Phú Yên: Những người vượt khó làm giàu trên mảnh đất quê hương
MTXD - Trong những năm qua, phong trào thi đua Vì người nghèo đã được các ban ngành, đoàn thể và nhân dân thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú yên đồng lòng hưởng ứng, thực hiện. Trong phong trào đó đã có nhiều mô hình của những nông dân năng động, sáng tạo, làm giàu chân chính trên mảnh đất quê hương, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Điển hình như anh Đoàn Ngọc Kính, sinh năm 1985, ở thôn Bình Nông, xã Xuân Lâm đã vươn lên làm giàu và tạo việc làm thêm cho người lao động địa phương từ mô hình nuôi gà trang trại. Với quy mô trang trại khoảng khoảng hơn 1.500 m2, anh Kính đã đầu tư chăn nuôi khoảng 5000 con gà/mỗi lứa; chuồng trại được xây dựng theo hệ thống, phù hợp với kỹ thuật nhằm đảm bảo thích hợp với đặc tính của vật nuôi, thuận tiện trong hoạt động chăm sóc, tiết kiệm sức lao động, giảm ô nhiễm môi trường và giúp vật phát triển tốt, đạt năng suất cao nhất, thu nhập ổn định khoảng hơn 200 triệu đồng/năm.
Một góc thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên)
Một điểm khác là ông Đinh Văn Bá, Thôn Hòa Hiệp, xã Xuân Thịnh với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, thu nhập gần 1,5 tỷ đồng/năm. Năm 2012, từ số vốn tích góp và vay mượn của anh em bạn bè, sự hỗ trợ của người thân, ông Bá đầu tư 1,5 ha đìa nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình nuôi truyền thống. Những năm đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm cùng với số vốn còn ít, thêm vào đó tại thời điểm ông bắt đầu nuôi, môi trường, nguồn nước, dịch bệnh xảy ra liên tục nên có những vụ tôm mất trắng hoặc năng suất, sản lượng thấp. Với quyết tâm không chùn bước trước những khó khăn, thử thách, ông đã tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho các đối tượng thủy sản do địa phương phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức. Cùng với đó, ông còn đi thăm quan, học hỏi tại những mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng và cập nhật kiến thức thủy sản qua các phương tiện thông tin truyền thông… Khi tìm hiểu kỹ thuật nuôi tôm trong nhà bạt, ông nhận thấy mô hình này có ưu điểm là việc che chắn sẽ làm cách ly môi trường bên ngoài và nhiệt độ ổn định không thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho thủy sản phát triển. Đầu năm 2017, ông đã quyết định đầu tư 150 triệu đồng làm 2.000 mét vuông ao nuôi nhà bạt có mái che, vụ đầu nuôi thả anh thu về lợi nhuận trên 400 triệu đồng. Hiện nay, diện tích nuôi tôm của gia đình ông Bá tăng lên 10 ao nuôi với 20.000 m2, trong đó có 2 ao nuôi theo mô hình nuôi tôm trong nhà bạt với diện tích 4.000 m2 và 4 ao nuôi quảng canh cải tiến còn lại là ao nuôi quảng canh. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư 3 ao chứa nước để xử lý trước khi đưa nguồn nước vào các ao nuôi. Nhờ thị trường tiêu thụ ổn định, cùng với thời tiết thuận lợi, ít dịch bệnh, tôm phát triển tốt, mỗi năm gia đình ông Bá thu được 9 tấn tôm, thu nhập gần 1,5 tỷ đồng; đồng thời tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6- 8 lao động với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thời vụ cho 8- 10 người với mức thu nhập 250-300 nghìn đồng/người/ngày.
Mô hình nuôi tôm ở TX Sông Cầu
Còn anh Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1987, ở Khu phố Long Bình, phường xuân Phú, với mô hình nuôi heo rừng lai, rùa và ong dú, anh đã có thu nhập gần 300 triệu đồng/ năm. Năm 2020, từ số vốn tích góp và vay mượn của anh em bạn bè, sự hỗ trợ của người thân, anh Cường đã mạnh dạn đầu tư 4 con heo rừng lai về nuôi theo hướng bán hoang dã. Anh đã tìm hiểu kỹ thuật nuôi trên các thông tin đại chúng và đi tham quan các mô hình nuôi heo trong tỉnh. Ngay lứa đầu tiên, đàn heo phát triển tốt, con giống khỏe mạnh. Trung bình hàng năm, heo mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa 7-8 con, cá biệt có lứa 9-10 con. Hằng năm gia đình anh xuất bán từ 50-60 con, sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc, thu về từ 70-80 triệu/năm. Ngoài nuôi heo rừng lai, anh còn nuôi rùa nước và ong dú, là loại động vật có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường khá lớn, đem về thu nhập cho gia đình anh mỗi năm khoảng 300 triệu đồng. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con địa phương cách nuôi heo rừng lai, rùa nước và ong dú để làm kinh tế, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.
Còn nhiều nữa những tấm gương người nông dân, nhất là nông dân trẻ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương./.
Phạm Hoàn
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.