cho đến nay là thị trường lớn nhất, trị giá 1.200 tỷ USD - gần gấp đôi quy mô của thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc, ở mức 683 tỷ USD. Trên thực tế, Hoa Kỳ chiếm 28% toàn bộ thị trường chăm sóc sức khỏe toàn cầu, trong khi 10 thị trường hàng đầu chiếm 71% tổng số thế giới.

2. Đối tượng, tính chất của du lịch sức khỏe -Wellness tourism

a) Thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe:

Thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe tập trung vào 4 lĩnh vực: 1) ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng và giảm cân; 2) chăm sóc và làm đẹp cá nhân; và 3) hoạt động thể chất. Ba phân khúc này chiếm hơn 60% tổng thị trường chăm sóc sức khỏe 4) Chữa bệnh, phục hồi sức khỏe.

b) Đối tượng gồm:

(1) Nhóm chủ yếu, là nhóm khách du lịch lựa chọn chuyến đi hoặc điểm đến chủ yếu vì sức khỏe, phục hồi - cân bằng tinh thần, thời gian lưu trú ngắn hoặc dài ngày. (2) Nhóm đa dụng là các khách du lịch tìm cách duy trì sức khỏe khi đi du lịch hoặc tham gia các trải nghiệm chăm sóc sức khỏe trong khi thực hiện bất kỳ loại chuyến đi nào để giải trí hoặc công tác, thời gian lưu trú ngắn. (3) Nhóm du khách du lịch khám phá văn hóa, cảnh quan kèm trải các nghiệm phương pháp chăm sóc sức khỏe tại bản địa, thời gian lưu trú ngắn hoặc có thể dài ngày nếu chuyển thành nhóm 1.

c) Tính chất cơ bản dịch vụ của khu du lịch sức khỏe trên thế giới:

- Du lịch để tham gia các hoạt động có lợi cho sức khỏe như đạp xe đạp, leo núi; tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe; võ cổ truyền; tập yoga, ngồi thiền; tu tập…

- Tắm biển, suối nước nóng, tắm bùn; massage trị liệu, xông hơi thảo dược...

- Ẩm thực lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng; ăn chay hoặc theo các chương trình chuyển hóa cơ thể;

- Nghỉ ngơi điều độ, hợp lý;

- Tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng, nghỉ dưỡng. Kết nối, giao lưu với người dân địa phương; trải nghiệm văn hóa dân tộc bản địa;

Trải nghiệm các hoạt động tự nhiên nhằm giảm stress, thư giãn…

Tuy có những tính chất dịch vụ khá giống nhau nhưng mỗi nước đều gắn với đặc thù thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc của mình trong du lịch tạọ ra nét đặc sắc đa dạng. Ví dụ: Nhật Bản với hình thức tắm onsen, Hàn Quốc với hình thức tắm muối biển, và tập Yoga tại Ấn Độ, Myanmar với trung tâm thiền định Mahasi…

Hình minh họa: Một số địa điểm đặc sắc về du lịch chăm sóc sức khỏe trên thế giới (nguồn Global Wellness Institute- GWI).

3. Tình hình ở Việt Nam

Việt Nam là đất nước nhiều kỳ quan thiên nhiên, rừng núi và biển, có nhiều điểm du lịch nghỉ dưỡng đẹp, với tiền năng đó mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe bắt đầu hình thành và đạt được một số hiệu quả, được đánh giá cao trong sự phát triển bất động sản nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe. Từ Đồng Văn - Mèo Vạc, Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt… có cảnh quan thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, khí hậu mát mẻ trong lành cho đến Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc… có sức hấp dẫn bởi đường bờ biển dài, ẩm thực phong phú, thời tiết thuận lợi và các tiện ích giải trí, tái tạo năng lượng.

Dù vậy, Việt Nam còn tồn tại tình trạng khá nhiều khu du lịch dù được ưu tiên chọn đất tại những vị trí đắc địa về cảnh quan biển - rừng và sử dụng khá nhiều tài nguyên đất đai, rừng, bờ biển nhưng không thực hiện dự án; hoặc khai thác chưa có hiệu quả cao; có dự án tổ chức công trình kiến trúc can thiệp khá mạnh mẽ vào thiên nhiên, quy hoạch thiếu bền vững dẫn đến sự xung đột môi trường đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân địa phương sinh sống. Một số các dự án có sai phạm quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch xây dựng và đầu tư đã bị cơ quan chức năng xử lý trong thời gian qua.

Với Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo, nằm trong vịnh Thái Lan với khí hậu, cảnh quan thiên nhiên nhiệt đới tuyệt đẹp để phát triển đô thị với mô hình đô thị du lịch chăm sóc sức khỏe là hết sức phù hợp. Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên Phú Quốc có được một nguồn tài nguyên vô giá là rừng nhiệt đới, trong đó có rất nhiều giống, loài đặc hữu. Đây là vốn quý nhất để phát triển du lịch sinh thái trên hòn đảo này.

Bên cạnh rừng, những nguồn tài nguyên khác như tài nguyên biển, tài nguyên đất, tài nguyên nước… văn hóa bản địa đặc sắc, con người hiền hòa cũng có tiềm năng lớn để khai thác phát triển đô thị du lịch chăn sóc sức khỏe tại Phú Quốc. Du lịch chăm sóc sức khỏe không chỉ phục vụ du khách với dịch vụ du lịch mà còn tạo một lối sống lành mạnh, để tăng cường phục hồi, nâng cao thể chất “healthy” và thư dãn, cân bằng tinh thần “spiritual” cho cả người dân Phú Quốc. Đây là một hướng đi đột phá, tạo cho động lực mới cho phát triển kinh tế và đô thị Phú quốc gắn với kiến trúc xanh, bền vững, thích ứng ứng với BĐKH.

Thực tiễn cho thấy, do việc đầu tư quá nhanh và thiếu định hướng bền vững trong kiến trúc, từ việc phân lô nền nhỏ lẻ, manh mún đang khiến Phú Quốc mất đi vẻ đẹp vốn có, các cảnh quan tự nhiên dần mất đi và thay vào đó là những tác động tiêu cực của con người. Mặt khác, nhận thức về phát triển đô thị du lịch, nguồn nhân lực du lịch và hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; một số chính sách thúc đẩy phát triển du lịch còn bất cập, chưa tháo gỡ kịp thời; tình hình vệ sinh môi trường tại một số điểm du lịch chưa được cải thiện đã và sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển du lịch Phú Quốc.

Vì vậy, cần sớm kiện toàn và bổ sung các giải pháp nhằm phát triển kiến trúc bền vững với mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe - phát triển kinh tế biển tại thành phố đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Cần sớm kiện toàn và bổ sung các giải pháp nhằm phát triển kiến trúc bền vững với mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe - phát triển kinh tế biển tại thành phố đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.   Ảnh: Internet

Một số ý kiến cho rằng, du lịch chăm sóc sức khỏe - Wellness tourism có ý nghĩa phòng bệnh, khác biệt với dạng Medical Tourism là du lịch y tế, hay còn gọi là du lịch chữa bệnh (để đáp ứng nhu cầu du lịch đến nơi có điều kiện y tế, khám chữa bệnh cho du khách). Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, du lịch chữa bệnh cũng là một mức độ cao cấp hơn về yêu cầu đầu tư, kỹ thuật y tế, hạ tầng du lịch so với du lịch chăm sóc sức khỏe đều trong một hệ thống khai thác du lịch mục đích nâng cao sức khỏe - chữa trị bệnh cho con người với các cấp độ, phương pháp đa dạng kết hợp nâng cấp hệ thống y tế quốc gia cho nhân dân.

Với nền y tế Việt Nam hiện nay thì đầu tư dự án du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ phù hợp tình hình phát triển kinh tế giai đoạn trước mắt giai đoạn năm 2022 - 2030, sau đó, cần chọn lọc, hoàn thiện nâng cấp một số Khu trong số đó tạo hệ thống du lịch y tế vào giai đoạn năm 2030 - 2045. Đối với Phú Quốc cần sớm có hoạch định trong quy hoạch đô thị và ngành Y tế, quy hoạch tỉnh Kiên Giang để xây dựng, nâng cấp và bổ sung mới hệ thống y tế với tầm vóc khu vực châu Á và Quốc tế, đó là yêu cầu cho phát triển kinh tế du lịch chăm sóc sức khỏe kết hợp tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển đặc trưng gắn với kiến trúc các khu vực đô thị với bản sắc văn hoá và đặc thù tự nhiên của Phú Quốc, đồng thời cần thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch để tạo sự đột phá và kéo các nhà đầu tư lớn tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

4. Một số vấn đề cần lưu ý trong việc tổ chức lập quy hoạch xây dựng khu đô thị du lịch chăm sóc sức khỏe

4.1 Về quy định pháp luật

Căn cứ theo khoản 25 Điều 3 Luật Xây dựng, Khu chức năng bao gồm “khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao”. Do đó, quy hoạch Khu du lịch chăm sóc sức khỏe là quy hoạch xây dựng khu chức năng,. Vì vậy, việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng phải tuân thủ các quy định tại Luật Xây dựng và pháp luật liên quan về đất đai, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, di sản văn hóa... Đất sử dụng chủ yếu là đất du lịch dịch vụ, hầu như không có đất ở mới lâu dài.

Những lưu ý quan trọng khi tổ chức lập quy hoạch: việc khai thác phải bền vững và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, di tích lịch sử, di sản văn hóa và nguồn lực phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, bảo đảm sự kết nối, thống nhất công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực, vùng; Bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động bất lợi đến cộng đồng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Lưu ý khác, tại Luật Du lịch 2017 hình thức du lịch “chăm sóc sức khỏe” chưa được đề cập đến tại Điều 3 (giải thích từ ngữ). Tương tự trong Luật chưa gắn du lịch với y tế và chăm sóc sức khỏe tại các Điều 5 (Chính sách phát triển du lịch); Điều 15 (Các loại tài nguyên du lịch); Điều 23 (Điều kiện công nhận điểm du lịch) và Mục 3: Lưu trú du lịch. Đây sẽ là điểm tồn tại pháp lý, cần chỉnh lý. Do là căn cứ cơ sở để xác định chỉ tiêu lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch chăm sóc sức khỏe cho các nhà đầu tư cũng như với chính quyền các cấp để quy hoạch sử dụng đất hình thức bất động sản này.

4.2 Về tổ chức quy hoạch, không gian kiến trúc bền vững

a) Phát triển đô thị bền vững sẽ là một hướng tiếp cận chủ chốt:  bao gồm quá trình khai thác có hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn hệ sinh thái, ứng phó BĐKH. Phải đáp ứng các Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam với ba thành phần là Môi trường, Kinh tế, Môi trường Xã hội và Môi trường Tự nhiên. Cần thực hiện theo lộ trình với các tiêu chí cụ thể, trong đó có xu hướng phát triển đô thị Xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh.

b) Việc xác định mục tiêu, động lực phát triển khu du lịch chăm sóc sức khỏe: Cần xác định chính xác tính chất, dự báo quy mô dân số của khu chức năng, yêu cầu cụ thể về định hướng phát triển không gian, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho từng giai đoạn quy hoạch xây dựng chung, quy hoạch phân khu 1/2000 và quy hoạch chi tiết 1/500. Trên thực tiễn không ít dự án đã không thành công trong khai thác, vận hành hoặc thậm chí do đồ án quy hoạch thiếu luận cứ, cơ sở khoa học, pháp lý hoặc không phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nên cấp có thẩm quyền không phê duyệt quy hoạch dự án đầu tư.

Tổ chức không gian kiến trúc khu du lịch chăm sóc sức khỏe cần có mối liên hệ với môi trường đô thị thông qua việc kế thừa các mô tip kiến trúc tuyền thống, các hình tượng đặc trưng văn hóa, lịch sử địa phương. Tuy nhiên kế thừa cần có chọn lọc để hòa quện hình thức kiến trúc riêng của công trình. Duy trì sự đồng nhất nhưng vẫn có sáng tạo, độc đáo riêng cho từng công trình trên các nguyên tắc đã nên trên. Phải luôn tiết chế và kế thừa kiến trúc, phát huy đảm bảo không phá vỡ hình thái không gian kiến trúc cho mỗi khu vực rất đặc thù của đảo ngọc Phú Quốc.

c) Nên xem xét gắn lý thuyết “Điểm đến du lịch thông minh” vào nội dung đồ án quy hoạch với các cách tiếp cận hợp lý - toàn diện. Với việc phát triển điểm đến du lịch sức khỏe và khám phá văn hóa bản địa, mỗi điểm đến phải lựa chọn nhiều hình thức khác nhau và giải quyết nhiều vấn đề góp phần tạo nên đề xuất dịch vụ độc đáo của thương hiệu điểm đến du lịch.

Lợi ích kinh tế cho cộng đồng nhân dân khu vực nói chung phải định lượng được. Lợi ích phải được đưa vào quy hoạch, chiến lược, chiến thuật, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm và tiếp thị của điểm đến như một trung tâm thương mại du lịch dịch vụ sức khỏe với nội dung đặc sắc.

d) Lưu ý về quy mô, dây chuyền, không gian kiến trúc cảnh quan: phải được xác định phù hợp theo tính các chất cấu trúc dây chuyền khác nhau. Ví dụ: (i) Khu nghỉ dưỡng khép kín (Destination resort): là khu nghỉ dưỡng đáp ứng đầy đủ các dịch vụ đáp ứng cho nhu cầu ăn uống, giải trí, mua sắm, spa,... để du khách có thể thoải mái nghỉ dưỡng mà không cần di chuyển đi bất cứ nơi nào khác. Đòi hỏi quy mô khá lớn.  (ii) Khu nghỉ dưỡng phức hợp (Integrated Resort): Khu nghỉ dưỡng tích hợp đầy đủ các tiện ích, đa dạng các loại hình dịch vụ giải trí, khu mua sắm và nhà hàng cao cấp. Bên cạnh đó khu nghỉ dưỡng thường gắn với các đô thị. ( iii) Khu nghỉ dưỡng tiện lợi (Property resort): Là những khu du lịch hiện hữu, truyền thống được cải tiến, thêm các tiện ích - dịch vụ mới chăm sóc sức khỏe. Khu nghỉ dưỡng tiện lợi thường có diện tích nhỏ và không có tính khép kín, gắn với dạng nhỏ lẻ, home stay.

e) Các khu du lịch cần gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, qua đó du khách sẽ được sống trong một môi trường văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và bảo vệ mối quan hệ truyền thống sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, cũng không nên quá duy ý chí áp đặt, khiên cưỡng trong kiến trúc và nên có lộ trình dần loại bỏ những yếu tố lạc hậu, những tập quán đã không còn phù hợp với đời sống hiện đại.

f) Trong đồ án quy hoạch cần thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai, trên cơ sở hệ thống bản đồ Phân vùng rủi ro thiên tai. Do Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều vùng khá khác biệt, nên kiến trúc công trình sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn của điều kiện thiên nhiên và khí hậu: nắng, mưa, gió và bão. Tùy thuộc vào điều kiện đặc thù thiên nhiên, địa hình, khí hậu của từng nơi, từng vùng mà để thiết kế các giải pháp kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật khu du lịch phù hợp đinh hướng từ mặt bằng, bố cục không gian, xử lý vật liệu bao che.

g) Giải pháp kiến trúc thích ứng với biến đổi khí hậu

Ánh sáng mặt trời, hướng nắng - hướng gió là yếu tố rất quan trọng cần xem xét để lựa chọn hướng nhà. Tránh bức xạ mặt trời làm gia tăng nhiệt. Điều chỉnh vi khí hậu thông qua không gian bên trong và bên ngoài công trình, chênh lệch áp suất sao cho tạo được dòng chuyển động của không khí tự nhiên.

Đặc biệt khí hậu Phú Quốc với mùa mưa kéo dài ẩm ướt, cần sự thông thoáng liên tục, cần thực hiện giải pháp tự nhiên hạn chế sử dụng điều hòa. Tạo luồng không khí đối lưu để hơi ẩm ngưng đọng dễ bốc hơi.

Công trình sử dụng các vật liệu xây dựng mới tiên tiến, thân thiện môi trường; công nghệ mới trong xây dựng nhà ở đảm bảo chất lượng tốt, chọn loại giá thành hợp lý khi vận chuyển từ đất liền ra đảo.

h, Công tác phòng cháy chữa cháy cũng rất quan trọng, cần quan tâm và thiết kế theo quy định pháp luật về PCCC, quy chuẩn.

4.3 Giải pháp đổi mới hệ thống kỹ thuật công trình định hướng công trình xanh, đô thị thông minh và chuyển đổi số

+  Định hướng công trình xanh: Để góp phần giúp cho việc tố chức không gian du lịch chăm sóc sức khỏe tại Phú Quốc theo xu hướng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng và hướng tới đô thị thông minh thì ngay trong bước lập nhiệm vụ thiết kế các khu du lịch, dự án đầu tư xây dựng cần chọn lựa gắn với tiêu chí công trình xanh.

Đề xuất nên chọn 3 tiêu chuẩn phổ biến phù hợp điều kiện Việt Nam để đánh giá chất lượng và mức độ “Xanh” của một công trình chung cư: Tiêu chuẩn LOTUS của Việt Nam, LEED của Mỹ và Tiêu chuẩn EDGE của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới. Một số tiêu chuẩn khác ít phổ biến hơn: GREEAM (Anh), Green Star (Úc), GBI (Malaysia), CASBEE (Nhật), HQE (Pháp), Green Mark (Singapore) do các điều kiên áp dụng chuẩn Code quy chuẩn khác nước ta.

Đô thị thông minh và Chuyển đổi số: Hướng tới việc chuyển đổi số lĩnh vực kiến trúc của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 các trung tâm lõi đô thị và không gian các khu du lịch chăm sóc sức khỏe tại Phú Quốc cần trang bị hệ thống kỹ thuật tiên tiến hướng tới đô thị thông minh. Ứng dụng công nghệ tin học và trí tuệ nhân tạo ảo AI để phát triển hệ thống quản lý và kiểm tra hoàn chỉnh, thống nhất và sẽ được kiểm tra và giám sát bằng hệ thống quản lý.

Hệ thống kết cấu công trình cần dùng hệ thống BIM để tính toán với các hệ kết cấu không gian lớn, thép để giải phóng kết cấu đồng thời đảm bảo an toàn cũng như tính dự toán chính xác, tiết kiệm. Với trí tuệ ảo AI hỗ trợ, thi công các cấu tạo bằng in 3D các màng vỏ bao che công trình sẽ tạo đột phá về sáng tạo kiến trúc mà trước kia khó có điều kiện thực hiện. Các ứng dụng đám mây sử dụng công nghệ viễn thám vệ tinh sẽ kết nối các trạm máy chủ để xác định các rủi ro thiên tai, cảnh báo khí hậu để có biện pháp ứng phó khắc phục và gửi đến các hệ thống xử lý cho các tòa nhà.

TS.KTS Hồ Chí Quang

Phó vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) 

 

 

Tài liệu tham khảo:

[1]

Luật Xây dựng 2014

[2]

Luật Du lịch 2017

[3]

[4]

Baratz, Bernard. Báo cáo: Quản lý Rủi ro Thiên tai ở Đông Á và khu vực Thái Bình Dương. [Online] World Bank.

Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, tập 126, số 6D, Tr17.35, 2019

[5]

Medical and wellness tourism: lessons from Asia,bThe International Trade Centre, 2014.

[6]

[7]

 Global Wellness Institute (GWI), https://globalwellnessinstitute.org/.

Smith, MK & Puczkó, L. Wellness tourism. Oxford: Butterworth-Heinemann. (2008).

 

Các tin khác

Tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon
Tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Chiến thắng Điện Biên Phủ từ hiệu lệnh trên đồi A1
Chiến thắng Điện Biên Phủ từ hiệu lệnh trên đồi A1

MTXD - Tiếng bộc phá ngàn cân nổ trong đường hầm dưới đồi A1 (Điện Biên Phủ) như tiếng chuông báo hiệu giờ tàn cho tập đoàn cứ điểm của quân Pháp. Nếu chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, thì tiếng nổ trên đồi A1 thực sự là âm thanh đầu tiên của sự kiện ấy.

Thanh Hóa: Phê duyệt quy hoạch chung đô thị Phú Quý tại huyện Hoằng Hóa
Thanh Hóa: Phê duyệt quy hoạch chung đô thị Phú Quý tại huyện Hoằng Hóa

MTXD – Theo Quyết định số 1710/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị Phú Quý, huyện Hoằng Hóa, đến năm 2045, có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch 1.535,59ha.

Sự thích ứng của làng nghề trước biến đổi: Trường hợp Thổ Hà – Bắc Giang
Sự thích ứng của làng nghề trước biến đổi: Trường hợp Thổ Hà – Bắc Giang

​MTXD - Biến đổi văn hóa nói chung, biến đổi văn hóa làng và văn hóa làng nghề nói riêng...

Vì một Việt Nam khỏe mạnh
Vì một Việt Nam khỏe mạnh

MTXD - Ngày 3/5, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi họp báo Triển lãm Quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 4 tại Việt Nam. Chương trình do Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) chủ trì, Công ty Cổ phần Hội chợ triển lãm và quảng cáo Việt Nam (VietFair) phối hợp tổ chức.