Phát triển năng lượng sinh khối, góp phần thực hiện tăng trưởng xanh
MTXD - Tháng 3/2023 vừa qua, đoàn công tác của chương trình “trao đổi kinh nghiệm phát triển năng lượng sinh học” đến Hàn Quốc để trao đổi kinh nghiệm phát triển năng lượng sinh học, tìm hiểu quá trình chuyển dịch năng lượng của Hàn Quốc, thông qua các cuộc họp và gặp gỡ với các bên liên quan. Chương trình này được tổ chức trong khuôn khổ dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam” (BEM) - Dự án do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức (BMU) thông qua Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế tài trợ; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ phối hợp thực hiện từ tháng 4/2019 đến tháng 9/2023. Tại Hàn Quốc, đoàn làm việc với các Bộ ban ngành, Viện nghiên cứu, các nhà đầu tư dự án năng lượng sinh học… và tham quan hai nhà máy điện sinh học ở Hàn Quốc: nhà máy sản xuất điện từ rác thải tại thủ đô Seoul; và nhà máy đồng phát nhiệt - điện sử dụng sinh khối tại tỉnh Gyeonggi.
Xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia Hàn Quốc và các đại biểu của đoàn Việt Nam tại cuộc gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm về phát triển năng lượng sinh khối.
Nhà báo Chu Khôi thực hiện.
Cơ chế hỗ trợ phát triển điện sinh khối cần hấp dẫn hơn
Bà Lê Thị Thoa, Trưởng nhóm kỹ thuật Dự án Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ.
Với điều kiện địa lý thuận lợi và nước nông nghiệp đang phát triển, Việt Nam có tiềm năng lớn về sinh khối, có thể khai thác để sản xuất năng lượng, đặc biệt là sản xuất điện. Nguồn sinh khối ở Việt Nam bao gồm củi, trấu, cà phê, rơm rạ, bã mía, phế phụ phẩm ngành lâm nghiệp...
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 90 triệu tấn sinh khối được tạo ra từ phụ phẩm nông lâm nghiệp và chất thải chăn nuôi, trong đó 40% được sử dụng để sản xuất ra nhiệt và điện. Trong đó: tổng năng lượng sinh khối cho phát điện đạt khoảng 9,0 triệu tấn dầu tiêu chuẩn (TOE) vào năm 2030 và khoảng 20 triệu TOE vào năm 2050, tương ứng với điện năng sản xuất khoảng 37 tỷ kWh vào năm 2030 và 85 tỷ kWh vào năm 2050; Tổng năng lượng sinh khối cho sản xuất nhiệt đạt khoảng 16,8 triệu TOE vào năm 2030 và khoảng 23 triệu TOE vào năm 2050.
Phát triển điện sinh khối khác với phát triển điện gió hay điện mặt trời vì điện sinh khối phụ thuộc rất nhiều vào vùng nguyên liệu. Hiện nay, vùng nguyên liệu này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, do vậy để khuyến khích phát triển các dự án điện sinh khối, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ít nhất hai Bộ ban ngành, đó là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Bộ Công Thương.
Để khuyến khích các dự án điện sinh khối, Chính phủ đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối từ năm 2014, sửa đổi bổ sung vào năm 2020. Tuy nhiên, sau gần 10 năm ban hành “cơ chế hỗ trợ” này thì đến nay chưa có một dự án điện sinh khối mới nào đi vào vận hành, điều này cho thấy “cơ chế hỗ trợ” chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích và thu hút các đầu tư vào lĩnh vực này. Sử dụng sinh khối để phát điện sẽ giúp đạt được mục đích kép là thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch và giảm phát thải khí nhà kính, điều này phù hợp với mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra vào năm 2050 là “phát thải ròng bằng 0”.
Do vậy, để thúc đẩy phát triển các dự án điện sinh khối, Chính phủ cần xem xét chỉnh sửa và điều chỉnh giá bán điện sinh khối, không nên đưa ra quy định giá bán điện sinh khối phụ thuộc vào công nghệ, nhằm thực hiện theo đúng định hướng chiến lược nêu trong Nghị quyết 55-NQ/TW ban hành ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị “khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sinh khối” và “khai thác tối đa nguồn điện sinh khối đồng phát”.
Với nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của điện sinh khối tại Việt Nam, Dự án BEM đã gặt hái được một số kết quả đáng kể sau gần 4 năm thực hiện.
Trước tiên, Dự án đã đồng hành cùng với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi giá bán điện sinh khối. Sau khi tham vấn các bên liên quan, giá bán điện sinh khối sửa đổi được Chính phủ phê duyệt. Giá bán điện sinh khối mới đối với công nghệ đồng phát là 7,03 UScents/kWh và đối với điện sinh khối khác là 8,47 UScents/kWh. Việc điều chỉnh giá bán điện sinh khối này hy vọng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng sinh khối, đặc biệt là các nhà máy mía đường mở rộng các dự án đồng phát bã mía – đây là nguồn phát điện bổ sung cần thiết, giúp ngành điện giải quyết được vấn đề thiếu điện, hạn chế huy động các nguồn điện dầu và khí có chi phí cao để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, Dự án cũng đã xây dựng hai cuốn: “Sổ tay hướng dẫn phát triển dự án điện sinh khối tại Việt Nam” và “Sổ tay hướng dẫn đánh giá tác động môi trường và xã hội cho dự án điện sinh khối tại Việt Nam”; hỗ trợ 5 chủ đầu tư đánh giá tiền khả thi dự án phát triển khí sinh học (biogas) và sinh khối phát điện; và tiến hành đào tạo cho khoảng 200 cán bộ các sở ban ngành, tổ chức tài chính và doanh nghiệp về quy trình phát triển dự án năng lượng sinh học,
Phát triển điện sinh khối ở Hậu Giang còn nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang
Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Hậu Giang dự kiến thực hiện nhiều dự án điện sinh khối lớn. Cụ thể, Dự án Nhà máy điện trấu Hậu Giang công suất 10MW, do Công ty Cổ phần Nhà máy điện Hậu Giang đầu tư, dự kiến xây dựng tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ. Dự án đã được bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và hiện đang thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng. Dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang công suất 20MW, do Công ty Cổ phần Năng lượng sinh khối Hậu Giang làm chủ đầu tư, tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ. Dự án đã được khởi công ngày 15/12/2022 và dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành Quý II/2025. Nhà máy điện rác, công suất 12MW, địa điểm xây dựng tại xã Hòa A, huyện Phụng Hiệp, dự án đang được triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành giai đoạn I với 6MW vào năm 2024.
Theo Quyết định số 9486/QĐ-BCT ngày 16/12/2013 của Bộ Công Thương phê duyệt “Quy hoạch điện sinh khối khu vực đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030”, tỉnh Hậu Giang đã được phê duyệt 3 dự án điện trấu với tổng công suất là 30MW; 1 dự án điện rơm rạ công suất 10MW và 1 dự án điện bã mía công suất 10MW.
Giai đoạn 2026 – 2030: Theo Quy hoạch điện lực quốc gia do Viện Năng lượng - Bộ Công Thương lập giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, tiềm năng phát triển điện sinh khối tại tỉnh Hậu Giang như sau: Tiềm năng kỹ thuật phát triển điện trấu là 19MW; Tiềm năng kỹ thuật phát triển điện bã mía là 58MW; Tiềm năng kỹ thuật phát triển điện rơm rạ là 19MW.
Tuy nhiên, hiện tại, tỉnh Hậu Giang có nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển điện sinh khối. Về cơ chế chính sách, mặc dù cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối đã được ban hành từ năm 2014 nhưng đến nay trên cả nước chỉ có rất ít các nhà máy điện sinh khối được xây dựng, chứng tỏ cơ chế hỗ trợ chưa thực sự hấp dẫn để thu hút được đầu tư trong nước và quốc tế. Thị trường điện sinh khối cần có các chính sách và thủ tục pháp lý rõ ràng để các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư các dự án điện sinh khối.
Về tài chính, đầu tư các dự án điện sinh khối có nhu cầu về vốn lớn, rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc nhiều thời tiết, khí hậu, vùng nguyên liệu đầu vào, giá cả thị trường ..., trong khi thời gian thu hồi vốn dài do suất đầu tư cao hơn nhiều so với đầu tư nguồn năng lượng truyền thống. Vì vậy, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại thường chưa dám mạnh dạn cho vay các dự án đầu tư vào lĩnh vực điện sinh khối.
Để phát triển các dự án điện sinh khối đúng với tiềm năng của tỉnh Hậu Giang cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước, chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương cần sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quy định về điện sinh khối. Đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện sinh khối ổn định, có chính sách giá điện hợp lý để nhà đầu tư thuận lợi trong quá thực hiện dự án.
Lưới điện của EVN sẵn sàng tiếp nhận điện sinh khối
Ông Nguyễn Mạnh Quang, Ban kinh doanh -Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)
Tại Việt Nam, hiện có 12 nhà máy điện sinh khối đang hoạt động phát điện lên lưới, lớn nhất là: Nhà máy Điện sinh khối An Khê (90 MW); Nhà máy KCP Phú Yên (60MW) và Nhà máy Mía đường Việt Nam (60MW),… với tổng công suất thiết kế của các nhà máy là 389,6MW, lượng điện sản xuất ra được mua bán với EVN là 389.848,888 kWh (chiếm 0,15 tổng sản lượng các nguồn phát).
Tại Hội nghị COP26 năm 2021 diễn ra tại Vương quốc Anh, Việt Nam đã khẳng định và cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố Toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch – đây là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới. Vì vậy, phát triển điện sinh khối là một trong những giải pháp để chuyển dịch năng lượng, góp phần phát triển xanh, tuần hoàn.
Ở tầm quốc gia, Chính phủ cũng sớm xác định việc thu hút các nhà máy điện sinh khối cần được ưu tiên đặc biệt với nhiều ưu đãi. Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Đến năm 2020, văn bản tiếp tục được sửa đổi, bổ sung một số điều bằng Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg.
Các dự án điện sinh khối thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17-6-2020 của Quốc hội. Theo đó, nếu nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà máy điện sinh khối, Chính phủ sẽ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp đầu tư nhà máy điện sinh khối cũng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; đồng thời được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu...
Trong Chương trình phát triển nguồn điện giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô tiềm năng phát triển của điện sinh khối là khoảng 5.000-6.000 MW (theo Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam).
Với lưới điện của EVN hiện tại, không gặp khó khăn trở ngại trong việc huy động và tiếp nhận công suất sản xuất điện từ điện sinh khối của các nhà máy trên. Ngay trong thời kỳ đại dịch COVID19, nhu cầu sử dụng điện giảm thấp, điện sinh khối cũng không bị tiết giảm trong khi đó các nguồn điện khác đều phải tiết giảm. EVN tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư, trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến đấu nối và mua bán điện theo quy định của Nhà nước.
Tuy nhiên, phát triển điện sinh khối tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trở ngại. Chủ yếu là: Thiếu quy hoạch chiến lược cho việc phát triển nguồn sinh khối; Thiếu sự phối hợp hài hòa giữa các bộ ngành và tổ chức nhằm phác thảo chính sách quốc gia cho vấn đề công nghệ sinh khối và năng lượng tái tạo; Thiếu hụt ngân sách và hệ thống quản lý để phát triển ứng dụng công nghệ sinh khối; Nhà cung cấp thiết bị công nghệ sinh khối thiếu thông tin về nhu cầu thị trường tiềm năng; Ý thức người dân còn kém trong việc sử dụng năng lượng sinh khối cũng như công nghệ; Thiếu mô hình tin cậy để có thể phổ biến ứng dụng công nghệ sinh khối.
Chiến lược đổi mới công nghệ cho tăng trưởng xanh trung hòa Carbon ở Hàn Quốc
Giáo sư Yoon, Ji Woong, Đại học Kyunghee, Thành viên Hội đồng Cố vấn về Khoa học và Công nghệ cho Tổng thống Hàn Quốc
Tổng thống Hàn Quốc đã tuyên bố quốc gia này sẽ trung hòa carbon vào năm 2050, nhưng điều kiện thực tế không hề dễ dàng. Hàn Quốc đang gặp nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ này: Bất lợi trong việc mở rộng năng lượng tái tạo do môi trường tổng thể để cung cấp năng lượng tái tạo không thuận lợi so với các nước khác; trong khi tỷ trọng các ngành sản xuất công nghiệp cao hơn so với các nước khác, đặc biệt là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, dẫn đến chi phí trung hòa carbon cao. Ngoài ra, việc lập kế hoạch tại Hàn Quốc đang thiếu sự liên kết và phối hợp giữa các bộ ngành. Chính phủ và khu vực tư nhân còn thiếu sự hợp tác khi lập kế hoạch cho các dự án mang tầm quốc gia.
Năm 2020, tổng quy mô đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trung hòa carbon của Hàn Quốc là khoảng 8,8 nghìn tỷ won, trong đó đầu tư từ Chính phủ chiếm 18% (1,6 nghìn tỷ won) và còn lại là đầu tư của tư nhân (7,2 tỷ won). Năm 2023, đầu tư của Chính phủ dự kiến sẽ tăng lên mức 2,31 nghìn tỷ won. Đầu tư của khu vực tư nhân sẽ tập trung vào lĩnh vực năng lượng như: quản lý nhu cầu năng lượng, dự trữ năng lượng và năng lượng tái tạo.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, định hướng cơ bản của Chính phủ Hàn Quốc là đổi mới công nghệ trung hòa carbon – đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm do khu vực tư nhân đóng vai trò chính.
Trong đó, một là, phát triển mang tính chiến lược 100 công nghệ trung hòa carbon
cốt lõi kiểu Hàn. Hai là, tăng cường đầu tư R&D để phát triển công nghệ lõi trung hòa carbon, bằng việc thiết lập hệ thống hợp tác giữa khối công nghiệp - hàn lâm - nghiên cứu. Ba là, xây dựng hệ thống xúc tiến thương mại hóa công nghệ trung hòa carbon, bằng việc tạo dựng nền tảng tiền đề nhằm phát triển công nghệ mang tính đổi mới
Cụ thể, các chính sách sẽ tập trung vào thúc đẩy thương mại hóa nhanh các công nghệ đổi mới và thúc đẩy khởi nghiệp; Phát triển mô hình kiểm chứng đo lường phát thải carbon đáng tin cậy; Cải cách thể chế và quy định liên quan đến R&D trung hòa carbon. Đào tạo các chuyên gia carbon trung hòa cho cả khu vực công nghiệp - hàn lâm - nghiên cứu.
Trong giai đoạn ngắn hạn (đến năm 2030), Hàn Quốc sẽ phân loại các công nghệ có thể góp phần giảm thiểu carbon để đặt ra các mục tiêu công nghệ phù hợp cho từng giai đoạn mục tiêu. Trong trường hợp thành công (đạt được mục tiêu), Hàn Quốc sẽ thiết lập một lộ trình theo phương thức ứng dụng cho các giai đoạn tiếp theo, với việc thảo luận theo từng lĩnh vực trung hòa carbon của từng ngành sản xuất.
Trong giai đoạn 2030-2050, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy thương mại hóa công nghệ giảm phát thải carbon bằng việc hỗ trợ quá trình hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp, bao gồm cả năng lượng tái tạo và tái sử dụng tài nguyên, và phát triển công nghệ khí hậu bao gồm các công nghệ mới liên quan đến nguồn năng lượng, dự trữ năng lượng, phát triển thực phẩm thay thế…. Đồng thời, chương trình hỗ trợ R&D sẽ được vận hành cho các công ty khởi nghiệp, phát triển công nghệ đổi mới trong lĩnh vực trung hòa carbon (khoảng dưới 300 triệu won trong tối đa 2 năm.
Cùng với đó, Hàn Quốc sẽ có Chính sách giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình thực thi giảm phát thải carbon. Thực tế, với hệ thống xác minh nghiêm ngặt các quy định về mua bán quyền phát thải hiện tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hàn Quốc đang trả mức phí 3-5 triệu won để đo đạc lượng khí thải carbon tại mỗi địa điểm kinh doanh và phải tự bố trí nhân lực. Vì vậy, Hàn Quốc sẽ phát triển và ứng dụng “Hệ thống đo lường báo cáo xác minh (MRV) đơn giản” để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dễ dàng đo lường và xác minh lượng khí thải carbon, và không phải trả mức chi phí cao như hiện tại.
Bước tiếp theo là Giám sát phát thải carbon dựa trên cơ sở dữ liệu. Chính quyền địa phương trên toàn quốc báo cáo hiện trạng về phát thải carbon và phát triển 'mô hình công nghệ trung hòa carbon' bằng cách đưa ra công nghệ trung hòa carbon tối ưu. Ủy ban Tăng trưởng Xanh về Trung hòa Carbon quốc gia sẽ xây dựng 100 tiêu chuẩn quốc gia, như là: công nghệ trung hòa carbon cốt lõi, cách đối ứng thuế biên giới carbon theo từng giai đoạn. Bộ tiêu chuẩn quốc gia này được xây dựng cho từng lĩnh vực: Lĩnh vực chuyển hóa năng lượng có 41 mảng (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện hydro, truyền tải năng lượng…); Lĩnh vực công nghiệp có 44 mảng (thép, hóa dầu, lọc dầu, xi măng, xe điện, tàu, xây dựng nhà cửa…); Lĩnh vực tái chế có 12 mảng…
Chính sách và phát triển năng lượng sinh khối tại Hàn Quốc
Giáo sư Lee Ho Kyu - Khoa Nền tảng Nghiên cứu và Kinh doanh, Đại học Hàn Quốc.
Sinh khối sở hữu nhiều ưu điểm như: có thể tương thích với năng lượng hóa thạch cho động cơ đốt trong, tái tạo nguyên liệu thô không giới hạn và thân thiện với môi trường, có khả năng làm giảm vật chất gây ô nhiễm không khí và giảm carbon bằng với lượng thay thế nhiên liệu hoá thạch thông qua sinh khối tự nhiên. Ngoài ra, khi chất thải hữu cơ như bùn thải, thực phẩm, phân gia súc và các sản phẩm phụ nông/lâm nghiệp được chôn lấp/không giám sát, một lượng lớn khí mê-tan được tạo ra. Vì vậy, sử dụng tài nguyên sinh khối sẽ ngăn chặn việc sản sinh khí metan, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.
Hiện tại, việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện sinh khối đang tăng tốc tại Hàn Quốc. Đặc biệt, xu hướng này giúp ích cho việc phục hồi kinh tế nông thôn, thông qua thúc đẩy các ngành công nghiệp mới, tạo việc làm và tăng giá trị gia tăng của các hoạt động công nghiệp trong từng quá trình, như thu gom rác, phế phẩm lâm nghiệp và nông nghiệp, sản xuất nhiên liệu, phân phối và sử dụng.
Nếu sản xuất điện sinh khối quy mô nhỏ, phân tán được kích hoạt sẽ góp phần thiết lập một hệ thống cung cấp năng lượng tại chỗ. Khi đó, việc sản xuất và tiêu thụ năng lượng trực tiếp ở nơi có nhu cầu năng lượng sẽ giúp hạn chế nhu cầu truyền tải điện đường dài, giảm áp lực cho hệ thống lưới điện quốc gia.
Tổng lượng điện sinh khối của Hàn Quốc mới đạt 4,16 triệu TOE (đơn vị năng lượng được định nghĩa là lượng năng lượng được giải phóng khi đốt cháy một tấn dầu thô) vào năm 2019, và một nửa nguyên liệu trong số đó phụ thuộc vào nhập khẩu (nhập khẩu viên nén), nên thực tế khối lượng sinh khối của Hàn Quốc chỉ mới đạt 2 triệu TOE. Gần đây, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng mức hỗ trợ phát triển công nghệ liên quan đến sinh khối, cùng với việc bãi bỏ quy định, tuy nhiên, quy mô điện sinh khối vẫn còn thấp so với các nước phát triển khác, như Hoa Kỳ.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường năng lượng sinh học và nâng cao cạnh tranh, điều quan trọng là phải đảm bảo công nghệ nguồn nhiên liệu sinh học, đầu tư trung và dài hạn cho việc nghiên cứu lĩnh vực này, và hỗ trợ việc đầu tư dựa trên hợp tác liên ngành. Để sớm hoàn thiện khả năng cạnh tranh công nghệ và rút ngắn khoảng cách công nghệ so với các nước phát triển và dẫn đầu thị trường nhiên liệu sinh học trong tương lai, chúng tôi đang tích cực đầu tư vào nghiên cứu cơ bản trong dài hạn để đảm bảo các công nghệ nguồn cốt lõi.
Nhằm thúc đẩy sinh khối như một nguồn tài nguyên chiến lược quốc gia, Hàn Quốc đang xây dựng dự thảo “Luật cơ bản để thúc đẩy sử dụng sinh khối”. Khi ban hành, Luật này sẽ góp phần thiết lập một hệ thống quản lý tích hợp cho các công việc liên quan đến sinh khối – hiện đang nằm rải rác trong các bộ ngành, thúc đẩy xây dựng kế hoạch cơ bản sử dụng sinh khối toàn diện, kích hoạt nền kinh tế tuần hoàn thông qua thiết lập một hệ sinh thái công nghiệp sinh khối và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sinh khối.
Trong dự thảo Luật này, Hàn Quốc sẽ hướng tới chính sách hạn chế đối với việc sử dụng các nguồn sinh khối có nguồn gốc từ đường và tinh bột – hiện được sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trên toàn cầu. Cùng với đó, Hàn Quốc sẽ hướng tới thúc đẩy phát triển cây trồng năng lượng để đảm bảo nguyên liệu năng lượng sinh học thế hệ tiếp theo, phát triển công nghệ chuyển đổi năng lượng và tận dụng các nguồn tài nguyên sinh khối hiện chưa được sử dụng.
Hàn Quốc sẽ mở rộng phát triển và phân phối các hệ thống tuần hoàn tài nguyên chất thải như dầu diesel sinh học và dầu nặng sinh học (dầu nặng có nguồn gốc từ thực vật, động vật), đồng thời xem xét lại kế hoạch loại bỏ các nhà máy điện hơi nước dựa trên nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc sử dụng sinh khối từ nguồn chất thải trong nước, để tạo ra một hệ sinh thái sinh khối đa dạng và tuần hoàn.
Sinh khối được coi là giải pháp thay thế cho nhiệt điện than, bởi Hàn Quốc đã đề ra kế hoạch chấm dứt nhiệt điện than vào năm 2030. Để thực hiện được điều đó, đòi hỏi tối đa hóa việc sử dụng sinh khối bằng cách hỗ trợ cải tiến hệ thống thu gom. Công nghệ nhiên liệu sinh học tiên tiến cần được phát triển để áp dụng cho tất cả các lĩnh vực giao thông vận tải, bằng việc mở rộng nguồn nhiên liệu sinh học ban đầu và tăng tính thương mại hóa, để nhiên liệu sinh học không chỉ được sử dụng trong giao thông đường bộ, mà còn trong lĩnh vực hàng hải và hàng không.
Sản xuất năng lượng từ viên nén
Tiến sĩ Lee, Soo Min - Chuyên gia Nghiên cứu cao cấp, Ban Vật liệu công nghiệp rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Quốc gia Hàn Quốc
Trên thế giới, từ nay đến năm 2030, năng lượng sinh khối rắn sẽ chiếm ưu thế so với sinh khối lỏng và khí. Xu thế sản xuất điện từ dăm gỗ và viên nén đang ngày càng phát triển trên toàn cầu. Dăm gỗ có 2.700 kcal/kg, độ ẩm 25%, tuy nhiên hình dạng không đồng nhất nên các nhà máy nhiệt điện phải lắp đặt thêm thiết bị phụ trợ. Viên nén gỗ có nhiệt lượng 4.500 kcal/kg, độ ẩm 10% - đây là dạng nhiên liệu rắn đã qua xử lý tạo hình dạng nhân tạo, rất phù hợp với tất cả các loại dây chuyền nhiệt điện than chuyển đổi sang nhiệt điện viên nén, mà không cần lắp đặt thêm thiết bị phụ trợ.
Khoảng 45 triệu tấn viên nén gỗ đã được sử dụng trong việc phát điện trên toàn thế giới vào năm 2021, tăng 15% so với năm trước 2020. Do chiến tranh Ukraine-Nga, nhu cầu viên nén gỗ toàn cầu đang có xu hướng chiếm lĩnh thị trường trong năm 2022. EU là thị trường viên nén gỗ lớn nhất thế giới - khoảng 60% năng lượng tái tạo là năng lượng sinh học, trong đó khoảng 70% là nhiên liệu sinh học rắn, và khuynh hướng sử dụng năng lượng tái tạo (nhiệt, điện) trong sản xuất đang ngày càng tăng. EU cũng chiếm 55% thị trường toàn cầu và mức tiêu thụ dự kiến sẽ tăng lên 24,3 triệu tấn vào năm 2022. Việc sử dụng viên nén gỗ cho khu dân cư và thương mại quy mô nhỏ (và trung bình) chiếm khoảng 70% lượng tiêu thụ của EU, 30% còn lại là sử dụng cho ngành công nghiệp quy mô lớn. Về sản xuất, EU cũng chiếm 45% sản lượng viên gỗ của thế giới và sản lượng ước tính là 20,2 triệu tấn vào năm 2022.
Tại EU, nhu cầu viên nén đã vượt xa sản lượng sản xuất trong 10 năm qua, dẫn đến việc nhập khẩu tăng đáng kể. Năm 2021, lượng nhập khẩu viên nén gỗ của EU đạt 5,4 triệu tấn, trong đó nhập khẩu từ Hoa Kỳ là 1,85 triệu tấn.
Tại Nhật Bản, do nhu cầu về sinh khối vượt quá nguồn cung trong nước nên hiện nay mỗi năm Nhật Bản phải nhập khẩu từ 3-5 triệu tấn viên nén.
Tại Hàn Quốc, với sự ra đời của cơ chế RPS vào năm 2011, viên nén gỗ dùng trong phát điện đã được chính thức sử dụng ở Hàn Quốc và lượng nhập khẩu viên nén gỗ cũng tăng lên. Quy mô thị trường viên nén gỗ trong nước ước đạt 4,49 triệu tấn vào năm 2022 (bao gồm cả nhập khẩu và tự sản xuất). Trong đó sản xuất trong nước mới đáp ứng được 15,8% nhu cầu viên nén của các nhà máy điện tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc hiện có khoảng 20 cơ sở sản xuất viên nén, hầu hết trong số đó là quy mô nhỏ (dưới 10.000 tấn/năm) và chỉ có 3 cơ sở lớn, tổng năng lực sản xuất ước tính khoảng 1 triệu tấn/năm. Ngoài ra, 2 nhà máy sản xuất viên nén gỗ sử dụng sinh khối rừng trồng nhưng chưa đi vào hoạt động, công suất thiết kế 300.000 tấn/năm.
Nhập khẩu viên nén gỗ của Hàn Quốc năm 2022 là 3,78 triệu tấn. Hàn Quốc nhập khẩu 95% lượng viên nén gỗ từ 3 quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Việt Nam và Malaysia. Trong đó, Việt Nam là thị trường nhập khẩu viên nén gỗ quan trọng của Hàn Quốc. Năm 2022, Hàn Quốc đã nhập từ Việt Nam 2,2 triệu tấn, chiếm 80% lượng nhập khẩu.
Tại Hàn Quốc, nhiều nhà máy phát điện sử dụng viên nén đang tiếp tục được xây dựn hoặc nằm trong kế hoạch xây dựng. Vì vậy, nhu cầu viên nén tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới, dự tính lên 6 triệu tấn vào năm 2025.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.