Quảng Nam: Lực lượng chức năng nỗ lực truy quét vàng tặc trái phép
MTXD - Việc khai thác vàng trái phép không chỉ làm thất thoát tài nguyên khoáng sản mà còn gây mất an ninh trật tự ở địa phương và làm ô nhiễm môi trường và nhiều vấn nạn khác. Điều đáng nói, cho dù thời gian qua các ngành chức năng và chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện, xã đã tiến hành nhiều đợt truy quét, đẩy đuổi, xử lý các đối tượng “vàng tặc”, tuy nhiên vấn nạn này vẫn còn tiếp diễn.
Nhiều đối tượng vẫn lén lút khai thác vàng trái phép tại Quảng Nam.
Thượng tá Lê Nho Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Phòng PC05) Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, vấn nạn khai thác vàng trái phép diễn biến phức tạp trên địa bàn miền núi tỉnh Quảng Nam nói chung và tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu nói riêng vẫn lén lút diễn ra. Các đối tượng khai thác vàng trái phép đã lợi dụng địa hình phức tạp ở miền núi, đường đi lại khó khăn và nhất là mùa mưa bão để đưa các thiết bị máy móc vào hiện trường đào bới san lấp núi tuyển vàng. Trong đó nạn khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu là điển hình.
Máy móc khai thác vàng đặt sát mép sông.
Mới đây, cơ quan chức năng đã phối hợp truy quét, đẩy đuổi, xử lý các đối tượng “vàng tặc” tại một loạt địa điểm khai thác vàng trái phép ở bãi vàng Bồng Miêu như: Thác Trắng, Đồi Sim, địa danh AD, AM, ngách chụm, lò 5, 6, 7;... đồng thời phá hủy 12 máy nổ, 2 máy phát điện, 1 máy đục, 30 cối xay đá, 25 lán trại, 37 xe rùa, 5.000 m ống dẫn nước, 2.500 m dây điện. Riêng các đối tượng khai thác vàng đã rút khỏi các khu vực trên nên không bắt được đối tượng nào. Việc đánh sập các hầm khai thác vàng trái phép được đánh giá là biện pháp hữu hiệu nhất trong điều kiện hiện nay nhằm xử lý triệt để nạn “vàng tặc” ở những vùng núi hiểm trở.
Trong năm 2022, cơ quan chức năng đã liên tục tuần tra, truy quét phá hủy lán trại của các nhóm đào vàng trái phép.
UBND tỉnh Quảng Nam thường xuyên chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu. Theo đó, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND huyện Phú Ninh tiếp tục kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác vàng trái phép, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Điển hình gần đây nhất có kế hoạch số 5491 ngày 20/8/2021, các Công văn số: 1359 ngày 9/3/2022; số 4437 ngày 8/7/2022; số 7915 ngày 29/11/2022... UBND tỉnh đã tổ chức kiểm tra thực tế và làm việc với các đơn vị, địa phương liên quan để chỉ đạo xử lý nghiêm, kiên quyết đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật; trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khẩn trương truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: “Công tác truy quét, đẩy đuổi, kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác vàng trái phép trên địa bàn tỉnh nói chung, địa bàn Bồng Miêu nói riêng luôn được Ban Giám đốc quan tâm, chỉ đạo quyết liệt”. Trong năm 2022, lực lượng Công an tỉnh đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, truy quét đối tượng khai thác vàng trái phép tại khu vực Bồng Miêu, ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng vi phạm; phá hủy toàn bộ máy móc, phương tiện phục vụ cho hoạt động khai thác vàng trái phép mà lực lượng chức năng đã phát hiện được.
Khai thác vàng trái phép ảnh hưởng lớn tới môi trường.
Theo thống kê, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và lực lượng Công an huyện Phú Ninh đã tổ chức 57 đợt kiểm tra, truy quét, xử lý vi phạm hành chính 16 đối tượng có hành vi khai thác vàng trái phép với tổng số tiền 960 triệu đồng; đẩy đuổi hơn 200 lượt đối tượng ra khỏi khu vực khai thác vàng trái phép, phá hủy 150 máy nổ, máy xay các loại, 31 củ phát điện, 140 lán trại, 59 bồn hóa chất, 10.000 dây dẫn điện, 12.000 dây dẫn nước và các đồ vật khác có liên quan đã dần ổn định tình hình an ninh trật tự.
Trước đó, Ngày 15/3/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 488 phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu. Trong đó, giao UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công thực hiện Đề án. Thời gian thực hiện đóng cửa mỏ là 12 tháng, kinh phí thực hiện từ nguồn ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu và bổ sung một phần từ ngân sách tỉnh Quảng Nam theo quy định.
Nhuận Mẫn – Huấn Trương
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.