Quản lý phát triển cây xanh đô thị – Khu trung tâm đô thị, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái – Tỉnh Quảng Ninh

​MTXD - Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu trung tâm đô thị hiện hữu thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2022 với định hướng phát triển Khu trung tâm đô thị hiện hữu thành khu trung tâm dịch vụ, thương mại cửa khẩu gắn liền với cửa khẩu Bắc Luân I và II hình thành khu hợp tác thương mại quốc tế; l

MTXD - Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu trung tâm đô thị hiện hữu thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2022 với định hướng phát triển Khu trung tâm đô thị hiện hữu thành khu trung tâm dịch vụ, thương mại cửa khẩu gắn liền với cửa khẩu Bắc Luân I và II hình thành khu hợp tác thương mại quốc tế; là khu đô thị hiện trạng cải tạo gắn với bảo tồn hệ sinh thái cây xanh mặt nước nhằm tạo nên khu đô thị đồng bộ về không gian và hạ tầng kỹ thuật, tạo điểm nhấn về không gian đô thị, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I.

Mặc dù đóng vai trò cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc, trước sức ép phát triển đô thị và mức độ đầu tư hạ tầng cảnh quan chưa cao, chất lượng không gian kiến trúc cảnh quan đô thị khu vực trung tâm còn rất hạn chế. Hệ thống cây xanh đô thị chưa được phát triển mạnh, còn mang tính tự phát; hệ thống vườn hoa và công viên chưa phát huy được vai trò. Chính vì vậy, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái cần có những chủ trương và chính sách nhằm nâng cao chất lượng quản lý phát triển cây xanh đô thị, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, phát triển khu trung tâm đô thị theo hướng bền vững và hướng tới mục tiêu đề ra trong quy hoạch phân khu được duyệt.

Toàn cảnh TP Móng Cái (Ảnh: Đỗ Phương)

Thực trạng quản lý phát triển cây xanh đô thị

1. Cây xanh đô thị và cảnh quan đường phố

Cây xanh bóng mát trồng trên các tuyến phố Khu trung tâm đô thị phong phú và đa dạng. Khu vực trung tâm có khoảng 9.152 cây xanh bóng mát, thuộc 65 loài và 34 họ thực vật, được trồng trên các tuyến đường và vườn hoa công viên. Thành phần loài cây xanh bóng mát trên mỗi tuyến phố cũng rất đa dạng, cây trồng trên mỗi tuyến đường phần lớn là rất nhiều loài. Trung bình mỗi phố có từ 4 đến 22 loài cây, cá biệt có tuyến phố lên tới 25 loài như đường Nguyễn Du. Tuyến đường Hồ Xuân Hương có tổng cộng 5 cây thì thuộc 5 loài thực vật hay đường Gốc Khế có tổng cộng 24 cây xanh bóng mát thì có tới 15 loài cây. Thậm chí, trong các ngõ phố cũng có thành phần loài cây xanh rất đa dạng, ví dụ như ngõ 108 phố Yết Kiêu có tới 15 loài cây… Do đó, cây xanh bóng mát trồng trên các tuyến đường của Khu trung tâm đô thị khá hỗn loạn, không tạo được tính đặc trưng và có chất lượng cảnh quan thấp.

Hình 1. Tuyến đường được trồng thuần loài, hoặc từ 2 đến 3 loài cây xanh với hình thái tương đồng hoặc bố cục hài hòa đã tạo nên hiệu quả trong cải thiện môi trường vi khí hậu, gia tăng chất lượng cảnh quan đường phố; đồng thời đảm bảo không gian cho sự sinh trưởng, phát triển ổn định của cây xanh và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho dân cư đô thị – đường Lý Tự Trọng. (Nguồn: Phạm 2023)

Tuy nhiên, chất lượng cảnh quan đô thị và sức khỏe cây xanh đường phố tại các tuyến phố cũ có chất lượng tốt trên nhiều tuyến phố sử dụng thuần loài hoặc từ 2 đến 3 loài cây trên cùng một tuyến phố. Sự đồng nhất về thành phần loài cùng vỉa hè đảm bảo kích thước đã đem lại hiệu quả rất lớn cho chất lượng cảnh quan đường phố. Đây cũng thể hiện rõ sự đồng bộ trong công tác trồng và duy trì cây xanh trên các tuyến đường do các đơn vị nhà nước quản lý tại khu vực có khả năng kiểm soát tốt.

Trên các tuyến phố còn lại, cây do Nhà nước và người dân trồng đan xen lẫn nhau còn khá phổ biến. Hiện trượng này tạo nên hình ảnh tuyến phố không chỉ đa dạng về loài mà còn đa dạng về chiều cao và đặc điểm hình thái; tạo nên sự hỗn loạn của cảnh quan đường phố. Hiện tượng này xảy ra cả ở những tuyến phố thuộc các khu đô thị mới. Nhiều loài cây ăn quả như Bòng, Bưởi, Khế, Mít, Sung, Vả… được trồng nhiều trong khu trung tâm đô thị. Hơn nữa, nhiều loài cây không phù hợp trồng đường phố như Dâu da xoan, Trứng cá, Đào, Đào tiên, … cũng rất phổ biến. Hiện tượng này cho thấy mức độ quản lý cây xanh đô thị của Khu trung tâm đô thị còn nhiều bất cập.Sự đa dạng thành phần, loài cho thấy TP chưa có những quy định về quản lý phát triển và hướng dẫn lựa chọn loài cây xanh đô thị nhằm tạo lập giá trị bản sắc, cải thiện chất lượng không gian kiến trúc cảnh quan cho từng loại hình đường phố nói riêng và chất lượng cảnh quan đô thị nói chung.Không chỉ cây bóng mát, thành phần loài cây bụi và trồng thảm cũng rất đa dạng và là những loài cây xanh đô thị phổ biến. Khu trung tâm có tổng cộng 29 loài cây xanh thuộc 20 họ thực vật; được sử dụng linh hoạt tại các bồn cây, dải phân cách, vườn hoa và công viên. Tuy nhiên, cây bụi và trồng thảm chưa được quan tâm đúng mức, công tác duy trì và cắt tỉa còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các loài còn tự do, nhiều khu vực còn do người dân trồng theo sở thích. Chính vì vậy, chất lượng cây bụi và trồng thảm chưa cao, chưa có giá trị thẩm mỹ và hạn chế trong việc đóng góp vào chất lượng kiến trúc cảnh quan chung của đô thị.

2. Cây xanh vườn hoa – công viên

Bên cạnh hệ thống cây xanh đường phố, vườn hoa và công viên là hai yếu tố vô cùng quan trọng để hình thành hệ sinh thái tự nhiên trong đô thị. Tuy nhiên, vườn hoa – công viên tại khu trung tâm đô thị không nhiều, chưa được quan tâm và đầu tư bài bản; chất lượng không gian kiến trúc cảnh quan các vườn hoa và công viên tại khu trung tâm đô thị còn nhiều hạn chế.

Hình 2. Cây xanh đa chủng loại tạo nên sự hỗn loạn, kém hấp dẫn cho cảnh quan đường phố và giảm hiệu quả vi khí hậu trên tuyến đường Trần Nhật Duật, Khu đô thị mới Ka Long Riverside City. (Nguồn: Phạm 2023)

Hạ tầng cảnh quan của hệ thống vườn hoa, công viên ít được đầu tư và đang xuống cấp. Chất lượng không tốt là nguyên nhân hạn chế người dân khai thác và sử dụng. Đặc biệt, công viên trung tâm đang xuống cấp nghiêm trọng, chất lượng cảnh quan và cây xanh thấp, chưa hấp dẫn; chưa tạo lập các không gian phù hợp với đặc trưng của từng khu vực, nhất là khu vực Đài tưởng niệm Liệt sỹ và di tích Cách mạng. Đường dạo và các bồn hoa xuống cấp, gần như không còn khả năng sử dụng. Trong khi đó, các tuyến đường lát đá được đầu tư cùng dự án kè bờ Đông sông Ka Long được thực hiện theo hướng hạ tầng kỹ thuật hoặc mật độ lát quá nhiều trong không gian hẹp tại khu vực phía Nam của công viên nên kém hấp dẫn và hiệu quả cải thiện vi khí hậu chưa cao.

3. “Sức khỏe” cây xanh đô thị 

Cây xanh đô thị chịu nhiều sức ép và tác động do các hoạt động của con người tới quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng. Đặc biệt đối với cây xanh đường phố, chúng không chỉ là chức năng tạo cảnh quan và cải thiện vi khí hậu, người dân còn sử dụng cây xanh cho nhiều mục đích khác nhau nhằm phục vụ cho các hoạt động của bản thân: Treo biển, đóng đinh, chăng đèn led…

Hình 3. Chọn loài không phù hợp với môi trường khu vực làm giảm khả năng sinh trưởng phát triển của cây xanh dù được trồng trong không gian rộng. Ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả thẩm mỹ, chất lượng cảnh quan và môi trường đô thị – đường Hữu Nghị. (Nguồn: Phạm 2023)

Bộ rễ của cây đường phố là cơ quan gặp phải nhiều vấn đề nhất: Không đủ đất và dinh dưỡng, vướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, thông tin liên lạc…), đất chặt và ô nhiễm, thiếu nước hoặc ngập úng,… Chúng ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ rễ và làm cho cây kém phát triển. Chưa kể, sự phát triển của bộ rễ và tán cây có mối quan hệ tương đồng về diện tích che phủ; Đây là một yêu cầu không thể tự có được trong điều kiện đường phố. Hệ thống đường dây Khu trung tâm đô thị đa phần vẫn đi nổi; cây xanh bóng mát trồng trên các vỉa hè chịu ảnh hưởng cả hạ tầng ngầm và trên không.

Hình 4. Quấn đèn led dây và bồn cây nhỏ trên vỉa hè hẹp ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, khả năng sinh trưởng và phát triển của cây xanh; ảnh hưởng gián tiếp tới chất lượng cảnh quan tại đường Trần Quang Diệu, Khu đô thị mới Ka Long Riverside City. (Nguồn: Phạm 2023)

4. Công tác quản lý nhà nước về cây xanh đô thị

Phòng Quản lý đô thị, trực thuộc UBND TP Móng Cái là cơ quan quản lý nhà nước hệ thống cây xanh đô thị. Với nhân lực mỏng, chỉ 8 người và không có cán bộ chuyên trách về quản lý phát triển cây xanh đô thị nên rất khó có thể kiểm soát và xử lý có hiệu quả toàn bộ các vấn đề liên quan đến hệ thống cây xanh đô thị của TP. Hơn nữa, cơ sở dữ liệu cây xanh đô thị được xây dựng và quản lý bằng phần mềm excel nên rất thủ công, gặp nhiều khó khăn trong quá trình quản lý và vận hành.

Hình 5. Sự đan xen của cây xanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật luôn tiềm ẩn nguy cơ chập cháy trong giông lốc, ảnh hưởng trực tiếp tới hình thái và chất lượng cây xanh đô thị cũng như chất lượng kiến trúc cảnh quan đường phố – đường Nguyễn Du. (Nguồn: Phạm 2023)

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý phát triển cây xanh đô thị

1. Giải pháp quản lý nhà nước

Để quản lý phát triển hệ thống cây xanh có hiệu quả, bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái cần có những quy định riêng về các tiêu chuẩn kỹ thuật như: Tiêu chí chọn loài, quy cách và quy trình trồng, thay thế, chăm sóc, duy trì và bảo tồn; các quy trình quy phạm trong quản lý, giám sát, thi công hệ thống cây xanh đô thị… Các văn bản hướng dẫn cần mang tính mở. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cần tuân thủ sự ràng buộc chặt chẽ với các đồ án quy hoạch và thiết kế cây xanh đã được phê duyệt.

Quy chế khen thưởng và xử lý vi phạm cần xác định vai trò, trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm và phát hiện vi phạm trong công tác quản lý phát triển cây xanh đô thị. Xây dựng chương trình mỗi người dân, tổ chức là một giám sát viên; thực hiện cơ chế giám sát ba bên người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Có như vậy việc phát hiện sai phạm trong các hoạt động liên quan đến quản lý phát triển cây xanh đô thị mới triệt để.

Để quản lý có hiệu quả hệ thống cây xanh đô thị của TP, đòi hỏi phòng quản lý đô thị phải có cán bộ chuyên trách và có chuyên môn sâu về cây xanh đô thị. Do đó, công tác tuyển dụng, bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên môn là một trong những nhiệm vụ quan trọngtrong cơ quan quản lý nhà nước.

2. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng

Công tác tuyên truyền góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư, các tổ chức và cơ quan đoàn thể trong công tác quản lý phát triển cây xanh đô thị. Công tác này cần được rà soát, đánh giá và rút kinh nghiệm thường xuyên nhằm tăng tính hiệu quả trong các khâu chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tránh làm suy giảm lòng tin của cộng đồng, phát huy vai trò và trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quá trình thực hiện, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân và lợi ích của cộng đồng. Các hình thức tuyên truyền gồm: Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các chương trình lồng ghép; hưởng ứng các sự kiện quốc tế gắn với môi trường và cây xanh như: Ngày môi trường thế giới, chiến dịch thế giới xanh…; tổ chức các hội nghị, tập huấn và bồi dưỡng cho các tổ chức, cá nhân và tập thể liên quan.

3. Giải pháp khoa học kỹ thuật 

Hình 6. (a) Tạo tán cây xanh đúng; (b) tạo tán cây xanh chưa đúng (Nguồn: Phạm 2016)

Hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin về cây xanh đô thị cần được xây dựng và cập nhật thường xuyên; cần được quản lý bằng phần mềm. Xây dựng phần mềm dựa trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý nhằm chuẩn hóa dữ liệu của các cá thể cây xanh, vườn hoa và công viên và các giao diện tương tác giữa các chủ thể tham gia hoạt động. Phần mềm tích hợp với các hệ thống mã nguồn mở sẽ tăng thêm tiện ích trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị có sự tham gia của cộng đồng; các nhóm đối tượng được phân quyền khả năng truy cập, bổ sung thông tin thậm chí là các yêu cầu về chặt hạ, cắt tỉa… nhằm tối ưu thời gian xử lý thông tin, gián tiếp giảm thiểu rủi ro do cây xanh đem lại đối với cộng đồng dân cư đô thị. Phần mềm kết nối với hệ thống các thiết bị điện tử tin học như: Máy tính và các thiết bị thông minh cầm tay… sẽ góp phần đơn giản hóa quá trình truyền thông giữa các nhóm đối tượng tham gia quản lý phát triển cây xanh.

4. Bộ tiêu chí chọn loài cây xanh đô thị

Xây dựng bộ tiêu chí chọn loài cây xanh gắn với yếu tố bản địa, đặc trưng không gian và định hướng phát triển cảnh quan đô thị biến đổi theo mùa. Phân loại cây xanh đô thị theo nhóm cây chủ đạo để làm khung hướng dẫn cho đô thị. Đối với cây xanh bóng mát trồng trên các tuyến đường, công tác tạo tán ngay từ vườn ươm có vai trò quyết định đến sức khỏe cây xanh cũng như chất lượng không gian kiến trúc cảnh quan sau này. Hình thái tán cần được định hình nhờ hệ thống phân cành thứ cấp, góp phần đảm bảo sự phát triển của cây xanh theo đúng ý tưởng thiết kế không gian cho từng tuyến phố. Đồng thời cần đa dạng hóa về loại hình cây xanh: Cây thảm, cây bụi, cây dây leo và cây thân gỗ…nhằm thích ứng với đặc trưng không gian và tạo lập bản sắc cảnh quan cho đô thị Móng Cái.

5. Xã hội hóa công tác quản lý phát triển cây xanh đô thị

Quản lý phát triển cây xanh đô thị không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước; sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đóng vai trò vô cùng to lớn và hiệu quả khi được phát huy. Tuyên truyền và vận động người dân trồng cây xanh theo định hướng quy hoạch chung và các hồ sơ thiết kế cảnh quan đường phố cho các vị trí trồng cây xanh trước cửa nhà cũng là giải pháp nhằm tăng cường sự đóng góp của người dân và đồng thời tăng cường ý thức bảo vệ theo tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuy nhiên, sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý phát triển cây xanh đô thị ở quy mô lớn cần gắn giữa lợi ích các bên. Các hình thức giải pháp xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị được thể hiện cụ thể trong các giải pháp phát triển các nguồn lực xã hội bao gồm: Nguồn lực tài chính, nguồn lực con người và nguồn lực tài nguyên.

TS PHẠM ANH TUẤN
(Chủ tịch Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam – Trưởng Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan Khoa Kiến trúc và Quy hoạch Đại học Xây dựng Hà Nội)

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.