Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Kinh tế xanh là con đường chắc chắn phải chọn
MTXD - Tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 diễn ra chiều 10/4 tại Hải Phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết: “Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo; nghiên cứu chuyển giao công nghệ; phát triển vật liệu mới, chíp, bán dẫn; phát triển kinh tế số, Chính phủ số, chính quyền số, chuyển đổi xanh trong giao thông, phát triển đô thị thông minh, bảo vệ môi trường”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn chiều 10/4.
Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2024 (lần thứ 4) do Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức chiều 10/4.
Theo Phó Thủ tướng, cuộc “cách mạng xanh" chỉ thành công khi có sự tham gia của các bên: Hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của cộng đồng quốc tế, kiến tạo môi trường thuận lợi của Chính phủ, triển khai quyết liệt ở các địa phương. “Điều kiện tiên quyết là tạo lập môi trường pháp lý cởi mở, minh bạch, thuận lợi, kiến tạo phát triển, có tính cạnh tranh; hệ thống hạ tầng đồng bộ bao gồm hạ tầng số và nguồn nhân lực”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết.
Quốc hội, Chính phủ đã và đang tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý cho tiến trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững được Quốc hội, Chính phủ thúc đẩy trong Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai… với các chính sách ưu đãi, điều kiện thuận lợi trong tiếp cận đất đai đối với nghiên cứu, phát triển, sản xuất công nghệ cao, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số; thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải và địa bàn ưu khó khăn để vừa thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế vừa thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Trong lộ trình đến năm 2025, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ, điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, luật công công nghiệp công nghệ số, cơ chế phát triển các ngành công nghiệp mới, cơ chế mua bán điện trực tiếp, phát triển thị trường tín chỉ carbon...
Phó Thủ tướng cho biết: Việt Nam đã tham gia từ sớm các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Tại các Nghị quyết của Đảng, Việt Nam cũng đã xác định lựa chọn phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã ký cam kết Net-Zero vào năm 2050, một mục tiêu hết sức thách thức cả với nhiều nước phát triển.
Việt Nam đã có các chiến lược về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... Bên cạnh đó, môi trường pháp lý về chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo cũng đang được khẩn trương hoàn thiện. “Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác, kinh tế xanh là con đường chắc chắn phải chọn”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ mong các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp phân tích cơ hội, thách thức từ cả góc độ Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp; từ những bài học thành công, thực tiễn sinh động đóng góp trong hoàn thiện thể chế kiến tạo, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng dựa trên các tiêu chuẩn mới về môi trường, khí hậu, loại bỏ dần các ưu thế cạnh tranh dựa vào tài nguyên; các cơ chế tài chính, đầu tư, công nghệ, quản trị; các cơ chế chính sách để tận dụng cơ hội từ và giải quyết các thách thức mới như an ninh, an toàn trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo.
“Kiến nghị, đề xuất các cơ chế hợp tác hữu hiệu giữa các Chính phủ các nước phát triển và các nước đang phát triển; giữa Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển một số công nghệ lõi như: Năng lượng mới, hydrogen, chip, bán dẫn; xác định rõ các nội dung Chính phủ cần phải tập trung ưu tiên đầu tư để đóng vai trò thúc đẩy đầu tư tư nhân trong các lĩnh vực hạ tầng số, hạ tầng xanh”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề xuất.
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), các công nghệ và xu hướng mới, nổi lên là trí tuệ nhân tạo (AI) và giảm phát thải carbon sẽ là 2 nhân tố quyết định trong chu kỳ phát triển mới của thế giới. Chat GPT (công cụ trí tuệ nhân tạo AI) chỉ mất 2 tháng để đạt 100 triệu người dùng, trong khi các ứng dụng khác phải mất vài năm, thậm chí 10 năm.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu tại sự kiện.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, để phát triển các công nghệ mới, nhất là bán dẫn, AI, nhu cầu về tiêu thụ điện năng, nhất là điện sử dụng năng lượng sạch sẽ tăng gấp nhiều lần. Năng lượng xanh, bền vững sẽ là bài toán phức tạp nhất đối với các nền kinh tế muốn phát triển các ngành công nghệ mới trong thời gian tới.
"Vấn đề cấp bách hiện nay là biến các cam kết thành các hành động; biến các ý tưởng, sáng kiến thành nguồn lực; biến mong muốn, tầm nhìn thành những kết quả cụ thể để không nước nào bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực xanh hóa nền kinh tế toàn cầu một cách bền vững", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề xuất thành lập Khu kinh tế xanh đầu tiên của Việt Nam tại Hải Phòng.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Thành phố (TP) Hải Phòng cho biết: Hải Phòng là một trong những địa phương tiên phong của cả nước trong thực hiện chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh. Qua hơn 10 năm thực hiện, TP Hải Phòng luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về kết quả phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Lê Tiến Châu đề xuất ba vấn đề chính. Thứ nhất, Chính phủ và các địa phương cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện và cách tiếp cận phù hợp, để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, trước mắt cho phép thí điểm các mô hình kinh tế mới, theo hướng xanh, bền vững.
Thứ hai, chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện đặc thù và năng lực khác nhau của các địa phương (chẳng hạn địa phương có thế mạnh về nông nghiệp sẽ cần có những yêu cầu và lộ trình khác địa phương đã có nền tảng phát triển công nghiệp). Do đó, các địa phương trên cả nước cần nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích vì mục tiêu chung của Chính phủ.
Thứ ba, hưởng ứng định hướng chiến lược của Chính phủ về phát triển xanh, bền vững, TP Hải Phòng đang khẩn trương, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam TP Hải Phòng theo định hướng khu kinh tế xanh đầu tiên tại Việt Nam; đồng thời phát triển quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến du lịch “xanh”.
"TP Hải Phòng rất mong muốn nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương bạn đối với đề xuất này", ông Lê Tiến Châu cho biết.
Theo Minh Phương/Báo Tin tức
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.