Quản lý cây xanh phù hợp với hạ tầng và kiến trúc đô thị

MTXD - Cây xanh đô th Hai thực thể này luôn tồn tại song hành và có tác động qua lại với nhau. Do đó, công tác quản lý cây xanh và hạ tầng là một nhiệm vụ lâu dài và trường kỳ.

MTXD - Cây xanh và hạ tầng đô thị, hai thực thể này luôn tồn tại song hành và có tác động qua lại với nhau. Do đó, công tác quản lý cây xanh và hạ tầng là một nhiệm vụ lâu dài và trường kỳ.

I. Đặt vấn đề

Cây xanh là một thành phần cơ bản trong hệ sinh thái tự nhiên và luôn gắn liền với quá trình phát triển của đô thị. Cây xanh kết hợp với hạ tầng, công trình kiến trúc tạo thành cảnh quan cho khu đô thị, thành phố. Trong những năm qua các thành phố, đô thị của Việt Nam không ngừng phát triển hệ  thống cây xanh đô thị với mục tiêu: cải tạo cảnh quan đô thị, xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp; xây dựng thành phố đáng sống, cải thiện môi trường sống... Do đó, nhu cầu về phát triển, quản lý và duy trì cây xanh tại các khu đô thị, thành phố, khu vực nông thôn mới không ngừng tăng lên. Cây xanh và hạ tầng đô thị luôn song hành cùng nhau, tác  qua lại lẫn nhau tạo thành hiện trạng hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, cây xanh là một thực thể sống, cây không ngừng sinh trưởng và phát triển, nên làm thế nào để quản lý, chăm sóc và duy trì cây xanh để không làm ảnh hưởng đến hạ tầng và kiến trúc đô thị là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi cần có những nghiên cứu cụ thể từ khâu quy hoạch, thiết kế, lựa chọn loài cây trồng, kỹ thuật trồng, duy trì, chăm sóc để đảm bảo cảnh quan đô thị luôn được ổn định.

II. Hiện trạng cây xanh và hạn tầng, kiến trúc đô thị

Trong những năm qua, công tác quản lý, phát triển cây xanh đô thị trên cả nước đã đạt được rất nhiều thành quả đáng khích lệ, luôn được các cấp chính quyền và nhân dân ủng hộ, góp phần không nhỏ vào thay đổi diện mạo đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý cây xanh và hạ tầng, kiến trúc đô thị tại Việt Nam còn một số vấn đề sau:

2.1. Hạ tầng, kiến trúc đô thị tác động đến cây xanh

Do áp lực của quá trình đô thị hóa, phát triển hệ thống hạ tầng, công trình kiến trúc nên diện tích cây xanh tại rất nhiều thành phố của Việt Nam chưa đảm bảo tiêu chuẩn đã đặt ra.

Ngoài ra, trong quá trình phát triển đô thị thì cây xanh và hạ tầng đô thị luôn tồn tại một số vấn đề sau:

Khoảng cách từ các công trình hạ tầng, công trình kiến trúc đến vị trí trồng cây thường không được đảm bảo theo tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành như: Kích thước vỉa hè chưa tương thích với nhóm cây trồng, kích thước cây trồng; khoảng cách từ cây trồng đến công trình hạ tầng, kiến trúc thường quá gần dẫn đến hiện tượng cây trồng bị lệch tán, cây nghiêng. Ngoài ra, do hệ rễ và tán cây xanh thường phát triển tự do nên khi trồng quá gần có thể xâm hại đến hạ tầng và kiến trúc đô thị;

Để tiết kiệm diện tích cũng như mỹ quan trong đô thị thì nhiều hạng mục công trình thường được bố trí ngầm dọc vỉa hè các tuyến đường bao gồm: Đường điện; đường cấp, thoát nước; đường mạng; đường cáp quang… nên kích thước và độ sâu của hố trồng cây xanh thường không được đảm bảo theo tiêu chuẩn thiết kế, cá biệt có một số dự án do diện tích vỉa hè nhỏ nên cây được trồng trực tiếp lên hệ thống ống ngầm dẫn đến không gian phát triển của bộ rễ cây bị hẹp hơn rất nhiều so với cây trồng ngoài tự nhiên.
Đối với nhiều khu vực, tuyến phố cũ do yêu cầu của công tác chỉnh trang đô thị nên rất nhiều tuyến đường chúng ta bê tông hóa, xây dựng hệ thống thoát nước mặt, những khu vực có cây xanh ta tiến hành xây bồn cây. Điều này dẫn đến lớp đất trồng cây không có khả năng thấm nước mặt, hệ rễ của cây không còn tác dụng cố định nước và cây xanh sẽ thiếu lượng nước để sinh trưởng. Ngoài ra, quá trình bê tông hóa cũng là do lớp đất bị bí, không thoáng khí và rễ cây không hô hấp được. Còn đối với đô thị, nếu lượng mưa quá lớn hệ thống thoát nước mặt không đáp ứng được sẽ gây ra hiện tượng ngập úng cục bộ.

Lớp đất xung quanh hố trồng cây sau khi đã xây dựng công trình hạ tầng thường bị lu nèn để đảm bảo chất lượng công trình hạ tầng dẫn đến hệ rễ của cây trồng không phát triển được ra xung quanh do lớp đất quá chặt, hệ rễ chỉ phát triển quanh khu vực hố trồng cây hoặc phát triển lên bề mặt vỉa hè từ đó dẫn đến hiện tượng cây mới trồng thường bị bật gốc vào mùa mưa hoặc phá hỏng bề mặt vỉa hè.

Đối với những cây trồng lâu năm do quá trình cải tạo, chỉnh trang đô thị, vỉa hè đường phố, hạ ngầm công trình đã chặt bỏ các rễ ngang của cây dẫn đến cây yếu và hệ rễ không đủ khả năng giữ chống đỡ cho cây khi gặp mưa bão.

2.2. Cây xanh tác động đến hạ tầng, kiến trúc đô thị

Đối với cây xanh đô thị thì bộ rễ chính là cơ quan gặp phải nhiều vấn đề nhất, ví dụ như không đủ đất, không đủ dinh dưỡng, vướng vào hạ tầng đường sá, đường điện, đường nước ngầm, đất chặt, đất ô nhiễm, cằn cỗi, thiếu nước hoặc ngập úng, các tác động cơ học đè nén...

Những đặc điểm môi trường này là đặc trưng của mọi đường phố và ảnh hưởng đến bộ rễ cây rất nhiều, thường làm cho cây kém phát triển. Nhằm thích ứng với vấn đề này cây xanh đô thị thường tác động ngược lại hạ tầng, kiến trúc đô thị như: (hình 1)

Rễ cây ăn nông, nổi sát mặt đất thành ụ, khiến cho cây dễ đổ: Nguyên nhân chính dẫn đến việc rễ cây ăn nổi nói trên là do: 1) Nền đất phía dưới quá chặt khiến bộ rễ cây không thể đâm sâu xuống được; 2) Mực nước ngầm quá cao: Rễ cây tuy hướng về phía đất ẩm, nhưng không thể đâm vào chỗ ngập nước, vì ở đó không có không khí và cây sẽ bị thối rễ; 3)
Phía trên quá màu mỡ: Khi đất phía trên được tưới nước, bón phân, vun xới từ đó màu mỡ và thoáng khí hơn lớp đất phía dưới thì rễ cây sẽ ăn nổi ở trên mà không ăn sâu xuống dưới.

Rễ phá hỏng mặt đường nhựa: Đường nhựa bị phá hỏng bởi một mạng rễ con dày đặc chứ không phải rễ chính của cây. Lớp rễ con này mọc xen vào giữa lớp đất dưới đã được lu chặt với lớp đường trải nhựa phía trên. Khi cây lớn, lớp rễ dưới lòng đường ngày một dày đặc, vững chắc. Khi gặp gió lớn thổi vào cây khiến cây rung lắc mạnh, cả bộ rễ sẽ nâng mặt đường lên theo nguyên tắc đòn bẩy từ từ phá hủy hệ thống đường.

Rễ cây phá hỏng hạ tầng xây dựng, đường ống ngầm: Do thiếu không gian và nguồn chất dinh dưỡng nên hệ rễ chính của cây luôn có cơ chế tự tìm đến những khu vực có nguồn nước, khu vực thoáng khí. Do đó, các ke dọc công trình hạ tầng, đường ống ngầm là những khu vực rễ chính của cây phát triển mạnh. Sau thời gian thì hệ thống ống ngầm, hạ tầng xây dựng bị phá vỡ liên kết dẫn đến hỏng.

2.3. Công tác quản lý cây xanh đô thị

2.3.1. Lựa chọn loài

Trong quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam thì cây xanh là sản phẩm minh chứng cho từng giai đoạn lịch sử của đô thị. Trong các khu phố cũ, đường phố với những cây gỗ lớn như sao đen, sấu, xà cừ, nhội, dầu được trồng thành hàng kết hợp với đường phố, kiến trúc thấp tầng tạo nên vẻ khang trang và sang trọng.

Sau giải phóng, với tinh thần trăm hoa đua nở thì quan điểm cái đẹp của cây xanh đô thị có sự thay đổi. Nhiều loài cây trồng mới được lựa chọn như: bằng lăng, phượng đỏ, lim xẹt, muồng vàng, ban tây bắc...

Tuy nhiên, trên thực tế hiệu quả của những cây trồng này trong đô thị chưa cao, không tạo nên đường cây đẹp và đặc trưng do các yếu tố sau: 1) Cây thường có tán tự do, khi trồng trong đô thị cần phải cắt tỉa, khống chế tán nên cây không còn đẹp; 2) Các cây trồng có hoa rực rỡ với hạ tầng, kiến trúc nhỏ, đa dạng và cầu kỳ nên sẽ tạo cảm giác hỗn loạn.

Đặc biệt, trong giai đoạn gần đây, cây xanh đô thị được lựa chọn có rất nhiều loài cây chưa được kiểm chứng, trồng thử nghiệm như: bàng Đài Loan, phong linh, mỹ nhân, kèn hồng, muồng hoàng yến; phượng tím, gạo... Những loài cây trồng mới này là cây phát triển nhanh, hoa đẹp và rực rỡ rất thích hợp cho quảng bá và thu hút du khách. Tuy nhiên, đây là những cây mọc nhanh nên tuổi thọ của cây trồng không cao, cành thường giòn dễ bị gãy đổ khi có gió to và bão.

2.3.2. Kích thước cây trồng đô thị

Trong tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 đã quy định rõ kích thước, tiêu chuẩn cây trồng đô thị. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ yêu cầu kích thước tối thiểu điều này, dẫn đến hiện tượng những năm gần đây quá trình đô thị hóa, đặc biệt là thị trường bất động sản phát triển, nên quan điểm triển khai các dự án về cảnh quan, đặc biệt là công tác trồng cây xanh phải “một ngày thành cảnh, một đêm thành rừng” phát triển rất nhanh nhằm thu hút khách hàng. Do đó, cây trồng sử dụng trong đô thị phải là những cây có kích thước lớn. Nhu cầu này đã hình thành lên hệ thống cung cấp, khai thác cây rộng khắp để phục vụ cho quá trình đô thị hóa. Hiện tượng này sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụi như: 1) Hệ thống hạ tầng đô thị, kích thước hố trồng cây, độ sâu lớp đất trồng chưa phù hợp với những cây có kích thước lớn; 2) Cây có kích thước lớn khi triển khai trồng tại các đô thị do hệ rễ chưa phát triển nên phải thường xuyên kiểm tra hệ thống cọc chống và cắt tỉa để đề phòng mưa bão; 3) Quan điểm này dẫn đến hiện tượng người dân khai thác cây trong rừng tự nhiên, vườn nhà ảnh hưởng đến môi trường sinh thái khu vực bị khai thác. (hình 2)

2.3.3. Chăm sóc, duy trì cây xanh đô thị

Công tác chăm sóc, duy trì cây xanh đô thị trong những năm qua đã có nhiều thành tích. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các vấn đề như:

Cây xanh đô thị cắt tỉa chưa đúng kỹ thuật dẫn đến:

1) Cây hình thành u sẹo sau cắt tỉa: Khi cắt tỉa cành cây xanh do để lại một phần cành còn sót lại trên thân, cành này không có khả năng ra trồi mới sau thời gian dài sẽ hình thành các u bướu trên thân cây. Hiện tượng này gây mất mỹ quan cho cây và ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông trong đô thị. (hình 3)

2) Hiện tượng mọc trồi mới trên thân cây sau khi cắt tỉa: Sau khi cắt tỉa cành cây không đúng kỹ thuật dẫn đến hiện tượng một số chồi mới được hình thành trên cành cây cắt tỉa và bám vào thân cây không chắc nên có thể gây ra hiện tượng gãy cành hoặc lại phải đi cắt tỉa chồi tái sinh lần 2. (hình 4)

3) Hiện tượng cành cây bị mục, khô cành: Sau khi cắt tỉa cành cây không đúng kỹ thuật một số cành cây không có khả năng phục hồi sinh trưởng và không thể ra chồi mới sẽ hình thành hiện tượng khô cành và rụng tự nhiên. Cành không rụng được sau thời gian sẽ bị mục gây ảnh hưởng đến sức khỏe và mỹ quan cho cây.

III. Giải pháp quản lý cây xanh phù hợp với hạ tầng và kiến trúc đô thị 
3.1. Cần sớm quy hoạch cây xanh hoặc xây dựng đề án phát triển cây xanh đô thị

Việc quy hoạch cây xanh đô thị hoặc lập đề án phát triển cây xanh đô thị đã sớm được quy định trong Nghị định 64/2010/ -CP về quản lý cây xanh đô thị. Trong đó yêu cầu quy hoạch phải: Phù hợp với yêu cầu và mục tiêu của quy hoạch đô thị, với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, tính chất, chức năng, truyền thống, văn hóa và bản sắc của đô thị; Kết hợp hài hòa với không gian mặt nước, cảnh quan và môi trường, đáp ứng các yêu cầu về quản lý và sử dụng; Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, thiết kế cây xanh đô thị.

Quá trình quy hoạch và lập đề án phát triển cây xanh đô thị cần đảm bảo mục tiêu về tiêu chuẩn diện tích đất xanh sử dụng công cộng; phân tích nhóm chủng loại cây trồng, cây bản địa, cây truyền thống đã thuần chủng làm cây chủ lực phát triển và liên tục khảo nghiệm để xây dựng danh mục cây trồng mới.

Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều thành phố, đô thị chưa triển khai quy hoạch cây xanh hoặc chưa có đề án phát triển cây xanh đô thị. Từ đó dẫn đến hiện tượng cây trồng phát triển tự phát không có quy định về chủng loại, kích thước cụ thể; trong cùng một đô thị nhiều tuyến phố trồng cùng một loài cây dẫn đến cảnh quan đơn điệu, cá biệt có một số thành phố trồng những loài cây nằm trong danh mục cây không nên trồng. Do đó, để phát triển hệ thống cây xanh bền vững các thành phố, đô thị cần sớm có Quy hoạch cây xanh đô thị hoặc có đề án phát triển cây xanh.

3.2. Sớm bổ sung tiêu chuẩn, quy định mới thiết kế hạ tầng, cây xanh đô thị

Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, hệ thống hạ tầng đô thị ngày càng phát triển, nhiều hạng mục hạ tầng đô thị mới được đầu tư như đường sắt trên cao; hệ thống giao thông ngầm; ngầm hóa hệ thống đường điện, kiên cố hóa vỉa hè, kênh mương... Những công trình này
ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống cây xanh đô thị. Do đó, cần sớm bổ sung tiêu chuẩn, quy định mới thiết kế hạ tầng cây xanh đô thị như: Quy định về cây trồng dưới công trình đường sắt, cây trồng lan can hoặc giải phân cách đường trên cao; Quy định thiết kế tích hợp hệ thống hạ tầng ngầm bên dưới lòng đường giao thông cơ giới thay vì bên dưới vỉa hè đối với những tuyến đường phù hợp; Bố trí hệ thống ống hạ tầng kỹ thuật ngầm trong phần diện tích song song với vị trí trồng cây xanh; Quy định về kích thước hố trồng, vật liệu phủ trên bề mặt hố trồng cây; Quy định về giải pháp thiết kế cảnh quan công viên, cây xanh đường phố kết hợp với chống ngập úng tạm thời trong đô thị (Vườn mưa - Rain garden).

3.3. Cần có quy định về loài cây, kích thước cây xanh trồng trong đô thị
Mỗi loại cây xanh đô thị có đặc tính về sinh lý thực vật khác nhau, cây có thể trồng được vùng này, nhưng không trồng được ở vùng khác; cây mọc nhanh thì cành giòn, dễ gãy... Do đó, cần sớm nghiên cứu xây dựng các quy định về danh mục loài cây đô thị cho các thành phố với các tiêu chuẩn sau:

1) Ưu tiên các loài cây bản địa,

2) Đất nào cây đấy,

3) Công năng sử dụng,

4) Tiết kiệm kinh tế.

Để phát triển cây xanh bền vững và hiệu quả cần sớm ban hành các quy định về kích thước và số tay cành về cây trồng khi đưa vào đô thị (Bao gồm: Đường kính thân; đường kính tán; chiều cao phân cành; chiều cao vút ngọn; cây phải qua chăm sóc cắt tỉa, tạo hình và tạo tán tại vườn ươm…).

3.4. Khuyến kích nghiên cứu, thử nghiệm các loại vật liệu, giá thể mới trong phát triển cây xanh đô thị

Hiện nay, khoa học công nghệ phát triển mạnh, đặc biệt là khoa học vật liệu và cây trồng. Vì vậy, nhà nước cần khuyến khích công tác nghiên cứu tìm hiểu các loại vật liệu mới vừa có tác dụng xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa có tác dụng tạo không gian và môi trường sống cho cây như: Hệ thống gạch, bê tông có khả năng ngấm nước, thoáng khí dùng trong xây dựng vừa có vai trò hấp thụ lượng nước mặt vào mùa mưa vừa giúp bộ rễ cây sinh trưởng và phát triển bình thường như trong tự nhiên; hoặc phát triển các loại giá thể có khả năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trong thời gian dài để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường đô thị.

3.5. Giải pháp kỹ thuật đối với cây xanh

Giải pháp chăm sóc cắt tỉa: Cần khuyến khích nâng cấp đầu tư trang thiết bị hiện đại như xe tự hành, cưa cắt cành, khuyến khích sự tham gia của các chuyên gia, người có chuyên môn hướng dẫn vận hành và cắt tỉa cây xanh đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn và mỹ quan. (hình 5)

Cần có cán bộ chuyên môn kiểm tra định kỳ để cắt tỉa cành cây sinh trưởng phát triển kém, cành có khả năng gãy, cành làm lệch tán, cành quá dài hoặc cành nhiều lá. Giám sát cắt tỉa và tạo tán: Căn cứ vào yêu cầu và mục tiêu thiết kế để tạo tán cho cây. Có thể tạo tán hình tròn, trứng, bầu dục. (hình 6)

Giải pháp hạn chế cây đổ gãy: Thay thế những loài cây không phù hợp, cây sâu bệnh, cây mục gốc bằng những cây đã được kiểm chứng và hình thái tán khống chế từ trong giai đoạn vườn ươm; Khống chế chiều cao, thu gọn tán lá ở một mức độ thích hợp và đồng nhất; Phải có giải pháp thi công hợp lý bao gồm tiêu chuẩn cây trồng và thời vụ và kỹ thuật trồng cây thay thế; Có giải pháp chống dựng hợp lý đối với cây mới trồng và những cây to, cây cổ thụ. Kỹ thuật hạ tầng cho bộ rễ: Cây xanh đô thị được xác định như một dạng Bonsai. Để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt chúng ta thấy cần phải tìm mọi cách để mở rộng không gian cho bộ rễ cây. (hình 7,8)

Nguyên lý chung nhất của kỹ thuật này là thay vì một bộ rễ trải rộng trên mặt đất như ngoài tự nhiên, chúng ta phải tạo những không gian theo chiều thẳng đứng, những không gian nằm ngang nhưng sâu dưới lòng đường và tận dụng những không gian xen kẽ giữa các đường ống hạ tầng
chằng chịt dưới lòng đất, nhưng không được làm ảnh hưởng đến những đường ống này. Những không gian sâu chúng ta có thể tạm gọi là những “giếng rễ”, loại mặt bằng dưới mặt đường ta có thể gọi là những “thảm rễ ngầm”, và những đường ống dẫn rễ chạy dọc theo các ống hạ tầng có thể được gọi là những “đường cao tốc rễ”.

Hãm cây: Do các yếu tố về hạ tầng và không gian trong đô thị để cây trồng sinh trưởng và phát triển bình thường giống tự nhiên là rất khó do đó cần phải có các giải pháp về kỹ thuật hãm cây. Kỹ thuật này dựa trên nguyên lý trồng, chăm sóc cây Bonsai đó là tiêu chuẩn cây trồng đầu vào trong đô thị phải được lựa chọn, huấn luyện và cắt tỉa từ giai đoạn cây con đến giai đoạn cắt tỉa sinh dưỡng, khống chế bộ rễ đến khi cây sinh trưởng và phát triển ổn định tại vườn ươm thì có thế đưa ra trồng trong những chậu lớn hoặc hố trồng được thiết kế từ trước. Thành phần giá thể trồng cây này cũng cần có sự tính toán và sử dụng riêng. Khi đó, cây sẽ được khống chế cả hệ rễ và tán lá để đảm bảo sinh trưởng phát triển tốt trong môi trường đô thị.

IV. Kết luận

Cây xanh đô thị và hạ tầng, kiến trúc đô thị là hai thực thể cấu thành lên hệ thống hạ tầng đô thị. Hai thực thể này luôn tồn tại song hành và có tác động qua lại với nhau, trong đó cây xanh là yếu tố có tính sinh học và sinh thái vì thế nên cây không ngừng sinh trưởng và phát triển tác động lên hệ
thống hạ tầng. Do đó, công tác quản lý cây xanh đô thị phù hợp với hạ tầng là một nhiệm vụ lâu dài và trường kỳ. Công tác này cần triển khai từ giai đoạn quy hoạch cây xanh đô thị; lựa chọn loài cây trồng; trồng cây đến giai đoạn chăm sóc cắt tỉa; kỹ thật hạ tầng bộ rễ; hãm cây. Vì thế, các cụ ngày xưa có câu “Một công trồng, ba công chăm”./.

TS. ĐẠI HOÀNG PHI

Trường Đại học Lâm nghiệp

Tài liệu tham khảo:

- Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị.

- Thông tư 20/2005/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị.

- Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng (2012), TCVN 9257:2012

- Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế.

- Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng (2009), TCVN 8270:2009 - Quy hoạch cây xanh sử dụng hạn chế và chuyên dụng trong đô thị

-Tiêu chuẩn thiết kế.

- Phạm Anh Tuấn (2016) Thực trạng công tác quản lý và phát triển cây xanh đô thị hiện nay tại Hà Nội. Tạp chí Quy hoạch & Tác giả.

- Lê Sỹ Việt, Phó Đức Tùng (2002) Hướng tới quan điểm sinh thái trong quy hoạch cây xanh đô thị. Tạp chí NN&PTNT.

- Ngô Quang Diệp (2006) Một số giải pháp tác động hệ thống cây xanh đường phố ở TP.HCM. Tài liệu hội thảo.

- Đàm Thu Trang (2007) Lựa chọn cây xanh cho đường phố Hà Nội. Tạp chí Xây dựng.

- Heidger (2006) Định hướng kỹ thuật trồng cây xanh đô thị. Tài liệu hội thảo.
- Vũ Việt Anh (2021) Cây xanh đường phố từ hạ tầng kỹ thuật đến chiến lược hành lang sinh thái. Tạp chí Kiến trúc.
hạ tầng đô thị. Hai thực thể này luôn tồn tại song hành và có tác động qua lại với
nhau. Do đó, công tác quản lý cây xanh đô thị phù hợp với hạ tầng là một nhiệm vụ
lâu dài và trường kỳ.

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.