Rộn rã đua thuyền trên xứ đảo đầu xuân
MTXD - Mỗi dịp tết đến xuân về, người dân đảo Lý Sơn lại mong chờ đến ngày diễn ra Lễ hội đua thuyền truyền thống. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm và có ý nghĩa rất lớn đối với người dân quê hương Hải đội Hoàng Sa.
Vào tháng 9/2020 Lễ hội đua thuyền truyền thống của đảo Lý Sơn đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là một lễ hội đặc sắc, đang được người dân đảo Lý Sơn gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Lễ hội đua thuyền truyền thống tại đảo Lý Sơn diễn ra từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch năm Quý Mão được tổ chức ở hai làng An Hải và An Vĩnh. Mỗi làng sẽ có bốn thuyền đua tham gia tranh tài, mỗi thuyền đua đại diện cho một xóm. Các thuyền đua được mô phỏng theo bốn con vật tứ linh, gồm: Long, Lân, Quy, Phụng.
Lễ hội đua thuyền Tứ Linh trên đảo Lý Sơn trở thành ngày hội lớn nhất trong năm.
Trước khi hội đua diễn ra, dân làng từ già đến trẻ đều tập trung về đình làng để tham dự buổi lễ tế thần linh, tiền hiền, hậu hiền phía trong đình. Nghi lễ Cạnh đạo Tứ linh nghinh tường thỉnh phúc được các bô lão trên đảo thực hiện trang nghiêm tại hai Di tích Quốc gia Đình Làng An Vĩnh, Đình Làng An Hải. Lễ hội tái hiện khá đầy đủ nghi lễ khai hội của hàng trăm năm trước. Tiếp đến là cuộc lễ xin được mở đầu cuộc đua phía ngoài bến. Phần nghi lễ kết thúc, thuyền đua về vị trí hoa tiêu chờ xuất phát. Thời điểm xuất phát sớm muộn, gia giảm tùy theo con nước, nhưng nằm trong khung giờ Ngọ (từ 11 giờ 30 – 13 giờ 30).
Lễ hội được tổ chức tại 2 Di tích quốc gia Đình làng An Hải và Đình làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Các đội thuyền đều có những chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước khi diễn ra cuộc đua. Thuyền đua được sơn, sửa, đóng mới để đảm bảo chất lượng của thuyền. Từ giữa tháng chạp người ta bắt đầu sửa chữa, trang trí các thuyền đua. Để chuẩn bị cho hội đua thuyền, các xóm, lân tuyển chọn những chàng trai mạnh khỏe, giỏi nghề biển, kết hợp với những trung niên giàu kinh nghiệm để thành lập đội đua. Mỗi thuyền đua có 24 vận động viên, được tuyển chọn kỹ càng bao gồm các vị trí: tổng lái, tổng mõ, dân bơi. Các thuyền đua sẽ có trang phục khác nhau, điểm chung là các vận động viên đều mang khăn đỏ trên đầu.
Người tham gia đua thuyền Tứ linh cũng được tuyển chọn từ những ngư dân giỏi nghề đi biển ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Vận động viên tham gia đua thuyền là những chàng trai khỏe mạnh, quen với công việc làm biển. Trước ngày diễn ra cuộc đua chính thức, mỗi đội thuyền đều tranh thủ tập luyện để làm quen. Thuyền đua được các nghệ nhân trên đảo trang trí sặc sỡ, mô phỏng theo hình dáng và màu sắc của 4 con vật trong tứ linh. Mỗi thuyền đua sẽ có một sắc thái riêng, mang đặc trưng của linh vật mà nó thể hiện.
Trên sóng nước, những trai tráng ra sức tranh tài, trên bờ tiếng trống hội cùng sự hò reo cổ vũ của người dân.
Không khí ngày diễn ra Lễ hội đua thuyền rất sôi nổi, từ người già đến trẻ nhỏ, ai ai cũng hò hét cổ vũ cho đội thuyền xóm mình. Các đội thuyền rẽ sóng lướt đi, trong tiếng trống giục, tiếng hò reo từ trên bờ biển. Người dân Lý Sơn quan niệm, nếu thuyền của xóm nào về đích đầu tiên trong cuộc đua, thì sẽ mang lại may mắn cho xóm đó.
Sau 4 ngày đua thuyền tại đình làng An Vĩnh, Thuyền Phụng đã xuất sắc giành giải Nhất.
Thuyền Quy và Lân bằng điểm nên rút thăm Quy giải nhì, Lân giải ba, Rồng giải tư.
Ông Bùi Minh Cảnh, Trưởng Ban Khánh tiết Di tích quốc gia Đình làng An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi cho biết: Đây là Lễ hội lâu đời được nhân dân gìn giữ và mong muốn Đình làng tổ chức hằng năm. Việc tổ chức Lễ hội này trước là tâm linh, sau phục vụ khán giả trong dịp đầu năm mới, cầu cho mưa thuận gió hoà, dân chúng được bình an, hạnh phúc. Lễ hội là sự tri ân công đức các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo, những tiền nhân đã ra đi bảo vệ từng tấc đất quê hương. Đó là những Cai đội, Chánh suất đội, Thủy quân ở đảo Lý Sơn, được sung vào đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lễ hội này đã ăn sâu vào tâm thức của cư dân đất đảo. Thể hiện khát vọng chinh phục biển khơi, nơi mà cha ông đã không tiết thân mình để cắm mốc, dựng bia chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Lễ hội đua thuyền đầu xuân trên đảo Lý Sơn là sinh hoạt văn hóa truyền thống, gắn kết cả về phần lễ với phần hội, lôi cuốn đông đảo người dân địa phương, du khách, tạo nên không khí phấn khởi, vui tươi trên đất đảo mỗi dịp tết đến, xuân về.
Tiêu Dao
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.